Hội nghị Trump-Putin sẽ vẫn diễn ra

BBC

Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về mối quan hệ Nga-Mỹ và các vấn đề an ninh quốc gia vào thứ Hai, 16/7
Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về mối quan hệ Nga-Mỹ và các vấn đề an ninh quốc gia vào thứ Hai, 16/7

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Nga Vladimir Putin sẽ vẫn gặp nhau bất chấp những diễn biến mới nhất đầy căng thẳng trong cuộc điều tra Trump-Nga.

Nhà Trắng cho biết hai vị lãnh đạo hàng đầu thế giới sẽ có cuộc hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Phần Lan, Helsinki, vào thứ Hai 16/7.
Hiện đang có những lời kêu gọi hủy bỏ cuộc gặp sau khi Hoa Kỳ vừa mới buộc tội 12 nhân viên tình báo Nga hôm 13/7 vì đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Trong khi đó Điện Kremlin nói rất mong chờ cuộc gặp.
“Chúng tôi coi Trump là một đối tác thương lượng,” cố vấn Kremlin Yuri Ushakov nói. “Tình trạng quan hệ song phương đang rất xấu. Chúng ta phải cải thiện vấn đề này.”
Việc 12 người Nga bị buộc tội tấn công mạng các quan chức Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016 đã châm ngòi cho một cuộc khẩu chiến giữa Washington và Moscow.
Bộ Ngoại giao Nga nói kết luận này là một “đống mưu âm mưu” nhằm “phá hủy bầu không khí” trước hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Hai.
Cơ quan đối ngoại này của Nga cũng cho rằng không có bằng chứng nào về việc các nhân viên của họ tổ chức tấn công mạng hoặc tình báo quân sự.
Nhưng Phó Tổng chưởng lý Mỹ Rod Rosenstein nhấn mạnh rằng mục tiêu của những kẻ tấn công “là để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.”

Các cáo buộc là gì?

11 cáo trạng nêu tên 12 bị cáo người Nga, cáo buộc họ bắt đầu tấn công mạng vào các tài khoản email của nhân viên của bà Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi tháng 3/2016.
Họ bị buộc tội sử dụng phần mềm đọc phím tắt để theo dõi chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) và đột nhập vào máy tính nội bộ khác.
Ông Rosenstein cho biết những kẻ tấn công đã sử dụng những tài khoản giả như “DCLeaks” và “Guccifer 2.0”, để phát tán hàng ngàn email bị đánh cắp.
Họ cũng bị buộc tội ăn cắp dữ liệu của nửa triệu cử tri từ một trang web của hội đồng bầu cử tiểu bang.

Phản ứng là gì?

Trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh Theresa May hôm thứ Sáu, ông Trump nói ông sẽ “chắc chắn” yêu cầu tổng thống Nga giải thích về cáo buộc can thiệp bầu cử.
Nhưng các lãnh đạo đảng Dân chủ kêu gọi ông hủy bỏ cuộc hội nghị thượng đỉnh dự kiến hoàn toàn.
“Tổng thống Trump hoàn toàn nên hủy cuộc họp này với ông Putin hôm thứ Hai,” Chủ tịch DNC, Tom Perez, nói. “Ông ta không phải là bạn của Hoa Kỳ.”
“Tổng thống Trump nên hủy bỏ cuộc họp của ông với Vladimir Putin cho đến khi Nga có những hành động minh bạch để chứng minh họ sẽ không can thiệp vào các cuộc bầu cử trong tương lai,” lãnh đạo đảng Dân chủ Thượng nghị sĩ Chuck Schumer nói.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain nói hội nghị thượng đỉnh “không nên diễn ra” trừ khi tổng thống Trump “sẵn sàng để khiến ông Putin chịu trách nhiệm”.

Bức tranh toàn cảnh

Cố vấn đặc biệt Robert Mueller đang điều tra phát hiện của các cơ quan tình báo Mỹ về việc Nga đã âm mưu can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 để giúp cho ông Trump đắc cử.
Tính đến thứ Sáu, cuộc điều tra đã truy tố 32 người – chủ yếu là công dân Nga vắng mặt – cũng như ba công ty và bốn cố vấn cũ của Trump.
Tuy nhiên chưa có cáo buộc nào tố cáo các cố vấn của Trump đã hợp tác với Nga để can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và George Papadopoulos, cựu cố vấn chính sách đối ngoại, đã nhận tội khi đưa ra những tuyên bố sai lệch về mối liên hệ của họ với người Nga.
Cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump Paul Manafort và phó chủ tịch Rick Gates bị buộc tội rửa tiền liên quan đến công việc tư vấn chính trị của họ ở Ukraine

Bình luận về bài viết này