RFI Điểm Báo ngày 16-01-2016

Minh Anh

Đăng ngày 16-01-2016

RFI

Bình Nhưỡng thử bom H, Bắc Kinh lãnh đủ

mediaMột điểm bán màn hình tivi tại Hàn Quốc, đang phát hình ảnh vụ thử bom H của Bình Nhưỡng.REUTERS/Kim Hong-Ji

Ngày 06/01/2016, Bắc Triều Tiên thông báo thử thành công bom H. Sự thật về bom H của Bình Nhưỡng chưa tỏ tường, nhưng sự việc cũng cho thấy quốc gia này đang có những tiến bộ trong lãnh vực vũ khí hạt nhân. Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc tỏ ra lúng túng trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, theo tờ Kyungghyang Shinmun, tại Seoul, được Courrier International, số ra cho từ ngày14-20/01/2016, trích dịch lại cho rằng, trong vụ việc này, Trung Quốc đang là một trong những nạn nhân chính.

Bắc Kinh : một trong những nạn nhân chính

Thứ nhất, sự việc cho thấy là một lần nữa Bình Nhưỡng đã thoát khỏi tầm kiểm soát của Bắc Kinh. Việc có một hàng xóm sở hữu bom hạt nhân sẽ làm tổn hại đến các lợi ích quốc gia, vốn đòi hỏi phải có một môi trường ổn định.

Thứ hai, ngoài những lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (đưa ra trong phiên họp khẩn cùng ngày tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc), có nguy cơ Hoa Kỳ và Nhật Bản đưa ra các biện pháp đáp trả riêng chống lại Bắc Triều Tiên, cũng như là những quốc gia nào có quan hệ làm ăn với nước này. Nói cho rõ, chính là các doanh nghiệp Trung Quốc phải gánh chịu những hệ quả này.

Thứ ba, dưới áp lực của các đồng minh, Seoul có thể sẽ không còn duy trì lập trường lập lờ như trước nữa về hồ sơ này và sẽ phải đi đến việc chấp nhận quyết định của Washington. Như vậy, có nghĩa là, Trung Quốc sẽ thấy bệ phóng của hệ thống các tên lửa chống tên lửa đạn đạo Thaad – Terminal High Altitude Area Defense, mà Hoa Kỳ muốn thiết lập tại Hàn Quốc sẽ chĩa vào mình.

Thứ tư, vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ còn là một cái cớ để thắt chặt hơn nữa liên minh Mỹ-Nhật-Hàn. Cho đến giờ phút này, nếu nhìn trong toàn cảnh, Bắc Kinh đang trong thế có lợi. Việc chính quyền ông Shinzo Abe cho xem xét lại quá khứ lịch sử (về các trách nhiệm của Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến) đã đẩy Seoul ngày càng xa lánh Tokyo và xích lại gần hơn với Bắc Kinh.

Nhưng giờ thì mối quan hệ Nhật – Hàn một lần nữa sẽ được hàn gắn lại, và sẽ cùng liên kết với Hoa Kỳ. Và như vậy, cả ba nước này sẽ có thể biện minh cho chính sách Châu Á của mình, bao gồm việc thiết lập một thế cân bằng mới trong khu vực gây bất lợi cho Bắc Kinh. Mà việc thiết lập Thaad và hệ thống « vũ khí chiến lược » là một ví dụ điển hình. Tóm lại, đây quả là một mối đe dọa thật sự đối với Trung Quốc.

Cuối cùng, tờ báo cho rằng Bình Nhưỡng càng thử hạt nhân, vai trò của Bắc Kinh trong hồ sơ càng bị suy yếu. Như thường lệ, sau mỗi lần thử, Hoa Kỳ lại gây áp lực lên Trung Quốc để rồi nước này phải tạo áp lực với Bắc Triều Tiên.
Thế nhưng, theo bài viết, Bắc Kinh càng tạo sức ép lên nước láng giềng, mối quan hệ đôi bên ngày càng xấu đi. Và vai trò của Bắc Kinh trong hồ sơ này cũng bị suy giảm dần. Bắc Triều Tiên ngày càng tỏ ra « khó bảo ». Người anh cả Trung Quốc dần rơi vào thế khó xử.

Seoul không làm tròn bổn phận

Vì sao nên nỗi ? Tờ nhật báo Hàn Quốc cho rằng, trong hồ sơ này có phần lỗi của chính quyền Seoul. Tờ báo chỉ trích nước này đã không có một chính sách thật sự trong việc giải trừ hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Thay vì cứ phải ra rả kêu gọi phía Bắc phải từ bỏ chương trình hạt nhân, xem đó như là một điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc đàm phán, thì nhẽ ra Seoul nên thuyết phục Washington thương thuyết với Bình Nhưỡng, nếu không giải trừ được, thì chí ít cũng phải đình chỉ các vụ thử hay tạm ngưng các chương trình hạt nhân.

Thay vì như thế, Seoul lại chọn thái độ nghi kỵ và « chiến lược kiên nhẫn », để Bình Nhưỡng tự do phát triển chương trình hạt nhân của mình. Tờ báo lưu ý là, một khi « một khi ván đã đóng thuyền », thì thế giới cũng chẳng còn làm gì được nữa.

Đối với Bình Nhưỡng, lúc ban đầu, hạt nhân chỉ là một phương tiện để thương lượng. Nhưng vì không ai quan tâm đến món hàng của mình, nên anh ta đành phải vượt lằn ranh. Bắc Triều Tiên củng cố kho vũ khí của mình và yêu cầu kể từ giờ phải được công nhận như là một quốc gia hạt nhân.

« Gái giải sầu » : Nhọc nhằn sự hối hận của Nhật Bản

Tờ Courrier International tiếp tục dẫn độc giả đến với Hàn Quốc. Ngày 28/12/2015, Tokyo và Seoul đạt được thỏa thuận về hồ sơ « Gái giải sầu ». Đối với tờ Pressian tại Seoul cho đây là «Một thỏa thuận ‘nhục nhã’ với Nhật Bản », thì tờ Mainichi Shimbun tại Tokyo thấy là « những nỗi ray rứt nhập nhằng của Nhật Bản ».

Theo đó, bức tượng bé gái được dựng lên trước Đại Sứ quán Nhật để tưởng niệm các nạn nhân sẽ được tháo dỡ đổi lại món tiền một tỉ yên của Nhật. Sự dàn xếp này hàm ý sự thừa nhận trách nhiệm của Tokyo trong vụ việc. Điều mà từ lâu nay Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản làm một cách rõ ràng và công khai.

Trong một cuộc họp báo với đồng nhiệm Hàn Quốc, Yun Byung-se, ngoại trưởng Nhật Bản đã tuyên bố rằng nước Nhật ý thức mạnh mẽ các trách nhiệm của mình. Ông cũng giải thích rằng thủ tướng sẽ đưa ra những lời xin lỗi và hối hận chân thành.

Trong một cuộc họp thượng đỉnh song phương được tổ chức vào tháng 11/2015, tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã yêu cầu là giải pháp đưa ra « phải được các nạn nhân đồng ý và vừa ý công luận », một điều kiện cần thiết cho tất cả các thỏa thuận.

Phía Tokyo thì yêu cầu Seoul cam kết bằng văn bản viết là không lật lại hồ sơ này nữa một khi thỏa thuận đã được kí. Cuối cùng thì hai bộ trưởng Bộ Ngoaị giao tuyên bố ngày 28 tháng 12 thỏa thuận này là cuối cùng và không lật lại. Tokyo cho rằng tài liệu công bố trong buổi họp báo chứng tỏ cam kết quả quyết của Seoul.

Tuy nhiên, mọi người chưa rõ số phận về đâu của tượng đài bé gái được dựng tưởng niệm các nạn nhân trước Đại sứ quán Nhật tại Seoul. Hàn Quốc chỉ khẳng định đơn giản rằng chính phủ « sẽ có những giải pháp cần thiết ». Lối mở cuối cùng của thỏa thuận vẫn còn nhập nhằng bởi vì hai nước vẫn khăng khăng các vị thế của mình.

Bầu cử : Đài Loan không muốn là Hồng Kông thứ hai

Bầu cử tại Đài Loan được báo chí Pháp hôm nay bàn luận sôi nổi. Vào thời điểm phát hành, các tờ báo Pháp đều dự đoán thắng lợi của đảng Dân Tiến và « Thất bại báo trước của phe ủng hộ Bắc Kinh », như tựa đề bài viết trên Le Figaro.

Nhật báo cánh hữu này còn ghi nhận « Sự tham gia chính trường của giới trẻ từ phong trào Hoa Hướng Dương ». Một quan sát cũng được tờ Le Monde đồng xác nhận, trong bài phóng sự « Cú hích trẻ cho nền dân chủ Đài Loan ».
Mà hiện thân chính là ca sĩ nhạc rock Freddy Lim, một thế hệ tham gia chính trị trẻ tuổi, phản kháng và dấn thân. Anh cho là chính vì xã hội Đài Loan hiện nay « đang có nhiều thiếu sót, từ hệ thống dân chủ, những bất cập, bất công » đã khiến anh tham gia ứng cử.

Le Monde trích nhận định của Tanguy Lepesant, chuyên gia nghiên cứu tại National Central University, có cho rằng :

« Giới trẻ Đài Loan hiện nay đã chuyển từ cảm giác bất lực sang ý thức vấn đề rồi đi đến khả năng hành động tập thể. Trong phong trào Hoa Hướng Dương, họ đã buộc chính phủ phải nhượng bộ. Một kết quả như vậy đã có một tác động : mở đường cho các đảng khác trỗi dậy như đảng Quyền lực mới NPP (New Power Party), một tổ chức có nhiều thành công nhất và ở đó giới trẻ được tự khẳng định mình nhiều nhấ».

Đối với giới trẻ Đài Loan, Quốc Dân đảng giờ đã trở thành « một con vịt xấu xí », theo như giải thích của một cử tri với Libération.

« Cử tri muốn đẩy Quốc Dân đảng vào quên lãng. Đảng này quá thiên hữu, quá độc đoán, quá thân cận với giới doanh nhân, những người chỉ muốn kiếm tiền với Trung Quốc. Dù là chúng tôi có độc lập hay thống nhất với Trung Quốc, điều đáng quan tâm trước nhất, đó là cách sống của chúng tôi.

Chúng tôi thiết tha với nền dân chủ, tự do ngôn luận, an toàn thực phẩm, với những chính sách hiệu quả để có thể có chỗ ở, dạy dỗ con cái mà không gặp khó khăn gì. Đó là những gì không có như hiện nay. Cần phải chấm dứt chính phủ này thôi, vì Quốc Dân đảng đã không thấy là xã hội đã thay đổi, họ đã xa rời thực tế ».

Một « Niềm hy vọng của một cuộc cách mạng thông qua lá phiếu » như hàng tựa nhận xét trên Libération. Lần đầu tiên trong lịch sử của Đài Loan, một phụ nữ theo xu hướng « dân tiến » có thể hạ gục Quốc Dân đảng, đảng theo chủ nghĩa dân tộc, bá quyền lãnh đạo suốt từ năm 1949. Bà Thái Anh Văn đảng Dân Tiến được cho là sẽ thắng cử trước ứng viên Quốc Dân đảng, ông Chu Lập Luân.

Hiếm có khi nào cả ba tờ báo Pháp Le Monde (có quan điểm độc lập), Le Figaro (thiên hữu) và Libération (thiên tả) lại có những quan điểm giống nhau. Ngoài việc có chung nhận xét về sự trỗi dậy ý thức của giới trẻ tại đây, cả ba nhật báo đều cùng nhận thấy là quan hệ với Trung Quốc mới là mối bận tâm lớn của người dân tại đây.

Việc ông Mã Anh Cửu, tổng thống mãn nhiệm liên tục nhún nhường, ký kết 22 thỏa thuận tự do trao đổi mậu dịch với Hoa Lục và thậm chí đến bắt tay với ông Tập Cận Bình đã làm cho người dân Đài Loan bất mãn, ví ông như là « con ngựa thành Troa » của Trung Quốc, theo như nhận định của một nhà ngoại giao.

« Ông Mã bị người dân xem như là con ngựa thành Troa của Trung Quốc. Ông đã không biết bảo tồn những giá trị đạt được của Đài Loan. Việc ông xích lại gần với Hoa Lục những năm gần đây được thực hiện một cách mờ ám và đã làm suy yếu chủ quyền quốc gia trong con mắt của người dân xứ này ».

Thực tế cũng đã chứng minh cho việc đó. Vụ bắt cóc 5 nhân viên tại một nhà sách Hồng Kông chuyên bán các tác phẩm chỉ trích Đảng Cộng sản đã làm dấy lên nhiều mối lo của người dân ở đây, đặc biệt là giới trẻ Đài Loan. Họ cho rằng : « Nếu chúng ta quá lệ thuộc vào Trung Quốc, chúng ta cũng sẽ như Hồng Kông ». Đó cũng là tựa đề hai bài viết khác trên Le Monde và Le Figaro.

Tấn công tình dục tại Cologne : Nước Đức bị chia rẽ

Thời gian qua, báo chí Pháp quan tâm khá nhiều đến các vụ tấn công tình dục đêm giao thừa tại Cologne, Đức. Tạp chí L’Obs số ra ngày 14/01/2016 trở lại vụ việc này với bài báo đề tựa « Cái đêm mà Cologne đã bị chao đảo ».

Một loạt các câu hỏi được đặt ra : Ai là thủ phạm của các vụ tấn công bạo lực, nhất là vụ tấn công tình dục xảy ra trong đêm Giao thừa 31/12/2015 ? Có phải là những người tị nạn mới tới Đức hay là các thành viên băng đảng mafia có tổ chức ? Bí ẩn hiện vẫn đang bao trùm. Điều tra vẫn dậm chân tại chỗ. Và nước Đức đang lung lay. Bài báo đề cập các làn sóng phản đối người nhập cư sau vụ việc này và trình bày lại diễn biến các vụ tấn công đêm 31 tháng 12.

Vụ việc đang làm cho « công luận Đức nháo nhào » như nhận định của tờ Le Figaro. Hai tuần sau các vụ tấn công ở Cologne nơi mà những người nhập cư trái phép hay xin tị nạn đang bị xem xét lại, các cuộc thăm dò ý kiến tỏ ra gay gắt đối với bà Angela Merkel.

Thử thuốc tại Pháp : Còn trên cả tác dụng phụ

Về lĩnh vực y khoa, Le Figaro thông báo một tai nạn hy hữu : « Một thử nghiệm lâm sàng chuyển thành thảm kịch tại Rennes ». Sáu người buộc phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, trong đó có một người trong tình trạng chết não, sau khi dùng thử một loại thuốc mới do một hãng dược Bồ Đào Nha chế tạo. Cả sáu người trên đều là đàn ông, tuổi đời còn trẻ từ 29-49 tuổi.

Theo tường thuật nhật báo, đây là một loại thuốc mục đích vừa dùng để điều trị tâm thần (chứng lo âu, rối loạn tâm trạng) và vừa dùng cho thần kinh (rối loạn thần kinh vận động). Như vậy, đây là bước thử đầu tiên ở người, ngay sau khi đã tiến hành trên động vật. Bước thử này là nhằm để điều chỉnh liều lượng hiệu quả cao nhất mà không gây tác dụng phụ quá mức. Có điều lần thử này còn trên cả tác dụng phụ rồi.

Khám phá « Vương quốc đá quý »

Mục Sự kiện trên phụ trương Văn hóa của Le Figaro mời độc giả đến thăm Bảo tàng khoáng vật học tại Paris. Khách tham quan lần đầu tiên sẽ được chiêm ngưỡng hàng chụ viên đá quý được bảo tồn từ 150 năm nay từ hoàng ngọc, ngọc bích, tử ngọc (hay còn gọi là thạch anh tím).

Đây cũng là lần đầu tiên Bảo tàng khoáng vật học Paris mở kho bảo vật vô giá của mình cho công chúng. Mỗi một viên đá quý là một câu chuyện lịch sử. Những viên đá từng tô điểm cho những chiếc cổ các nữ hoàng và tạo nên vẻ tráng lệ cho các hoàng gia. Bảo tàng nằm tại Musée de minéralogie Mines ParisTech, 60, boulevard Saint-Michel (Paris VIè).

Bình luận về bài viết này