Nhiệm kỳ thứ 4 của ông Trọng và số phận ông Tô Lâm

TiengdanNguyễn Anh Tuấn

22-5-2024

Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ là chủ nhân mới của Phủ Chủ tịch. Ảnh gốc: Báo Người Lao Động. Đồ họa: V.K / Luật Khoa.

Mấy tháng qua, trong khi các nhà quan sát cáo buộc ông Tô Lâm đứng sau các cuộc thanh trừng chính trị nhằm nuôi tham vọng chiếm ghế Tổng bí thư nhiệm kỳ tới, mình đã viết loạt bài trên Luật Khoa Tạp chí, cho rằng chính ông Trọng mới là đạo diễn cho toàn bộ vở kịch nhiều hồi này.

Bài viết gần nhất dưới đây, được đăng vài ngày trước khi kế hoạch ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an bị đổ bể, đã chỉ ra, dù được che chắn kín đáo, việc ông Trọng là người chủ mưu giấu mặt vẫn để lại những dấu vết mà sớm nhất là dịp Hội nghị Trung ương 8 vào tháng 10 năm ngoái.

Các dấu vết cụ thể thế nào và ông Trọng làm thế với mục đích gì, mời mọi người đọc trong bài trên Luật Khoa.

Ngoài các điểm đã nêu trong bài, có một điểm khác mà mình không đưa vào vì không có bằng chứng, song chủ quan mình nghĩ lại rất quan trọng. Đó là những vụ thanh trừng này có “mùi” của Tổng cục II rất rõ. Làm công tác do thám và nắm hồ sơ cán bộ chiến lược, Tổng cục II hẳn không lạ gì việc ông Thưởng có chút chấm mút thời làm Bí thư Quảng Ngãi 13 năm trước hay trợ lý 20 năm của ông Huệ được bảo kê ăn hối lộ.

Hồ sơ lúc nào cũng sẵn đó, chỉ đợi được bật đèn xanh để tung ra. Ai có quyền bật đèn xanh ngoài Tổng bí thư?

Trong các vụ án lạ thường như Phúc Sơn và Thuận An, Bộ Công an đã phải xuất hiện vừa để thực hiện quy trình tư pháp hình sự nhưng cũng rất có thể là để che giấu vai trò của cơ quan không được phép xuất hiện trước công chúng là Tổng cục II.

Bên cạnh đó, việc tung các thông tin và tài liệu ra bên ngoài nhằm chuẩn bị dư luận trước cũng là cách làm quen thuộc của cơ quan này.

Số phận của ông Tô Lâm

Trừ khi sức khỏe có gì đột biến, ông Trọng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4 với Điều lệ Đảng được sửa đổi trong Đại hội 14. Ông Tô Lâm theo đó nếu may thì hạ cánh an toàn, còn không sẽ bị buộc phải làm vai chính trong hồi cuối cùng của vở kịch dài kỳ mà ông Trọng làm đạo diễn.

Có người nói nếu ông Tô Lâm biết trước như vậy, không lẽ ông chịu thúc thủ bó gối sao? Mình xin hỏi lại: Nếu bạn là ông ấy, bạn có thể làm gì trong một hệ thống mà việc thiết lập và thi hành luật chơi nằm trong tay kẻ khác?

Thực ra thì sau những gì đã làm cho ông Trọng, ông Tô Lâm lẽ ra sẽ được hạ cánh an toàn. Ông cũng có cái may mắn, so với ông Thưởng, ông Huệ, (và có thể là cả ông Chính) ở chỗ cái dớp của vụ Trịnh Xuân Thanh khiến ông có cái cớ để thoái thác vị trí cao nhất. Dư luận trong Đảng trước giờ có thể đặt vấn đề ông Huệ, ông Thưởng, ông Chính kế nhiệm ông Trọng chứ ít ai nhắc đến ông Tô Lâm cũng vì cái dớp này. Trong cái rủi có cái may, ông Tô Lâm nhờ thế mà không trở thành mục tiêu của ông Trọng.

Tuy nhiên, mình vẫn nghĩ ông Tô Lâm vẫn sẽ bị xử, vì một lý do khác ít người nghĩ tới. Sau những xáo trộn chưa có tiền lệ vừa qua, như bất kỳ lực lượng chính trị nào khác, Đảng cần một con dê tế thần để xây lại tình đoàn kết nội bộ. Ông Tô Lâm đã bị “gài” bằng truyền thông vừa qua để trong mắt dư luận trong và ngoài Đảng trở thành một kẻ vì tham vọng quyền lực cá nhân mà thanh trừng đồng chí. Xử lý được Tô Lâm, ông Trọng sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ 4 không phải như một kẻ tham quyền cố vị mà trong tư cách một người cứu Đảng.

Bằng cách này ông Trọng sẽ đạt được mục tiêu tối hậu là cầm quyền suốt đời mà không bị điều tiếng tham quyền cố vị từ cả dư luận trong đảng lẫn ngoài đảng – điều duy nhất mà ông ái ngại.

Bình luận về bài viết này