Làm gì với những kẻ bảo kê cho Vũ Nhôm đã lộ diện?

FB Hoàng Hải Vân
14-1-2018
Tiengdan

Là một bá tánh bình thường, dĩ nhiên tôi không thể biết ai là những kẻ bảo kê cho Vũ nhôm trước khi họ được cơ quan điều tra cho lộ diện. Tôi chỉ thấy những điều như thế này:

Vũ nhôm (phải) và Chủ tịch nước Trần Đại Quang (giữa). Ảnh: internet

1- Hàng chục khu đất công ở những vị trí đắc địa nhất của Đà Nẵng được bán cho Vũ nhôm với cái giá rẻ mạt không qua đấu giá, đã đem lại cho Vũ nhôm một khoản chênh lệch khổng lồ. Điều đó có nghĩa là, chính quyền thành phố Đà Nẵng thời đó đã mang một khoản tiền khổng lồ lẽ ra phải nộp vào ngân sách đem “biếu không” cho Vũ nhôm. Những người quyết định bán công sản một cách phi pháp này không thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2- Tôi cũng được biết, trong số những công sản được bán rẻ mạt cho Vũ nhôm nói trên, nhiều trường hợp được bán dưới sức ép của một cơ quan có quyền thế nào đó ở Trung ương, việc gây sức ép đó có để lại dấu tích bằng văn bản. Ai là người ký các văn bản gây sức ép phi pháp đó cũng nhất định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3- Từ một cái đơn của Vũ nhôm, Công an thành phố Đà Nẵng đã tùy tiện tước một phần quyền tự do đi lại của một công dân bằng cách cấm xuất cảnh đối với công dân này. Ai là người chỉ đạo và ai là người ký quyết định đó cũng phải bị truy cứu.

Bảo kê cho Vũ nhôm tất nhiên không chỉ có những người thuộc 3 thành phần nói trên, nhưng từ những đầu mối của 3 thành phần nói trên có thể lần ra cả một hệ thống. Cơ quan điều tra thừa khả năng để làm được điều này.

Chỉ xin lưu ý rằng, mặc dù được cảnh báo, nhưng Vũ nhôm vẫn được ai đó tạo điều kiện bỏ trốn ra nước ngoài. Và nếu như truyền thông ngoại quốc nói đúng, thì anh ta có ý định lấy cái mác là sĩ quan an ninh làm mồi đem “bí mật quốc gia” cung cấp cho những thế lực cần đến cái “bí mật” đó nhằm đổi lấy quy chế “tỵ nạn chính trị”.

Tôi chắc rằng Vũ nhôm chẳng có “bí mật quốc gia” gì để mà đem đổi chác, ngoài cái bí mật của đường dây bảo kê cho anh ta. Nhưng hãy coi chừng, rất có thể ai đó trong đường dây bảo kê của anh ta sẽ bỏ trốn. Và những người này rất có thể nắm giữ bí mật gì đó để có thể mang đi đổi chác.

Cho nên, ngoài việc bảo vệ nghiêm ngặt tính mạng cho Vũ nhôm trong trại giam để đề phòng diệt khẩu, không thể không quản thúc những kẻ bảo kê đã lộ diện.

4 bình luận

  1. Người đứng đầu Thành ủy Đà Nẵng thông báo, quan điểm của Ban Thường vụ Thành ủy là tất cả nhà đất công sản của thành phố khi di chuyển trụ sở làm việc, từ nay tuyệt đối không được đem bán mà phải giữ lại làm đất công cộng và phục vụ các thiết chế văn hóa. Bí thư Đà nẵng đã giao cho các ngành liên quan thuê chuyên gia nước ngoài về đánh giá lại quy hoạch của thành phố, vì hiện tại không còn phù hợp với nhu cầu phát triển. Nguyên tắc của quy hoạch là khi đã được duyệt thì không ai được phép can thiệp.
    “ông Nghĩa nói đó là tài sản để dành. Bao nhiêu đời tích tụ nhưng cứ vèo một cái là bán mất. May mắn là trụ sở Ủy ban thành phố trước đây không bị bán, nếu không bây giờ không biết sẽ làm sao. Đối với đất công tới đây sẽ phải giành lại”, ông Nghĩa nói.
    Làm lại quy hoạch lần này, lãnh đạo thành phố sẽ lắng nghe nhiều hơn về việc thiết kế xây dựng quảng trường trung tâm, chợ Hàn, đường đi bộ..
    Tôi đồng tình voi quan điểm của Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa:quan điểm giữ nhà đất công sản làm nơi công cộng là rất hay rất hợp lòng dân và mong rang không chỉ Đà Nẵng mà các địa phương khác trong cả nước cũng làm được như vậy.

  2. Biến công sản thành tư sản là bài mà nhiều đại gia và tập đoàn đã làm trên đất nước Việt nam rồi,đấy… chính là tài sản của dân bị chiếm hữu, chia chác mà dân thì chỉ biết lên tiếng kiểu đơn thân thôi, chẳng giải quyết được gì vì lực bất tòng tâm. Chuyện rõ như thế mà Chính quyền không nghĩ ra hay sao mà im ắng thế nhỉ ! Chính họ đã đã để cho Vũ tẩu tán tài sản và vợ con đi ra nước ngoài ,bình tĩnh thu xếp trong những nửa năm trời chứ không phải vội vã gì . Cơ quan điều tra cần phải tìm ra kẻ chống lưng,bảo kê cho Vũ Nhôm,quan trọng nhất là cơ quan điều tra phải làm nghiêm minh ,kiên quyết ,không có ngoại lệ ,không có bị áṕ lực nào.Và,tính mạng của Vũ Nhôm phải đảm bảo an toàn,cũng nên để công luận lên tiếng những vụ việc Vũ Nhôm đã khuynh đảo ở Đà nẵng ,những vụ việc mà cơ quan hành pháp Đà nẵng đã làm che chắn cho Vũ Nhôm ,cũng như những người liên quan.Công an Việt nam giỏi nhất thế giới mà chúng ta đã tin tưởng .

  3. Không ai cho không ai cái gì ? Không quốc gia nào cho không quốc gia kia cái gì ? Tất cả đều nằm trên bàn cân và phép cộng, trừ, nhân, chia? Nhà báo Nhà báo HOÀNG HẢI VÂN phán đoán quá chuẩn Tôi chắc rằng Vũ nhôm chẳng có “bí mật quốc gia” gì để mà đem đổi chác, ngoài cái bí mật của đường dây bảo kê cho anh ta. Nhưng hãy coi chừng, rất có thể ai đó trong đường dây bảo kê của anh ta sẽ bỏ trốn. Và những người này rất có thể nắm giữ bí mật gì đó để có thể mang đi đổi chác. Cho nên vụ này không đơn giản mà tóm được chủ chúa đâu, cũng như
    Chị nông dân bạn tui bảo : “vật Vũ Nhôm sẽ khó như vật đỉa cho mà coi”. Không biết các bạn có biết con đỉa hút máu người nó là như thế nào không: vật mạnh nó xuống đất lấy chân gí dị nó vẫn không chết, băm vằm nó ra trăm mảnh vứt xuống ruộng nó thành trăm con đỉa khác.

  4. Tiền của Vũ nhôm có lẽ không biết làm chi cho hết, nhưng anh ta không cần phải dùng tiền của mình để thâu tóm tài sản và củng cố thế lực. Chuyện xảy ra ở Ngân hàng Đông Á cho thấy điều đó.
    Để mua 60 triệu cổ phần của ngân hàng này với giá 600 tỷ đồng, anh ta vay của chính nó 400 tỷ (thế chấp bằng lô đất ở Đà Nẵng), còn 200 tỷ thì ngân hàng giúp anh ta “nộp” bằng chứng từ khống, nghĩa là anh ta ký giấy nộp, ngân hàng ký giấy thu, nhưng tiền thì anh ta không nộp mà ngân hàng nộp. Nhưng do chưa thể tăng vốn nên Ngân hàng Đông Á đã trả lại 600 tỷ đồng cho anh ta cộng với 9 tỷ tiền lãi để anh ta mua 50 triệu cổ phần của 4 cổ đông khác, tổng cộng 500 tỷ đồng, hơn 100 tỷ còn lại anh ta “bỏ túi”. Chuyện này xảy ra trong hai năm 2013-2014.
    Chưa hết, khi nào anh ta cần đô la thì Ngân hàng này (khi ấy do ông Trần Phương Bình làm Tổng Giám đốc, nay đã bị bắt giam) mua đô la đưa cho anh ta. Tổng cộng số đô la Mỹ anh ta được nhận là 13,4 triệu USD, tương đương với 284 tỉ đồng (theo lời khai của ông Bình và của anh ta thì đó là số đô la anh ta nhờ ngân hàng mua giúp mà không đưa tiền, gọi là “vay”). Chuyện này xảy ra từ 2012-2015.
    Như vậy là Vũ nhôm “tay không” cũng thao túng được một ngân hàng.Vào tháng 8-2015, Ngân hàng Nhà nước đã công bố kết luận thanh tra Ngân hàng Đông Á và quyết định kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng này. Vụ án ở Ngân hàng Đông Á đã được khởi tố điều tra và ông Trần Phương Bình bị bắt giam sau đó, vào năm 2016, tất nhiên với nhiều sai phạm nghiêm trọng khác. Vấn đề là, khi thanh tra và kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Nhà nước nhất định phải biết sự thao túng phi pháp của Vũ Nhôm, thì tại sao Vũ nhôm vẫn đứng ngoài vòng pháp luật để rồi bỏ trốn ?
    Câu hỏi đó cần được Ngân hàng Nhà nước và cơ quan điều tra vụ án Ngân hàng Đông Á trả lời???

Bình luận về bài viết này