Nga định vị trữ lượng dầu lửa khổng lồ tại vùng Nam cực: Mối lo của giới môi trường và địa chính trị

RFIThùy Dương

Đăng ngày: 21/05/2024 – 12:09

Nhiều phương tiện truyền thông của Pháp tuần qua trích dẫn thông tin được báo Telegraph của Anh đăng tải, cho biết Nga xác định được ở vùng Nam cực một trữ lưỡng dầu lửa khổng lồ, tương đương 511 tỉ thùng dầu. Mối lo ngại về một « quả bom khí hậu và địa chính trị » một lần nữa lại dấy lên.

(Ảnh minh họa) - Tàu Akademik Shokalskiy của Nga, với thủy thủ đoàn 74 người, bị mắc kẹt trong băng gần vùng Nam cực, ngày 29/12/2013.
(Ảnh minh họa) – Tàu Akademik Shokalskiy của Nga, với thủy thủ đoàn 74 người, bị mắc kẹt trong băng gần vùng Nam cực, ngày 29/12/2013. REUTERS/Andrew Peacock

Số liệu về trữ lượng dầu kể trên do đâu mà có ?

The Telegraph hôm 11/05/2024 cho biết, theo thông tin mà Ủy ban Kiểm toán Môi trường (EAC) của Anh nhận được vào tuần trước đó, trữ lượng dầu lửa 511 tỉ thùng ở vùng cực Nam là do tàu khảo sát của Nga, Alexander Karpinsky, xác định. Cơ quan điều hành tàu Alexander Karpinsky chính là công ty Rosgeo của Nga, chuyên trách tìm kiếm trữ lượng khoáng sản phục vụ khai thác và thương mại. Matxcơva đã thông báo tin này cho Luân Đôn bởi khu vực mà tàu Nga khảo sát có dầu là vùng biển Weddell, rộng 1,7 triệu km2, không có người sinh sống, tại vùng cực Nam, nơi Anh Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng Chilê và Acchentina cũng tranh chấp.

Chiểu theo Hiệp ước về Nam cực ký ngày 01/12/1959 tại Washington, Hoa Kỳ (hiện có hơn 50 nước tham gia văn bản này) : không một quốc gia nào có chủ quyền lãnh thổ tại Nam cực, bất chấp các đòi hỏi hay tuyên bố của một số quốc gia.

Để so sánh, trữ lượng 511 tỉ thùng dầu là nhiều gấp khoảng 10 lần tổng sản lượng khai thác trong vòng 50 năm qua ở Biển Bắc. Daily Telegraph cho rằng con số này tương đương gấp 2 lần trữ lượng ước tính của Ả Rập Xê Út, một trong những nước sản suất nhiều dầu nhất thế giới. Le Figaro ngày 19/05 nhắc lại là theo đánh giá năm 2023 của Viện Năng lượng về mức tiêu dùng năng lượng của thế giới, mỗi năm toàn thế giới sử dụng khoảng 36 tỉ thùng dầu.

Thực ra, theo trang mạng tạp chí Geo, chuyên về xã hội, môi trường và địa chính trị, ngày 16/05, phát hiện này đã từng được Daily Telegraph đưa tin từ năm 2020, nhưng cuộc khủng hoảng đại dịch Covid đã khiến thông tin nói trên, kèm với thông điệp của Nga về việc « đánh giá triển vọng các mỏ dầu khí » ở Nam cực không được chú ý. Do chiến tranh Ukraina và khủng hoảng năng lượng, gần đây thông tin mới được các nghị sĩ Anh quan tâm trở lại. Họ lo ngại về những mục tiêu ẩn giấu vượt quá mục đích khoa học mà nước Nga của Vladimir Putin khẳng định. Từ khám phá đến khai thác là cả một chặng đường dài, nhưng không ai có thể chắc chắn Matxcơva chỉ nhắm đến mục tiêu khoa học khi Nga định vị được trữ lượng lớn đến mức có thể làm thay đổi bàn cờ năng lượng toàn cầu, thỏa mãn « cơn khát » chất đốt của thế giới trong vài thập kỷ.

Nhưng hiện nay, tại vùng Nam cực chỉ có các hoạt động nghiên cứu là được phép ?

Đúng vậy, khu vực này hiện giờ được bảo vệ theo khuôn khổ Hiệp ước Nam Cực năm 1959, trong đó mọi hoạt động phát triển dầu mỏ trong vùng đều bị cấm. Theo Hiệp ước Nam Cực, « lục địa Trắng » là tài sản chung của nhân loại, một vùng không thể bị xâm phạm, chỉ có các hoạt động nghiên cứu khoa học được phép tiến hành, chẳng hạn về biến đổi khí hậu, núi lửa … « Lục địa Trắng », với diện tích 14 triệu km2, cũng được xem là vùng đất của hòa bình, phi quân sự, mọi tranh chấp lãnh thổ đều bị « đóng băng ».

Hiện giờ ở vùng cực Nam có nhiều căn cứ khoa học để tiếp đón các nhà nghiên cứ đến thực hiện nhiều hoạt động khoan thăm dò. Nước Nga đương nhiên, với danh nghĩa làm nghiên cứu, đã có những hoạt động khảo sát về địa chất và dư chấn, dẫn tới thông tin về trữ lượng 511 tỉ thùng dầu nói trên. Báo Pháp Sud-Ouest hôm 16/05 điểm lại là hồi năm 2005, Viện nghiên cứu Trung Quốc về địa cực cũng đã tiết lộ là tại vùng Nam cực có 500 tỷ tấn dầu và 300-500 tỷ tấn khí đốt.

Dưới vỏ bọc khoa học, nhiều quốc gia đã lập bản đồ địa chất đáy biển và mặt đất ở vùng Nam cực trong nhiều thập kỷ. Chẳng hạn, theo trang mạng về sinh thái Reporterre, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ đã lập bản đồ cho thấy có sự tồn tại của trầm tích hóa thạch, kim loại đen (sắt nguyên chất hoặc hợp kim thấp như gang hoặc thép), kim loại màu (bao gồm tất cả các kim loại trừ sắt) và nhiên liệu hạt nhân (uranium, rhenium, thorium) … Năm 2001, Nga đã hoàn tất việc quét dữ liệu 2,5 triệu km2 vùng núi ven biển Nam Cực, và tìm thấy một tập hợp khoáng sản thuộc loại quý hiếm trên hành tinh.

Điều đáng nói là trong khuôn khổ Hiệp ước Nam Cực, theo Nghị định thư về Bảo vệ Môi trường vùng Nam cực, còn gọi là Nghị định thư Madrid, ký năm 1991 và có hiệu lực từ năm 1998, vùng này được bảo vệ khỏi các hoạt động thăm dò và khai khác tài nguyên vì mục đích thương mại, nhưng chỉ trong thời hạn 50 năm, tức là đến năm 2048.

Vậy kể từ năm 2048 thì chuyện gì sẽ xảy ra ?

Trở lại với Sud-Ouest, nhật báo Pháp ngày 16/05 lưu ý Nga và Trung Quốc dường như đang khảo sát để chuẩn bị cho tương lai, và bắt đầu khiến phương Tây và giới bảo vệ môi trường lo ngại.

Trong báo cáo về các thách thức sinh thái, kinh tế và địa chính trị do biến đổi khí hậu ở vùng Nam cực gây ra, hồi năm 2015, dân biểu Pháp, Noël Mamère, giải thích rằng « Nga đã từng đề cập, trong cuộc họp về Hiệp ước vùng cực Nam hồi năm 2011 rằng một trong những mục tiêu của Kế hoạch phát triển vùng cực Nam đến năm 2020 là tăng cường năng lực kinh tế của Nga thông qua các cuộc khảo sát phức tạp về tài nguyên khoáng sản, chất đốt và các tài nguyên thiên nhiên khác ở vùng cực Nam ». Vào thời điểm đó, không có quốc gia thành viên Hiệp ước vùng Nam cực phản ứng về bình luận của Matxcơva nhưng « cảnh giác là điều cần thiết ».

Một số kịch bản dường như đang xuất hiện, liên quan đến ảnh hưởng của Bắc Kinh, với việc thành lập căn cứ nghiên cứu thứ năm ở « Lục địa Trắng ». Bắc Kinh đang tìm cách khẳng định Trung Quốc cũng là một cường quốc ở vùng cực Nam. Là một nước tiêu thụ nhiều chất đốt, Trung Quốc có thể thúc đẩy việc dỡ bỏ các tiêu chuẩn khai thác tài nguyên ở vùng đất phía nam hành tinh, hoặc ngược lại, hạn chế « nỗi thèm khát » của Nga, trừ khi hai « gã khổng lồ » Nga – Trung đồng ý « cùng chia miếng bánh ».

Những căng thẳng mà chúng ta thấy hiện nay ở vùng cực Bắc hoàn toàn có thể xảy ra với vùng cực Nam. Le Figaro trích dẫn tuần báo Newsweek : « Mặc dù không có yêu sách lãnh thổ ở vùng Nam cực, nhưng Nga, cùng với Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã dần dần tăng cường sự hiện diện trong khu vực trong những năm gần đây thông qua nhiều chiến dịch khoa học, thiết lập 5 trạm nghiên cứu trong khu vực này kể từ năm 1957 ».

Hồi tháng 02/2024, Nga đã ngưng đóng góp tài chính vào Hội Đồng Bắc Cực, một tổ chức liên chính phủ về các vấn đề chiến lược trong khu vực, đồng thời tăng cường quân sự hóa khu vực. Chính quyền Nga cũng lợi dụng sự tan chảy của băng do biến đổi khí hậu để phát triển thương mại thông qua vùng biển ở Bắc Cực và biến « tuyến đường biển phương Bắc » thành tuyến mà tàu thuyền có thể lưu thông. Và để làm được điều đó, Matxcơva đang gia tăng số lượng và hiện đại hóa đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, những con tàu có thể hoạt động liên tục và vượt qua các tuyến đường biển bị đóng băng.

Hiện tại, Nga là quốc gia duy nhất có nhà máy điện hạt nhân nổi. Nhà máy Akademik Lomonosov đi vào hoạt động từ tháng 12/2019 và di chuyển nhờ hai lò phản ứng KLT-40S trên tàu phá băng hạt nhân của Nga và hai tua-bin chạy bằng hơi nước. Với ưu thế về đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, không gì có thể khẳng định là sau năm 2048 Nga sẽ không có những hoạt động tương tự như ở vùng Bắc cực.

Nhưng việc khai thác ở vùng cực Nam đâu có đơn giản ?

Rõ ràng là vậy. Xác nhận sự hiện diện của tài nguyên là một chuyện, khai thác lại là chuyện khác. Reporterre trích dẫn Mikaa Mered, tác giả cuốn sách « Thế giới các vùng cực » (NXB. Puf, 2017), theo đó trong môi trường khắc nghiệt của vùng cực Nam, việc thực hiện các hoạt động khai thác khoáng sản, dầu khí là rất phức tạp. Hơn nữa, « không giống như việc chuyên chở tài nguyên được khai thác ở vùng cực Bắc, việc vận chuyển tài nguyên ở vùng cực Nam sẽ rất phức tạp. Bắc Á, Bắc Mỹ hay châu Âu, những trung tâm tiêu dùng kinh tế và sản xuất công nghiệp lớn, đều ở rất xa ».

Việc khai thác dễ dàng và mang lại lợi nhuận còn do các yếu tố thời tiết và địa hình quyết định. Các cơ sở hạ tầng dưới nước đều phải đối mặt với những cơn gió, sóng biển, dòng chảy cực lớn. Các công ty năng lượng vẫn chưa đưa các tuyên bố về tính khả thi của việc khai thác ở vùng Nam cực nhưng bà Claire Christian, giám đốc Liên minh Nam Cực và Nam Đại Dương (Asoc), phân tích: « Việc thực hiện các hoạt động ở đó (vùng Nam cực) sẽ cực kỳ khó khăn và tốn kém, có thể sẽ không có lợi về kinh tế, cũng như về chính trị hoặc truyền thông. Thành thật mà nói, sẽ chẳng có ích lợi gì khi làm như vậy ». 

Bình luận về bài viết này