Ông Đinh La Thăng: ‘Góp vốn Oceanbank đúng chủ trương của Đảng’

BBC

thăng
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa hôm 19/3
Ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, ra tòa lần hai hôm 19/3, lần này là vụ xử liên quan việc ông quyết định việc góp 800 tỷ vốn của PVN vào Oceanbank.

Ông Thăng bị cáo buộc đã góp vốn trong khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank; ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng, theo báo điện tử VnExpress.

Hậu quả, 800 tỷ đồng của PVN bị mất khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại bắt buộc với giá 0 đồng.
Theo VnExpress, khi ra tòa hôm 19/3, ông Thăng khai: “Tiền đề của việc góp vốn là sự đồng ý của Thủ tướng”, khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ông được dẫn lời nói sự việc đã diễn ra hơn 10 năm nên không nhớ hết song khẳng định “làm đúng chỉ đạo của Đảng, có sự đồng ý của Thủ tướng”.
Báo Tuổi Trẻ cũng dẫn lời ông Thăng tại tòa: “Việc góp vốn này thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ.”
“Xuất phát từ chủ trương của Đảng nên thực hiện việc chủ trương đi đầu, kiềm chế lạm phát nên PVN góp vốn vào OceanBank,” ông Thăng nói, theo Tuổi Trẻ.
Ông Thăng đối mặt với khung án cao nhất là 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”
Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 19 đến 29/3.
‘Không ổn’?
Trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh hôm 19/3, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói: “Việc một quan chức cao cấp nguyên là ủy viên Bộ Chính trị phải ra tòa là sự kiện lớn gây chú ý với công chúng, nhất là nội dung vụ án phơi bày sự thất thoát lớn về tài sản của người dân đóng thuế nằm dưới sự quản lý yếu kém, lỏng lẻo của các doanh nghiệp nhà nước.”
“Dưới góc nhìn của luật sư, tôi chú ý nhiều về khía cạnh pháp lý của vụ án.”
“Do tầm vóc của ông Thăng, tôi tin rằng việc xét xử đã được sắp xếp chu đáo với mức cao nhất. Diễn tiến khó có khả năng xảy ra các điều bất ngờ.”
“Theo tôi, ông Thăng bị truy tố ra tòa lần này vẫn với tội danh “Cố ý làm trái…” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999 đã không còn hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018 là điều đáng nói nhất trong vụ án.”
“Đương nhiên, Viện Kiểm sát truy tố căn cứ vào Nghị quyết số 41 do Quốc hội ban hành cho phép tiếp tục truy tố, xét xử nếu tội danh này đã bị khởi tố trước thời điểm Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực thi hành.”
“Điều này hoàn toàn đi ngược lại với nguyên tắc phải áp dụng điều luật có lợi cho đương sự. Nguyên tắc này được hầu hết các quốc gia trên thế giới có luật thành văn đã thừa nhận.”
“Luật Hình sự Việt Nam cũng thừa nhận và quy định tại khoản 3 điều 7 Bộ luật Hình sự, thì trong trường hợp Bộ luật Hình sự quy định bãi bỏ một tội danh (như tội danh Điều 165 Bộ luật Hình sự cũ), thì điều luật đó phải được áp dụng ngay cho đương sự, theo đó, đương sự được miễn truy tố.”

Tuyên án Đinh La Thăng-Trịnh Xuân Thanh
Luật sư Mạnh bình luận thêm: “Làm thất thoát tài sản lớn của dân thì tôi tin việc truy tố ông Thăng là chính đáng, nhưng việc áp dụng điều luật không còn hiệu lực pháp luật để truy tố là không ổn. Không bảo đảm tôn trọng các nguyên tắc pháp luật cơ bản mà thế giới và Việt Nam đã thừa nhận và điển chế thành quy định pháp luật.”
thăng
Ông Đinh La Thăng đã bị tuyên phạt 13 năm tù trong phiên tòa hồi tháng 1/2018
Các báo Việt Nam hôm 19/3 dẫn cáo trạng nói ông Thăng, cựu Chủ tịch PVN, “có vai trò lớn nhất trong việc làm thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN, ký thỏa thuận hợp tác tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Oceanbank) không thông qua Hội đồng Quản trị PVN.”
Trước đó, ngày 22/1, ông Thăng đã bị tuyên phạt 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án xảy tại PVN và Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam.

Bình luận về bài viết này