Bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Vì cá nhân mà hy sinh lợi ích quốc gia…?

May 5, 2018

Calitoday

Photo Credit: BBC

Việt Nam – Cali Today News – Việc Chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng 07/2017 tại Berlin đã khiến mối quan hệ ngoại giao gữa Đức và Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Mở rộng điều tra, mới đây Chính phủ Đức lại đặt nghi vấn Chính phủ Slovakia có liên can nhất định đến vụ bắt cóc này khiến ngoại giao giữa Việt Nam và một số nước ở Châu Âu đứng trước nguy cơ khủng hoảng lan rộng…

Theo thông tin của trang Thoibao.de, hôm thứ Tư ngày 02/05/2018, Thủ tướng Slovakia ông Pellegrini và Thủ tướng Đức bà Angela Merkel đã có cuộc hội đàm tại dinh Thủ tướng Đức. Tại cuộc họp báo ngay sau đó, bà Merkel đề cập đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà trong một mức độ nào có thể có những mối liên quan đến Slovakia.

Liên quan đến việc Chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một doanh nhân Việt Nam đang xin tị nạn ở Đức vào ngày 23/07/2017, một số báo đài ở Đức cũng như báo đài ở Slovakia thông tin (do Thoibao.de lược dịch) cho biết quá trình mở rộng điều tra phía Đức thông báo cho phía Chính phủ Slovakia được biết là họ đang đặt nghi vấn những kẻ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã đưa ông Thanh rời khỏi Châu Âu để về Việt Nam bằng chuyên cơ của Chính phủ Slovakia. Sau hơn 8 tháng giữ kín thông tin để phối hợp điều tra, vào tháng 04/2018 Bộ nội vụ Slovakia đã cho báo đài Slovakia biết một chi tiết quan trọng là thừa nhận vào ngày 26/07/2017, Bộ nội vụ Slovakia đã cung cấp một chuyên cơ Airbus A319 của Chính phủ để chở phái đoàn Công an cấp cao của Việt Nam về nước. Bộ nội Slovakia cho biết, chuyến viếng thăm của phái đoàn Công an cấp cao Việt Nam đến Slovakia là chuyến viếng thăm thường niên liên quan đến việc hợp tác an ninh giữa hai nước. Theo trình bày của Bộ Nội vụ Slovakia vào ngày 26/07/2017 phái đoàn Công an cao cấp Việt Nam do Bộ trưởng Công an Tô Lâm dẫn đầu đã hạ cánh xuống Praha, thủ đô Cộng hòa Séc. Và điểm đến tiếp theo của phái đoàn Công an cấp cao Việt Nam theo lịch trình là bay đến Vienna, thủ đô nước Áo chứ không bay đến Slovakia. Nhưng trong một thời gian ngắn cũng vào ngày 26/07/2017, kế hoạch đã được thay đổi và để cho Bộ trưởng Tô Lâm không bỏ lỡ cuộc hẹn ngay sau đó tại Moscow (Nga) nên Slovakia đã cung cấp cho Bộ trưởng Tô Lâm một chuyên cơ của chính phủ Slovakia là chiếc Airbus A319, được gửi đến Praha – Cộng hòa Séc. Chiều ngày 26/07/2017, chiếc chuyên cơ này lại cất cánh chở Bộ trưởng Tô Lâm cùng với những người tháp tùng đã hạ cánh xuống phi trường Bratislava của Slovakia. Chỉ hơn một tiếng rưỡi sau, chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakei lại cất cánh một lần nữa và bay đến Moscow. Nghi vấn đặt ra là, có hay không Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc rồi sau đó bị đưa lên chiếc chuyên cơ này để rời khỏi Châu Âu về lại Việt Nam? Bộ Nội vụ Slovakia đã phủ nhận khi cho rằng không hề hay biết gì về điều đó và nói rằng tên của nạn nhân bị bắt cóc đã không có ghi trong danh sách hành khách chuyến bay này. Bộ nội vụ Slovakia còn bày tỏ sự giận dữ về việc mình có thể đã bị Việt Nam lợi dụng lòng hiếu khách, phủ nhận việc bản thân tham gia vào vụ bắt cóc. Báo đài Slovakia đã chỉ trích, gây áp lực lên Chính phủ Slovakia khá nhiều.

Theo Thoibao.de tại cuộc họp báo vào ngày 02/05/2018 ở dinh Thủ tướng Đức, mặc dù thủ tướng Đức và giới báo đài có đặt vấn đề liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nhưng Thủ tướng Slovakia ông Pellegrini nói ông chỉ biết rõ những thông tin cách đây vài ngày khi hồ sơ đến bàn giấy của ông và ông đã hành xử ngay lập tức, cam kết với nhà chức trách Đức là hợp tác tối đa và sẽ cung cấp cho phía Đức tất cả thông tin mà phía Đức yêu cầu. Ngoài ra, Thủ tướng Slovakia ông Pellegrini cũng nói với giới báo đài rằng buổi nói chuyện giữa ông và Thủ tướng Merkel không chỉ quan tâm đến vụ doanh nhân Việt Nam bị bắt cóc mà là một loạt các vấn đề có ảnh hưởng đến Slovakia và Liên minh châu Âu.

Với cáo buộc Việt Nam đã cho mật vụ đột nhập phi pháp vào nước Đức để thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, đây chỉ là mới cáo buộc một chiều từ phía Đức nhưng cũng đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Việt Nam và Đức. Hiện tại, Tòa thượng thẩm Berlin đã mở những phiên xét xử mật vụ Nguyễn Hải Long (47 tuổi. Quốc tịch: Việt Nam và Cộng hòa Séc) với cáo buộc đưa ra là đã “hoạt động gián điệp” và “hỗ trợ việc cưỡng đoạt tự do” vì tham gia vào vụ bắt cóc ông Thanh.

Nếu những cáo buộc mà phía Chính phủ Đức đưa ra là chính xác thì rõ là một chấn động lớn, không chỉ dừng ở cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Việt Nam và Đức mà còn ảnh hưởng đến ngoại giao giữa Đức và Slovakia, Slovakia và Việt Nam chỉ vì một nhân tố Trịnh Xuân Thanh, cũng không lường khả năng cuộc khủng hoảng ngoại giao này nó còn lan rộng thêm ở Châu Âu.

Hiện tại, Bộ Ngoại giao Slovakia đã triệu tập đại sứ Việt Nam tại Slovakia để yêu cầu giải trình về các khả năng liên quan tới việc bắt cóc đưa ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam.

Trong khi đó, trước những động thái đầy cứng rắn đến từ Chính phủ Đức liên quan đến cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, phía Việt Nam hầu như không có động thái gì đáng kể ngoại trừ ngày 03/08/2017, trả lời trước báo đài trong và ngoài nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng nói lấy làm tiếc về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 02/08/2017.

“Theo thông báo ngày 31/07/2017 của Bộ Công an Việt Nam thì ông Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú. Hiện nay các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành điều tra”

Bà Hằng cũng nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức.

Vào ngày 21/9/2017, thông qua nội dung bức thư hồi đáp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh của Việt Nam gửi cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel, Chính phủ Đức thấy phía Việt Nam không thừa nhận hành vi sai trái của mình nên đã mời Đại sứ Việt Nam tại Đức tới rụ sở Bộ Ngoại giao để thông báo về việc đình chỉ đối tác chiến lược và lệnh trục xuất cán bộ ngoại giao của Việt Nam ở Berlin.

Giới quan sát Việt Nam theo dõi vụ việc thông qua những thông tin từ phía Đức đưa ra, một số ý kiến đặt câu hỏi rằng nếu những cáo buộc từ Đức đưa ra đúng, vụ bắt cóc là sự thật thì không hiểu Trịnh Xuân Thanh có giá trị như thế nào trên bàn cờ chính sự Việt Nam đến nổi Việt Nam phải thực hiện một động thái không được quốc tế công nhận, gây thiệt hại cho bản thân là rất lớn?

Thiệt hại của Việt Nam dễ thấy trước mắt là ảnh hưởng xấu đến mối hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, tiến trình ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (gọi tắt là EVFTA) đang trở nên chông gai hơn bao giờ hết, thậm chí là đóng cửa vô thời hạn đối với Việt Nam. Về phương quốc tế nói chung, thật khó có nhà nước nào chấp nhận làm ăn với một nhà nước từng bị cáo buộc thực hiện vụ bắt cóc, vi phạm luật pháp quốc tế. Trong trường hợp này, giới quan sát chỉ đưa ra ý kiến số nhiều là chung quy Việt Nam bắt Trịnh Xuân Thanh vì mục đích đấu đá, lợi ích phe nhóm. Nhưng giải pháp để có lợi ích cá nhân mà đem hy sinh lợi ích quốc gia, dân tộc e hạ cấp quá.

Chưa hết, những cáo buộc từ phía Đức đưa ra có sự phối hợp từ phía Slovakia còn có nhắc đến Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam là ông Tô Lâm bị nghi vấn là đã tham gia phi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Nếu Trịnh Xuân Thanh vì những sai phạm trong lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam rồi sau đó bỏ trốn và bị Bộ Công an Việt Nam ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế thì giờ đây, với vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nếu được làm sáng tỏ thì liệu Chính phủ Đức và Slovakia có dùng đến giải pháp yêu cầu Interpol làm việc với ông Tô Lâm? Và cũng thật khó cho Việt Nam nếu đứng ra nhận trách nhiệm./.

QUÊ HƯƠNG

Bình luận về bài viết này