Ông Thăng và Thanh ‘cầu cứu’ Tổng bí thư Trọng?

Viễn Đông

21/01/2018

VOA

Ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tại tòa.
Một ngày trước khi tòa tuyên án trong vụ xử “gây rúng động” dư luận, có ý kiến cho rằng ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh dường như đang “cầu xin” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “nương tay”.

Cũng có thể đó là một cái nghệ thuật để mà gây ra thương cảm cho hội đồng xét xử và hoặc là lấy lòng dư luận rồi của những người đằng sau đó nữa.
Luật sư Trần Thu Nam nói.
Trong khi ông Thăng “nghẹn ngào” nói rằng “cảm nhận được sự nhân văn sâu sắc của tổng bí thư” với tuyên bố “xử lý cán bộ không phải dập cho người ta không ngóc lên được” thì ông Thanh lại “rưng rưng” xưng “cháu” và “bác” để “xin lỗi” ông Trọng, theo báo chí Việt Nam.
Luật sư Trần Thu Nam nói với VOA Việt Ngữ rằng hành động của các bị cáo từng có thời “thét ra lửa” có gì đó “không bình thường”.
Ông nói thêm: “Câu chuyện nghẹn ngào tôi đã từng gặp nhiều rồi. Ở những người từng có chức vụ, quyền hạn lớn mà nghẹn nào thì tôi ít gặp. Cũng dễ hiểu thôi, họ đang ở cái thế hơn người, quyền lực rất lớn, và hiện nay rơi xuống đáy vực, cho nên có thể họ bị sốc vì tinh thần, vì rất nhiều các vấn đề khác. Cũng có thể đó là một cái nghệ thuật để mà gây ra thương cảm cho hội đồng xét xử và hoặc là lấy lòng dư luận rồi của những người đằng sau đó nữa”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông nhận định tiếp rằng đấy có thể là “những cái bấu víu cuối cùng để động lòng trắc ẩn của một người cao nhất trong Bộ Chính trị, mong vớt vát gì đó, có thể mức án nó sẽ nhẹ đi”.
Tôi là luật sư trong nhiều vụ án của những người bất đồng chính kiến thì tôi thấy rằng mặc dù những người đó họ bị giam giữ rất là khắc nghiệt nhưng khi ra tòa thì họ vẫn rất thanh thản, và có những người họ còn hát ở tòa, chứ người ta không có khóc như ông Đinh La Thăng hay Trịnh Xuân Thanh.
Luật sư Hà Huy Sơn nói.
Luật sư Nam nói thêm: “Ông Thăng chắc cũng bị một cái sức ép khác. Bản thân em ruột của ông cũng bị bắt, và bị khởi tố về tội tham ô. Nếu như không có vụ án đó, ông Thăng ông sẽ mạnh mẽ hơn. Phải chăng là tất cả việc ông gạt bỏ sĩ diện để mà nhún nhường trong vụ án này, nhận hết trong vụ án này để nhằm mục đích giúp cho em ông ấy?”
Cùng quan điểm với ông Nam, luật sư Hà Huy Sơn nhận định rằng việc hai bị cáo “nghẹn ngào”, “ăn năn” vì “muốn được tòa người ta thương cảm tình cảnh để người ta giảm án thôi”.
Ông nói thêm: “Tôi là luật sư trong nhiều vụ án của những người bất đồng chính kiến thì tôi thấy rằng mặc dù những người đó họ bị giam giữ rất là khắc nghiệt nhưng khi ra tòa thì họ vẫn rất thanh thản, và có những người họ còn hát ở tòa, chứ người ta không có khóc như ông Đinh La Thăng hay Trịnh Xuân Thanh”.
Ông Đinh La Thăng bị dẫn giải ra tòa.
Về việc nguyên ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng và cựu quan chức tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh nhiều lần nhắc tên ông Trọng trong phần tự bào chữa, luật sư Sơn nhận định:
“Theo hiến pháp của Việt Nam quy định, đảng có quyền cao nhất và trong thực tế cũng là như vậy. Trong tình hình hiện nay, qua báo chí, ông Nguyễn Phú Trọng có quyền lực cao nhất, nên ông Thăng, ông Thanh nhắc tới ông Nguyễn Phú Trọng, theo tôi hiểu, đây cũng là một lời cầu xin gì đó với ông Trọng”.
Luật sư người Đức của ông Thanh, từng bày tỏ lo ngại rằng thân chủ của mình “không được xét xử công bằng” vì các phát ngôn trước đây của ông Trọng.
Trả lời VOA Việt Ngữ, bà Petra Isabel Schlagenhauf, luật sư người Đức của ông Thanh, từng bày tỏ lo ngại rằng thân chủ của mình “không được xét xử công bằng” vì các phát ngôn trước đây của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chưa rõ là cựu quan chức tỉnh Hậu Giang có đề cập tới việc này trước khi bị Việt Nam “bắt cóc ở Berlin” và “bị đưa về nước” như theo lời cáo buộc của phía Đức hay không.
VOA Việt Ngữ có liên lạc với luật sư Nguyễn Văn Quynh, một trong những người bào chữa cho ông Thanh, nhưng ông từ chối trả lời do “phiên tòa đang tiếp diễn”.
Chúng tôi không thể liên lạc được với các luật sư đại diện cho ông Đinh La Thăng để hỏi ý kiến về các nhận định liên quan tới ông Trọng.
.
Tòa dự kiến sẽ ra phán quyết trong vụ xử về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô” vào ngày 22/1.
Trong khi ông Thăng bị đề nghị mức án tới 15 năm tù thì ông Thanh bị đề nghị án chung thân, và trong phần tự bào chữa, cả hai đều bày tỏ mong muốn làm “ma tự do”, chứ không mong làm “ma tù”.
Một góc công viên ở Berlin nơi phía Đức cáo buộc Việt Nam “bắt cóc” ông Thanh.
Nhận định với VOA Việt Ngữ, giới quan sát cho rằng Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tung “cú đấm thép chưa từng có” trong vụ ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.
Trong tuyên bố được cho là thể hiện quyết tâm lúc ông Thanh đang trốn lệnh truy nã ở Đức, ông Trọng từng nói rằng cựu quan chức tỉnh Hậu Giang này “ghê gớm, móc ngoặc, dây dợ rồi bỏ trốn đi nước ngoài, nhưng không trốn được đâu”, theo báo chí trong nước.
Còn về ông Thăng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam từng tuyên bố rằng cựu Bí thư thành ủy TP HCM này “vào tội nào sẽ [bị] xử lý tiếp” theo “đúng quy định của pháp luật”.

Một bình luận

  1. Phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm khép lại sau hơn 10 ngày xét xử. Dẫu rằng đây chưa phải bản án cuối cùng, dẫu cuộc tranh luận công – tội vẫn chưa nguôi thì phiên tòa đặc biệt này đã thật sự để lại những điều đáng suy ngẫm. Những trải nghiệm cay đắng của ông Đinh La Thăng trong căn phòng giam chật hẹp, mờ ảo, lạnh lẽo, những giọt nước mắt muộn mằn của Trịnh Xuân Thanh và nhiều bị cáo khác trong phiên tòa này giống như một liều thuốc cảnh tỉnh với tất cả mọi người, nhất là với những ai đang nắm quyền trong tay mà tùy tiện, coi thường kỷ cương, phép nước.
    Từ đỉnh cao danh vọng đến vực thẳm sa cơ, khoảng cách ấy rất ngắn nếu như mỗi cán bộ, đảng viên “không thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa, Bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh nhìn thấy tương lai đen tối của mình phía trước khi lần lượt các tội danh bị đưa ra xét xử, nhìn thấy viễn cảnh mù mịt không biết ngày nào được làm “con ma tự do”. Họ tiên lượng đúng. Đã ra công đường thì dân và quan đều như nhau, không thể “dân có luật”, “quan có lệ”, càng không có chuyện “giơ cao đánh khẽ” với quan, khắc nghiệt với dân.
    Thế nên, việc ông Thăng thể hiện mong ước cuối cùng là được tại ngoại để “ăn Tết cùng gia đình” hay Trịnh Xuân Thanh muốn “qua Đức cùng vợ chăm con”… là điều không thể. Pháp luật nghiêm minh có thể xét đến công và tội, có thể lấy tình tiết giảm nhẹ để làm căn cứ tuyên án, nhưng dứt khoát không có chuyện châm chước theo kiểu “xin-cho”. Hãy để cho công lý lên tiếng, Chỉ tiếc rằng, giữa vòng quay nghiệt ngã của cuộc sống, giữa bộn bề những lo toan và cả toan tính, gia đình nhiều khi trở thành khái niệm rất mờ nhạt. Chỉ đến khi “mỏi gối, chùn chân”, đến khi “sa cơ lỡ bước”, người ta mới nghĩ đến “cha già, con dại”, “vợ dại, con thơ”.
    Đây là một bản án hợp lý hợp tình, đã cân nhắc, tính toán đến công, tội của các bị cáo, thể hiện cả sự nghiêm minh lẫn tính khoan dung của luật pháp, giúp các bị cáo có cơ hội chiêm nghiệm và sửa chữa lỗi lầm.

Bình luận về bài viết này