Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giải thích Hiến pháp?

TiengdanHuy Đức

19-5-2024

Tôi đọc rất kỹ bản tin và Hiến pháp. Tôi tìm hiểu các tiền lệ vẫn không hiểu được cách giải thích của ông Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Trong chính thể ta, chỉ duy nhất có Chủ tịch Hồ Chí Minh từng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao một thời gian.

Nhưng, Hồ Chí Minh trong Chính phủ lâm thời là Chủ tịch Chính phủ và sau Hiến pháp 1946 thì Chủ tịch nước là người đứng đầu chính phủ [có lẽ như các mô hình tổng thống chế của các quốc gia theo mô hình cộng hòa tổng thống].

Chủ tịch nước theo Hiến pháp 2013 là người đứng đầu nhà nước và Thủ tướng chính phủ là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Thủ tướng kiêm bộ trưởng thì chẳng có băn khoăn gì.

Tôi cũng không rõ có phải vai trò “thống lĩnh các lực lượng vũ trang” là có thể kiêm thêm Bộ trưởng Bộ Công an.

Không rõ cách ông Bùi Văn Cường trả lời báo chí trên đây là ý kiến cá nhân ông hay ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có nên coi đây là cách mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp và lúc này thì những công dân sợ hãi như chúng ta phải hiểu Hiến pháp theo cách đó không?

Nếu vậy thì điều này chắc chắn tạo ra một tiền lệ tương tự như khủng hoảng Hiến pháp.

PS: Hiến pháp không cấm Chủ tịch nước kiêm bộ trưởng, cũng như Hiến pháp không cấm Thủ tướng làm chánh án. Nhưng quyền lực nhà nước là chỉ được làm những gì pháp luật cho phép chứ không phải làm những gì pháp luật không cấm [trả lời một số bạn inbox].

***

Lê Kiên: Một người có thể vừa là Chủ tịch nước vừa là Bộ trưởng, thành viên Chính phủ được không?

Theo tôi là không thể, vì:

Khoản 3, điều 2 Hiến pháp quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Theo khoản 2 điều 88 Hiến pháp, Chủ tịch nước có quyền: “Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ”.

Điều 90 viết: “Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, phiên họp của Chính phủ. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”.

Trường hợp một người vừa là Chủ tịch nước vừa là Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc hiến định là “phân công, phối hợp, kiểm soát” quyền lực.

Tôi nêu một tình huống vui như này thôi: Nếu Quốc hội không miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công an đối với đại tướng Tô Lâm trước khi bầu ông làm Chủ tịch nước, mà để sau khi bầu xong mới miễn nhiệm, thì sẽ xảy ra tình huống (Chủ tịch nước Tô Lâm ký quyết định miễn nhiệm Bộ trưởng Tô Lâm theo khoản 2 điều 88 Hiến pháp, như tôi đã trích dẫn).

_______

Bài liên quan: Ngày 20/5, Quốc hội bắt đầu tiến hành công tác nhân sự (Báo TH). – Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (ND). – Tổng thư ký Quốc hội: Chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Công an tại kỳ họp thứ 7 (TT). – Quốc hội chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Công an (LĐ).

Bình luận về bài viết này