VNTB – Trẻ em lao động sớm, thậm chí quá sức…

Cát Tường
11.04.2024 12:21
VNThoibao

(VNTB) – Thực trạng hiện nay, có rất nhiều trẻ em đang phải tham gia lao động từ rất sớm, thậm chí lao động quá sức của các em.

 Nguyễn Kiều Thảo My (7 tuổi) và Lê Hoàng Thùy Linh (3 tuổi) đã đoàn tụ với mẹ khi trước đó được cho là “mất tích” ở khu vực đường Đồng Khởi – Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) khi theo mẹ bán kẹo.

Theo tường trình của bà Nguyễn Thị Chi (27 tuổi, quê Phú Yên), thì bà có bốn đứa con (lớn nhất 10 tuổi, nhỏ nhất 9 tháng). Khoảng 20 giờ ngày 3-4, bà và bốn con nhỏ cùng nhau đi bán kẹo cao su ở khu vực đường Đồng Khởi, gần phố đi bộ Nguyễn Huệ như mọi khi. Thời điểm này, hai con của bà là Nguyễn Kiều Thảo My (7 tuổi) và Lê Hoàng Thùy Linh (3 tuổi, tên thường gọi là Gạo) ngồi bán kẹo cùng nhau trước số 161 đường Đồng Khởi, còn cháu 10 tuổi đang lo chăm sóc cháu 9 tháng tuổi.

Bà Chi cho biết sau khi chạy đi trả tiền cho khách cách chỗ các con khoảng 10m, quay lại không còn thấy con đâu. Bà chạy khắp nơi tìm, một bảo vệ nói có thấy các bé đi ra phố đi bộ Nguyễn Huệ nhưng vẫn không tìm được.

Tạm gác qua nguyên do của cớ sự vẫn đang điều tra, ở đây vấn đề lao động trẻ em ngay tại trung tâm đô thị sầm uất nhất nước rất cần báo động về sự dửng dưng từ nhà chức trách; khi mà người ta đã không tìm thấy dòng tin tức nào về trách nhiệm của những ban, ngành, hội, đoàn liên quan đến vụ hai bé Thảo My và Thùy Linh.

Theo cuộc điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ hai tại Việt Nam, xác định có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5-17 là lao động trẻ em. Con số này tương đương với hơn 1 triệu trẻ, trong đó có trên 520.000 trẻ phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc độc hại nguy hiểm.

Đặc biệt, với 40,6% trẻ trong nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ một tuần. Có thể thấy, những con số trên thực sự đáng báo động về thực trạng rất nhiều trẻ em đang phải tham gia lao động từ rất sớm, thậm chí lao động quá sức của các em.

Với đô thị trung tâm như Sài Gòn/ TP.HCM thì đây là vùng ‘đất hứa’ cho chuyện lao động trẻ em, theo đó thay vì được học tập và vui chơi, có rất nhiều trẻ em nhập cư đến đây phải sớm lao vào cuộc mưu sinh. Với các em, có đủ cái ăn đã là khó, còn được đi học, được vui chơi như nhiều đứa trẻ khác dường như là chuyện quá xa vời.

Hình ảnh những em nhỏ bán dạo kẹo cao su, vé số, lượm ve chai, làm phụ hồ, lặt rau, phụ quán ăn… vẫn xuất hiện nhan nhản.

Có muôn vàn lý do được nêu ra, nhưng trẻ phải lao động sớm vì kinh tế gia đình khó khăn. Mặt khác, bản thân một số em không còn nơi nương tựa (gia đình tan vỡ do ly hôn, mồ côi cha mẹ), gia đình thiếu trách nhiệm với con cái; một số khác do học kém nên muốn tiếp tục học, hoặc ảnh hưởng của lối sống buông thả đã đi tìm việc làm kiếm sống.

Trong lúc đó thì trên các diễn đàn báo chí Nhà nước luôn ra rả – đại khái rằng, “công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội và cộng đồng quan tâm, chăm lo. Vấn đề lao động trẻ em được đưa vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nhằm đạt mục tiêu ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em lao động sớm.

Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em nghèo trong khám, chữa bệnh, học tập như miễn giảm học phí, cấp học bổng, thực hiện các chương trình giảm nghèo như hỗ trợ vốn, chuyển giao kinh nghiệm sản xuất, đưa trách nhiệm ngăn ngừa trẻ em lao động sớm vào nội dung xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng xã, phường…”.

Câu hỏi ở đây: liệu Nhà nước nói bao giờ đi đôi với làm, ít nhất là thực thi Luật Trẻ em?


Tin Bài Liên Quan:

  1. VNTB – Lao động nữ cảm thấy đang thất vọng về bảo hiểm xã hội
  2. VNTB – Pháp luật đang trên giấy đây, thưa ngài chủ tịch Quốc hội
  3. VNTB – Luật sư có quyền… ‘độc lập’ hay không?
  4. VNTB – Trách nhiệm của ông chủ nhà nước?

Bình luận về bài viết này