Vụ án OceanBank: Quyền duy nhất còn lại của bị cáo Đinh La Thăng

Kami

Thứ Năm, 03/22/2018 – 15:34 —
RFA

Sáng 22/3, phiên xử sơ thẩm vụ án Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thiệt hại 800 tỷ khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) bắt đầu hồi kết, đại diện VKS đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Đinh La Thăng – cựu Chủ tịch HĐTV PVN và 6 cựu cán bộ ngành dầu khí có liên quan. Theo đó, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án 18-19 năm tù đối với ông Đinh La Thăng về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Được biết bị cáo Đinh La Thăng có lẽ đã hiểu ra rằng Tổng Bí thư Trọng muốn dành cho vị cựu Ủy viên Bộ Chính trị này tổng số 30 năm tù trong cả 2 vụ án. Vì thế trong phần tự báo chữa, ông Thăng đã dũng cảm dùng nhiều lý lẽ để đối đáp các cáo buộc cố ý làm trái, đồng thời khẳng định bản thân mình vô tội. Đáng chú ý, trong phần tự bào chữa, ông Đinh La Thăng đã phản bác cáo buộc của Viện Kiểm sát khi khẳng định toàn bộ số 800 tỉ của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, buộc Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Ngân hàng Oceanbank với giá 0 đồng. Đồng thời bị cáo Thăng cũng kiến nghị Hội đồng xét xử xem xét việc Ngân hàng Nhà nước mua lại OceanBank giá 0 đồng. Điều theo bị cáo Đinh La Thăng, là không phù hợp quy định của pháp luật. Theo bị cáo Thăng, đến ngày 31/3/2014 vốn điều lệ của Ngân hàng Oceanbank có 4.000 tỷ đồng, với một tài sản khổng lồ như thế mà Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại với giá 0 đồng là điều không bình thường, có chủ ý.

Đây là một vấn đề mấu chốt hết sức quan trọng của vụ án này, vì nếu như Ngân hàng Nhà nước không quyết định mua lại Oceanbank giá 0 đồng thì chưa chắc OceanBank và các bên liên quan, cụ thể là PVN phải gánh chịu các hệ lụy như tại thời điểm này.

Tại phiên tòa, ông Hà Văn Thắm – Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương, với tư cách là nhân chứng giải thích rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước không mua OceanBank với giá 0 đồng, thì PVN không mất vốn. Theo ông Hà Văn Thắm đây là điểm mấu chốt để khẳng định vốn nhà nước có mất hay không và mất vì lý do gì? Thậm chí cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm còn tự tin nói trước toà rằng, xin Hội đồng xét xử vài ngày để tính toán, sau đó sẽ có thể trả đủ 800 tỷ cho PVN hoặc hơn thế nữa. Nhân chứng Hà Văn Thắm nhiều lần khẳng định với tòa, trước khi ông Thắm bị bắt OceanBank không thua lỗ. Dù rằng OceanBank đã thu về được 8.000 tỷ đồng, nhưng kết luận thanh tra vẫn ghi là 14.000 tỷ đồng nợ xấu, bằng chứng là trước khi Ngân hàng Nhà nước quyết định “mua” OceanBank với giá 0 đồng, thì ngân hàng này cũng chưa bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Theo nhà báo Hoàng Hải Vân, nguyên Tổng Thư ký Toà soạn Báo Thanh Niên cho rằng, tại phiên tòa này, nguyên tắc suy luận vô tội chưa được Hội đồng xét xử tuân thủ, mà những gì đang diễn ra đều theo hướng suy luận buộc tội ông Đinh La Thăng. Theo đó, bị cáo Đinh La Thăng nhận trách nhiệm về vụ thất thoát 800 tỷ của PVN trong vụ án OceanBank là với tư cách người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, chứ không có nghĩa là ông Thăng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong thư của Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối Cao gửi Thủ tướng Chính phủ (bit.ly/2GhUC8w) về việc kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc xét xử vụ án xảy ra tại OceanBan. Theo ông Nguyễn Trọng Tỵ hồ sơ vụ án đã lộ ra nhiều lổ hổng, xử ép và sai lệnh về tính pháp lý. Cụ thể “Qua các tài liệu có trong hồ sơ, tôi nhận thấy có sự nhầm lẫn, nhận thức không đúng về tư cách pháp nhân của OJB là thuộc loại hình doanh nghiệp nào, sở hữu nhà nước hay sở hữu tư nhân? Theo tôi, Oceanbank rõ ràng thuộc loại sở hữu tập thể…Tổng Giám đốc(ỌB) chỉ phải chịu trách nhiệm trước tập thể. Vì khách thể trực tiếp bị xâm hại thuộc về tập thể, không thuộc về Nhà nước”.

Góp ý với Hội đồng xét xử, Luật sư Trần Vũ Hải đã viết trên trang facebook cá nhân rằng, “Nếu thẳng thắn thì VKS phải trả lời cho được câu hỏi: OceanBank làm ăn có lãi hay không có lãi sau khi được PVN góp vốn? Nếu không có lãi sao PVN được chia cổ tức đến 244 tỉ? Vậy tiền này là tiền gì, có cấn trừ vào số tiền thiệt hại 800 tỉ không? …”

Phân tích theo góc độ pháp lý, theo nhà báo Hoàng Hải Vân cho rằng, luật pháp không cho phép dùng ngân sách để làm việc này. Nếu như vốn chủ sở hữu vẫn dương thì việc đơn phương “mua” với giá 0 đồng thực chất là hành vi cưỡng đoạt bất hợp pháp tài sản của dân. Và “Theo tôi hiểu thì quyết định đơn phương “mua” ngân hàng với giá 0 đồng không những trái với thông lệ quốc tế mà còn không dựa vào bất kỳ một điều luật nào của Việt Nam.”. Vẫn theo nhà báo Hoàng Hải Vân tỏ ý nghi ngờ, “Tôi tin những người đốt lò tôn trọng pháp quyền, nên tôi không nghĩ những người đốt lò định tội trước và chỉ đạo các cơ quan tố tụng làm theo”.

Dư luận thấy rằng, trong hai phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng cho đến lúc này Hội đồng xét xử vẫn chưa đưa ra bằng chứng cụ thể ông Đinh La Thăng đã tham nhũng bao nhiêu và tham nhũng bằng cách nào? Mà những cáo buộic đối với bị cáo Đinh La Thăng hết sức chung chung, khiên cưỡng, thiếu thuyết phục. Thậm chí người ta còn khẳng định nguyên nhân của tình trạng như vậy là vì, “người đốt lò vĩ đại” đã định sẵn bản án và Hội đồng xét xử chỉ làm nhiệm vụ “diễn” để lòe bàn dân thiên hạ.

Điều mỉa mai hơn như bình luận của Luật sư Trân Vũ Hải khi cho rằng, “Ông Đinh La Thăng tự bào chữa rất hay, thế nhưng ông càng tự bào chữa hay, càng nhiều luật sư, án ông càng nặng (ông bị để nghị 18/19 năm tù, cộng án 13 năm trước sẽ là 30 năm, nếu Toà chấp nhận đề nghị của Viện Kiểm sát))! Ở Việt nam là thế?”.

Đây là không chỉ là hệ quả của thứ pháp quyền Xã hội Chủ Nghĩa mà đảng CSVN đang sử dụng để cai trị ở Việt Nam, mà nó còn là một nhược điểm trầm trọng của vũng lầy chính trị ở Việt Nam. Nơi mà hầu hết các quan tòa ngày hôm nay vẫn cao giọng nhân danh Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam để tuyên án, nhưng thực chất tất cả bọn họ cũng chẳng sạch sẽ gì hơn Đinh La Thăng. Khi mà ở đó ý chí của người đứng đầu bộ máy đảng cụ thể là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng trên cả luật pháp. Vì thế một khi ông Trọng muốn, thì tay chân của họ tở mọi cấp của bộ máy nhà nước sẽ thực hiện bằng mọi giá. Nghĩa là ý đảng là trên hết, đảng đã muốn là đảng phải được.

Điều này hoàn toàn phù hợp với sự đánh giá chung của dư luận trong nước và quốc tế đã khẳng định, cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không khác gì cuộc chiến “đả Hổ, diệt Ruồi” của ông Tập ở Trung Quốc. Đó là thanh trừng đối thủ chính trị để giành quyền lực độc tôn và trả thù cho hả giận.

Ông Đinh La Thăng và đồng bọn có tội là chuyện không phải bàn cãi, nhưng một Nhà nước đàng hoàng và tử tế thì các tội danh bị truy tố đối với các bị cáo phải được xem xét đầy đủ trên cơ sở của luật pháp quy định. Chứ không thể xét xử theo lối những bản án đã được định sẵn theo chỉ đạo và ý chí của người đứng đầu như chúng ta đang thấy.

Vì thế có lẽ cho đến khi phiên tòa kết thúc, thì ông Đinh La Thăng chỉ còn một quyền duy nhất. Đó là được phép tự  hỏi: “Ở Việt Nam bây giờ, công lý ở đâu?”

Ngày 23 tháng 03 năm 2018

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

2 bình luận

  1. Hỡi ôi, một người từng thét ra lửa, là tư lệnh ngành, được mọi người kính nể. Nay sao phải bước đi lầm lũi như thế. Một người từng được bao nhiêu tờ báo tôn vinh, ca tụng, một người đã quá quen với ống kính phóng viên nay sao lại sợ ánh sáng của máy ảnh như thế.
    Ai, vì đâu mà nên nỗi này hỡi anh Đinh La Thăng. Anh ở tột đỉnh vinh quang và giờ đây anh đang ở vũng bùn đen tối.Giá như anh không suy thoái, giá như anh không đánh mất đạo đức, tư cách của một người đảng viên, giá như anh đừng bị đồng tiền lũng đoạn, giá như anh đừng quá tham, giá như anh đừng tham nhũng… biết bao câu giá như đặt ra cho anh lúc này.
    Tại sao anh và các cận thần của anh lại tiêu những đồng tiền của dân đóng góp một cách đơn giản, hoang toàng và lãng phí đến thế. Tại sao anh có thể cười trên mồ hôi nước mắt của nhân dân. Vài trăm tỷ với các anh sao quá đơn giản nhưng đó là niềm mơ ước nghìn đời của biết bao hộ dân nghèo nước Việt này.Nhìn vào bản cáo trạng, bản kết luận điều tra với những con số trăm tỷ mà các anh đã phung phí thấy sao mà đáng giận quá chừng.Giờ thì anh đang phải đối mặt với công lý, với sự trừng phạt của pháp luật và sự tự vấn của lương tâm.
    Giàu quá làm gì hả anh khi anh đang ở đỉnh cao sự nghiệp thì ngã nhào xuống vực. Giàu quá làm gì hả anh khi quãng thời gian cuối đời anh phải ngồi cải tạo trong trại giam, phải lầm lũi bước đi dưới con mắt khinh miệt của người đời. Rồi vợ con anh nữa, cũng thấy tuỉ hổ chứ.
    Khi Đảng, Nhà nước và nhân dân đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực, chắc chắn không có đất dành cho những kẻ suy thoái.
    Hi vọng đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những quan nào đã và đang có ý định đục khoét của công, làm giàu trên mồ hôi công sức của nhân dân.

  2. Đành rằng dân tình đều hiểu các bị cáo tại phiên tòa này ai cũng có tội và là tội nặng chứ không oan ức gì. Tuy nhiên cái tội họ bị gán cho làm trái … lại có phần khiên cưỡng. Suy cho cùng thì Nhà nước trong vụ án này không hề bị thất thoát đồng nào vì đã ép mua lại ngân hàng Đại dương với giá 0 đồng và bây giờ sau khi đã thu hồi được nợ xấu và bán các tài sản thế chấp, tài sản ngân hàng Đại dương đã ở mức hàng chục tỷ đồng. Người mất nhiều là Hà Văn Thắm, cổ đông lớn nhất và các cổ đông nhỏ khác. PVN là doanh nghiệp nhà nước và Ngân hàng nhà nước cũng là nhà nước nên thực chất tài sản không mất đi mà chỉ dịch chuyển từ vị trí này sang vị trí khác. Ông Hà Văn Thắm đòi trả lại cho ông để ông xử lý hết cho PVN. Nghe thì có lý nhưng làm sao có chuyện đó được nữa, nếu như người thay ông quản lý Ngân hàng tại thời điểm đó tuyên bố phá sản để lấy tiền trả hết cho người gửi và xử lý các khoản Ngân hàng còn nợ (Đây là giả thiết trong trường hợp đã có luật phá sản ở Viêt nam) thì còn đâu nữa ngân hàng mà ông đòi lại.
    Ông Đinh La Thăng cho rằng PVN góp vốn vào Ngân hàng nhỏ, đang gặp khó khăn vì thiếu vốn, giải quyết được hậu quả tài sản và nhân lực sau khi không được chính phủ cho phép thành lập ngân hàng riêng của PVN là không sai.
    Thật vậy, doanh nhân muốn có lợi nhuận cao đều làm vậy. Khi biết đã sai lầm khi góp vượt 5% vốn như quy định (thời điểm này ông Đinh La Thăng đã là Bộ trưởng Bộ GTVT), PVN đã quyết định rút vốn bởi có nhà đầu tư chấp nhận mua, nhưng một ông Phó thủ tướng đã ký văn bản không cho PVN rút vốn. Vậy nên người ký văn bản này mới là người có lỗi. Mặt khác Ngân hàng Nhà nước mua lại Ngân hàng Đại dương với giá 0 đồng là sai vì đã không tính đến giá trị tài sản thế chấp và tài sản vô hình. Xem ra thì ông Thăng có lý đấy chứ,
    Nhưng Với bản tính độc đoán, quyết đoán và chơi trội, ông đã sai khi “cầm đèn chạy trước ô tô”. Chưa có giấy phép thành lâp ngân hàng mà ông đã cho mua tài sản, tổ chức bộ máy quản lý và biên chế nhân sự. Ông đã bỏ qua HĐQT để thỏa thuận với Hà Văn Thắm góp vốn vào ngân hàng Đại dương. Biết là trái quy định nhưng ông vẫn chỉ đạo để PVN góp lần ba thêm 100 tỷ đồng ngay trước khi chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ GTVT. Như vậy nhìn bề ngoài thì rõ ràng ông Thăng đã sai, đã gây thất thoát cho PVN 800 tỷ đồng, nhưng với riêng Nhà nước lại không như vậy. Trớ trêu thay, người mà ông đổ lỗi khi không cho PVN rút vốn lại vô tình làm lợi cho nhà nước chứ không phải là làm thất thoát. Hãy suy ngẫm xem, Ngân hàng Nhà nước mua lại ngân hàng Đại Dương với giá 0 đồng để bây giờ mới chỉ sau gần 3 năm, giá trị của nó nếu định giá lại có thể đã lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Chẳng thế mà tại phiên tòa, đại diện Bộ Tài chính và đại diện ngân hàng Nhà nước đều tránh né, khất lần không trả lời các câu hỏi của các luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng. Vâng, đời thật cay đắng là thế. Vấn đề này cần phải được minh bạch và công tâm, để tránh hệ luỵ về sau.

Bình luận về bài viết này