Sự tuột dốc của một tờ báo lớn mà nhỏ

FB Nguyễn Đình Bổn
21-4-2018
Tiengdan

Những hành vi được coi là quấy rối tình dục. Ảnh: Luật Khoa
Vụ bê bối xâm hại tình dục đang làm báo Tuổi Trẻ tuột dốc thê thảm, trở thành xấu xa trong mắt rất nhiều bạn đọc, trong đó có tôi, người từng xem TT như một tờ báo nhà nước mà “chơi được”, và tôi cũng có nhiều bạn bè ở đó.

Nguyên nhân rất rõ ràng là do chính báo TT “làm nên” điều này chớ không ai khác,

nhưng nguyên nhân sâu xa, mang tính khách quan lại không do chính những người tâm huyết với TT, mà do chính “cơ chế” rất éo le của nó, khi TT mang một nội tại đầy mâu thuẫn: Xếp theo “thứ bậc” tại VN, Tuổi Trẻ là báo loại ba: nghĩa là vừa là báo ngành (của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) vừa của địa phương (TP.HCM), đó là cấp thấp nhất trong hệ thống báo chí, nhưng TT lại được đánh giá là tờ báo hàng đầu VN trong thời “vàng son” 1990-2005 và cho cả đến gần đây.

Được bạn đọc yêu mến và phát triển mạnh mẽ là do TT từng có những cây bút tài năng và tâm huyết. Không ai có thể quên bà Kim Hạnh, ông Lê Văn Nuôi, Hàng Chức Nguyên, Trần Trọng Thức, Huy Đức, Tâm Chánh… và nhiều tên tuổi khác.
Không ai có thể quên những phóng sự, bài viết dũng cảm như vụ chỉ ra sự thật 16 tấn vàng của VNCH, các vụ án Năm Cam, PMU 18, vụ công ty dược phẩm Zuellig Pharma lũng đoạn thị trường thuốc tây…
Chính mâu thuẫn nội tại và vị thế chính trị nhỏ bé của TT đã khiến cho hàng loạt Tổng biên tập mất chức, nhiều phóng viên bị truy tố. Và sau khi ông Lê Hoàng bị cách chức, TT bắt đầu vào thời kỳ suy thoái, khi các cá nhân không có nghiệp vụ báo chí, không có tâm huyết với nghề, không có chút dũng cảm trong nghề… từ bên thành đoàn được chuyển qua làm lãnh đạo.
Từ đó, cái xấu được dung dưỡng và những bài viết “máu lửa” bị gạt qua. Cái xấu được bảo bọc thì nó lớn mạnh, lớn mạnh thì nó cũng có ngày vỡ tung ra trước bàn dân thiên hạ, nhất là trong thời buổi của thông tin mạng.
Tôi đã từng yêu quý tờ báo này, các truyện ngắn của tôi từng in trên trang TTCN, một trang rất được đón nhận thời kỳ 1989- 1994, và tôi thực sự thấy buồn, thấy rất tiếc.

Một bình luận

  1. Khi sự việc bê bối tình dục liên quan đến Báo Tuổi Trẻ diễn ra 2 ngày, thông tin đen ngòm lan truyền khắp làng báo trong nước thì Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ chữa cháy bằng cách phát đi thông điệp “Tạm đình chỉ công việc nhà báo Anh Thoa” để làm “an lòng” dư luận. Đình chỉ công tác với nghi phạm là vậy, nhưng Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ không quên lấp liếm, khẳng định: “Kết quả xác minh bước đầu cho thấy thông tin một cộng tác viên của báo Tuổi Trẻ tự tử là không chính xác. Cộng tác viên này nhập viện từ tối 18-4 vì lý do sức khỏe và đã xuất viện trong sáng 19-4”.
    Khi thông cáo này phát đi, không khó để bạn đọc nhìn thấy dã tâm của Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ là cố tình né tránh vấn đề. Việc quan trọng cần giải quyết, điều cốt lõi ở đây cần phải làm rõ là: Có hay không việc quấy rối, hiếp dâm CTV nữ mới là bản chất! Nhưng Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ lại lèo lái, chuyển hướng dư luận sang quan tâm đến việc “có hay không CTV tự tử”, không khác nào đánh bùn sang ao!
    Trước cách hành xử bất minh, đầy lấp liếm này, tập thể thầy, cô giáo, sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn bức xúc, phải lên tiếng: “Chúng tôi đã chờ đợi với một sự tin tưởng chân thành vào những giá trị vững chãi và năng lực của một trong những tờ báo uy tín có tầm ảnh hưởng hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải trao đổi thẳng thắn rằng nội dung thông cáo báo chí của Báo Tuổi Trẻ đã phát đi cũng như bản tin phát ngôn về vụ việc này đăng trên Báo Tuổi Trẻ Online vào chiều 19-4 khiến chúng tôi rất thất vọng”, Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông nhấn mạnh.
    Trước ngọn lửa phẫn nộ, phản ứng gay gắt này từ phía dư luận, các nhà trí thức và những cá nhân sống tử tế, biết rằng không thể “giàn xếp” hay “che đậy” thêm được nữa, Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ tiếp tục thực hiện động thái thể hiện sự “tử tế” khi ra tuyên bố rằng: “Đề nghị cơ quan pháp luật làm rõ vụ việc nhà báo Anh Thoa”. Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ cũng thông cáo rõ: “Nhà báo Anh Thoa gửi đơn xin từ chức trưởng phòng truyền hình và nhận trách nhiệm: ‘Là người đứng đầu một phòng ban để xảy ra chuyện như vậy, cho dù đúng hay sai tôi vẫn là người không hoàn thành nhiệm vụ’. Ban biên tập Tuổi Trẻ đã chấp nhận đơn từ chức”. Thế là xong trách nhiệm của Báo Tuổi Trẻ?
    Đây không phải lần đầu tiên Báo Tuổi Trẻ dính bê bối tình dục, hiếp dâm CTV. Đã có rất nhiều trường hợp xảy ra nhưng vì lý do nào đó, tất cả đều “chìm xuống” một cách kỳ lạ! Liệu sự việc lần này có bị nhấn chìm hay không? Tất cả là phụ thuộc vào tiếng nói phát ra từ lương tâm, sự tử tế của dư luận và các tầng lớp trí thức trong xã hội.. Công lý đang ở đâu vậy thưa Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ?

Bình luận về bài viết này