Nhiều tổ chức lên tiếng về dân chủ ở VN trước APEC

BBC

17 tổ chức trong nước và quốc tế ký tên trong lá thư yêu cầu các lãnh đạo quốc tế tham gia APEC gây áp lực lên Việt Nam về tình trạng vi phạm nhân quyền
17 tổ chức trong nước và quốc tế ký tên trong lá thư yêu cầu các lãnh đạo quốc tế tham gia APEC gây áp lực lên Việt Nam về tình trạng vi phạm nhân quyền
Có 17 tổ chức nhân quyền Việt Nam và quốc tế vừa viết thư chung gửi tới các lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC, yêu cầu gây áp lực để chính phủ Việt Nam ngừng các cuộc đàn áp dân chủ.

Thư được ký hôm 7/11, chỉ ít hôm sau khi 40 học giả quốc tế lên tiếng yêu cầu trả tự do cho hai nhà hoạt động nữ.
Lá thư viết rằng chính phủ Việt Nam đã tiến hành một cuộc “đàn áp chính trị to lớn đối với quyền biểu đạt ôn hòa” trong năm qua và điều này “đi ngược lại với mục tiêu ‘Tạo Động Lực Mới, Cùng Vun Đắp Tương Lai Chung'” của Hội nghị APEC năm nay.
“Nếu chính quyền Việt Nam không tuân thủ theo các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế — như các điều khoản từ Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Chống Tra Tấn — thì làm sao quý vị có thể tin rằng chính quyền Việt Nam sẽ tôn trọng các thỏa thuận ký kết tại APEC?” trong thư có đoạn.
Lá thư kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “thúc đẩy Việt Nam hãy ngưng ngay cuộc đàn áp” và “tôn trọng các quyền tự do và nhân quyền quốc tế”.

“Đồng lòng đoàn kết”

Ông Arthit Suriyawongfuk, thư ký của Hiệp Hội Người dùng mạng Thái Lan (TNN) một trong 17 tổ chức tham gia ký thư, nói với BBC rằng, TNN ký tên vì muốn thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết của giữa các tổ chức đối với tình trạng đàn áp tự do ngôn luận ở Việt Nam.
“Những vụ việc [đàn áp tự ngôn luận] như thế này xảy ra khắp nơi trên thế giới, ở ngay Thái Lan cũng vậy. Nó là mối đe dọa đến tự do thông tin mạng. Quốc gia thì có biên giới, nhưng lý tưởng và thông tin thì nên được tự do truyền đạt.”
“Thực tế mà nói, tôi không nghĩ lá thư sẽ nhận được phản hồi thực tế gì. Có vẻ như các quốc gia đang liên kết với nhau để đàn áp giới bất đồng chính kiến. Tuy nhiên đây là một cách nhắc nhở rằng vụ việc như vậy đã diễn ra và các tổ chức hoạt động sẽ tiếp tục lên tiếng,” ông Arthit nói.
Trước đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và nhiều tổ chức khác cũng đã ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam thả tự do cho các tù nhân chính trị.
Gần như cùng nội dung với lá thư trên, các tổ chức cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc tế và đối tác thương mại với Việt Nam phải kêu gọi chính phủ cộng sản ngừng các cuộc đàn áp đối với các nhà phê bình ôn hòa và đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tôn giáo.
15 vụ bắt giữ tù nhân chính trị mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho là cần phải được chú ý
15 vụ bắt giữ tù nhân chính trị mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho là cần phải được chú ý
“Khi cùng nhau chụp những tấm ảnh kỷ niệm và ký kết các hợp đồng thương mại với lãnh đạo của chính phủ độc đảng Việt Nam, các quan chức quốc tế từ các quốc gia trong APEC không nên nhắm mắt trước hơn 100 tù nhân chính trị mà chính những quan chức này bỏ sau hàng song sắt,” Giám đốc Ban châu Á của HRW, Brad Adams viết trong thông cáo ra hôm 3/11.
“Và ngay trong lúc Việt Nam đang đóng vai trò của một chủ nhà thân thiện để chào đón các đại biểu quốc tế, giới chức lại tăng cường các cuộc đàn áp với bất cứ ai dám dũng cảm lên tiếng về nhân quyền và dân chủ,” ông Adams viết.
Thực trạng mà Giám đốc HRW nêu có thể được phản ánh rõ qua trường hợp của một trong những nhà hoạt động dân chủ mạnh mẽ nhất ở Việt Nam.
Nhà báo tự do và nhà hoạt động Phạm Đoan Trang cho BBC biết cô vẫn đang phải ẩn trốn trong suốt bốn tháng qua.
“Tôi không thể ở trong căn hộ của tôi ở Hà Nội được nữa, tôi rời khỏi Hà Nội từ đầu tháng Bảy,” nhà nữ hoạt động nói.
“Không có chút riêng tư nào, ngay cả trong chính nhà của mình. Tôi cảm thấy có người luôn theo dõi, nghe lén tôi qua điện thoại.”
Kể từ đầu năm 2017, 25 nhà hoạt động ôn hòa đã bị truy bắt, giam giữ hoặc trục xuất – một con số kỷ lục.
Tháng 1:
1. Nguyễn Văn Hóa
2. Nguyễn Văn Oai
3. Trần Thị Nga
Tháng 3:
4. Vũ Quang Thuận
5. Nguyễn Văn Điền
6. Bùi Hiếu Võ
7. Phan Kim Khánh
Tháng 5:
8. Bạch Hồng Quyền, bị truy nã
9. Hoàng Đức Bình
10. Thái Văn Dung, bị truy nã
Tháng 6:
11. Phạm Minh Hoàng, bị tước quốc tịch, trục xuất
12. Bùi Văn Thắm
13. Bùi Văn Trung
Tháng 7:
14. Trần Văn Hoàng Phúc
15. Lê Đình Lượng
16. Phạm Văn Trội
17. Nguyễn Trung Tôn
18. Trương Minh Đức
19. Nguyễn Bắc Truyển
Tháng 8:
20. Nguyễn Trung Trực
21. Trần Minh Nhật
Tháng 9:
22. Nguyễn Văn Túc
23. Nguyễn Viết Dũng
Tháng 10:
24. Đào Quang Thực
25. Trần Thị Xuân

Bình luận về bài viết này