PHAN LANG QUÊ HƯƠNG VÀ ĐỊNH MỆNH

 Ngô Quốc Sĩ 

          Phạm Phan Lang sinh tại Nha Trang, theo học tại trường Nữ Trung Học và Võ Tánh Nha Trang. Phan Lang là người phụ nữ Mỹ gốc Việt mang cấp bậc Trung Tá đầu tiên của Quân Lực Hoa Kỳ, là phu nhân của một cựu Thiếu Tá Hải Quân VNCH, di tản sang Mỹ cùng chồng và ba đứa con vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam. Trung Tá Lục Quân Hoa Kỳ Lang Phan Phạm đã nhận thông báo sẽ được thăng cấp Đại Tá, trước khi xin về hưu..Phan Lang từ chối mang cấp bậc Đại Tá vì muốn được ở lại thiên đàng hạ giới Hawaii vui sống với gia đình. Nhưng định mệnh qúa khắt khe! Đôi bờ tử sinh đã khép lại, bắt nàng phải làm người cô phụ khi người chồng dấu yêu đã ra đi trong một thảm nạn đứt ruột. Chàng đã chết đuối vì lao vào biển sóng để cứu đứa con mình và con các bạn đang bị sóng ngầm cuốn ra khơi trong một buổi Picnic tại Foley Beach! Thật đáng thương cho số phận hẩm hiu của những con tim gắn bó..

       Điều cần nói là Phan Lang mang quân phục Trung Tá Lục Quân Hoa Kỳ, nhưng tâm hồn lại rất Việt Nam, ướt át với con tim nhạy cảm trước những đau khổ của kiếp người, của đất nước đang bị đọa đày, của quê hương khổ đau, và nhất là tình gia đình nồng thắm với chồng con và song thân.

       Trước hết là tình gia đình. Phan Lang đã trải lên thơ  tấm lòng son sắt với người chồng dấu yêu đã ra đi, để lại người vợ hiền ngày thương nhớ đến ruột thắt, đêm trăn trở trên gối mộng:

              Từ chàng cách biệt phân ly

              Em về ôm mối sầu bi não nùng

              Đêm đêm ôm chiếc gối chung

              Ngửi mùi hương cũ, lòng nhung nhớ sầu

              Anh ơi, giờ ở nơi đâu?

              Mau về lau những giọt đau tím lòng

              Đèn chong em vẫn đợi mong

              Bóng anh bỗng hiện như trong cõi nào

       Nhớ rồi hỏi cho vơi bớt sầu thương, nhưng trải dài qua năm tháng, nhà thơ cũng phải tìm quên, chôn sâu mối nợ tình để quay về với hiện thực cuộc sống, tô điểm cho cuộc đời thêm xanh:

              Thôi hãy chôn sâu mối nợ tình

              Lấp đi mộng ước những ngày xinh

              Hãy ngăn giọt lệ đêm trăng tỏ

              Mơ đến chân trời thăm thẳm xanh…

       Tiếp đến là nỗi lòng hiếu thảo với song thân. Phan Lang đã dành cho thân mẫu những lời thơ thật tha thiết không còn lời nào để diễn tả. Vì hoàn cảnh đất nước loạn ly, Phan Lang đã phải xa mẹ ngàn trùng, chỉ biết nhớ về với đôi mắt đẫm lệ qua làn mây, khóm lá:

              Chân bước đi mắt con đẫm lệ 

              Biết bao giờ gặp lại Mẹ hiền 

              Nước non lâm cảnh đảo điên 

              Xa quê, bỏ Mẹ lòng miên man sầu…

              Chốn viễn xứ lòng đau như cắt 

              Mỗi chiều về dõi mắt chốn xa 

              Nhìn cây con tưởng tre nhà 

              Nhìn mây con tưởng như là Mẹ yêu

       Niềm tưởng nhớ ray rứt đã đưa nhà thơ vào mộng, tìm gặp mẹ trong giấc mơ, tưởng như nghe rõ mồn một tiếng ru hời lúc còn bé thơ:

              Buồng chuối chín sau vườn 

              Lá vàng rụng con mương ngoài ngõ 

              Văng vẳng tiếng ầu ơ

              Thấy Mẹ trong giấc mơ

       Nhớ mẹ rồi nhớ cha. Tình cảm Phan Lang dành cho thân phụ cũng không kém tha thiết. Nhà thơ đã viết về cha với những vần điệu thật truyền cảm của một người con hiếu thảo, thương cha già lưng cong tóc bạc, và mãi mãi ghi khắc công ơn sinh thành:

              Thương cha tóc đổi màu

              Lưng cha gầy cong mau 

              Con nhìn cha lệ ứa

              Đời cha lắm bể dâu

              Nước mắt cha mờ hoen

              Năm tháng vẫn chưa quên

              Những chuỗi ngày lưu lạc

              Xa xóm làng tổ tiên

       Thương nhất là ngày cha đã nhắm mắt ra đi khi non sông còn nhuộm máu và cha chưa trả xong nợ tang bồng của một thời nuôi mộng kình ngư:

              Tim cha không còn nóng

              Như một thuở kình ngư

              Một hôm cha nằm xuống

              Vĩnh biệt đời ngàn thu…

       Tình gia đình qủa là thắm thiết! Đến như tình quê hương của Phan Lang lại càng thắm thiết hơn. Hằng đêm, tác giả đã cảm thấy lòng đau, mắt đẫm lệ, nhớ về quê hương quằn quại trong gông cùm cộng sản, mà hy vọng ngày về qúa mong manh:

             Quê hương xa diệu vợi 

              Đắm chìm trong màn đêm 

              Lòng đau mắt rơi lệ 

              Ngày về là ảo vọng 

              Mơ ước chết lưng đồi 

              Tiếng cười vang vỡ vụn 

              Ôi đớn đau phận người

       Lòng đau, mắt ướt lệ là phải, vì đất nước đang trải qua bao nỗi oan khiên. Từ ngày 30 tháng 4 năm 75, dân Việt đã phải ngậm ngùi rời bỏ quê hương yêu dấu, chấp nhận cuộc sống lưu vong nơi đất khách quê người vơi con tim rỉ máu:

              Tháng Tư Đen ôi buồn

              Trong tim còn rỉ máu

              Nỗi đau người mất nước

              Sống cuộc đời lưu vong

       Người đi sống như kẻ lạc loài, còn người ở lại thì bị đày đọa trong cuộc sống đói nghèo, mất tự do, nhân quyền bị chà đạp, quyền sống cũng bị tước đoạt như thể bị lưu đày trên chính quê hương mình:

              Quê hương xa diệu vợi 

              Đắm chìm trong màn đêm 

              Lòng đau mắt rơi lệ 

              Nhìn nước nhà ngả nghiêng

              Lòng đau đêm trăn trở

              Khóc vận nước điêu linh

              Thương dân nghèo khốn khổ

              Trời hỡi xin thương tình

       Lòng đau ruột thắt, nhưng Phan Lang không tuyệt vọng. Nhà thơ mang cấp bậc Trung Tá Lục Quân Mỹ đã về hưu, nhưng lòng vẫn hướng về quê hương Việt Nam, tin vào một ngày quang phục sạch bóng thù trong giặc ngoài:

              Nghẹn ngào trong nỗi tái tê

              Lá vàng quét mãi ngày về còn xa

              Dù cho đất nước phong ba   

              Lòng tin quang phục không nhòa trong tim

       Trong niềm tin tưởng mãnh liệt đó, Phan Lang đã chấp tay khấn nguyện Trời Đất cho quê hương sớm thấy ánh sáng thanh bình, rạng ngời như minh châu trời Đông:

              Ngày ngày quét lá tôi tìm

              Dư âm ngày cũ nỗi niềm đầy vơi

              Cầu xin khấn nguyện với Trời

              Một mai non nước rạng ngời ánh quang

       Đó là Phan Lang, người con gái da vàng, mang dòng máu Âu Cơ, mang khí tiết Triệu Trưng, trong hoàn cảnh nghiệt ngã, vẫn sống, vẫn yêu và vẫn làm thơ, đúng như Holderlin đã thổ lộ: “Đã hẳn đời chất đầy sự nghiệp, nhưng người ở đời như nhà thi sĩ..”

Bình luận về bài viết này