Trung ương 9 và kỳ họp thứ 7 Quốc hội: ‘Con quay búng sẵn trên trời…’

RFA

Bình luận của Blogger Trần Hiếu Chân
19-05-2024

TW Đảng họp lần thứ 9 (TW9) đã giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị. Từ đầu Đại hội 13 đến nay, Trung ương đã có 7/16 cuộc họp bất thường. Các thông báo ‘nửa kín nửa hở’ cho thấy TW9 đã trải qua một cuộc giao tranh khốc liệt…

Sáng 19/5/2024 đã có họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, kỳ họp này sẽ bầu Chủ tịch nước (CTN), Chủ tịch Quốc hội (CTQH). Đến sáng ngày 22/5 sẽ hoàn thành công đoạn này (1). Trước đó, 10 giờ sáng ngày 18/5, Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với các thành viên lãnh đạo chủ chốt. Tham dự có ông Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị (BCT), Thường trực Ban Bí thư; ông Lê Minh Hưng, Uỷ viên BCT, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương. Sau phiên bế mạc TW9, các lãnh đạo chủ chốt đã họp để nghe đánh giá tình hình công việc của đất nước trong thời gian vừa qua và tập trung cho ý kiến chỉ đạo để triển khai công việc trong thời gian tới theo kết luận TW9 vừa đề ra (2). Dù họp diện hẹp hay mở rộng, họp bất thường hay bình thường, thì ĐCSN đã chuẩn bị mọi kịch bản. Giống như “con quay búng sẵn trên trời…”, mọi số phận của các yếu nhân liên quan đều đã được định đoạt sẵn, như con quay được búng lên và không thể tự mình quyết định kết cục của định mệnh.

Được biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTW) nhóm họp trong ba ngày 16 – 18/5 để giới thiệu Đại tướng Tô Lâm vào ghế CTN và Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn vào ghế CTQH (3). Trong lịch sử ĐCSVN từng có khái niệm “các đồng chí lãnh đạo chủ chốt” để nhấn mạnh tầm quan trọng của các Ủy viên BCT trong việc lãnh đạo và điều hành các hoạt động của Đảng/Nhà nước, đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong công tác quản trị quốc gia. Nhưng khái niệm dùng kỳ này có ý nghĩa đặc biệt. Nó để lộ ra hai điều rất cơ bản. Thứ nhất, TW9 vừa qua rất kịch tính và có nhiều điều chưa thống nhất với nhau, nay cần bàn thêm trong diện hẹp. Phải trám 6 ghế trống trong BCT, nhưng chỉ bầu được 4, vì các bên không muốn tăng người của Công an vào BCT. Thứ hai, không có “người tâm phúc” của mình “giữ gôn” ở Bộ Công an, Tô Lâm “ra đi” không yên tâm, vẫn muốn đòi thêm người của mình vào BCT. Để ngăn vỡ trận, BCT phải bàn hẹp để “khóa” Tô Lâm, và có thể công bố một kiểu “Thường vụ BCT” giống bên Tàu, cho dù Việt Nam đã có Ban bí thư (4).

Những ngày này nên nhắc lại tác phẩm của Phạm Thành, một ấn phẩm đầu tiên dám lên án nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, TBT Nguyễn Phú Trọng (5). Bởi vì giờ đây, từ các đảng viên lẫn quần chúng ngoài đảng, đa số ngày càng nhận thức ra, chính TBT Nguyễn Phú Trọng mới là đầu mối của mọi vấn đề. Vì ‘tham vọng quyền lực’ muốn ngồi lại nhiệm kỳ thứ 4 sau Đại hội Đảng 14 ở cái tuổi bát tuần, ông Trọng không chỉ ngồi xổm lên Hiến pháp, Điều lệ Đảng (6), mà còn gây ra tình trạng ‘trên dưới’ không ‘đồng lòng’, ‘dọc ngang’ không ‘thông suốt’ như bản thân ông từng cảnh báo. Các nhà phân tích tình hình nội chính ở Việt Nam ví ông Trọng như một thầy phù thủy, với nhiều chiêu trò dùng người đầy ma thuật. Cách ví von này hoàn toàn phù hợp với kết quả có thể cho là quan trọng nhất của kỳ họp TW9 lần này bằng việc Đảng đã giới thiệu nhân sự CTN, CTQH và bầu bổ sung 4 Ủy viên BCT. 

chongthamnhung2.jpeg

Trường hợp Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn được giới thiệu vào chiếc ghế CTQH không có gì đặc biệt, vì bản tính vô can, hiền lành của một chính khách miền Nam, lại hoạt động tại một cơ quan lập pháp trên danh nghĩa nhưng không có thực quyền. Ngược lại, trường hợp của Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an,  Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thì quả là một trường hợp điển hình về thuật dùng người của Nguyễn Phú Trọng. Trước TW9 dư luận trong nước đã râm ran về chủ trương này, mà thực chất đấy là kế “đuổi hồ ra khỏi rừng” của TBT. Ai cũng biết trong hơn hai năm qua, Tô Lâm với “thượng phương bảo kiếm” trong tay, đã đốn ngã các Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và một lô xích xông các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các quan chức đầu tỉnh, đầu ngành trong cả nước.

Cho nên Tô Lâm đã trở thành một nỗi kinh hoàng đối với hầu hết tất cả các đồng chí Trung ương. Trong một thể chế lấy “quyền và tiền” chứ không phải lý tưởng làm động lực tiến thân, thì để ngồi vào cái ghế “Trung ương ủy viên”, không có đồng chí nào là “không nhúng chàm”. Tô đại tướng trên thực tế đã trở thành thủ lĩnh của các nhóm “kiêu binh” đánh Đông dẹp Bắc, có khi theo lệnh của TBT, mà cũng có lúc “tiền trảm hậu tấu”. Vì thế từ năm ngoái, nhiều thế lực trong Đảng đã hè nhau, muốn đẩy “con hổ Tô Lâm” về đồng bằng. Nhưng khi Đảng gợi ý chiếc ghế CTN vào tháng 3/2023, Tô Đại tướng đã nhường chiếc ghế ấy cho Võ Văn Thưởng, người được cho là “học trò cưng” của TBT. Vị trí mà Tô Lâm hướng tới là chiếc ghế TBT tương lai. Nhưng rồi “người tính không bằng Trời tính”. Sau cú ngã ngựa của CTQH Vương Đình Huệ, Tô Lâm trở nên quá nguy hiểm đối với hầu hết các phe phái. Đồng đội muốn ông phải sớm “giã từ vũ khí”. 

Giờ đây, Đại tướng Tô Lâm rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Để có thể ngồi lại sau Đại hội 14, ông không thể giữ mãi chiếc ghế “Bộ trưởng Công an”, vì ông đã giữ nó hai nhiệm kỳ. Chỉ có cách phải lọt vào “Bộ Tứ”, ông mới có cơ hội hưởng suất “đặc biệt”, nếu không, bước sang năm 2026, ông thuộc diện quá tuổi. Chờ để “tập kích” vào ghế TBT thì thời cơ dường như ngày càng xa vời trước quyết tâm của Tổng Trọng trụ lại sau Đại hội. Bám vào ghế Công an, ông sẽ bị loại do tuổi tác. Đành chấp nhận vị trí “Nguyên thủ” trên danh nghĩa. Nhưng ngự trên ghế CTN mà để ghế Công an cho người không thuộc diện “tâm phúc” ngồi vào thì quá nguy hiểm cho bản thân, cho gia tộc và phe cánh Hưng Yên. Đại tướng Tô Lâm chưa ngồi vào ghế Chủ tịch mà hàng loạt tin rúng động về đại gia Tô Dũng – “bào đệ” của ông vẫn đang khuấy đảo thương trường bao lâu nay – đã ‘rợp trời’ trên mạng xã hội như bươm bướm vào hè, suốt cả mấy tuần nay (7). 

Quốc hội chưa bỏ phiếu bầu ông lên “ngai vàng” mà một “bàn tay vô hình” nào đó đang muốn gom các sự kiện thành một “tệp tin”. Nhưng “Mật lệnh 419a” trong vụ 3.000 công an tập kích thôn Hoành, Đồng Tâm (Hà Nội) lúc 3 giờ sáng ngày 9/1/2020, tấn công thường dân để hạ sát, rồi phanh thây lão nông Lê Đình Kình, 84 tuổi đời, 56 tuổi đảng và đưa 25 nông dân ra toà, thì đâu phải là tội của một mình Tô Đại tướng (8)? Rồi việc ký 3 công văn “Mật” lúc tân Chủ tịch nước mới ở cương vị Thứ trưởng Bộ Công an để bịt miệng báo chí vụ nâng khống giá trị của hợp đồng chuyển nhượng, chênh lệch 7 ngàn tỷ VND để chia nhau… (9) thì cũng đã chìm xuồng. Tuy chưa lâu bằng vụ “Hậu pháo” chục năm có lẻ, nhưng nay lôi ra ánh sáng là với ý đồ gì? Các bộ trưởng ăn chia trong vụ này cũng đã “đầu quân cho Juventus”. Kể cả vụ “người nách thước kẻ tay đao” sang tận Đức quốc, bắt nghi can Trịnh Xuân Thanh, phá nát quan hệ đối tác chiến lược với Bonn… (10) 

bộ trưởng công an tô lâm.jpeg

Không loại trừ trường hợp “chủ lò” Nguyễn Phú Trọng tính đến chuyện “bẻ cung, giết chó” sau khi ông muốn “tạm dừng việc săn thỏ”. Tô Lâm lên Chủ tịch nước không phải nhờ uy tín hay một phần thưởng nào đó, mà chủ yếu do “các đồng chí” trong cả Trung ương lẫn Quốc hội đều quan ngại một người sở hữu khối “big data” về các thành tích bất hảo của “các đồng chí chưa bị lộ”. Nay Tô Lâm chấp nhận cái ghế Chủ tịch nước mà trước đây một năm ông đã khước từ, thì đấy là cái thế đang đi xuống của Tô đại tướng. Nói cách khác, tất cả “các đồng chí chưa bị lộ” tán thành kế “điệu hổ ly sơn”. Nhưng Tô đại tướng không phải là ‘robot’. Ông cũng có những tính toán riêng của mình, nhưng đành phải từ bỏ kế hoạch vận động cho Thượng tướng Lương Tam Quang ngồi vào ghế Bộ trưởng Công an. Chưa rõ, bức ảnh hiếm hoi ghi lại buổi làm việc giữa TBT với “các đồng chí lãnh đạo chủ chốt” lúc 10 giờ sáng hôm 18/5 có chuyển tải thêm ý nghĩa gì hay không, khi mà Tô đại tướng ngồi đối diện với TBT? 

Việc Tô Lâm “giã từ sân cỏ” chắc sẽ khó thay đổi, dù bất luận thế lực nào thay thế ông ở Bộ Công an. Hy vọng sau Trung ương 9 và kỳ họp thứ 7 Quốc hội, không có nguy cơ vỡ trận. Trong nguy có cơ, nếu các bên tạm hòa hoãn cho đến thời điểm Đại hội 14, đầu năm 2026. Các phái trong Đảng cũng như trong Nhà nước có khả năng chặn tình trạng ‘tất cả sẽ chống lại tất cả’? Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26 ngày. Bắt đầu ngày 20/5 và bế mạc vào chiều ngày 27/6/2024. Kỳ họp theo hai đợt. Đợt 1 là từ 20/5 đến 8/6/2024. Đợt 2 là từ 17/6 đến 27/6/2024. Quốc hội kỳ này sẽ bàn riêng về Quy hoạch không gian biển quốc gia (11). Trung Quốc công bố đường cơ sở thẳng bên trong Vịnh Bắc Bộ đòi hỏi Việt Nam cần chủ động đàm phán lại để giải quyết các vấn đề này theo luật pháp quốc tế. Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam Trung Quốc mặc dù có hiệu lực từ 20 năm trước (năm 2004) nhưng có nhiều điểm để ngỏ khả năng thay đổi, cho nên Việt Nam sẽ phải sớm có những động thái mới để ứng phó.

*Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do

Tham khảo:

(1) https://vietnamnet.vn/quoc-hoi-chua-phe-chuan-hay-mien-nhiem-chuc-danh-bo-truong-cong-an-2282205.html

(2) https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-trong-nuoc-1014/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-lam-viec-cung-cac-dong-chi-lanh-dao-chu-chot-7383200.html

(3 và 4) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/trung-uong-gioi-thieu-nhan-su-chu-tich-nuoc-chu-tich-quoc-hoi-bau-bo-sung-4-uy-vien-bo-chinh-tri-119240516165335965.htm

(5) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/compare-books-written-about-general-secretary-nguyen-phu-trong-01192022122541.html

(6) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/counter-offense-trick-by-party-chief-05062024121812.html

(7) https://baotiengdan.com/2024/05/12/tap-doan-xuan-cau-va-cac-dai-du-an-hang-chuc-ngan-ty/

(8) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54143629

(9 và 10) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/counter-offense-trick-by-party-chief-05062024121812.html

(11) https://baotintuc.vn/thoi-su/ky-hop-thu-7-cua-quoc-hoi-se-xem-xet-nhieu-noi-dung-quan-trong-20240515122006977.htm

Bình luận về bài viết này