Tiếng Dân: Bản tin ngày 22-5-2019

22/05/2019
Tiengdan

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Philippines thân thiện với Trung Quốc vì lo Mỹ không cương quyết về Biển Đông? Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin nói rằng, chuyện Mỹ đưa ra đề nghị có tính mơ hồ về chiến lược ở Biển Đông, khiến quốc gia Đông Nam Á này cải thiện quan hệ với Trung Quốc: “Việc Trung Quốc ngỏ lời về đối tác chiến lược hấp dẫn hơn nhiều so với đề nghị hiện tại của Mỹ có sự mơ hồ về chiến lược”.

Tuy nhiên, ông Locsin nhấn mạnh, Philippines là đồng minh quân sự của Mỹ và sẽ đứng về phía Mỹ khi xung đột xảy ra. Ngoại trưởng Philippines cho biết, ông muốn duy trì hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước, có từ năm 1951: “Rõ ràng rằng trong một cuộc chiến tranh, chúng tôi là đồng minh của Mỹ. Điều đó là chắc chắn”.
RFA dẫn nguồn từ trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), cho biết: Trung Quốc điều hàng loạt tàu đánh bắt nghêu đến Biển Đông. Trong 6 tháng qua, Trung Quốc điều hàng loạt tàu đến khu vực Biển Đông để khai thác nghêu, đặt ra nguy cơ về tác động tiêu cực đến môi trường. AMTI công bố thông tin này, cùng những hình ảnh vệ tinh cho thấy, “Trung Quốc đã điều hàng chục tàu với các tàu mẹ đến khu vực quần đảo Hoàng Sa, bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa”.
Trang Bảo Vệ Pháp Luật đưa tin: Tàu Hải quân Hoàng gia Canada lần đầu tiên thăm cảng Quốc tế Cam Ranh. Đại sứ quán Canada tại Việt Nam xác nhận, tàu Hải quân Hoàng gia Canada (HMCS) Regina sẽ đến thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh vào ngày 10/6/2019, cùng với tàu tiếp vận hậu cần hải quân (NRU) Asterix.
Đây là một phần trong chương trình hoạt động của Hải quân Hoàng gia Canada trao đổi với hải quân của các nước đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chương trình này giúp củng cố khả năng thực hiện các hoạt động chung hiệu quả với các nước đối tác.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và chuyện giá điện
Báo Người Lao Động có bài: Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình gì với Quốc hội về lý do tăng giá điện. Ông Tuấn Anh ngụy biện nhiều nhưng chủ yếu liên quan tới hai luận điểm chính: Chuyện tăng giá điện không ảnh hưởng đến chỉ số CPI và lạm phát (sai kiến thức kinh tế cơ bản), hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình tăng mạnh là do… thời tiết nắng nóng bất thường (vậy là ông trời lại phải “mang nợ” quan chức CSVN).
VnEconomy đưa tin: Sau giải thích về giá điện, khách hàng chủ động gỡ 8 bài trên Facebook. Khách hàng chủ động gỡ bài hay ai đó đã tác động, kêu họ gỡ? Nhà báo Mai Quốc Ấn chẳng những không gỡ bài mà còn trưng ra hơn chục bài mà ông đã viết về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tuyên bố rằng ông chịu trách nhiệm về những gì mình viết.
Ông Ấn viết: “Tôi sẽ không gỡ bất cứ bài nào về giá điện trước nay tôi viết. Ngoài ra, tôi vẫn bảo lưu quan điểm xứng đáng có đại án ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Họ kiện, tôi sẵn sàng chứng minh! Đây là thống kê cơ bản chưa đầy đủ các bài viết của tôi liên quan giá điện và không chỉ giá điện của EVN. Nó còn nguyên tính thời sự đấy và vẫn đúng cho lần tăng giá điện tiếp theo. Tôi- Mai Quốc Ấn, sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những gì tôi viết!

Photo RFA

Cụm từ “đúng quy trình” bị dân chửi quá, nên đổi sang thành “đúng quy định”? VnExpress dẫn lời Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu thay mặt Chính phủ: ‘Việc tăng giá điện được thực hiện đúng quy định’. Ông Tuấn Anh cho biết, theo quy định, giá điện đã được điều chỉnh từ năm 2018, nhưng cân nhắc nhiều yếu tố tác động nên đã được lùi lại. Năm 2019, Thủ tướng có quyết định cho phép Bộ Công Thương tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 8,36% và lựa chọn thời gian tăng là 15-20/3.
Phía Chính phủ thông báo, đã chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN và các cơ quan liên quan kiểm tra, giải đáp cho người dân, doanh nghiệp. Kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương về giá điện cho thấy, ngành điện đã thực hiện đúng quy định trong niêm yết công khai giá điện mới, ghi và chốt chỉ số công tơ, tiền điện.
Sai phạm đất đai
TP.HCM thu hồi gần 11.000 m2 “đất vàng” sai phạm để xây trường học, theo Biz Live. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong kết luận, hiện quỹ đất dành cho giáo dục ở quận 10 còn thiếu so với quy định và quy hoạch được duyệt, trong khi đó, khu đất số 419 Lê Hồng Phong đến hết năm 2020 là hết thời hạn thu đất, đơn vị được cho thuê đất đã vi phạm các điều khoản nêu trong hợp đồng, nên TP sẽ thu hồi và bàn giao toàn bộ diện tích khu đất cho UBND quận 10 để đầu tư xây dựng trường THCS.
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Công khai 10 khu đất phân lô bán nền, xây dựng trái phép tại phường Thạnh Xuân, quận 12. Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12 thừa nhận, các khu đất này đã tiến hành phân lô, quảng cáo để chuyển nhượng. Tình hình vi phạm trong hoạt động xây dựng, san lấp, đầu tư hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp, sử dụng đất không đúng mục đích diễn biến phức tạp.
Trang Nhà Báo và Công Luận đặt câu hỏi: Công ty CP Đầu tư Xây dựng số 14 – CC14 bị tố giả chữ ký, chiếm đoạt đất của dân? Bà Bùi Thị Mỹ Hương cho biết, năm 2001, vợ chồng bà có mua một lô đất ở phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP HCM, đến năm 2018 thì người bán làm hợp đồng công chứng để chuyển nhượng QSDĐ qua cho vợ chồng bà Hương đứng tên.
Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ lên Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM Chi nhánh quận 2, bà Hương phát hiện, năm 2007 đất của mình đã bị CC14 thỏa thuận nhận tiền bồi thường từ Công ty CP Hải Duy để Hải Duy nhận lại quyền sử dụng 523,4m2 đất. CC14 dựa vào hai văn bản thỏa thuận bồi thường có chữ ký, chữ viết giả mạo tên bà Hương.
Chuyện ở Đồng Nai: Phát hiện nhiều sai phạm trong giao đất, cho thuê đất, theo báo Thanh Tra. Thanh tra tỉnh này chỉ ra, từ ngày 1/7/2014 đến 31/12/2017, các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch có tổng cộng 70 đơn vị được giao đất với tổng số tiền phải nộp ngân sách Nhà nước là hơn 2.157 tỷ đồng.
Thanh tra tỉnh Đồng Nai chọn 8 hồ sơ dự án trên địa bàn 3 huyện trên thì phát hiện, cả 8 hồ sơ dự án đều không thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định. Trong đó, 6 hồ sơ dự án giao đất, cho thuê đất có thu tiền sử dụng đất không thể hiện việc thẩm định chủ đầu tư có khả năng huy động vốn từ ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Phúc thẩm vụ công an đánh chết dân ở Ninh Thuận
Vụ Công an TP Phan Rang, Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, dùng nhục hình đánh chết bị can Võ Tấn Minh hồi tháng 9/2017, TAND Cấp cao TP HCM mở phiên phúc thẩm ngày 21/5, tuyên y án 5 cựu công an dùng nhục hình đánh chết bị can, Zing đưa tin.

Các cựu công an tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Tuấn Kiệt/ Zing

Trước đó, tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Ninh Thuận đã tuyên phạt Ngô Văn Sáng 7 năm tù, Trần Đức Lâm 6 năm tù, Nguyễn Phạm Việt Hà 6 năm tù, Hồ Bá Đồng 5 năm tù và Vũ Trọng Trường 3 năm tù, về tội dùng nhục hình, đánh chết bị can Võ Tấn Minh.
Vào ngày 8/9/2017, Minh được dẫn giải về nhà tạm giữ của Công an TP Phan Rang – Tháp Chàm rồi xảy ra xô xát, Trường và Sáng được phân công làm việc với Minh. Nhóm cán bộ kể rằng, Minh có thái độ không hợp tác nên đã dùng nhục hình, tra tấn Minh theo nhiều cách, có dùng một ống nhựa dài 53cm để đánh Minh.
Cũng tin công an, TAND TP Hà Nội vừa giảm án cho nguyên cán bộ Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo báo Công Lý. Trước đó, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Đỗ Thành Trung, cựu cán bộ công an 16 năm tù, Trần Ngọc Lệ 13 năm tù, Phùng Quốc Tú 12 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong vụ này, các bị cáo Trung, Lệ, Tuấn, Tú lừa đảo có tổ chức, ký kết các hợp đồng chuyển nhượng nhà đất, ô tô, hợp đồng ủy quyền, thế chấp tài sản chiếm đoạt tiền của các tổ chức tín dụng và cá nhân.
Đạo đức băng hoại
Công an huyện Nam Đàn, Nghệ An đang điều tra vụ cụ bà nghi đổ thuốc diệt cỏ xuống giếng hàng xóm, báo Lao Động đưa tin. Cô Vân, người dân xã Nam Xuân, kể, ngày 15/5, sau khi xem camera gia đình, đã phát hiện bà Th, là hàng xóm, mang chai nước chạy vào nhà. Do cửa bên trong khóa nên bà chạy ra. Cô Vân Nghi ngờ bà Th có ý định xấu và đã báo Công an xã ngay sau đó.
Cô Vân nói: “Trước những bằng chứng không thể chối cãi như thời gian, địa điểm hình ảnh bà Th. đi mua thuốc diệt cỏ được trích xuất từ camera an ninh, bà Th. đã phải thừa nhận ngày 14.5 đã đổ một chai thuốc diệt cỏ cháy xuống giếng nước của gia đình tôi”.
Báo Pháp Luật Plus có bài: Nguyên nhân khiến cụ bà nhẫn tâm đổ thuốc diệt cỏ xuống giếng nước nhà hàng xóm. Cô Vân cho biết, trước đó khoảng 1 năm, gia đình cô có mất một số tiền, gia đình có nghĩ đến việc bà Th là người đã lấy số tiền trên nên cô có nhắn tin hỏi con bà Th, nếu có lấy thì cho xin lại. Từ đó giữa hai gia đình xảy ra mâu thuẫn kéo dài.
Chuyện ở Thanh Hóa: Bé gái 11 tuổi bị nam thanh niên chém trọng thương, theo báo Tuổi Trẻ Thủ Đô. Chiều ngày 21/5, PGĐ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, các đơn vị nghiệp vụ cùng với Công an huyện Triệu Sơn điều tra vụ cháu Phạm Thị Ngọc L bị đối tượng dùng dao chém nhiều nhát vào đầu gây thương tích, phải đi cấp cứu tại BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Thủ phạm tên Hiếu khai nhận, chiều ngày 20/5, hắn sang nhà hỏi cháu L mượn chiếc thuyền để bơi trên hồ nhưng cháu L không cho. Bực tức, Hiếu dùng dao chém cháu L nhiều nhát vào vùng đầu và cổ rồi bỏ trốn. Phía bệnh viện cho biết, nạn nhân L nhập viện với 6 vết chém vùng đầu, trong đó có 3 vết dập xương, lún sọ.
Bé trai 9 tuổi ở Hậu Giang bị cha đánh dã man do chậm tiếp thu bài, theo VietNamNet. Lãnh đạo Công an thị xã Ngã Bảy cho biết, công an đã khởi tố, tạm giam Huỳnh Văn Út để điều tra hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Cách đây 2 tuần, Út ôn bài cho con trai 9 tuổi để chuẩn bị thi học kỳ. Trong lúc dạy, Út nhiều lần dùng tay, roi đánh, do con chậm tiếp thu. Út đánh đập con đến tận gần 3 giờ sáng hôm sau. Sau đó, Út tiếp tục kêu con trai ra sau vườn ôn bài, lần này gã đánh đứa trẻ bằng cây, khiến cháu bé bị thương tích 14%.
Tin môi trường
Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về vụ nhà máy gây ô nhiễm ở Ðồng Nai: Dân bị lừa ký đơn tham vấn cộng đồng? Đó là vụ Công ty AB Mauri Việt Nam từng bị UBND tỉnh Ðồng Nai đình chỉ hoạt động vào năm 2011 vì vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Mới đây công ty này được nâng công suất sản xuất nhưng lại tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 14/1/2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã cho phép Công ty AB Mauri tăng công suất từ 5.000 tấn lên 6.000 tấn/năm. Để đạt được điều kiện này, tỉnh Đồng Nai yêu cầu UBND xã La Ngà tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Sau đó, UBND xã La Ngà báo cáo đã tổ chức tham vấn 34 người dân trong việc cho nhà máy nâng công suất, nhưng người dân phản ánh đã bị Cty AB Mauri lừa ký vào đơn tham vấn cộng đồng.
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Đà Nẵng thiếu nước rất nghiêm trọng. Sáng 21/5, ông Huỳnh Văn Đàn, một người dân quận Sơn Trà cho biết: “Họ (Dawaco – PV) nói đến 24h ngày 18-5 có nước trở lại, mà giờ ngày 21-5 rồi vẫn chưa có. Người dân ở đây phải qua nhà người thân chỗ khác để xin từng xô về sinh hoạt”.
Một người khác chia sẻ: “Nói chung là hỗn loạn lắm, bà con bức xúc đủ kiểu. Người của nhà máy nước mở luôn van cứu hỏa công cộng để bà con lấy nước, nhưng nước đục quá, lẫn cả rác nữa nên chỉ có thể dội nhà vệ sinh, không dùng sinh hoạt được”.
Không phải ô nhiễm không khí, đây mới là tác động đe dọa Hà Nội và TP.HCM nhất từ biến đổi khí hậu, theo CafeBiz. Bài báo có đoạn: “Mặc dù chúng ta dường như đã bắt đầu phải trả giá, nhưng vẫn có cơ hội cho một số giải pháp còn có thể thực hiện. Dừng ngay lập tức việc sử dụng than làm nguồn năng lượng và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo có thể giúp hồi phục một phần môi trường toàn cầu“.
Tin giáo dục
Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô có bài: Trách nhiệm gia đình trong tiêu cực thi cử cần phải truy đến tận cùng “gốc rễ”. Trong cuộc họp Quốc hội sáng 21/5, các sai phạm, trì trệ của ngành giáo dục lại được đem ra phân tích, có lãnh đạo quy trách nhiệm cho kỳ thi “hai trong một” đã để xảy ra nhiều tiêu cực, rườm rà nhưng kém hiệu quả, có quan chức nói về trách nhiệm của các gia đình “lý lịch đỏ”. Vẫn không có giải pháp cho nền giáo dục VN băng hoại, càng lúc càng bế tắc.
Vụ gian lận điểm thi: Cử tri đề nghị công khai cán bộ “chạy điểm” cho con, theo báo Lao Động. ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương thừa nhận, vụ gian lận thi cử vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người dân, cần phải công khai đối tượng gian lận: “Nhiều em được[bị] điểm liệt nhưng được nâng lên thành điểm giỏi để đỗ thủ khoa. Những trường hợp này không thể nói là không liên quan, không biết việc gian lận, nâng điểm”.
UBND quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng yêu cầu buộc thôi việc cô giáo đánh liên tiếp vào đầu học sinh, báo Một Thế Giới đưa tin. Theo UBND quận Hồng Bàng, cô Trang không những đã hành hung học sinh, mà còn không kịp thời thăm hỏi sức khỏe, xin lỗi học sinh và phụ huynh em Hoàng Gia Đức để khắc phục sai phạm bản thân. Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng yêu cầu Hiệu trưởng nhà trường tổ chức thực hiện quy trình, thủ tục kỷ luật giáo viên Trang với hình thức “buộc thôi việc”.
Hội đồng kỷ luật trường Tiểu học Quán Toan đã kỷ luật cô giáo thứ hai đánh học sinh ở Hải Phòng, theo Zing. Cô Phạm Thị Vân, GV chủ nhiệm lớp 2A7, đồng phạm của cô Trang trong vụ đánh học sinh, bị đề xuất mức kỷ luật khiển trách. Chuyện kỷ luật tập thể ban giám hiệu trường Tiểu học Quán Toan do hội đồng kỷ luật cấp quận thực hiện. Hình thức cuối cùng đối với hiệu trưởng và ban giám hiệu sẽ được đưa ra trong thời gian tới.
Báo Thời Đại đặt câu hỏi: ĐH Kinh tế Quốc dân cấp chứng chỉ ngoại ngữ trái phép?Nhiều độc giả báo này phản ánh, mới đây, hàng trăm học viên đăng ký dự thi kỳ thi lấy chứng chỉ tiếng Anh tại Trung tâm Ngoại ngữ Kinh tế, ĐH Kinh tế Quốc dân, bỗng chốc bị đổi sang thành thi tiếng Pháp.
Một số người cho biết, nếu đăng ký dự thi tại trung tâm ngoại ngữ này thì chỉ cần học ôn 3 buổi đã cầm chắc phần đậu trong tay, vì sẽ được… đọc đáp án của đề thi, đồng thời hướng dẫn đầy đủ các thủ tục, giấy tờ.
***

Bình luận về bài viết này