Ai Cập ‘có lộ trình chuyển giao quyền lực’

Cập nhật: 13:45 GMT – thứ ba, 8 tháng 2, 2011

BBC

Phó Tổng thống Ai Cập, ông Omar Suleiman, người nhân danh Tổng thống Hosni Mubarak đàm phán với phe đối lập, vừa nói chính phủ có một kế hoạch chuyển giao quyền lực.
Tuy thế, phe đối lập, một tập hợp của các phe nhóm khác nhau đấu tranh qua các đợt xuống đường đã sang tuần thứ ba ở thủ đô Cairo, vẫn nói họ đòi ông Mubarak phải ra đi ngay lập tức.
Phó Tổng thống Omar Suleiman, cựu lãnh
đạongành an ninh, được phong chức gần
đây để lođiều hành việc nước thay cho Tổng
thống Hosni Mubarak
Sau cuộc gặp với đại diện của phe đấu tranh dân chủ hôm Chủ Nhật, Phó Tổng thống Ai Cập, ông Omar Suleiman, người trên thực tế thay mặt tổng thống Hosni Mubarak điều hành đất nước, nói ông có một kế hoạch để chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Phát biểu trên truyền hình Ai Cập sau khi đã trình bày cho vị tổng thống 82 tuổi về nội dung cuộc đàm phán với phe đối lập, ông Suleiman tỏ ra lạc quan rằng “Tổng thống hoan nghênh cuộc hòa giải dân tộc”.
Chính quyền Mubarak cũng cho nối lại mạng Internet và thả một số người bị bắt gần đây.
Sau cuộc gặp mặt hôm Chủ Nhật, một ủy ban gồm bốn chuyên gia về pháp lý, trong đó hai người đại diện cho chế độ Mubarak, hai người kia đại diện cho phe đấu tranh dân chủ, sẽ họp vào thứ Ba 8/2.
Ủy ban này được thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống Mubarak.
Theo lịch, ủy ban sẽ bàn về điều 76 và 77 của Hiến pháp Ai Cập nhằm đánh giá việc áp dụng luật cho phép có thêm ứng viên ra tranh cử tổng thống.
Ai Cập trong vòng 30 năm qua do Tổng thống Hosni Mubarak lãnh đạo bằng chế độ công an trị.
Chính quyền cũng chỉ mới bỏ các lệnh cấm đoán về an ninh hồi gần đây do sức ép của người biểu tình.
Tuần qua, con trai ông Hosni Mubarak là Gamal Mubarak, 48 tuổi, đã từ chức Tổng bí thư đảng Dân chủ Quốc gia cầm quyền.
Bộ Chính trị Đảng này cũng từ chức đồng loạt nhằm giảm sức ép lên ông Mubarak.
Đi ngay hay chưa?
Tuy nhiên, điều này chưa rõ có phải là chỉ dấu rằng ông Mubarak sẽ ra đi ngay như yêu cầu của hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ tại Cairo hay không.
Hiện nay phe biểu tình, qua lời một lãnh tụ sinh viên, ông Shadi Ghazli Harb, nói với đài BBC rằng họ vẫn muốn ông Mubarak phải rời chức vụ ngay.
Tranh cổ động ở Ai Cập với hình cha
con nhà Mubarak
Nhưng việc Phó Tổng thống Suleiman chính thức nói về một lộ trình chuyển giao quyền lực cho thấy sức ép lên ông Mubarak ngày càng tăng.
Báo chí quốc tế bình rằng việc ông Mubarak ra đi hay chưa chỉ là vấn đề thời gian và cách ông rút lui ra sao.
Nhưng vì là nước đông dân nhất, có gần 84 triệu người, trong khối Ả Rập, mọi chuyện xảy ra ở Ai Cập có tác động sâu rộng đến toàn khu vực và vì thế, Hoa Kỳ và châu Âu đều mong rằng cuộc chuyển đổi dân chủ tại đây diễn ra êm ả.
Không chỉ Tổng thống Barack Obama đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo Ai Cập và mới đây, Thủ tướng Anh, David Cameron cũng nói chuyện điện thoại với Phó Tổng thống Suleiman về nhu cầu cải cách dân chủ ở Ai Cập.
Trên thực tế, ông Mubarak, 82 tuổi đã tuyên bố không muốn cầm quyền nhưng đưa ra lý lẽ rằng ông rút đi trước kỳ bầu cử tháng 9 này sẽ tạo khoảng trống quyền lực và gây ra hỗn loạn.
Các đồng minh của Ai Cập như Mỹ và nước đóng vai trò quan trọng trong an ninh vùng là Israel cũng lo ngại hỗn loạn.
Cùng thời gian, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đưa ra cáo buộc rằng các bệnh viện ở Ai Cập che dấu số thương vong thực xảy ra trong cách đợt chặn biểu tình.
Tổ chức này nói gần 300 người bị chết do trúng đạn khi tham gia tuần hành tại quảng trường Tahrir, Cairo những tuần qua.

Quân đội dùng dây kẽm gai ngăn các nhóm biểu tình ở quảng trường Tahrir, Cairo

Bình luận về bài viết này