VNTB – Thủ tướng Việt Nam chủ động “mời lại” Nhà vua Hà Lan sang thăm Việt Nam

Lynn Huỳnh
24.05.2024 3:41
VNThoibao

(VNTB) – Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng Mark Rutte, và ngỏ lời “mời lại” Đức Vua cùng Hoàng hậu Hà Lan đến Việt Nam.

 Chiều 22-5-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, đây là cuộc trao đổi lần thứ 3 của hai Thủ tướng trong vòng 6 tháng qua. Theo đó, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ thúc đẩy chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Hà Lan trong thời gian tới.

Thủ tướng Việt Nam nêu mong muốn Hà Lan sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA); thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU. Đề nghị Hà Lan hỗ trợ Việt Nam triển khai Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 và phát triển các đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu vùng duyên hải miền Trung.

Trước đó, chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Vua Willem-Alexander và Hoàng hậu Maxima theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vốn dự kiến diễn ra từ ngày 19-3 đến 22-3-2024. Tuy nhiên, chuyến đi này đã bị hủy theo yêu cầu của phía Việt Nam mà lý do được nêu ra là vì “chuyện nội bộ”.

Lần gần nhất Đức Vua Willem-Alexander và Hoàng Hậu Maxima thăm Việt Nam là 13 năm trước, vào tháng 3-2011, khi ấy, Vua Willem-Alexander còn là thái tử. Cả hai được Thủ tướng Việt Nam thời điểm đó là ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp đón.

Sau 50 năm quan hệ ngoại giao (1973-2023), Hà Lan hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại EU. Trao đổi thương mại song phương năm 2022 đạt 11,09 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2021. Hà Lan cũng là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam với khoảng 400 dự án đầu tư, tổng vốn đạt 13,5 tỷ USD, tính tới năm 2023.

Trở lại với chuyện ngoại giao đang tái xúc tiến cho chuyến “mời thăm lại” Việt Nam đối với Hoàng gia Hà Lan. Thông thường thì những chuyến thăm cấp nhà nước như vậy tiêu tốn nhiều tháng trời cho công tác chuẩn bị, với sự tham gia của nhiều cá nhân và tổ chức của các bên liên quan. Ở đây còn là động tác mang tính “lobby” ngoại giao cho thúc đẩy Hà Lan thuận phê chuẩn EVIPA.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Ngày 01-12-2015, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 01-02-2016, văn bản hiệp định được công bố. Ngày 26-06-2018, một bước đi mới của EVFTA được thống nhất. Theo đó, EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA); đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý đối với Hiệp định EVFTA. Tháng 08-2018, quá trình rà soát pháp lý đối với EVIPA cũng được hoàn tất.

Hai Hiệp định được ký kết ngày 30-06-2019. EVFTA và EVIPA được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu vào ngày 12-2-2020, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8-6-2020.

Ngày 30-3-2020, Hội đồng châu Âu cũng đã thông qua EVFTA. Đối với EVFTA, do đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn, Hiệp định này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Đối với EVIPA, về phía EU, Hiệp định sẽ còn phải được sự phê chuẩn tiếp bởi Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU mới có hiệu lực. Và đây cũng chính là nguyên do khiến Hà Nội phải “lobby” Hoàng gia Hà Lan.


Tin Bài Liên Quan:

  1. VNTB – Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn sắp ‘xuất hiện’ tại Hà Nội?
  2. VNTB – EVFTA sẽ được thông qua?
  3. VNTB – Carl Thayer: Chưa thấy thời điểm nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ
  4. VNTB – Liệu sẽ có Tổng bí thư thứ ba trong lịch sử từ trần khi đương nhiệm?

Bình luận về bài viết này