Bình luận thay đổi nhân sự ở Hội nghị TƯ 7

BBC
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Dư luận đang đồn đoán về các thay đổi nhân sự có thể xảy ra ở Hội nghị Trung ương 7 khoá XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, diễn ra trong tháng 5.
Một số cây bút, viết trên báo tuần này, cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh chính trị tại Hội nghị.

Viết trên The Diplomat hôm 1/5, cây bút David Hutt dự đoán có thể ba gương mặt mới sẽ được bầu vào Bộ Chính trị tại Hội nghị.

Bầu thêm vào Bộ Chính trị?

Suy đoán này dựa vào một bài trước đó hôm 26/4 của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp viết cho Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore.
Sở dĩ có con số 3 người, theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, là do vấn đề sức khỏe đã được Đảng xác nhận đối với ông Đinh Thế Huynh, việc xử tù ông Đinh La Thăng, và đồn đoán về tình trạng sức khỏe của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Do đó, Tiến sĩ Hiệp cho rằng “ít nhất ba thành viên mới có thể được bổ sung vào Bộ Chính trị”.
Giới quan sát nói Chủ tịch nước Trần Đại Quang đang có vấn đề sức khỏe
Giới quan sát nói Chủ tịch nước Trần Đại Quang đang có vấn đề sức khỏe
Tiến sĩ Hiệp đặt giả thiết ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, có thể sẽ được chọn thay thế Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Tiến sĩ Hiệp phân tích: “Một vấn đề quan trọng khác sẽ được quyết định là việc tìm người thay thế Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện là ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, được cho là người nhiều khả năng nhất sẽ đảm nhiệm vị trí này.”
“Nếu ông Nhân được thăng chức, ông Võ Văn Thưởng, từng là Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, có thể rời vị trí Trưởng Ban Tuyên Giáo hiện tại của mình để thay ông Nhân làm Bí thư TP Hồ Chí Minh.”
“Nếu vậy, điều này sẽ mở ra cơ hội cho ông Nguyễn Xuân Thắng được bầu vào Bộ Chính trị và tiếp quản vị trí Trưởng ban Tuyên giáo mà ông Thưởng để lại.”
Tiếp nối đánh giá này, cây bút David Hutt bình luận ông Nguyễn Thiện Nhân có thể được xem là “ủy viên Bộ Chính trị không có gì nổi bật, từng có vẻ mất thế sau khi kém cỏi trong vị trí bộ trưởng giáo dục”.
“Ông được xem là một đảng viên biết nghe lời (a Party yes-man),” David Hutt bình luận.
David Hutt nói tiếp: “Tuy vậy, đây có thể chính là người mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chính khách hàng đầu, ưa chuộng.”
Cây bút David Hutt cho rằng từ khi được bầu lại năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng đã đem lại thay đổi “mang tính chất bảo thủ”.
“Đảng, dưới sự lãnh đạo của ông, trở nên trung ương hóa hơn, các quyết định mang tính ‘đồng thuận’.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hôm 30/4, trên báo mạng Asia Sentinel, cây bút David Brown cũng có bài đánh giá về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
David Brown tổng kết về suy nghĩ của ông Trọng như sau: “Ông tin rằng nhiều năm trước đây tình hình tốt hơn hẳn, khi Việt Nam còn nghèo nhưng Đảng Cộng sản cầm quyền trong sạch.”
“Ông là nhà lý luận, người tin tưởng nhiệt thành, đã vượt qua cuộc đấu tranh quyền lực hơn hai năm trước đây.”
“Nay ông muốn làm sạch đảng, loại bỏ những kẻ tái phạm, xu thời, cơ hội.”
Ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, bị xử tù
Ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, bị xử tù
David Brown cho rằng từ khi được bầu lại năm 2016, ông Trọng “rõ ràng là sếp lớn” trong Đảng.
Tại Hội nghị Trung ương 7, David Brown dự đoán, ông Trọng sẽ có thể “đưa các đồ đệ vào những vị trí Bộ Chính trị đang trống”.
Trên The Diplomat, David Hutt dự đoán ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư và là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, là ứng viên hàng đầu cho chức Tổng Bí thư năm 2021.
Nhưng Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thì nói nếu ông Nguyễn Thiện Nhân trở thành Chủ tịch nước, ông lại “có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh tiềm năng của ông Vượng, đặc biệt nếu xét đến truyền thống của Đảng trong việc bầu một người trong “Tứ trụ” của nhiệm kỳ trước vào vị trí Tổng bí thư của nhiệm kỳ sau”.

Ảnh hưởng đến dân?

Hội nghị Trung ương 7 là công việc nội bộ của Đảng Cộng sản, nhưng nó có ảnh hưởng gì đến hàng chục triệu người dân Việt Nam?
David Brown nhận xét điều quan trọng cho khoảng 90% dân số là liệu Đảng, dù do ai lãnh đạo, có thể “chỉ đạo nhà nước nâng cao chất lượng sống, thậm chí lên đến mức thu nhập trên trung lưu”.
“Chừng nào đảng vẫn còn đem lại thịnh vượng và chất lượng sống cải thiện cho nhiều người cũng như thiểu số tinh hoa, sự kiểm soát quyền lực của đảng vẫn còn vững.”
Việt Nam sẽ có dân số già đi trong vài thập niên
Việt Nam sẽ có dân số già đi trong vài thập niên
Cũng nhìn về tác động tới dân chúng, David Hutt, trên The Diplomat, nói những gì được quyết định ở Hội nghị Trung ương 7 “sẽ quan trọng cho người bình thường”.
Đề án nâng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 cho nam, 55 lên 60 cho nữ, sẽ được trình cho Hội nghị.
Ngoài ra, Đảng cũng đang xem xét điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Hiện nay, Luật BHXH đang quy định người lao động có thời gian đóng 20 năm sẽ được hưởng lương hưu.
Nhưng chính phủ đang tính toán theo lộ trình, có thể giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm đủ điều kiện hưởng lương hưu; sau khi áp dụng, sẽ tiếp tục tính toán phương án có thể giảm xuống mốc 10 năm đóng BHXH.
David Hutt chỉ ra rằng trong một, hai thập niên tới, Việt Nam sẽ có dân số già đi, làm tăng nguy cơ “già đi trước khi giàu”.
Vì thế, giải pháp là giảm đi số lượng người nhận tiền hưu, mà tăng số lượng người trả tiền cho quỹ hưu. Việc giảm số năm đóng BHXH dường như là cách để khuyến khích thêm người lao động và doanh nghiệp đóng tiền.

Bình luận về bài viết này