VNTB – Quy định của Đảng là… tối thượng

Cát Tường
28.04.2024 6:16
VNThoibao

(VNTB) – Xem ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã công khai thách thức quyền lập pháp, lập Hiến của Quốc hội Việt Nam

 Chiều ngày 26-4-2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã họp “xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ”. Cụ thể, Trung ương xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 15, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Quyết định nêu trên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 là công nhiên thừa nhận quy định của Đảng là tối cao, là đứng trên hệ thống pháp luật quốc gia, trên cả Hiến pháp.

Về Hiến định, Điều 4.3, ghi: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Hiến pháp 2013, tại Điều 6 cho biết: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.

Trong chương V, Luật Hiến pháp dành từ Điều 69 đến Điều 85 để nói về Quốc hội. Theo đó, Điều 69 nhấn mạnh: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.

Khoản 7, Điều 70 về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội, cho biết: “Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.

Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”.

Khoản 8, Điều 70 ghi: “Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”.

 Luật tổ chức Quốc hội, tại Điều 8.1 về Bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước, cho biết: “Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước”.

Hai điều tiếp theo cho biết: “Điều 10. Việc từ chức của người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn:

1. Người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác mà không thể thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức.

2. Đơn xin từ chức được gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 8 và Điều 9 của Luật này. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm tại kỳ họp Quốc hội gần nhất”.

“Điều 11. Miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn:

Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Luật này theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó”.

Như vậy về mặt nguyên tắc Hiến định và luật pháp chuyên ngành, lẽ ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13 chỉ được quyền nêu đề xuất để Quốc hội miễn nhiệm, hoặc bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội của Vương Đình Huệ.

Xem ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã công khai thách thức quyền lập pháp, lập Hiến của Quốc hội Việt Nam. Nói một cách khác, việc gọi là có “Đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác” của Vương Đình Huệ, chỉ đúng với phần giữ các chức vụ trong tổ chức Đảng.


Tin Bài Liên Quan:

  1. VNTB – Thư chúc Tết Quý Mão của TBT Nguyễn Phú Trọng gửi Tập Cận Bình
  2. VNTB – Nên thành lập hội đoàn dân sự các cựu quan chức
  3. VNTB – Giải pháp lâu dài cho… kiểm soát tham nhũng
  4. VNTB – Vì sao truyền thông Nhà nước chọn im lặng trước tin đồn?

Bình luận về bài viết này