VNTB – Cần làm gì để “Hội thánh Đức Chúa Trời” được pháp luật Việt Nam công nhận?

Phạm Lê Đoan
20.05.2024 2:37
VNThoibao

(VNTB) – Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa phát hiện một nhóm người truyền đạo “Hội thánh Đức Chúa Trời” trái pháp luật.

 Ngày 19-5-2024, Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa tin vừa phát hiện một nhóm 21 người tham gia truyền đạo “Hội thánh Đức Chúa Trời” trái pháp luật, do Phạm Văn Bách (sinh năm 1989, quê Ân Thi, Hưng Yên) cùng vợ là Nguyễn Thị Thanh Thúy (sinh năm 1994, quê Hoài Ân, Bình Định) đứng ra tổ chức.

Tại thời điểm phát hiện, trong căn nhà của Bách thuê có đến 21 người đang ngồi nghe, xem về hội thánh. Trong nhóm này có một người là nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của một xã thuộc thị xã Phú Mỹ đã nghỉ hưu, và một giáo viên một trường trung học cơ sở. Ngoài ra còn có cả trẻ em dưới 6 tuổi.

Trong 21 người trên có những người đến từ Đồng Nai, Vĩnh Long, Bình Định, Đắk Lắk, Hưng Yên, còn lại ngụ tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Câu hỏi đặt ra: vậy thì cần phải làm gì để pháp luật Việt Nam công nhận tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời”?.

Trong một ghi nhận vào thời điểm quý 2-2018, trên địa bàn TP.HCM có hơn 100 hội nhóm sinh hoạt tôn giáo của đạo Tin lành đã được cấp phép hoạt động. Trong đó có bảy hội nhóm mang tên Đức Chúa Trời, bao gồm “Hội thánh của Đức Chúa Trời”, và “Hội thánh Đức Chúa Trời” (không có từ “của”). Những tên gọi giống nhau này rất dễ gây nhầm lẫn, nhưng thực ra các hội nhóm này sinh hoạt tôn giáo theo các cách thức khác nhau, với giáo lý khác nhau. Mỗi hội nhóm có từ trên 20 đến 50 người tham gia.

Theo tự giới thiệu thì “Hội thánh của Đức Chúa Trời” thuộc tổ chức Hiệp hội Truyền giáo Tin lành Thế giới, được thành lập bởi Đấng An Xang Hồng – Đấng Christ Tái Lâm tại Đại Hàn Dân Quốc, với quy mô 3,7 triệu thánh đồ, hơn 7.500 Hội thánh tại 175 quốc gia trên thế giới; và đang triển khai truyền giáo và phụng sự với mục tiêu “Rao truyền hạnh phúc và tin tức vui mừng của sự cứu rỗi cho hết thảy mọi người trên khắp thế giới”.

“Hội thánh của Đức Chúa Trời” tin vào Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ theo Kinh Thánh.

“Gia đình là tổ ấm tình yêu và là gốc rễ của xã hội chúng ta. Hội thánh của Đức Chúa Trời coi trọng gia đình và nỗ lực để làm tăng hạnh phúc và hòa thuận gia đình. Theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, chúng tôi tôn kính cha mẹ, yêu thương con cái, anh em chị em, còn vợ chồng yêu quý lẫn nhau như mình, chăm sóc gia đình như một Nước Thiên Đàng nhỏ. Điều này giúp các thánh đồ làm việc thiện lành trong gia đình, trường học, công sở và xã hội” – trích phần tự giới thiệu của Hiệp hội Truyền giáo Tin lành Thế giới.

Nguyên Phó Ban Tôn giáo TP.HCM Nguyễn Hoàng Giang từng phát biểu với giới truyền thông, “Với 20 năm làm trong lĩnh vực tôn giáo, đủ thời gian quan sát sự du nhập, phát triển của một số tôn giáo, tôi nhận thấy hiện tượng người dân dễ đi theo tôn giáo mới cực đoan không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác. Nhật Bản từng có hiện tượng giết người hàng loạt bởi một tôn giáo mới hoặc nhiều thanh niên đi theo lời kêu gọi thánh chiến của tổ chức tôn giáo cực đoan IS.

Cho tới nay chúng ta đã có khung luật pháp đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng chính đáng và phù hợp với sự phát triển của đất nước. Đâu đó siết chặt hay buông lỏng quản lý chỉ là cá biệt, đây là vấn đề liên quan con người chứ không phải lỗi hệ thống pháp lý về tôn giáo. Theo tôi, hệ thống pháp luật đang ngày càng hoàn thiện. Chúng ta tăng cường quản lý nhà nước mà không cần phải siết các quy định. Đừng do thấy cá biệt mà đi siết toàn bộ hoạt động tôn giáo khác”.

Đến ngày 15-9-2023, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng ký ban hành Công văn số 5254/BNV-TGCP, về việc một số công tác đối với “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, cụ thể,  Bộ Nội vụ đề nghị tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện kịp thời và kiên quyết đấu tranh, xóa bỏ về phương diện tổ chức đối với “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” tại Việt Nam, như giải tán, thu hồi giấy phép đối với các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, không để tổ chức này tái nhóm, hình thành các tụ điểm hoạt động mới; không chấp thuận đăng ký hoạt động dưới mọi hình thức, bao gồm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, thành lập tổ chức phi chính phủ, công ty, văn phòng đại diện, cửa hàng, câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa…

Như vậy nếu không có văn bản pháp lý nào khác để điều chỉnh công văn trên, thì hiện tại không có cách nào khác để tổ chức hội thánh này hoạt động đúng pháp luật trên toàn cõi Việt Nam.


Tin Bài Liên Quan:

  1. VNTB – Thực trạng pháp luật Việt Nam: có chẳng ra có, không chẳng ra không
  2. VNTB – Rối: trường đại học không phải là đại học nhưng vẫn là đại học
  3. VNTB – Cần gìn giữ và phát triển văn hóa của tôn giáo nội sinh Nam bộ
  4. VNTB – Người ta đang xỏ xiên Đảng?

Bình luận về bài viết này