Phải chăng Việt Nam đã ‘cam chịu’ Trung Quốc?

BBC

Một cựu quan chức Việt Nam ở Ban Biên giới của Chính phủ đặt vấn đề liệu Việt Nam đã ‘cam chịu’ Trung Quốc trên Biển Đông khi có các phản ứng được cho là rất ‘yếu ớt’ và ‘chưa đủ’ sau khi Trung Quốc tập trận ở khu vực Hoàng Sa trên Biển Đông, rất gần thành phố Đà Nẵng.

Trao đổi với BBC hôm 06/9/2017, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ của Việt Nam nói:
“So sánh hành động này với năm 2014 khi mà giàn khoan HD-981 kéo vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, thì lần này hành động này có thể nói là trầm trọng hơn, nguy hiểm hơn và thô bạo hơn.
“Nhưng nếu ta so sánh thái độ của chính quyền Việt Nam năm 2014 và hiện nay tôi nhận thấy một điều là năm 2014, tuy vậy, chính quyền Việt Nam cũng phản ứng rất rõ ràng, cụ thể là đã có ý kiến với người đại diện của sứ quán Trung Quốc, cụ thể là đã làm văn thư gửi lên Liên Hợp Quốc cho ông Tổng Thư ký, cụ thể cũng đã có tuyên bố rất mạnh mẽ.
“Đó là những hành vi, những động thái của Việt Nam phản ứng trước hành vi (về) Giàn khoan HD-981 năm 2014, thế nhưng lần này thật sự là tôi cảm thấy thất vọng bởi trong khi Trung Quốc đang tập trận, bắn đạn thật ở cách Đà Nẵng có 75 hải lý, thì Việt Nam ở Đà Nẵng vẫn cứ ăn mừng quốc khánh, bắn pháo hoa.
“Rồi chính quyền Việt Nam chỉ ra một tuyên bố rất yếu ớt là ‘quan ngại’, rồi đề nghị Trung Quốc chấm dứt hành động này, theo tôi phản ứng này rất yếu ớt và gần đây có thêm một tuyên bố nữa của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ngôn từ có vẻ mạnh hơn một chút, tức là ‘phản đối mạnh mẽ’.

‘Cam chịu Trung Quốc?’

Ông Giao cho rằng cách xử lý của Việt Nam có thể tạo ra ‘tiền lệ’ rất bất lợi cho nước này trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, ông nói:
“Và như thế dường như nó tạo tiền lệ tiếp theo trong tương lai để Trung Quốc hoành hành ở Biển Đông và đặc biệt Việt Nam hiện nay đang bị Trung Quốc chế áp, khống chế rất mạnh mẽ.
“Và nếu như chính phủ Việt Nam trong những ngày tiếp theo không có những động thái về mặt ngoại giao chính thức, công khai, mạnh mẽ trên trường quốc tế, tôi nghĩ rằng nó sẽ dường như là hành vi tiếp nối sau câu chuyện chính phủ Việt Nam đã phải buộc cho công ty Repsol ngừng thăm dò khai thác ở Bãi Tư Chính.
“Và bây giờ bằng hành động họ tập trận ở trên Vùng Đặc quyền Kinh tế, dường như nó thể hiện chính phủ Việt Nam cam chịu những hành vi đó của Trung Quốc và cái đó hoàn toàn bất lợi về mặt pháp luật cho câu chuyện đấu tranh về mặt pháp lý cũng như đấu tranh về mặt ngoại giao đối với Trung Quốc,” Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao nói với BBC hôm thứ Tư.
Quý vị đón theo dõi thảo luận Bàn tròn thứ Năm trên kênh Facebook của chúng tôi vào lúc 19h00 ngày 07/9/2017 với các vị khách mời từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản bình luận về diễn biến Trung Quốc tập trận gần Đà Nẵng, phản ứng của Việt Nam, ý nghĩa và hệ lụy.

Bình luận về bài viết này