Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: quyền lực mới hay phương án tạm thời?

BBC

Ông Trần Thanh Mẫn tuyên thệ, nhậm chức chủ tịch Quốc hội
Chụp lại hình ảnh,Ông Trần Thanh Mẫn tuyên thệ, nhậm chức chủ tịch Quốc hội

Với 475/475 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội hôm nay 20/5 đã thông qua nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội khóa 15 nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, là người được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội vào đầu tháng 5 sau khi ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm.

Ông Mẫn, 62 tuổi, quê ở Hậu Giang, là tiến sĩ kinh tế, cử nhân chính trị.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng ba khóa 11, 12 và 13; Bí thư Trung ương Đảng khóa 12; Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13; đại biểu Quốc hội ba khóa 13, 14 và 15.

Trước khi được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội vào tháng 4/2021, ông từng giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội là một trong “Tứ Trụ” của Việt Nam, bên cạnh tổng bí thư Đảng Cộng sản, thủ tướng và chủ tịch nước.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã khuyết hai vị trí chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội sau sự ra đi bất ngờ của ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ.

Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ) nhận định với BBC rằng chủ tịch Quốc hội là vị trí “vô cùng quan trọng cho tính chính danh của Đảng”.

“Tôi nghĩ sẽ rất khó để đất nước vận hành mà không có chủ tịch Quốc hội khi mà luật và các quy định cần được thông qua. Việc không có chủ tịch Quốc hội sẽ gửi một tín hiệu rất xấu đến các nhà đầu tư nước ngoài,” ông Abuza nói.

Theo Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm ở Đại học News South Wales, Úc, việc ông Mẫn làm chủ tịch Quốc hội được coi là giải pháp trước mắt để chờ tới Đại hội Đảng lần thứ 14 vào đầu năm 2026.

“Tôi luôn nghĩ rằng ông Trần Thanh Mẫn là một sự lựa chọn hợp lý cho chức chủ tịch Quốc hội vì ông ấy có kinh nghiệm,” Giáo sư Thayer từng đánh giá với BBC sau khi ông Huệ mất chức.

Do chưa tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ, việc ông Mẫn kế nhiệm chức vụ chủ tịch Quốc hội là một “trường hợp đặc biệt”.

“Đơn giản là họ đang thiếu người, chỉ có ba người (ủy viên Bộ Chính trị) được bầu tại Đại hội Đảng lần thứ 13 là ông Nguyễn Phú Trọng, ông Phạm Minh Chính và ông Tô Lâm là đủ tiêu chuẩn,” Giáo sư Thayer nói với BBC hôm 17/5.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng vì ông Mẫn quê ở Hậu Giang, nên việc ông làm chủ tịch Quốc hội giúp có một đại diện miền Nam trong “Tứ Trụ”.

“Người miền Nam gần gây rất lo ngại rằng họ đã bị gạt ra rìa. Ông Mẫn có kinh nghiệm làm trong chính quyền ở tỉnh, ông ấy cũng đã ở trong Ban chấp hành Trung ương một thời gian dài, nên đây cũng là điều hợp lý,” Giáo sư Abuza đánh giá.

Chủ tịch Quốc hội có quyền gì?

Trong bộ máy nhà nước Việt Nam, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước.

Khác với thủ tướng là thủ trưởng của các lãnh đạo bộ ngành, cơ quan thuộc chính phủ, chủ tịch Quốc hội không phải là thủ trưởng của các đại biểu Quốc hội.

Nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch Quốc hội được quy định tại Điều 72 Hiến pháp 2023 và nêu chi tiết tại Điều 64 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, bao gồm một vài điểm chính như sau:

  • Chủ tọa các phiên họp của Quốc hội
  • Ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội
  • Lãnh đạo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
  • Tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội

Giáo sư Abuza cho rằng hiện nay Quốc hội có một vị trí quan trọng ở Việt Nam.

“Tôi biết chúng ta không coi trọng nghị viện trong hệ thống cộng sản độc đảng. Tuy nhiên, Quốc hội Việt Nam cũng có một quy trình cân nhắc kĩ lưỡng, các phiên chất vấn của họ thường được phát sóng trực tiếp nên người dân thích xem Quốc hội buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm,” ông Abuza trả lời BBC từ Mỹ.

Vị giáo sư cũng đưa ra dẫn chứng rằng có lúc Quốc hội đã bác bỏ các quyết định của Đảng Cộng sản về chính sách nhân sự, kinh tế hoặc cách đây vài năm về đường sắt Bắc Nam…

“Người đứng đầu Quốc hội là người giữ cân bằng tinh tế, vừa đảm bảo đại diện cho Đảng, lợi ích và những gì đảng muốn, đồng thời cho phép tranh luận diễn ra và cân nhắc về chính sách”.

“Và trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang không ngừng phát triển, nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết hơn, vì thế công việc của Quốc hội hết sức vất vả. Và họ luôn tìm kiếm người có thể cân bằng đồng thời giữ quyền kiểm soát của Đảng,” ông Abuza nhấn mạnh.

Ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm chức chủ tịch Quốc hội ngày 2/5/2024
Chụp lại hình ảnh,Ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm chức chủ tịch Quốc hội ngày 2/5/2024

Bệ phóng quyền lực?

Trong số các chủ tịch Quốc hội Việt Nam kể từ năm 1992 đến nay, có hai người đã trở thành tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam – chức vụ cao nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị: ông Nông Đức Mạnh (2001 – 2011) và ông Nguyễn Phú Trọng (2011- nay).

Ngược lại, Văn phòng Chính phủ đã không thể đưa những người đứng đầu của mình (thủ tướng) tiến xa hơn nữa.

Lần lượt các ông Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng lên làm thủ tướng rồi về hưu, không giành được chiếc ghế tổng bí thư.

Một trường hợp ngoại lệ là ông Nguyễn Xuân Phúc, người thay vì nghỉ hưu sau khi làm thủ tướng lại trở thành chủ tịch nước, nhưng đã bị miễn nhiệm vào đầu năm 2023.

“Nếu bạn nhìn vào ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nông Đức Mạnh, chủ tịch Quốc hội đã là bước đệm cho vị trí cao hơn. Vẫn còn quá sớm để nói và dù ai là chủ tịch nước hay chủ tịch Quốc hội, họ đều phải đi qua nhiều cánh cổng nữa, vượt qua các cuộc thăm dò ý kiến trong Ban Chấp hành Trung ương để được đề cử cho chức tổng bí thư,” giáo sư Thayer nhận xét.

Theo nhà quan sát chính trị này, ngay cả khi những nhân vật này được đề cử cho chức tổng bí thư, chính các đại biểu dự Đại hội Đảng sẽ bỏ phiếu còn bản thân họ không tham gia vào quy trình cụ thể này.

“Tôi không thể nói rằng ông Tô Lâm có chiến thắng trong cuộc đua kế nhiệm hay không, nhưng vẫn còn nhiều thời gian để những người lo ngại về ông Lâm tìm kiếm một gương mặt khác,” ông Thayer nói.

Ông Nguyễn Phú Trọng (trái) được ông Nông Đức Mạnh tặng hoa trong phiên bế mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 11 của ĐCSVN tại Hà Nội vào ngày 19/1/2011
Chụp lại hình ảnh,Ông Nguyễn Phú Trọng (trái) được ông Nông Đức Mạnh tặng hoa trong phiên bế mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 11 của ĐCSVN tại Hà Nội vào ngày 19/1/2011

Một vị trí nam giới áp đảo

Trong số các chủ tịch Quốc hội trong lịch sử hiện đại của Việt Nam, chỉ có một phụ nữ đảm trách chức vụ này là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, giữ chức vụ này từ năm 2016 đến năm 2021.

Bà Ngân cũng là người phụ nữ duy nhất nằm trong “Tứ Trụ”, tức bốn vị trí cao cấp nhất trong bộ máy quyền lực của Việt Nam.

Người tiền nhiệm của ông Mẫn là ông Vương Đình Huệ, người đã thôi chức vì mắc những “sai phạm và khuyết điểm” không được Trung ương Đảng nêu chi tiết.

Các đời chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ sau năm 1981:

  • Nguyễn Hữu Thọ – giữ chức từ năm 1981-1987 (Sinh năm 1910 – mất năm 1996)
  • Lê Quang Đạo – giữ chức từ năm 1987-1992 (Sinh năm 1921- mất năm 1999)
  • Nông Đức Mạnh – giữ chức từ năm 1992–2001 (Sinh năm 1940)
  • Nguyễn Văn An – giữ chức từ năm 2001–2006 (Sinh năm 1937)
  • Nguyễn Phú Trọng – giữ chức từ năm 2006–2011 (Sinh năm 1944)
  • Nguyễn Sinh Hùng – giữ chức từ năm 2011–2016 (Sinh năm 1946)
  • Nguyễn Thị Kim Ngân – giữ chức từ năm 2016–2021 (Sinh năm 1954)
  • Vương Đình Huệ – giữ chức từ năm 2021–2024 (Sinh năm 1957)
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân là nữ chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,Bà Nguyễn Thị Kim Ngân là nữ chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam

Ông Trần Thanh Mẫn là ai?

Ông Trần Thanh Mẫn sinh ngày 12/8/1962, quê quán xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Ông là tiến sĩ kinh tế, cử nhân chính trị, ngày vào Đảng: 25/8/1982; ngày chính thức: 25/8/1983.

Ông là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa 10; ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12 và 13; bí thư Trung ương Đảng khóa 12; ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 và là đại biểu Quốc hội các khóa 13, 14 và 15.

Ông Trần Thanh Mẫn bắt đầu sự nghiệp chính trị với chức vụ phó bí thư Tỉnh đoàn Hậu Giang vào năm 1988.

Sau đó, ông là cán bộ trưởng thành ở Cần Thơ, lần lượt kinh qua nhiều chức vụ ở đây.

Từ tháng 7/1994, ông Trần Thanh Mẫn làm chánh văn phòng UBND tỉnh, sau đó làm phó chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ.

Từ năm 2008-2011, ông làm phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Từ năm 2011-2015, ông Trần Thanh Mẫn làm bí thư Thành ủy Cần Thơ, trước khi giữ cương vị phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Từ tháng 6/2017 – 4/2021, ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông được bầu làm phó chủ tịch thường trực Quốc hội vào ngày 1/4/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14.

Tháng 7/2021, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15, ông tiếp tục được bầu giữ chức phó chủ tịch Quốc hội và tiếp tục đảm nhiệm vai trò phó chủ tịch thường trực Quốc hội khóa 15.

Tháng 1/2021, tại Đại hội Đảng lần thứ 13, ông Mẫn được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Đảng khóa 13, ông được bầu vào Bộ Chính trị.

Tiểu sử ông Trần Thanh Mẫn

Chủ đề liên quan

Tin liên quan

Bình luận về bài viết này