Văn Thùy- thi vị hóa triết lý sống

Phan Thế Hải
Đăng ngày: 22:10 13-11-2011
Từ ngày sa đọa làm thơ/Khôn ngoan thêm mỏng ngẩn ngơ thêm dày/Đam mê là tội giời đày/ Càng béo chữ nghĩa càng gầy niêu cơm (Văn Thùy)
Ngày Chủ nhật Nguyễn Trọng Tạo mời dự ra mắt tuyển tập thơ và trường ca của anh. Cả tuần đi tít mít, được ngày nghỉ, vài ông bạn tấp qua nhà, đang tán hươu tán vượn dăm ba câu, chợt chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia, Lại tiên sinh nhắc: đã đến với cuộc ra mắt thơ của anh Tạo chưa, nếu chưa thì đi ngay đi, tôi bận nên không tới được, anh phải tới ngay đi…

Có cớ vội cáo lỗi khách, đứng dậy chỉnh trang y phục, đánh xe ra đường, đến Nhà sách Đông Tây ở đường Trần Qúy Kiên, quận Cầu Giấy. Đến đó thấy cơ man nào và giới văn nghệ sỹ, đều là bạn thân anh Tạo cả. Cùng với giới đồng hương như Hoàng Trần Cương, Văn Như Cương, Đoàn Tử Huyến, Huy Quang… còn có một số anh em tứ chiếng trong giới văn nghệ. Trong đó có cả đạo diễn Quốc Trọng, nhà thơ Kim Anh, Nhà phê bình Văn Giá…
Vừa ngồi yên vị, chưa uống cạn cốc bia, bỗng thấy một dị nhân khó đoán tuổi, đội mũ cao bồi, trái hẳn với tấm thân nhỏ thó, gầy đét tấp xe vô, hỏi rằng đây có phải là… rồi ông cũng ngồi xuống tham gia cuộc vui. Đối diện với tôi, ông tự giới thiệu: “Tôi là Văn Thùy” rồi ông hạ túi khoác đặt xuống đất, trong đó là một xấp sách màu vàng. Ông hý hoáy lôi ra viết chữ đề tặng, thấy hay hay bèn xin ông một cuốn.
Mở tập thơ được đóng theo kiểu vở học trò với chữ thư pháp rất đẹp theo kiểu chép tay rồi photocopy ra thành nhiều bản. Ngoài bìa với tiêu đề khá độc đáo: “Thơ nghiêng 450.” Phía dưới là giòng chữ: Hợp tác xã thơ Hồn Rơm. Trang trong là một tờ rời với: Lời nói đầu và lời nói đuôi, đều bằng thơ.
Cùng với đó, Văn Thùy cũng tặng tôi một tập khác dày dặn hơn, mang tựa đề: “Ru dọc hai màu lá”, do nhà xuất bản Văn học ấn hành. Thấy hiện tượng lạ, tôi xin cáo lỗi anh Tạo ra về, rồi giành thời gian đọc ngay lập tức hai tập thơ của dị nhân này.
Điều đáng nói là, đằng sau những con chữ mộc mạc, dân giã như vẫn thường gặp ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng là những triết lý của đời sống. “Một mai hóa cát bụi rồi/Biết ai hú vía cho tôi thơ tình. Người đi đan lát cao sang/Tôi ngồi rút sợi trăng vàng dệt thơ. Người xa xa đến mịt mờ/Người gần thì cứ giả vờ như xa”.
Cô đọng, súc tích, từng trải nhưng thơ ông cũng rất trữ tình, sexy:
“Đâu như em thích tôi rồi/Mẹ cha đã cử nụ cười trực ban. Đêm qua em đúng là em/ Còn tôi thì lại chả thèm giống tôi. Hoàng hôn đậy bớt nét cười/ Sợi trăng buộc lỏng hai người gần nhau. Trưa nay nắng nẩy mầm rồi/ Mắt em sao lại đâm chồi mưa ngâu. Em còn mặc cả gốc mai/ Quay ra người bán mất hai cành đào/ So đo nụ thấp hoa cao/ Chợ tan còn cặp má đào đợi phai. Em nguyền khổ hạnh ăn chay/Tôi thề uống cạn đắng cay cõi trần…
Không dừng lại ở đó, những câu sau thì vô cùng lẳng lơ, lẳng lơ đến hết mình mà những chàng trai tuổi đôi mươi cũng phải ghen tỵ:
Cho tôi sờ áo một lần/Đêm nay bất chấp tử thần gọi tên/Một lần thôi chẳng vòi thêm/Chạm tay vạt áo khát thèm đã tan/Đã âm thầm nỗi yêu khan/Một phen mó áo vô vàn ngẩn ngơ/Hãy tin những tín đồ thơ/Yêu chay nên chỉ dám sờ áo thôi/Ngón tay ngọng mấy đốt rồi/Kể là chín ngón hỏng mười cũng xong/áo gì cứ mỏng mòng mong/Kiểu này rồi đến phải lòng mất thôi/Rủi mai hóa cát bụi rồi/Hú hồn đốt mã cho tôi áo này/Vía van lang bạt cõi mây/Thương tôi đừng mặc áo dày được không
Ông tán tỉnh không chừa một ai, bất kể đó là nơi sân chùa cửa phật tôn nghiêm: Em ăn mày phật cửa Chùa/Tôi thành hành khất bốn mùa yêu chay…  Xin làm một tiếng chuông chiều/ Cho em thỉnh một lần yêu lỡ làng/Gửi em mấy sợi rơm vàng/ Để em buộc lỏng mơ màng gió mây.
Thơ ông đề cập đến những vấn đề đa dạng của đời sống, nhưng dường như với ông, thi pháp sở trường vẫn là lục bát. Ông yêu lục bát hết mình, coi lục bát là di sản tinh thần, là bùa ngải của thơ ca:
Kệ thơ son phấn cấp cao/Ta hong mấy mẹt ca dao ruột vàng/ Mặc người chữ nghĩa xênh xang/ Ta khênh lục bát giữa làng đọc chơi.
Thơ Văn Thùy có hàng trăm bài. Bài nào cũng đầy cá tính, đầy bản sắc, đọc mãi không thấy chán. Ông như một nghệ sỹ làm xiếc trên từng con chữ, diễn đạt những triết lý sống, triết lý yêu, triết lý đời thành thơ. Bàn về thơ ông có lẽ sẽ còn là một đề tài tốn nhiều giấy mực của người yêu thơ. Nhưng khi đọc đến mấy câu dưới đây, tôi nghĩ cũng không nên “sa đọa” vào thơ, khi “cơm áo không đùa với khách thơ: Từ ngày sa đọa làm thơ/Khôn ngoan thêm mỏng ngẩn ngơ thêm dày/Đam mê là tội giời đày/ Càng béo chữ nghĩa càng gầy niêu cơm.
P.T.H

Bình luận về bài viết này