Cái giá phải trả khi đổi tên đất nước

Chris Baraniuk

BBC Capital

BBC

Getty Images
Vào hôm thứ Năm ngày 19/04, một trong những người đứng đầu chế độ quân chủ chuyên chế cuối cùng còn tồn tại trên thế giới có bài diễn văn trước đám đông tại một sân vận động nhỏ ở vùng nam Phi.

“Các quốc gia châu Phi trên con đường giành độc lập đã quay trở lại với những tên cổ mà họ từng có trước thời thuộc địa,” Quốc vương Mswati III nói với những người có mặt. Vào thời điểm đó, ông vẫn là vua của Swaziland, nhưng Swaziland nay đã không còn tồn tại nữa.

“Cho nên từ nay, đất nước sẽ chính thức được biết đến với tên gọi eSwatini.”
Swaziland thì, ông nói thêm, thường xuyên bị nhầm với một quốc gia có cái tên tương tự, Switzerland (Thụy Sĩ), khi được nhắc đến ở nước ngoài.
Dẫu cho cái tên eSwatini, có nghĩa là “Ngôi nhà của người dân Swazi”, thường được dùng ở trong nước và không phải là sáng tạo mới mẻ gì, nhưng việc công bố đã khiến cho người dân nước này cảm thấy ngạc nhiên – thế giới bên ngoài cũng thấy vậy.
Sự thay đổi được luật hóa này khiến nhiều người tự hỏi là nó sẽ có hiệu lực ra sao, bằng những hình thức gì. Quả thực, việc đổi tên sẽ khiến cho nước này mất đi khoảng 1,5 triệu dân.
Giống như nhiều nước khác ở châu Phi, miền đất eSwatini nằm trọn trong lục địa. Nước này, chung biên giới với Mozambique và Nam Phi, đã phải vật lộn để tự định hình trong kỷ nguyên hậu thuộc địa. Vua Mswati III chọn đúng ngày đánh dấu 50 năm chấm dứt sự cầm quyền của Anh để ra quyết định đổi tên đất nước.
Điều này hẳn cũng phải có tầm quan trọng nào đó đối với cá nhân ông, bởi 19/04 cũng là ngày ông tròn 50 tuổi. Tổ phụ ông, Vua Mswati II, sống hồi thế kỷ 18, là người đã được dùng tên để đặt cho nhân dân eSwatini lần đầu tiên.
Getty Images
Việc đổi tên nước được công bố vào dịp 50 năm Swaziland giành độc lập và sinh nhật lần thứ 50 của Quốc vương Mswati III
Ngày nay, eSwatini là một đất nước chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Chừng 70% dân số sống phụ thuộc vào việc làm nông, nuôi trồng các thứ để lấy nguồn thực phẩm nuôi sống gia đình.
Củ cải đường và mía cũng như đường tinh luyện chiếm hơn một phần năm tổng xuất khẩu cả nước.
eSwatini không nghèo như một số quốc gia châu Phi khác nhưng bị phụ thuộc vào nền kinh tế Nam Phi và phải đương đầu với một số thách thức, trong đó có việc tỷ lệ người trưởng thành nhiễm HIV cao nhất thế giới.
Việc tuyên bố đổi tên gây ra những tranh cãi. Nhưng Bheki Makhubu, phóng viên và là biên tập viên của tạp chí địa phương The Nation nói rằng người dân nước này đã quen với việc quốc vương gọi đất nước là eSwatini.
Tuy nhiên, việc ông chính thức tuyên bố đổi tên thể hiện hoàn hảo về cách thức ông trị vì đất nước, Makhubu nói. “Ông ấy làm những gì mà ông ấy thích.”
Một số người thậm chí còn cảm thấy nhà vua coi đất nước eSwatini như thể tài sản riêng của mình, Makhubu nói, và mô tả rằng tình thế quả là ”kinh khủng”.
“Chúng tôi [nhân dân] bị kẹt trong chuyện đó,” ông nói thêm.
Getty Images
Tuy nhiên, việc đổi tên đất nước không phải là hành động nông cạn gì, theo luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ ở Nam Phi, đồng thời là một blogger, Darren Olivier.
“Có một giá trị trong đó, cái giá trị bên trong về chuyện danh tính và trong ý nghĩa của nó đối với người dân,” ông nói.
“Đồng thời là việc phải trả giá – trả giá một cách hiện hữu khi thay đổi danh tính.”
Giống nhiều người khác, Olivier băn khoăn tự hỏi chính xác thì cái giá mà eSwatini phải trả sẽ là gì.
Ngay sau khi Vua Mswati III ra thông cáo, Olivier đăng một bài viết trên blog trong đó ông ước tính nước này sẽ tốn khoảng 6 triệu đô la cho việc đổi tên.
Ông tính toán dựa trên thu nhập chịu thuế và không chịu thuế của cả nước là khoảng 1 tỷ đô la. Với một công ty lớn thì việc lên ngân sách marketing trung bình tốn chừng 6% thu nhập, ông nói. Như vậy, con số tương đương sẽ vào khoảng 60 triệu đô la trong trường hợp này, và ngân sách dành cho việc đặt lại nhãn hiệu thường chiếm khoảng 10% tổng chi phí marketing. Do đó, sẽ tốn khoảng 6 triệu đô la cho nhà nước eSwatini.
Như Olivier chỉ ra, với một quốc gia nhỏ như vậy thì đó “không phải là khoản không đáng kể”.
Ông thừa nhận rằng ước tính của ông chủ yếu dựa trên giả định về cách thức thay đổi nhãn hiệu của các công ty và mang tính tham khảo, bởi không ai biết là thần dân của Vua Mswati III sẽ phải chịu mức chi phí là bao nhiêu.
Getty Images
Đồng nội tệ của Eswatini bị phụ thuộc vào đồng rand của Nam Phi
“Giấy tờ hành chính, trang web, biểu tượng trên các tòa nhà chính phủ, các cơ quan chính phủ – có rất rất nhiều khoản chi to lớn, và cần phải đặt câu hỏi từ ngay lúc ban đầu rằng liệu điều này có thực sự cần thiết không,” Jerremy Sampson, giám đốc điều hành phụ trách vùng châu Phi của hãng chuyên về marketing, Brand Finance, nói.
Tại quốc gia Nam Phi láng giềng, các thay đổi đối với tên đường phố thuộc địa ở thành phố Pretoria đã ngốn hết hàng triệu rand.
Hồi giữa thế kỷ 20, nhà lãnh đạo Kenya tuyên bố rằng tên các đường phố ở đây cần phải đổi sang kiểu tên không dính dáng đến thời thuộc địa. Tiến trình này đã phải thực hiện trong nhiều năm. Và thậm chí ở Berlin, các tên phố ở Khu châu Phi có liên hệ với lịch sử thuộc địa cũng bị đánh dấu là cần phải xóa bỏ. Một trong những cái giá phải trả cho chủ nghĩa hậu thuộc địa là gánh nặng tài chính đi kèm với việc tẩy xóa quá khứ.
Các cơ quan chính phủ đã gửi ra các thông điệp theo đó nói việc đổi tên sẽ không gây gián đoạn và sẽ không tốn kém lắm.
Bộ Nội vụ eSwatini nói việc đổi tên sẽ được thực hiện từ từ để hạn chế phí tổn. Chẳng hạn như các mẫu giấy của chính phủ có in tiêu đề “Swaziland” sẽ không bị vứt bỏ. “Sẽ cần một thời gian mới sử dụng cho hết số giấy đã có,” Bộ trưởng Nội vụ, Hoàng thân Tsandzile Dlamini nói trong các bài tường thuật trên truyền thông.
Nhiều khả năng là vì lý do thực tế, nhà vua cũng đã nỗ lực bảo vệ giá trị của các tài liệu pháp lý trong đó có nêu đến cái tên Swaziland.
Thông báo chính thức mà giới chức công bố nói rằng bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào hay hợp đồng pháp lý nào dẫn chiếu đến Swaziland sẽ đều được hiểu là dẫn chiếu đến eSwatini. Việc bảo hộ pháp lý này đương nhiên sẽ bảo vệ cho các doanh nghiệp nước ngoài khỏi phải tiến hành hàng loạt các thay đổi trong tài liệu công ty.
Khi tôi liên hệ với Cơ quan Cao ủy Swazi, đại diện ngoại giao của Swazi trong khối Thịnh vượng chung ở London để xin bình luận, một nữ phát ngôn viên nói rằng việc đổi tên “không ảnh hưởng tới bất kỳ chính sách và thỏa thuận nào của chúng tôi.”
Tôi hỏi liệu Cao ủy Vương quốc Swaziland có đổi tên hay không.
“Thực sự thì,” bà đáp, “cơ quan chúng tôi nay có tên là Cao ủy Vương quốc eSwatini.”
Tuy nhiên, chữ ký cuối email vẫn dùng tên cũ. Thậm chí ngay cả trang web chính phủ khi đó vẫn đang dùng tên gọi Swaziland.
Getty Images
Cơ quan quản lý du lịch của eSwatini đã tự đổi tên mình
Nhưng việc thay đổi đã hiển hiện đây đó. Đáng chú ý là cơ quan quản lý du lịch của eSwatini đã tự đổi tên mình. Đây là điều quan trọng, bởi cũng như bất kỳ cơ quan quản lý du lịch nào khác, đây là cách thức mà đất nước thể hiện mình ra với thế giới bên ngoài, và nó tạo cho những người sống bên ngoài đất nước này cảm giác họ nên gọi nước này bằng cái tên eSwatini chứ không phải là Swaziland nữa.
Vậy còn bản đồ và các bảng biểu thì sao? Nhà địa chất học Peter Jordan từ Học viện Khoa học Australia nói rằng có sự khác biệt giữa tên một quốc gia sử dụng ở trong nước (endonym – nội danh) và một tên mà người ngoài dùng để gọi nước đó (exonym – ngoại danh). Chẳng hạn như tên nội bộ người Đức dùng để gọi họ thì là từ Deutschland, trong khi từ dùng chung với bên ngoài thì là Germany hoặc Allemagne.
“Không cần phải thay đổi nhiều lắm,” Jordan giải thích “khi Swaziland đổi tên dùng trong nước, bởi bản đồ thế giới và các bản đồ khác thì thể hiện bằng loại tên ngoại danh.”
Có lẽ đây là lý do khiến Google Maps chẳng hạn vẫn dùng tên Swaziland tuy đây là loại dịch vụ kỹ thuật số và có thể cập nhật vô cùng nhanh chóng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại eSwatini nhanh chóng đổi tên, và thậm chí còn cập nhật cả tài khoản Twitter của họ.
Cuối cùng thì việc các cá nhân và tổ chức trên thế giới chọn cái tên Swaziland hay eSwatini nhiều khả năng sẽ chỉ là do lựa chọn cá nhân. Nhưng ở bên trong đất nước đó thì việc thay đổi tên chính thức thực sự có tầm quan trọng to lớn hơn nhiều. Và không phải mọi người đểu cảm thấy thuyết phục rằng đó là cách sử dụng tốt công quỹ.
“Chúng tôi phản đối việc đổi tên […] Đó không phải là kết quả của một tiến trình tham vấn minh bạch,” Mlungisi Makhanya, tổng thư ký Phong trào Dân chủ Thống nhất Nhân dân (PUDEMO), một đảng đối lập theo đường lối chủ nghĩa xã hội ở Swazi, nói.
Makhanya nói rằng về nguyên tắc, ông không có vấn đề gì với việc đổi tên, nhưng nói việc đó lẽ ra cần phải được lên kế hoạch thực hiện một cách minh bạch hơn. Ông nói ông và những người khác cảm thấy lo lắng về những phí tổn sẽ phải gánh chịu, nhưng nhiều người sợ hãi không dám nói ra.
“Rất khó để nói vào lúc này [là việc đó sẽ gây tốn kém bao nhiêu],” ông nói, và vô cùng lo lắng rằng chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu lilageni [đồng nội tệ của eSwatini]. Ngân hàng Trung ương Swaziland gần đây đã đổi tên thành Ngân hàng Trung ương eSwatini, ông nêu ra, nhưng các đồng tiền xu và tiền giấy thì chưa, và sẽ cần thay đổi phù hợp.
Nhưng những người khác thì hoàn toàn không đồng ý.
Andrew Le Roux là chủ tịch Liên đoàn Chủ sử dụng lao động và Phòng Thương mại Swaziland. “Có sự hiểu nhầm to lớn về nhà vua, theo đó cho rằng ngài là một kiểu tay chơi quân chủ châu Phi,” Le Roux nói với tôi, và tự mô tả bản thân là một người làm việc rất cần mẫn.
Việc thay đổi danh tính quốc gia là một cơ hội cho người dân Swazi trong việc xác định họ là ai, họ muốn thể hiện mình ra thế giới như thế nào, Le Roux nói.
Nhiều doanh nghiệp có chữ “Swaziland” đi kèm trong tên. Tôi hỏi liệu có bất kỳ áp lực chính thức hay về mặt pháp lý nào trong việc phải thay đổi phần nội dung này không, và Le Roux nói rằng không.
Và ông nhắc tới mối quan tâm của quốc tế tới quốc gia này sau tuyên bố đổi tên. “Việc đổi tên đã tạo ra nhiều hoạt động tìm kiếm thông tin trực tuyến hơn bất kỳ tên nào khác về Swaziland trong vài năm qua,” ông nói.
Đây rõ ràng là chủ đề mở đầu cho một cuộc trò chuyện. Liệu các nước khác có nhìn vào eSwatini như một quốc gia mới, một địa điểm mà họ cần phải tới làm ăn với không? Có thể.
Nếu vậy, sự thay đổi có thể về lâu về dài sẽ tự bù đắp cho các phí tổn phát sinh. Nhưng đương nhiên là không có gì đảm bảo rằng điều đó sẽ xảy ra, và khó trách cứ những ai cho rằng việc đổi tên đã làm giảm bớt sự quan tâm tới một số các vấn đề nghiêm trọng cần chính phủ xử lý.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Bình luận về bài viết này