Mất hay không có bản đồ Khu đô thị Thủ Thiêm?

BBC

Việt Nam, Thủ Thiêm, Sài Gòn
Nhiều khu đất vàng tại Thủ Thiêm được giao bán đấu giá thời gian gần đây
Dư luận Việt Nam xôn xao việc không tìm thấy bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm, vốn là căn cứ để xác định quyền lợi về đất đai của hàng chục ngàn hộ dân.

Bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị Thủ Thiêm, đi kèm Quyết định 367 được xem là “chìa khóa” giải quyết chuyện khiếu nại, khiếu kiện của người dân ở Thủ Thiêm kéo dài nhiều năm qua.

Để đầu tư xây dựng ‘siêu dự án’ Khu đô thị Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, di dời khoảng 15.000 hộ dân, huy động gần 30.000 tỷ đồng chi trả bồi thường, tái định cư.
Cũng từ đó, khiếu nại của người dân ở khu vực này phát sinh, mấu chốt nằm ở việc xác định ranh giới quy hoạch, theo truyền thông Việt Nam.

Mất hay không có?

Thông tin thất lạc bản đồ Khu đô thị Thủ Thiêm năm 1996, tỷ lệ 1/5.000, được cho là ‘bùng lên’ sau cuộc họp báo thường kỳ của UBND TP Hồ Chí Minh ngày 2/5.
Tại họp báo, khi phóng viên hỏi “Bản đồ đi kèm Quyết định 367 về quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ hiện nay đang ở đâu?”, người chuyên quản lý việc vẽ bản đồ – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết đến giờ vẫn tìm chưa ra bản đồ này.
“Thành phố đã chỉ đạo các sở – ngành rà soát lại từng nguồn, đơn vị tư vấn trước đây và cũng có văn bản hỏi các bộ – ngành trung ương nhưng đến giờ vẫn chưa tìm thấy”, báo Dân Việt trích lời ông Nhã.
Sau đó, trong buổi họp báo chính phủ thường kỳ ngày 3/5, Bộ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định Thủ Thiêm có rất nhiều bản đồ và cái bị mất là bản đồ quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996. Hiện nay việc triển khai quy hoạch Thủ Thiêm đang được thưực hiện dựa trên bản đồ chi tiết hơn, tỷ lệ 1/2000.
Cũng theo ông Hùng, đô thị mới Thủ Thiêm đã điều chỉnh quy hoạch hai lần vào năm 1996 và 2005. Hiện quá trình triển khai dự án, xác định ranh giới, thu hồi mặt bằng là theo quy hoạch chung 2005 và “quy hoạch này vẫn còn”.
Thế nhưng ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng Ban tiếp công dân trung ương (Thanh tra Chính phủ) trả lời báo Dân Trí ngày 3/5 là bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm tỉ lệ 1/5.000 kèm theo quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng này “Làm gì có mà tìm!”
Ông Nguyễn Hồng Điệp còn cho rằng TP Hồ Chí Minh cần sớm trả lời sòng phẳng, thẳng thắn với người dân là không có bản đồ quy hoạch khu Thủ Thiêm 1/5.000, vì Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước cũng không có tấm bản đồ này.
Theo Dân Việt, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thực ra đã phát hiện chuyện mất bản đồ khu đô thị Thủ Thiêm từ hồi cuối tháng 11/2017 khi ông làm việc với TP Hồ Chí Minh. Tại cuộc họp đó, giới chức thành phố báo cáo “các sở ngành liên quan đều không tìm thấy” [bản đồ].

‘Phải có nhiều nơi lưu trữ’

KTS Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh, cho rằng phải có nhiều nơi lưu trữ bản đồ quy hoạch 1/5.000. Chẳng hạn như Văn phòng Chính phủ, Cục Văn thư và lưu trữ – nơi lưu những văn bản và tài liệu kèm theo do Thủ tướng ban hành, hoặc Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh, nay là Sở Quy hoạch Kiến trúc, và ngay tại văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh.
Theo Dân Việt, bản đồ này thực ra đã được đăng trên báo Lao Động, công khai ở địa phương bị thu hồi đất từ năm 1996.
Hiện nay, hàng chục người dân xin được bản sao ở Chi cục Văn thư lưu trữ, dấu mộc đỏ chót.
Ông Lê Văn Lung, người đi khiếu nại về đất đai 20 năm qua, được báo Dân Việt trích lời: “Họ [chính quyền] cần chúng tôi sẽ cho không. Nhưng không có bản đồ thì làm sao mà thu hồi đất. Họ sợ lộ vụ Thủ Thiêm nên thủ tiêu thôi chứ mất sao được!”

‘Chuyện lạ’

Trả lời Zing.vn, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khẳng định việc thất lạc bản đồ quy hoạch 1/5.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm là ‘chuyện lạ’, làm nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp.
Ông Hùng nói căn cứ vào bản đồ, đơn vị thực hiện dự án xác định được hạng mục bên trong dự án. Cụ thể, đâu là khu vực làm đường đi, đâu là khu làm nhà, trường học… và ranh giới giữa các khu này.
Thất lạc bản đồ 1/5.000 đồng nghĩa với không còn cơ sở để bố trí mặt bằng cụ thể, chỉ còn phần thuyết minh bằng lời cho dự án. Trong tình huống này, rất dễ xảy ra tranh chấp vùng giáp ranh giữa dự án với đất của dân cư sống xung quanh. Hơn nữa, mất bản đồ có thể dẫn đến thực hiện sai quy hoạch.
“Một dự án lớn hàng trăm ha, hàng chục nghìn tỷ đồng mà TP Hồ Chí Minh để thất lạc bản đồ quy hoạch 1/5.000 gốc, tôi cho rằng đó là chuyện rất lạ và vô lý”, ông Võ bình luận trên Zing.vn.
Trao đổi với Lao Động, kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay, ông đang thắc mắc không hiểu quá trình bàn giao thế nào lại để thất lạc bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.
“Tôi thắc mắc, tại sao người dân lại biết mình không nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm? Tôi phỏng đoán phải có người đang giữ bản quy hoạch gốc đó, rồi báo cho người dân biết, bởi đến tôi còn không nhớ nữa là”, ông Vạn nói.

Căn cứ nào triển khai dự án Thủ Thiêm?

Theo VnExpress, quyết định 367 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm căn cứ vào cơ sở pháp lý là nghị định 91 ngày 17/8/1994 của Chính phủ (về việc ban hành điều lệ quản lý quy hoạch đô thị).
Tuy vậy, việc không có bản đồ quy hoạch kèm quyết định trên đã khiến khiếu nại của người dân liên quan đến dự án này chưa có điểm dừng.
Hiện khiếu nại của hơn 60 hộ dân liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa giảm độ nóng.
Nguyên nhân chính là các hộ dân cho rằng đất của họ không thuộc diện tích dự án Thủ Thiêm, nhưng vẫn bị thu hồi và không có quyết định thu hồi, không bồi thường thỏa đáng.

Mạng xã hội nói gì?

Một bình luận

  1. Thật ra, thông tin về tấm bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm (Quận 2, TP.HCM) với tỷ lệ 1/5000 thất lạc hoàn toàn không mới.
    Từ giữa tháng 10-2017, đã xuất hiện thông tin về việc này. Trung ương cũng đã biết, vấn đề là khi nào đưa ra trước công luận mà thôi.
    Những hộ dân bị mất đất, bị cưỡng chế, bị lùa vào khu tái định cư tạm bợ ở quận 2, những thị dân gia nhập đội ngũ dân oan ra Trung ương kêu cứu, sau khi nhiều năm liền khiếu kiện ở Sài Gòn bất thành cũng không mới. Nhưng, mãi rất nhiều năm sau, họ mới nhìn thấy chút ánh sáng cuối đường hầm. Mặc dù, không phải ai cũng có may mắn còn sống (hoặc tỉnh táo) để nhìn thấy niềm hy vọng.
    Mười lăm năm coi sóc Sài Gòn, từ vị trí Chủ tịch UBND TP.HCM cho đến Bí thư Thành uỷ, chắc chắn ông Bí thư thành ủy thời điểm đó không thể không có trách nhiệm trong câu chuyện dài Thủ Thiêm. Và cả ông đương nhiệm lẫn ông vừa về hưu khác.
    Giá đất ở nơi đây hiện tại hơn 100 triệu/m2, nhưng không còn đất để mà bán.
    Tấm bản đồ thất lạc thật hay không, có tìm thấy được hay không, có lẽ không còn quan trọng nữa. Khi mà cái ngày những kẻ gieo gió sắp phải gặt bão để xác tín câu nói của tiền nhân, “Gieo nhân nào, gặt quả ấy”.
    Kẻ ác có thể không chết ở tập đầu, tập giữa hay tập cuối. Thế nhưng, kẻ ác phải gánh chịu hậu quả mà bọn chúng gây ra.
    Tấm bản đồ thất lạc, đôi khi, chính là chìa khoá để mở ra một sự thật – theo quan điểm cá nhân.

Bình luận về bài viết này