Bao giờ Trung Quốc sẽ tiến đánh Đài Loan ?

RFIThụy My

Đăng ngày: 23/05/2024 – 07:25

Le Monde ngày 22/05/2024 đặt câu hỏi « Khi nào Trung Quốc sẽ tiến chiếm Đài Loan ? ». Hai nhiệm kỳ của bà Thái Anh Văn đều căng thẳng với Bắc Kinh, nhưng có lẽ vẫn chưa thể so sánh với nhiệm kỳ của ông Lại Thanh Đức vừa mới khởi đầu hôm thứ Hai.

Cựu tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và người kế nhiệm Lại Thanh Đức vẫy tay chào người dân trong lễ nhậm chức bên ngoài Dinh Tổng thống ở Đài Bắc ngày 20/05/2024.
Cựu tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và người kế nhiệm Lại Thanh Đức vẫy tay chào người dân trong lễ nhậm chức bên ngoài Dinh Tổng thống ở Đài Bắc ngày 20/05/2024. REUTERS – Carlos Garcia Rawlins

Đài Loan, mảng còn thiếu trong « Giấc mộng Trung Hoa » của Tập Cận Bình

Tập Cận Bình đã nhiều lần tuyên bố muốn « thống nhất » Đài Loan, bằng vũ lực nếu cần. Được nhắc đi nhắc lại, tham vọng này tạo ra thế buộc phải hành động. Không chỉ về địa chính trị mà còn mang tính lịch sử : Đài Loan là mảng còn thiếu khiến cuộc chinh phục của đảng Cộng sản Trung Quốc chưa trọn vẹn. Thế nhưng theo ông Tập, nhiệm vụ lịch sử này « không thể cứ để từ thế hệ này sang thế hệ khác ». 

Đây là yếu tố trung tâm của đại quốc Trung Hoa mới, để biện minh cho việc hủy bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch nước. Làm thế nào mà một nhà lãnh đạo quyền lực như Tập Cận Bình có thể để trôi qua ba, thậm chí bốn nhiệm kỳ, tức hai mươi năm, mà không có kết quả cụ thể để trình với công chúng ? Nhận xét này khiến người Đài Loan lo sợ, nghĩ đến thời điểm « cửa sổ Davidson ». Trước khi rời chức vụ năm 2021, tư lệnh Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương Philip Davidson trước Quốc hội Hoa Kỳ dự báo Trung Quốc có thể xâm lược Đài Loan vào năm 2027. Người kế nhiệm ông cũng nhắc lại thời điểm này.

Nhưng theo NBC, khi gặp tổng thống Joe Biden ở San Francisco tháng 11/2023 Tập Cận Bình nói ông ưu tiên cho giải pháp chính trị và vẫn chưa định ra thời gian. Vấn đề, theo Le Monde, là con đường chính trị đã đóng lại. Có lẽ chính quyền Bắc Kinh chưa ý thức được đầy đủ rằng việc đàn áp thô bạo Hồng Kông khiến người Đài Loan bị chấn động mạnh, một Trung Quốc trở nên đỏ máu và sắt đá dưới thời ông Tập đã khiến đại đa số dân Đài Loan tin rằng không nên gắn bó với thể chế này. Còn về dân Hoa lục tuy cũng mơ đến một Đại Trung Hoa, nhưng lo cho đời sống hàng ngày. Chiến tranh với Đài Loan sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, và có nên gây chiến với người anh em hay không ?

Ông Lại Thanh Đức đắc cử tổng thống, nhưng đảng Dân Tiến của ông bị mất đa số trong Quốc hội. Bắc Kinh có thể lợi dụng việc đảng này phải sống chung với Quốc Dân Đảng để dấn lên từng bước một. Đó cũng là ý nghĩa chuyến đi Trung Quốc đầu tháng Tư của cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu và sau đó của 17 dân biểu Quốc Dân Đảng. Sự chia rẽ giữa hành pháp và lập pháp có thể ngăn cản việc chuẩn bị về quân sự của đảo quốc, bị Trung Quốc cho là khiêu khích. Nhưng cũng là lý do khiến Bắc Kinh tin rằng giải pháp chính trị chưa chết hẳn, Dân Tiến bị yếu đi, Trung Quốc có thể mơ một ngày nào đó Quốc Dân Đảng quay lại nắm quyền.

Cả nước Israel bị sốc vì yêu cầu truy nã thủ tướng của ICC

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đòi truy nã thủ tướng Israel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ bay đến Nouvelle Calédonie đang trong khủng hoảng là hai sự kiện được báo chí Pháp đề cập nhiều hôm nay. Le Figaro nhận thấy « Israel bàng hoàng vì yêu cầu truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế ». Trận bão ập vào Israel từ hơn bảy tháng qua, nay được nhấn thêm bằng một cơn sấm sét. Đòi hỏi của công tố viên trưởng ICC nhắm vào hai ông Benyamin Netanyahu và Yoav Gallant gây kinh ngạc cho cả nước.

Công tố viên Karim Khan cáo buộc thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng Israel tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, trong khuôn khổ cuộc chiến tranh Gaza. Chiến dịch này được tiến hành sau khi Hamas khủng bố Israel làm 1.200 người thiệt mạng, 250 người bị bắt cóc và khoảng 128 con tin hiện vẫn trong tay phe Hồi giáo. Về phía Palestine có 35.000 người chết theo con số của Hamas, 70 % cơ sở hạ tầng dải Gaza bị phá hủy hoặc hư hại, hàng trăm ngàn người mất nhà cửa.

Ba lãnh đạo của Hamas cũng bị nhắm đến vì « tội ác chống nhân loại ». Đó là Yahya Sinwar, thủ lãnh ở Gaza ; Mohammed Deïf, chỉ huy nhánh quân sự Al Qassam, và Ismaïl Haniyeh, thủ lãnh nhánh chính trị Hamas. Việc xếp ba khuôn mặt của phong trào khủng bố đứng cùng hai chính khách Israel được bầu lên một cách dân chủ đã gây sốc cho toàn quốc. Người dân Israel vẫn luôn bị chấn thương vì vụ tấn công ngày 07/10. Dù chính kiến như thế nào, họ vẫn tin rằng cuộc chiến Gaza là chính nghĩa, nhằm trả đũa một kẻ thù luôn muốn hủy diệt mình.

Lần đầu tiên lãnh đạo một quốc gia dân chủ tự do bị nhắm đến

Một cư dân ở Nahariya phẫn nộ : « Ai đã sát hại, hãm hiếp, bắt cóc chúng tôi hôm đó ? Đất nước tôi tự vệ trước một nhóm khủng bố, hoàn toàn bất công khi đặt ngang hàng với những kẻ man rợ ». Báo chí Israel đều cho rằng không thể hiểu được, và cho đây là sự mù quáng trước mối đe dọa sắp tới có thể đánh vào phương Tây. Tờ Hayom nhấn mạnh, « những gì xảy ra hôm nay ở Nir Oz (một trong những kibboutz bị thảm sát) có thể diễn ra ngày mai tại Toulouse ». Một sự đảo lộn giá trị, người tự vệ trở thành kẻ tấn công và nạn nhân thành bị cáo.

Nếu lệnh truy nã được ban hành, thủ tướng Israel vốn đang trong thế yếu sẽ phải ra đi hay ngược lại, người dân đoàn kết phía sau nhà lãnh đạo bị xếp ngang hàng với các thủ lãnh Hamas ? Les Echos ghi nhận những phản ứng đầu tiên cho thấy khả năng thứ hai bao trùm lên tất cả. Le Figaro có cùng nhận định : Trung thành với truyền thống, người Israel cùng sát cánh trước địch thủ, chính giới vượt qua bất đồng để kết thành một khối với thủ tướng. Đối thủ chính của Benjamin Netanyahu là Benny Gantz tố cáo một sự « mù quáng về đạo đức », Yair Lapid, thủ lãnh phe đối lập ở Quốc hội cho rằng đây là « thất bại toàn bộ về đạo đức ».

Trong những tuần lễ tới, các thẩm phán của ICC sẽ quyết định có thông qua đề nghị của công tố viên hay không. Nếu tòa ban hành lệnh truy nã ông Benjamin Netanyahu, đây sẽ là sự kiện vô tiền khoáng hậu, theo Les Echos. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo được phương Tây ủng hộ bị nhắm đến, cũng là lần đầu tiên đối với lãnh đạo của một quốc gia dân chủ tự do. Và chỉ là lệnh truy nã thứ tư dành cho một nhà lãnh đạo đương chức, sau Omar El Béchir ở Sudan, Muammar Kadafi ở Libya và mới đây là Vladimir Putin của Nga.

Tranh cãi vì chính khách dân cử bị đặt ngang hàng với Hamas

Thế nên yêu cầu trên đã gây tranh cãi dữ dội. Trước hết, bản thân ông Netanyahu « bác bỏ với sự kinh tởm » việc so sánh một quốc gia dân chủ với « những kẻ sát nhân hàng loạt của Hamas ». Hoa Kỳ, Đức và nhiều nước phương Tây cũng phản đối điều này, Pháp tuy ủng hộ sự độc lập của tòa án, nhưng cũng nhắc nhở không nên cào bằng với một nhóm khủng bố.

Nhật báo thiên tả Libération thì cho rằng công tố viên Karim Khan muốn chứng tỏ luật pháp phải được áp dụng cho tất cả. Mạng người đều có giá trị như nhau, dù đó là nạn nhân Israel bị thảm sát hôm 07/10, hay người Palestine thiệt mạng trong chiến dịch trả đũa ở Dải Gaza.

Libération nhận xét « Và bây giờ cần phải chờ đợi lệnh truy nã », Le Figaro thiên hữuphân tích « Con đường gian nan của tư pháp quốc tế bị nghi là có ý đồ phía sau ». Hậu quả từ đề nghị của ông Karim Khan là quan trọng và lâu dài. Những người chỉ trích nói rằng dù phản ứng tự vệ chính đáng của quân đội Israel có quá lố, công tố viên nên tách làm hai giai đoạn. Giống như Tòa án Hình sự về Nam Tư cũ, trước hết xử tội xâm lăng của Serbia, sau đó mới điều tra về quân đội giải phóng Kosovo.

Tiền lệ nguy hiểm cho các quân đội phương Tây

Chuyên gia David Khalfa của Fondation Jean Jaurès trên Le Figaro chỉ ra rằng cơ sở cáo buộc của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) không mấy vững. Khác với Hamas công khai khoe tội ác của mình, nội các chiến tranh Israel chưa bao giờ tuyên bố ý định diệt chủng người Palestine. Còn về con số nạn nhân, do các điều tra viên của tòa không vào được Gaza, nên phải dựa theo số liệu của Hamas và các tổ chức phi chính phủ được cho là không mấy công tâm. Quyết định của ông Khan cũng không đúng lúc, vì bộ trưởng Quốc Phòng Israel đã phát biểu phản đối việc chiếm đóng Gaza, và viện trợ nhân đạo đã dồi dào hơn.

Số khác cho rằng cáo buộc của tổ chức tư pháp quốc tế này mang tính chính trị, áp dụng « tiêu chuẩn kép ». Cả tổng thống Syria Bachar Al-Assad lẫn Erdogan đều vô sự dù đàn áp mạnh mẽ người Kurdistan. Hay giáo chủ Khamenei của Iran, người tài trợ cho nhiều phong trào khủng bố, hoặc Tập Cận Bình, đã bắt vào trại tập trung cả triệu người Duy Ngô Nhĩ. Bất chấp vô số tội ác của Nga tại Ukraina, tấn công vào bệnh viện, tra tấn, sát hại…lệnh truy nã tổng thống Nga của Tòa án Hình sự Quốc tế « nhẹ nhàng » hơn so với Benjamin Netanyahou, vì chỉ nhắm vào việc bắt cóc trẻ em.

David Khalfa cảnh báo việc « chính trị hóa » tư pháp quốc tế là « một tiền lệ nguy hiểm cho các quân đội phương Tây ». Nếu Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hiện diện từ tháng 2/1945, khi không quân Mỹ, Anh thả bom xuống thành phố Dresden của Đức làm 35.000 người chết, liệu có hành động tương tự hay không ? Theo ông, đây là cái nhìn thiển cận, gây hại cho các quốc gia dân chủ khi phải tham chiến, như việc Pháp chống khủng bố ở Sahel chẳng hạn.

Đến lượt châu Mỹ la-tinh chận thép Trung Quốc

Lần lượt sau khi Mêhicô, Brazil, Chilê tăng thuế hải quan lên thép Trung Quốc, có khi gấp đôi, đến lượt Colombia cũng muốn hành động tương tự. Các quốc gia mới nổi giờ đây sao chép các biện pháp bảo hộ của Hoa Kỳ và châu Âu. Bắc Kinh coi châu Mỹ La tinh là nơi để trút vào các sản phẩm ngày càng khó tiêu thụ vì các nước lớn phương Tây đặt ra nhiều sắc thuế ngăn chặn. Trung Quốc, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới đã gia tăng thị phần từ 15 % thế giới năm 2000 lên 54 % năm 2023, tức tăng trưởng đến 700 %. Để so sánh, châu Mỹ La tinh trong cùng thời kỳ chỉ tăng 4 %.

Hiệp hội thép của châu lục báo động, thép Trung Quốc cạnh tranh bất chính ồ ạt nhập vào là thách thức lớn cho các nhà sản xuất, đe dọa 1,4 triệu việc làm tại châu Mỹ la-tinh. Quyết định đánh thuế cao thép Trung Quốc khá là can đảm vì Bắc Kinh có thể trả đũa mạnh tay. Tuy nhiên cách xử sự này theo chuyên gia Christopher Beddor « là một dấu chỉ tốt cho nhận thức của thế giới về cung cách thương mại của Trung Quốc ». Phản ứng tự vệ trước Bắc Kinh nay diễn ra khắp nơi, « không chỉ ở các nước giàu ».

Bình luận về bài viết này