Tin Nóng: THÁI NGUYÊN BAN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017
Xuandien
Khoan thăm dò chất lượng thân đập chính hồ Núi Cốc để xây dựng phương án gia cố,

sửa chữa. Ảnh: TTXVN

Hồ Núi Cốc gặp sự cố,

Thái Nguyên ban bố tình trạng khẩn cấp

VNE Thứ hai, 19/6/2017 | 23:21 GMT+7

Đập chính hồ Núi Cốc có hiện tượng thấm lan rộng, rãnh thoát nước hạ lưu bị đổ gãy với chiều dài 200 m.

Ngày 19/6, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về việc xử lý sự cố đập chính và phương án đảm bảo an toàn vùng hạ du công trình hồ Núi Cốc.
Báo cáo kiểm tra công trình trước mùa mưa bão của Sở Nông nghiệp Thái Nguyên nêu rõ, đập chính hồ Núi Cốc có hiện tượng thấm nhỏ ở vai bờ tả phía hạ lưu, từ cao trình 45 m đến 46 m. Tại cao trình 44 m hạ lưu bờ tả có hiện tượng thấm nhiều và lan rộng. Rãnh thoát nước hạ lưu đập tại cao trình 32 m và 42 m bị đổ gãy chiều dài 200 m làm tụt các tấm lát mái.
Ngày 14/6, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định công bố tình trạng khẩn cấp đập chính hồ Núi Cốc; tổ chức trực 24/24h tại hiện trường để theo dõi diễn biến sự cố. Tỉnh cũng lập phương án xử lý khẩn cấp và chuẩn bị điều kiện cần thiết để thi công khắc phục sự cố, đảm bảo hoàn thành trước ngày 20/8.
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh được giao làm chủ đầu tư dự án xử lý cấp bách đập chính hồ Núi Cốc, đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi là Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam. Với tổng mức đầu tư dự án trong giai đoạn xử lý cấp bách dự kiến là 47 tỷ đồng, chủ đầu tư sẽ khoan phụt tạo màng chống thấm toàn bộ thân đập; làm lại hệ thống tiêu thoát nước thân đập; khôi phục thiết bị quan trắc thấm…
Tại hội nghị hôm nay, cổng thông tin điện tử Thái Nguyên cho biết, các chuyên gia đầu ngành thủy lợi đã góp ý việc khoan phụt tạo màng chống thấm toàn bộ thân đập phải đề cập rõ hình thức, vị trí khoan phụt. Trường hợp cần thiết, cần đưa ra phương án phá một trong 7 đập phụ để giữ đập chính; có phương án phòng chống lũ lụt, di dân, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Hồ Núi Cốc là địa điểm du lịch hấp dẫn. Ảnh: Dulich24.
Núi Cốc là hồ nước ngọt nhân tạo, hình thành sau khi đập ngăn sông Công được xây dựng từ năm 1973 đến 1982. Hồ gồm một đập chính dài 480 m và 7 đập phụ. Mặt hồ rộng 25 km2, sâu 35 m, dung tích trên 100 triệu m3, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 12.000 ha đất, giảm nhẹ lũ hạ lưu sông Cầu, đáp ứng dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng và nuôi cá.
Xuân Hoa
VNTB – Yên Bái: Bất ổn hay tiếng súng lần 2?
Mẫn Nhi (VNTB) Mô hình Yên Bái cũng như mô hình Việt Nam, cứ đi mải miết vào cái vòng luẩn quẩn “đạo đức cách mạng” và “đúng quy trình”. Nên ngày qua ngày, chỉ thấy chột giật của công, đấu đá giành ghế và lên tiếng dạy đời… thiên hạ một cách trắng trợn.
Bất ổn Yên Bái
Tháng 8/2016, tại Yên Bái đã xảy ra vụ nổ súng giết người tại trụ sở Tỉnh ủy. Khiến Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND (kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái) bị chết, nghi phạm sau đó cũng tự sát. Nguyên nhân theo ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương cho rằng cuộc tàn sát này là vấn đề nội bộ trong bối cảnh mâu thuẫn quyền lực và chia chác quyền lợi.
Tháng 6/2017, tại Yên Bái, 1,3ha diện tích đất rừng sản xuất được chuyển đổi thành đất ở với giá rẻ mạt để xây dựng biệt phủ – đài trang, chủ sở hữu của nó là vợ giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh này.
Biệt phủ Yên Bái!
Ngày 15/06, báo Phapluatplus (Cơ quan ngôn luận của Bộ Tư Pháp) đăng tải tin, một dinh thự nguy nga – tráng lệ, nhưng Bí thư chi bộ địa bàn mà khu dinh thự đang nằm lại không thể biết trong gia đình có bao nhiêu người, vì chủ nhân dinh thự không tuân thủ bất kỳ quy định nào của tổ xóm, không thèm khai báo nhân khẩu. Không ai xa lạ, là ông Nguyễn Xuân Sáng (Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh).
Chiều 9/6, nhân thảo luận kinh tế – xã hội tại Quốc hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái Dương Văn Thống giải trình về chuyện “bổ nhiệm người nhà” ở Yên Bái. Mà theo ông là đúng quy trình (Cơ chế của chúng ta là Đảng lãnh đạo, là định hướng, là giới thiệu hoặc quyết định) và đó là trường hợp đặc biệt, không có vấn đề gì!
Không có gì đặc biệt: đúng quy trình
Toàn bộ những sự việc nêu trên, không chỉ là mất đoàn kết nội bộ, tranh giành chức vụ, lạm dụng chức vụ để chiếm công vi tư, mà còn sử dụng thói quan chức để bòn rút của công, dung túng sự sai trái trong bổ nhiệm người nhà dưới mác “đúng quy trình”.
Ấy vậy mà vào tháng 11/2016, vị Phó Bí thư tỉnh Yên Bái Dương Văn Thống (kiêm Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái khóa XIII, Ủy viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội) đã đứng trước Quốc Hội mà lên tiếng về chủ nghĩa cá nhân và lòng tham. Trong đó, nhấn mạnh còn nhiều bộ phận, nhiều ban chỉ đạo không cần thiết khiến ngân sách hao hụt. Đặc biệt, ông dẫn trích: Cán bộ là gốc công việc, đức là gốc của cán bộ nhưng đã coi nhẹ. Và ông nhấn mạnh việc “bổ nhiệm người nhà” là trường hợp đặc biệt, không có gì đáng bàn.
Những lời nói vàng ngọc – đầy biện chứng đó hẳn ông xứng tầm được đưa vào Ban Tuyên giáo, hoặc là một nhà chỉnh huấn xuất sắc của hệ thống Chính trị Yên Bái.
Thế nên, cấp trên của ông là Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái – bà Phạm Thị Thanh Trà, người khi đương chức Chủ tịch tỉnh đã ký cho em trai làm Giám đốc Sở TN&MT, đã huênh hoang cho biết: Quy trình bổ nhiệm là cực kỳ chặt chẽ, không có gì để gọi là ưu ái trong trường hợp này.
Bà Phạm Thị Thanh Trà – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, người từng ký bổ nhiệm em trai vào chức vụ Giám đốc Sở TNMT theo “đúng quy trình” giờ đây lại là người chỉ đạo thanh kiểm tra biệt phủ em trai mình!?
Mọi thứ sẽ diễn ra “đúng quy trình” cho đến khi hoàng hôn nhiệm kỳ kết thúc.
Nhưng vì “suôn sẻ” quá, vì quen lối “đúng quy trình” trong bảo vệ chức vụ và hành động quan tham của mình, mà quan em cậy có quan chị, tiếp tục đạp lên dư luận, đạp lên cả chiến dịch chống tham nhũng của ông Tổng bí thư mà ngang nhiên tạo biệt phủ núp dưới tên vợ. Ấy là tư chất của một lãnh đạo thời chị bổ nhiệm em một cách…. đúng quy trình.
Tiếc rằng, trong cái thời loạn “ghế ít, đít nhiều”, lại đang có cuộc “thanh Đảng” qua phòng chống tham nhũng để lấy lại uy tín của Đảng, thành ra “biệt phủ” nằm trong rừng, lại được báo chí lôi ra ánh sáng với 1,3ha rừng chuyển đổi sang đất ở với giá rẻ mạt.
Thế là bà chị tất tả như một “Bao Thanh Thiên thời Cộng sản”, khi lên tiếng chỉ đạo thanh tra vụ “biệt phủ” của gia đình em trai mình.
Ông ĐBQH Dương Trung Quốc cho hay, Bí thư Yên Bái chỉ đạo kiểm tra “biệt phủ” GĐ Sở TNMT chính là “bảo vệ uy tín cho mình”. Và cho rằng, cần làm rõ ràng, công khai, minh bạch.
Làm sao có thể đảm bảo một sự minh bạch, rõ ràng, công khai mà lại không làm “uy tín” của bà suy giảm? Bài toán này thực sự khó giải, bởi sai phạm em trai được góp phần từ chính việc bổ nhiệm đúng quy trình của bà.
Thế nên chức vụ Bí thư tỉnh ủy mà bà đang ngồi vốn là món quà trời cho sau tiếng súng vô tình đến hữu ý diễn ra vào tháng 8/2016!? Giờ đây lại có nguy cơ bị tiếng súng báo chí làm gián đoạn.
Và bà Bí thư tỉnh ủy lại “đúng quy trình” khi núp bóng UBND tỉnh ra một văn bản đề nghị báo chí tạm dừng thông tin về sự việc.
Ấy là đúng quy trình! Bổ nhiệm người nhà – đúng quy trình; thanh tra người nhà – đúng quy trình; bắt báo chí im lặng – đúng quy trình nốt. Quyền lực là thế, tình thân mến thương biểu hiện cao đẹp là thế! Và nếu nói như ông Phó Bí thư tỉnh ủy Yên Bái thì đây là trường hợp đặc biệt, không có gì đáng nói!
Nổi lên lại bất ổn hay tiếng súng Yên Bái lần 2?
Nhưng khi quy trình trên diễn ra, thì cũng chừng đó thời gian bất ổn ngầm động đậy và chừng vỡ toang.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Yên Bái với nguyên tắc “đúng quy trình” gây ra nhiều song gió từ nội bộ đến dư luận. Nhưng trước sóng gió đó, lại là những lời có cánh, đầy đạo đức, đầy trách nhiệm của một người cán bộ… Chỉ tại thực tiễn khắc nghiệt khiến cho “lời nói” dù có đạo đức đến chừng nào cũng khiến “gió cuốn đi”.
Mô hình Yên Bái cũng như mô hình Việt Nam – một thứ “đạo đức cách mạng” giả tạo, cứ đi mải miết vào cái vòng luẩn quẩn “đúng quy trình”. Nên ngày qua ngày, chỉ thấy chột giật của công, đấu đá giành ghế và lên tiếng dạy đời… thiên hạ một cách trắng trợn.
Giá như có thể thực hiện được câu nói “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu” – vốn nổi lên sau Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thắng lợi thì hay biết mới. Tiếc rằng, ngay cả cái quyền được bầu đó cũng bị phế truất bởi “đúng quy trình” nên quan ngày càng làm bậy, dân ngày càng sa sút niềm tin, quan lấy thế làm mừng, mà không chờ hoàng hôn nhiệm kỳ, tiến nhanh mạnh sang “bình minh nhiệm kỳ” một cách trâng tráo hơn, trắng trợn hơn, bẩn thỉu hơn với 1 mục đích duy nhất: ăn của dân không từ một cái gì cả.
Và vì “ăn vội”, khiến cho độ manh động và tần suất ăn dày đặc của quant ham tăng lên chóng mặt, cho đến một lúc, tiếng súng Yên Bái lại nổ lên!
Một lần nữa! Nhưng lần này là… từ Dân.

Bình luận về bài viết này