Tin Cập Nhật Thứ Tư 17/5

Lê Minh Nguyên
Tin Thế Giới
1.
Philippines nhích gần Trung Quốc, hải quân Mỹ tập trận lánh Biển Đông
Cuộc thao dượt quân sự thường niên của hải quân Mỹ và Philippines năm nay tránh vùng lãnh hải nhạy cảm trong lúc Tổng thống Philippines tiến thêm một bước nữa trong chính sách tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị với Trung Quốc, nước tham vọng lớn nhất trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Cuộc thao dượt quân sự “Balikatan” từ ngày 8 đến 19 tháng 5 sẽ có bài thực tập cứu hộ thảm họa diễn ra ngoài khơi bờ biển tỉnh Aurora thuộc đảo chính Luzon của Philippines. Cuộc thao dượt quân sự chung năm nay tránh hẳn các vùng lãnh hải có những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Bắc Kinh chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của Manila tại khu vực ngoài biển phía tây đảo Luzon.
Việc tránh vùng biển có tranh chấp chủ quyền này giúp Tổng thống Rodrigo Duterte thắt chặt hơn quan hệ của Philippines với Trung Quốc sau 4 năm công khai kình chống nhau và đã đưa nhau ra một tòa trọng tài quốc tế.
Ông Herman Kraft, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Dililman của Philippines, nhận định:
“Tổng thống Duterte chưa bao giờ chuyên tâm vào địa chính trị, có nghĩa là chính sách đối ngoại của ông là chính sách kinh tế, và chúng ta có thể thấy rằng đó là cách mà ông thực sự biện minh hay giải thích cho đường lối tiếp cận của ông với Trung Quốc.
Tổng thống Duterte đã hai lần đi thăm Trung Quốc, gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình và đồng ý tổ chức đối thoại trong tháng này về kế hoạch chung nhau quản lý các vùng lãnh hải có tranh chấp. Trung Quốc hồi tháng 10 đề nghị 24 tỉ đôla viện trợ và đầu tư và rồi tháng 1 năm này đã cam kết thực hiện 30 dự án trị giá 3,7 tỉ đôla.
Các nhà phân tích nói cuộc tập trận ở Thái Bình Dương gần Philippines vừa gởi đi một tín hiệu ủng hộ Trung Quốc vừa chiều lòng Mỹ cũng như những người Philippines thân Mỹ.
Benham Rise, hay còn gọi là Benham Plateau, là một khu vực rộng khoảng 13 triệu hecta, chìm dưới nước nằm ở phía đông bắc đảo Luzon, được cho là giàu tài nguyên dầu khí, được Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc công nhận là vùng biển của Philippines. Nhưng Manila phát hiện tàu bè của Trung Quốc hoạt động khai thác trong vùng biển này hồi năm ngoái. Trung Quốc không chính thức tuyên bố chủ quyền đối với Benham Rise.
Các nhà phân tích nói một cuộc biểu dương lực lượng được hải quân Mỹ hậu thuẫn gần Benham Rise sẽ giúp xoa dịu những người Philippines bất bình về vụ tàu bè của Trung Quốc hiện diện trong vùng biển này hồi năm ngoái cũng như những người thích Washington hơn Bắc Kinh.
Ông Eduardo Araral, giáo sư khoa chính sách công của Đại học Quốc gia Singapore, nhận định:
“Cách làm đó có thể đảm bảo với nhưng người Philippines thân Mỹ rằng Mỹ không bị đẩy ra khỏi Philippines hoàn toàn mà vẫn có chỗ cho đối thoại và hợp tác. Do đó các cuộc thao dượt quân sự này giống như là một tuyên bố xác định mối quan hệ Mỹ-Philippines.”
Kết quả một cuộc thăm dò của viện nghiên cứu Metro Manila thực hiện vào cuối năm 2016 cho thấy 70% người Philippines “tin tưởng” Mỹ nhiều hơn.
Ông Duterte đã phản ứng giận dữ đối với ảnh hưởng của Mỹ tại Philippines hồi năm ngoái và yêu cầu các lực lượng của Mỹ rút khỏi nước ông, nhưng sau đó ông đã dịu giọng trong những đe dọa của ông. Một số hãng tin Philippines nói Tổng thống Duterte biết rõ về việc các tàu khảo sát của Trung Quốc hoạt động tại Benham Rise hồi năm ngoái, nhưng ông không nêu vấn đề đó lên.
Năm 2014, cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino ký một thỏa thuận tăng cường phòng thủ chung với Washington, Các cuột thao dượt quân sự chung kể từ khi có thỏa thuận đó tập trung vào những cuộc tập trận giả chống Trung Quốc trên vùng biển có tranh chấp chủ quyền.
Các giới chức Philippines và Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái đã thỏa thuận với nhau về kế hoạch của cuộc thao dượt hải quân chung năm nay. Ðại sứ quán Mỹ tại Manila cho biết cuộc thao diễn sẽ bao gồm “các bài tập chặn đường tiếp tế trên biển và tấn công đổ bộ” cùng với các bài tập về cứu hộ nhân đạo và chống khủng bố. Theo thông báo của Ðại sứ quán Mỹ, hải quân Mỹ điều một tàu hậu cần, các tàu đổ bộ và hơn 25 máy bay quân sự tham gia cuộc thao dượt.
Ðại sứ quán Mỹ không bình luận về địa đểm của cuộc thao dượt năm nay ở Thái Bình Dương ngoài khơi Philippines. – VOA
|
|
2.
Mỹ cân nhắc tăng quân ở Afghanistan — Đài phát thanh Afghanistan bị tấn công, 2 người chết
Chính quyền của ông Trump đang cân nhắc có nên bổ sung từ 3000 đến 5000 binh sĩ tới Afghanistan để tìm cách phá thế bế tắc trong cuộc chiến kéo dài 15 năm chống phe Taliban. Các quan chức chính quyền nói Tổng thống Donald Trump có phần chắc sẽ thảo luận khả năng tăng quân khi ông dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào cuối tháng này.
Các lực lượng Hoa Kỳ, với khoảng 8.400 binh sĩ, là một phần thuộc một lực lượng đa quốc lớn hơn đang góp một bàn tay trong cuộc chiến ở Afghanistan.
Trong một cuộc điều trần tại Thượng viện, Đại Tướng John Nicholson, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Afghanistan, đề nghị tăng quân để hoàn thành nhiệm vụ cố vấn và hỗ trợ các lực lượng Afghanistan.
Nhưng một số nhà phân tích cho rằng số binh sĩ đang được cân nhắc là một tỷ lệ không đáng kể, và có lẽ chỉ nhằm tăng áp lực buộc Taliban ngồi vào bàn đàm phán, theo nhà phân tích Kate Clark, trao đổi với VOA qua Skype từ London.
Nhà phân tích cao cấp thuộc Mạng lưới các nhà phân tích về Afghanistan nhận định:
“Tư duy của ông về cơ bản là cố giúp chính phủ Afghanistan giữ lãnh thổ, giành lại một số lãnh thổ và đưa họ vào vị trí buộc Taliban phải đi đến đàm phán”.
Theo nhà phân tích Maria Sultan tại Islamabad, trong khi đả thông bế tắc theo hướng có lợi cho chính phủ Afghanistan có thể thúc ép Taliban thay đổi quan điểm, song làm như vậy cũng có thể củng cố quyết tâm của phe Taliban:
“Lực lượng Mỹ bấy lâu nay vừa là nhân tố duy trì sự ổn định, nhưng mặt khác cũng là nhân tố gây bất ổn đối với Afghanistan và sự ổn định của Afghanistan. Họ duy trì ổn định bởi vì họ thể hiện cam kết quốc tế, cho thấy sự Mỹ vẫn tiếp tục hiện diện và vẫn là một lực lượng có mặt tại chỗ. Nhưng sự kiện là toàn thể lập luận về cuộc chiến dựa trên nền tảng là chống sự có mặt của các binh sĩ nước ngoài, nó tạo ra thêm nhiều nguồn gây bất ổn, và cùng lúc tạo ra thêm nhiều mục tiêu có thể bị nhắm tấn công”.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và các quan chức hàng đầu trong chính phủ của ông ủng hộ giải pháp Mỹ tăng quân số. Tổng thống Trump dự kiến sẽ thảo luận vấn đề khi ông gặp các đồng minh NATO vào cuối tháng này. – VOA
***
Một nhóm chủ chiến vũ trang đầy mình, gồm một số tay đánh bom liều chết, đã xông vào một cơ sở truyền thông nhà nước ở đông Afghanistan, giết chết ít nhất hai người và làm bị thương ít nhất 20 người khác.
Nói chuyện với các nhà báo địa phương, các giới chức và nhân chứng cho hay cuộc tấn công hôm thứ Tư ở Jalalabad, thủ phủ của tỉnh Nangarhar, đã khởi sự khi những kẻ tấn công liều chết kích chất nổ tự sát, mở đường cho những kẻ khác xâm nhập vào tòa nhà của đài phát thanh và truyền hình Afghanistan.
Các lực lượng Afghanistan nhanh chóng bao vây cơ sở này, giết chết những kẻ tấn công trong một cuộc chạm súng.
Không ai tuyên bố nhận trách nhiệm tức thời về cuộc tấn công này.
Phe nổi dậy lớn nhất là phe Taliban, đã phủ nhận là có dính líu trong vụ này.
Các phần tử chủ chiến liên kết với Nhà nước Hồi giáo cũng hoạt động tại Nangarhar và thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở do chính phủ Afghanistan điều hành, cũng như nhắm vào các lực lượng Afghanistan và Mỹ đang tiến hành các hoạt động chung nhằm tiễu trừ những kẻ trung thành với nhóm khủng bố có căn cứ ở Syria. – VOA
|
|
3.
Phi đạn Bắc Triều Tiên bị THAAD phát hiện — Tư lệnh PACOM cảnh báo mối nguy Bắc Hàn — Mỹ: Trung Quốc lực đẩy chính đối với Bình Nhưỡng
Chương trình phi đạn của Bắc Triều Tiên tiến bộ nhanh hơn dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố hôm 16/5, sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lên án vụ phóng phi đạn tầm xa hồi cuối tuần và yêu cầu Bình Nhưỡng hoãn các vụ thử vũ khí.
Bộ trưởng Han Min-koo nói với quốc hội Hàn Quốc là vụ thử nghiệm phi đạn của Bắc Triều Tiên ngày Chủ Nhật vừa qua đã bị hệ thống chống phi đạn THAAD của Mỹ phát hiện. Hệ thống này được triển khai tại Hàn Quốc vào tháng trước khiến Trung Quốc nổi giận.
Bắc Triều Tiên đã bất chấp những lời kêu gọi kìm chế chương trình hạt nhân và phi đạn, ngay cả đối với lời kêu gọi của Trung Quốc, đồng minh chính duy nhất của nước này. Bình Nhưỡng nói vụ phóng là quyền tự vệ chính đáng.
Bắc Triều Tiên nỗ lực chế tạo phi đạn có đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới đất liền Hoa Kỳ, và các chuyên gia nói vụ thử nghiệm hôm Chủ nhật là một bước tiến nữa hướng tới mục tiêu này.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi ngưng ngay tức thì các vụ thử nghiệm phi đạn và hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Đại sứ Mỹ về Tài giảm binh bị, Robert Wood, ngày 16/5 tuyên bố áp lực từ Trung Quốc rất quan trọng và kêu gọi Bắc Kinh nỗ lực nhiều hơn nữa. – VOA
***
Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ (PACOM) hôm thứ Tư cảnh báo rằng sự kết hợp giữa tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạt nhân trong tay nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un là “một công thức dẫn tới thảm họa”.
Phát biểu tại một sự kiện ở Tokyo, Đô đốc Harry Harris Jr. nói mọi vụ phóng thử mà Bắc Triều Tiên thực hiện giúp đưa nước này tiến gần hơn đến mục tiêu là có khả năng phóng tên lửa có đầu đạn hạt nhân.
Đô đốc Harry Harris nói:
“Tôi đã nói đi nói lại điều này trong hai năm qua: Tôi phải coi những rêu rao của ông Kim Jong Un là sự thật, bởi vì tôi biết khát vọng của ông ta rõ rệt là có thực. Vì vậy, tôi tin vào lời nói của ông ấy, và như vậy tất cả mọi người chúng ta phải nhận thức tính cấp bách của việc phải giải quyết vấn đề ngay bây giờ”.
Tại Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba, Đại sứ Mỹ Nikki Haley cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia nào giúp Bắc Triều Tiên xây dựng kho vũ khí hạt nhân, có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.
Bà Haley phát biểu:
“Khi chúng ta bàn về các biện pháp trừng phạt, các nước này có thực thi các biện pháp trừng phạt ấy không? Các nước có thực thi tới nơi tới chốn các lệnh trừng phạt ấy theo trách nhiệm của họ không? Chúng ta muốn xem xét các biện pháp trừng phạt hiện có, và xem xét việc tăng cường các biện pháp chế tài. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chú ý tới các nước thứ ba nào đang giúp Bắc Triều Tiên, và sẽ đề ra những biện pháp chế tài đối với các nước này, bởi vì nếu bên nào giúp đỡ Bắc Triều Tiên, thì điều đó nghĩa là họ chống lại phần còn lại của cộng đồng quốc tế”.
Bà Haley phát biểu trước cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Hoa Kỳ, cùng với Nhật Bản, hiện là ủy viên hội đồng, và Hàn Quốc là bên đề nghị tổ chức cuộc họp này để thảo luận về việc Bình Nhưỡng phóng một loại tên lửa tầm trung hoặc tầm xa đã bay khoảng 800 km trước khi rớt xuống trong vùng biển phía tây Nhật Bản.
Đó là vụ thử tên lửa thứ hai của Bắc Triều Tiên trong vài tuần qua. Vụ phóng diễn ra chỉ bốn ngày sau khi ông Moon Jae-in nhậm chức tổng thống Hàn Quốc.
Cho Tae-yul, Đại sứ Hàn Quốc tại Liên hợp quốc, nói:
“Tổng thống Moon, tổng thống mới của chúng tôi, khẳng định rõ rằng ông sẽ kiên quyết phản ứng lại bất cứ hành động khiêu khích nào của Bắc Triều Tiên, và chỉ tiến hành đối thoại nếu và khi nào có một sự thay đổi về hành vi của Bắc Triều Tiên”.
Kể từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt ngày càng nghiêm ngặt hơn đối với CHDCND Triều Tiên. Đợt trừng phạt gần đây nhất được áp đặt vào tháng 11 năm ngoái. – VOA
***
Hoa Kỳ xem lực đẩy của Trung Quốc là chính yếu để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Đại sứ Mỹ phụ trách tài giảm binh bị, Robert Wood, phát biểu với báo giới ngày 16/5, hai ngày sau khi Bắc Triều Tiên phóng thử nghiệm thành công một phi đạn.
“Tôi không nói về những giải pháp chính sách khác nhau, nhưng tôi nói như thế này: Hiện nay chúng ta chắc chắn đang tìm một số các biện pháp-chính trị, kinh tế, an ninh- để đối phó với những hành động khiêu khích của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên DPRK, và những hành động nguy hiểm trong nhiều trường hợp,” ông Wood nhấn mạnh.
Đại sứ Wood nói tiếp “Do đó chúng tôi đang nâng mức giao tiếp với Trung Quốc về vấn đề này. Trung Quốc thực sự là chìa khóa trong việc đối phó với Bắc Triều Tiên. Chín mươi phần trăm mậu dịch của DPRK là với Trung Quốc, do đó, rõ ràng là Trung Quốc có lực đẩy nhiều hơn, và chúng ta muốn Trung Quốc sử dụng lực đẩy này.”
Trong một diễn biến khác, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc tại Seoul cùng ngày cho biết Tân Tổng thống Moon Jae-in sẽ viếng thăm Tòa Bạch Ốc trong tháng tới để họp thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump giữa những quan ngại về những tiến bộ của Bắc Triều Tiên trong việc xây dựng một kho hạt nhân và phi đạn.
Thỏa thuận về cuộc gặp cuối tháng 6 được đưa ra sau một cuộc họp tại Seoul giữa ông Chung Eui-yong, cố vấn về chính sách ngoại giao của Tổng thống Moon, và ông Matt Pottinger, Giám đốc về châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, phát ngôn viên Yoon Young-chan của ông Moon cho biết.
Loan báo này được đưa ra vài ngày sau khi Bắc Triều Tiên phóng thành công một phi đạn mới mà các nhà phân tích tin là có thể bắn đến Alaska nếu hoàn chỉnh.
Dưới quyền lãnh đạo của nhà độc tài thuộc thế hệ thứ ba Kim Jong Un, Bắc Triều Tiên đã gia tăng việc theo đuổi mục đích hàng chục năm nay là phát triển phi đạn với đầu đạn hạt nhân có thể bắn đến đất liền Hoa Kỳ.
Cũng ngày 16/5, Đô đốc Harry Harris Jr., viên chức quân sự cao cấp nhất của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo để thảo luận về việc Bắc Triều Tiên phóng phi đạn.
Đôi bên đều tuyên bố hành động của Bình Nhưỡng là “không thể nào chấp nhận được” và cùng nêu bật tầm quan trọng của Liên minh Mỹ-Nhật. – VOA
|
|
4.
Trump, Erdogan lạc quan quan hệ Mỹ-Thổ, dù còn bất đồng
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng cuộc gặp gỡ đầu tiên của hai ông ở Washington là khởi đầu cho một chương quan hệ mới giữa hai nước. Ông Erdogan đi thăm Washington sau khi Mỹ loan báo sẽ cấp khí giới cho người Kurd ở Syria cách nay hai tuần, để giúp người Kurd tiến chiếm cứ địa Raqqa của Nhà nước Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ cực lực phản đối kế hoạch này của Mỹ. Họ nói rằng người Kurd ở Syria liên kết với một tổ chức khủng bố của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Những người ủng hộ ông Erdogan lẫn những người chống ông tụ tập bên ngoài Tòa Bạch Ốc trong lúc ông họp với Tổng thống Trump hôm thứ Ba 16/5.
Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Trump phát biểu thận trọng về lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến khủng bố:
“Chúng tôi ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố và các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo và tổ chức khủng bố PKK của người Kurd, và kiên quyết không để cho các nhóm khủng bố đó có cứ địa.”
Song Tổng thống Trump không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ rút thôi hậu thuẫn người Kurd ở Syria theo yêu cầu của ông Erdogan.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu: “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép các nhóm đó lợi dụng lý do chống khủng bố để phá vỡ cấu trúc của khu vực và cơ cấu sắc tộc trong khu vực.”
Tổng thống Erdogan cũng không thuyết phục được Hoa Kỳ giải giao giáo sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gullen, người bị ông cáo buộc đã xúi giục cuộc đảo chánh bất thành hồi nằm ngoái. Các nhà phân tích nói rằng nhà lãnh đạo chuyên quyền Thổ Nhĩ Kỳ không chịu nhượng bộ đối với hai điểm lớn này, nhưng có lẽ đã đồng ý với các thỏa thuận có lợi khác.
Ông Howward Eissestat, chuyên gia của dự án Dân chủ Trung Ðông, nhận định:
“Có lẽ ông Erdogan đã nhận được thêm những hỗ trợ cho an ninh trong nước để chống nhóm PKK và có lẽ cũng được bật đèn xanh để tấn công Sinjar ở miền bắc Iraq.”
Theo ông Eissenstat, cuộc gặp gỡ với ông Trump giúp tăng thêm thêm uy tín cho ông Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hoa Kỳ lên án cuộc đảo chánh bất thành hồi năm ngoái chống ông Erdogan, nhưng cũng chí trích chính sách đàn áp của ông đối với các thủ lãnh bị tình nghi của cuộc đảo chánh cũng như các nhà báo và những người bất đồng chính kiến.
Ông Eissensta nhận định: “Đó là một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, nhưng như những cuộc hôn nhân không hạnh phúc khác, có những lý do nhất định phải duy trì và cái giá của ly hôn quá cao. Do đó điều mà tôi thực sự trông mong là Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục cuộc hôn nhân không hạnh phúc đó trong tương lai trước mắt.”
Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của liên minh quân sự hùng mạnh với một một mạng lưới tình báo toàn cầu hết sức cần thiết. Hoa Kỳ có một đối tác mạnh tại Thổ Nhĩ Kỳ và được sử dụng các căn cứ quân sự có tâm quan trọng chiến lược tại đó. – VOA
|
|
5.
Trump sẽ viếng thánh địa Jerusalem
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đi thăm “Bức Tường Than Khóc” ở Jerusalem, thánh địa thiêng liêng nhất của Do Thái giáo, Reuters dẫn nguồn Tòa Bạch Ốc cho biết hôm thứ Hai, trong bối cảnh đang có nhiều tranh cãi ở Israel về phát biểu của một nhà ngoại giao Mỹ cho rằng bức tường thuộc về khu Bờ Tây đã bị chiếm đóng.
Theo lời cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster, ông Trump sẽ cầu nguyện tại Bức Tường Than Khóc và đi thăm Nhà thờ Mộ Thánh, nơi các Kitô hữu tin là nơi Chúa Giêsu được chôn cất.
Bức tường, được xem là phần còn sót lại của Đền thờ Thứ hai của người Do Thái, nằm trên phần lãnh thổ mà Israel đã chiếm trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967. Đây là một điểm nóng bạo lực trong cuộc xung đột giữa Israel và người Palestine.
Israel sẽ là chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump, sau Ả Rập Xê-út. Tổng thống của đảng Cộng hòa sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem và nhà lãnh đạo Palestine, Mahmoud Abbas, tại thành phố Bethlehem ở Bờ Tây.
Thông báo về tin ông Trump sẽ đi thăm địa điểm thiêng liêng của Do Thái giáo được đưa ra vào lúc đang có một cuộc tranh cãi ở Israel vì một bản tin nói rằng một nhà ngoại giao Hoa Kỳ chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Trump đề cập đến Bức Tường Than Khóc như là một phần thuộc vùng Bờ Tây của người Do Thái.
Theo kênh truyền hình số 2 của Israel, trong một cuộc họp đã được hoạch định giữa các giới chức Mỹ và Israel, phía Israel được cho biết rằng chuyến đi của ông Trump đến thăm Bức Tường là việc riêng tư. Israel không có thẩm quyền trong khu vực này và Thủ tướng Benjamin Netanyahu không được hoan nghênh đi cùng với Tổng thống Trump tới đó.
Israel xem toàn bộ Jerusalem là thủ đô không thể phân chia, nhưng tuyên bố của nước này không được quốc tế công nhận.
Hôm thứ Hai, một giới chức văn phòng Thủ tướng Netanyahu cho biết Israel đã liên lạc với Washington về vấn đề này.
Trong khi đó, một giới chức Tòa Bạch Ốc hôm thứ Ba nói với Reuters: “Những bình luận ấy không được Tòa Bạch Ốc chấp thuận. Nó không phản ánh quan điểm của Hoa Kỳ và chắc chắn không phải là quan điểm của tổng thống”.
Ông McMaster không trả lời câu hỏi về việc liệu chính quyền ông Trump có xem Bức tường phía Tây là thuộc về Israel hay không. – VOA
|
|
6.
Trung Quốc đề nghị giúp tiến trình hòa bình Myanmar
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 16/5 hứa với lãnh đạo Myanmar, Aung San Suu Kyi, rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục giúp Myanmar đạt hòa bình, đồng thời kêu gọi hai bên giữ ổn định ở vùng biên giới chung, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Giao tranh vào tháng 3 năm nay đã làm hàng ngàn người vượt sang Trung Quốc lánh nạn, khiến Bắc Kinh không chỉ kêu gọi ngưng bắn giữa các dân quân người sắc tộc và lực lượng an ninh Myanmar mà còn thực hiện các cuộc tập trận dọc biên giới.
Ông Tập gặp Khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi sau Diễn đàn Vòng đai và Con đường được tổ chức trong hai ngày Chủ nhật và thứ Hai vừa qua tại Bắc Kinh.
Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về các cuộc giao tranh dọc biên giới. Các cuộc xung đột kiểu này thỉnh thoảng tràn sang lãnh thổ Trung Quốc, như vụ năm 2015, khiến 5 người thiệt mạng tại Trung Quốc.
Ông Tập cũng cam kết Trung Quốc sẽ làm việc để nâng cao hợp tác với Myanmar về sự phát triển của kế hoạch Vòng đai và Con đường. Dự án này nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Trung Quốc bằng cách mở rộng hạ tầng cơ sở giữa châu Á, châu Phi, châu Âu và hơn nữa.
Trong cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc dịp này, bà Aung San Suu Kyi bày tỏ cảm kích về sự hỗ trợ của Bắc Kinh và hứa tăng cường hợp tác để đảm bảo ổn định tại vùng biên giới, theo tin Tân Hoa Xã.
Tháng trước, Bắc Kinh đề nghị làm trung gian hòa giải ngoại giao liên quan đến tình trạng của khoảng 69.000 người sắc tộc Hồi Giáo Rohingya trốn khỏi bạo động tại Myanmar chạy sang Bangladesh, theo nguồn tin từ các giới chức Bangladesh.
Myanmar đang bị phương Tây chỉ trích mạnh mẽ vì tình trạng bạo động chống lại người Rohingya. – VOA
|
|
7.
Nhật: TPP vẫn phải tiến tới
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ trở lại Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên-Thái Bình Dương.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn chung với CNBC và Truyền hình Vệ tinh Nhật Bản ngày 16/5, Thủ tướng Abe nói “Tiếc thay, Hoa Kỳ đã tuyên bố rút khỏi TPP. Đã mất một đoạn đường dài, nên giờ đây Nhật phải đóng vai trò lãnh đạo và đưa các cuộc thảo luận tiến tới.”
Sau khi Washington rút khỏi TPP, 11 nước còn lại đã bắt đầu thảo luận về cách thức tiến hành khi không có Hoa Kỳ và vừa kết thúc các cuộc thảo luận tại Toronto, Canada.
Thủ tướng Abe nhấn mạnh giờ đây không có Mỹ, Nhật muốn đóng vai trò lãnh đạo phát triển TPP giữa các nước thành viên. – VOA
|
|
8.
Kỹ thuật viên trẻ tuổi người Anh chặn đứng tấn công điện toán ‘ransomware’
Một chuyên viên kỹ thuật trẻ tuổi ở Anh vừa chặn đứng được cuộc tấn công điện toán của phần mềm “ransomware,” vốn làm tê liệt hàng chục ngàn máy điện toán trên thế giới trong những ngày vừa qua.
Anh Marcus Hutchin, 23 tuổi, làm việc cho công ty Kryptos Logic, có trụ sở chính đặt tại Los Angeles, hồi đêm Thứ Hai nói rằng anh làm như vậy vì cảm thấy “đó là điều phải làm” nhưng khiêm tốn không xem mình như là người hùng.
Trong những giờ đầu tiên sau khi virus điện toán khởi sự tấn công hôm Thứ Sáu, người trẻ tuổi đam mê máy tính điện tử sống tại một thị trấn nhỏ ở duyên hải Tây Nam nước Anh khám phá cái gọi là “công tắc tử thần,” thủ phạm của những cuộc tấn công làm tê liệt máy điện toán ở chừng 150 quốc gia.
Anh Hutchin bỏ ra ba ngày để chống lại con bọ điện toán từng làm tê liệt hệ thống bệnh viện ở Anh cũng như các nhà máy, cơ quan chính phủ, ngân hàng và các doanh nghiệp trên khắp thế giới.
Phần mềm có tên gọi “WannaCry” làm tê liệt những máy điện toán chạy phiên bản cũ của hệ điều hành Microsoft Windows, bằng cách mã hóa mọi hồ sơ trong máy của sở hữu chủ và đòi đóng chuộc từ $300 đến $600, nếu không đáp ứng, mọi dữ kiện sẽ bị phá hủy không thể sửa chữa lại được.
Anh Hutchin nói, anh tình cờ tìm được giải pháp khi phân tích một mã độc và để ý thấy rằng nó liên kết với một địa chỉ mạng không có đăng ký.
Anh lập tức đăng ký vào tên miền, điều mà anh thường làm để tìm ra cách lần dấu vết hoặc ngăn chặn sự đe dọa tin tặc, từ đó anh khám phá được cách chận sự lan tràn của con bọ điện toán.
Ông Salim Neino, giám đốc điều hành của Krypto Logic, nói, việc làm nhanh chóng của anh Hutchin cho phép anh làm chậm bước tiến của virus chiều hôm Thứ Sáu, trước khi nó có thể kịp gây ảnh hưởng hoàn toàn đến nước Mỹ.
Ông Neino nói, con bọ điện toán được “thiết kế một cách tầm thường,” chắp vá và hệ thống đòi đóng tiền chuộc cũng kém tinh vi.
Kruptos Logic là một trong hàng trăm công ty chuyên đối phó những đe dọa trên mạng đối với các công ty, cơ quan chính phủ và cá nhân trên khắp thế giới.
Những người làm công việc này thường sử dụng biệt danh, vừa tránh bị trả thù vừa giữ được sự riêng tư, nhưng đối với Hutchin, sau vụ này, anh không còn là người ẩn danh nữa. – nguoiviet
|
|
Tin Hoa Kỳ
9.
Dân biểu đòi FBI giao tài liệu về Comey, Flynn — Ông Trump từng yêu cầu FBI thôi điều tra cố vấn Flynn
Một dân biểu chủ chốt của đảng Cộng hòa đã yêu cầu FBI giao nộp bất kỳ tài liệu nào liên quan đến cáo buộc của cựu giám đốc James Comey rằng Tổng thống Donald Trump đã đề nghị ông hủy cuộc điều tra của FBI về cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Trong một bức thư gửi quyền Giám đốc Andrew McCabe, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Jason Chaffetz yêu cầu nộp tất cả các tài liệu liên quan đến ông Comey và ông Trump cho ủy ban trước ngày 24 tháng 5.
Tờ New York Times là báo đầu tiên đăng bài về chuyện này tối thứ Ba, cho hay ông Comey đã viết một bản ghi nhớ nêu ra chi tiết cuộc đối thoại giữa ông với ông Trump, một ngày sau khi ông Flynn từ chức vì bị áp lực hồi tháng 2.
Dân biểu Adam Schiff (đảng Dân chủ, bang California), thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói:
“Nếu cần, tôi nghĩ chúng ta nên ra trát đòi họ tuân thủ, nhưng hy vọng là họ sẽ tự nguyện nộp tài liệu cho chúng tôi. Có cáo buộc là chính tổng thống thừa nhận rằng ông đã nêu ra vấn đề trong bối cảnh liệu ông Comey có tiếp tục duy trì chức vụ giám đốc FBI hay không, trong khi ông là đối tượng bị điều tra, trong bối cảnh có báo cáo của giám đốc hoặc cộng sự của giám đốc rằng về cơ bản, ông được yêu cầu thể hiện lòng trung thành đối với tổng thống, và giờ đây với cáo buộc theo đó tổng thống đòi ông hủy bỏ cuộc điều tra về ông Michael Flynn, như thế là quá đủ rồi”.
Ông Trump đột ngột sa thải ông Comey vào tuần trước, gây ra những tranh cãi chính trị, và ngày càng có nhiều người kêu gọi phải có một công tố viên đặc biệt hoặc ủy ban độc lập để điều tra về vai trò của Nga, can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái. Đặc biệt là liệu có bất kỳ mối liên hệ nào giữa Nga với các thành viên trong ban vận động tranh cử của ông Trump hay không.
Ông Flynn từ chức sau khi có tin là Bộ Tư pháp đã cảnh báo Tòa Bạch Ốc rằng cựu tướng lãnh này có nguy cơ bị tống tiền vì các cuộc tiếp xúc với Đại sứ Nga Sergey Kislyak trước khi ông Trump nhậm chức.
Một số nhà phân tích cho rằng bất kỳ yêu cầu nào như vậy của tổng thống có thể bị coi là có tính cách cản trở công lý, một tội có thể dẫn đến việc ông Trump bị Quốc hội luận tội.

Bình luận về bài viết này