Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ‘khảo sát trái phép’ ở Vịnh Bắc Bộ

VOA

07/06/2024

Hải Dương 26 là tàu nghiên cứu khoa học đa chức năng đầu tiên ở Trung Quốc được triển khai để khảo sát và nghiên cứu địa chất toàn diện liên quan đến các rạn san hô.
Hải Dương 26 là tàu nghiên cứu khoa học đa chức năng đầu tiên ở Trung Quốc được triển khai để khảo sát và nghiên cứu địa chất toàn diện liên quan đến các rạn san hô.

Việt Nam hôm 6/6 lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép của tàu Hải Dương 26 trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

“Việt Nam hết sức quan ngại, kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép của tàu Hải Dương 26 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”, tờ Lao Động dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói tại buổi họp báo chiều 6/6.

Trước đó, hôm 24/5, hãng tin trung ương Trung Quốc ECNS đưa tin tàu Hải Dương Địa Chất 26 (Hải Dương 26), được đưa vào hoạt động tại Trung tâm khảo sát địa chất biển Hải Khẩu của Cục khảo sát địa chất Trung Quốc ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc, sau 21 tháng xây dựng.

Đây là tàu nghiên cứu khoa học đa chức năng đầu tiên ở Trung Quốc được triển khai để khảo sát và nghiên cứu địa chất toàn diện liên quan đến các đảo (rạn san hô).

Tàu này có chiều dài 63,5 mét, rộng 12,6 mét và sâu 4,6 mét với mớn nước thiết kế 3,2 mét. Tàu có thể chứa 34 thành viên thủy thủ đoàn và có tầm hoạt động 3.500 hải lý với thời gian hoạt động 35 ngày.

Con tàu được trang bị 32 bộ công nghệ và thiết bị khảo sát địa chất biển tiên tiến, như hệ thống khoan kỹ thuật đại dương, hệ thống âm thanh tĩnh, nhiều hệ thống khảo sát địa vật lý và hệ thống hỗ trợ vận hành đại dương, nghiên cứu khoáng sản và năng lượng biển và thăm dò toàn diện tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông, các thiết bị điện tử để thu thập dữ liệu dưới đáy biển, đảm bảo thu thập dữ liệu chính xác hơn ở vùng biển ngoài khơi trong các điều kiện thời tiết.

Truyền thông Trung Quốc nói việc triển khai hoạt động ban đầu của tàu ở Biển Đông, ngoài khơi tỉnh Hải Nam, là để góp phần bảo vệ các rạn san hô và phát triển các cấu trúc đảo của Trung Quốc trong khu vực.

Tại cuộc họp báo ngày 6/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói việc tàu Hải Dương 26 của Trung Quốc khảo sát ở vùng biển Việt Nam ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ là hoạt động “khảo sát trái phép” và phía Việt Nam đã giao thiệp nhiều lần với Trung Quốc về việc này.

Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc “không tái diễn các hoạt động trái phép tương tự, tôn trọng đầy đủ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ UNCLOS 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và thực hiện nghiêm túc nhận thức của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển, duy trì đà phát triển của quan hệ song phương, đóng góp tích cực, trách nhiệm cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, VTC News dẫn lời phát ngôn viên Phạm Thu Hằng nói thêm.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa thiết bị đến hoạt động ở Biển Đông, trong khu vực biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, dưới danh nghĩa thăm dò, khảo sát. Hồi tháng 5/2014, sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động ở đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền, đã suýt gây ra xung đột quân sự giữa hai bên.

Trong những năm tiếp theo, Trung Quốc liên tục đưa các tàu khác như tàu Tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 vào năm 2019, tàu Hướng Dương Hồng 10 năm 2023 đến “thăm dò”, “khảo sát” trong vùng biển Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mình.

Theo một số nhà nghiên cứu, đây là một trong những hoạt động thuộc “chiến thuật vùng xám” mà Trung Quốc đang tăng cường thực hiện để khẳng định yêu sách chủ quyền của mình trên Biển Đông.

Bình luận về bài viết này