Nghị Viện Châu Âu có thể ‘‘tê liệt’’ nếu cực hữu giành thêm nhiều ghế

RFITrọng Thành

Đăng ngày: 07/06/2024 – 16:15

Bầu cử Nghị Viện Châu Âu nhiệm kỳ 2024 – 2029, mở màn hôm qua và kéo dài đến cuối tuần, cùng cuộc kỉ niệm Ngày Đổ bộ của các lực lượng Đồng minh tại Normandie, là chủ đề chính của đa số các báo Pháp ra ngày hôm nay, 07/06/2024. Chiến dịch quân sự 80 năm về trước đã góp phần quyết định vào việc tiêu diệt phát xít Đức, giúp châu Âu hồi sinh. Giờ đây, lục địa này lại đang đứng trước một thử thách sinh tử mới.

People walk outside the European Parliament prior to a debate with the lead candidates for the European Parliament elections in Brussels, Thursday, May 23, 2024. European elections will take place from June 6-9, 2024. (AP Photo/Geert Vanden Wijngaert)
Ảnh minh họa vận động bầu cử châu Âu bên ngoài trụ sở Nghị Viện Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 23/05/2024. AP – Virginia Mayo AP – Geert Vanden Wijngaert

‘‘Ukraina là trọng tâm của Lễ kỉ niệm D-Day’’ là tựa lớn trang nhất Le Figaro, trên nền hình ảnh tổng thống Mỹ Joe Biden nói chuyện với lãnh đạo Ukraina Volodymyr Zelensky, bên cạnh là tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ba lãnh đạo Pháp, Mỹ, Ukraina cùng 26 nguyên thủ quốc và người đứng đầu chính phủ có mặt tại đây ‘‘để vinh danh tinh thần dũng cảm, sự hy sinh của những người lính năm xưa qua những người còn sống sót có mặt, mà tất cả đều đã gần trăm tuổi’’.

80 năm Đổ bộ Normandie và thử thách sinh tử mới

Bài xã luận trang nhất của Le Figaro, nhan đề ‘‘Chiến tranh và Hòa bình tại Normandie’’, nhấn mạnh : đối với các nhà lãnh đạo châu Âu, ‘‘các cựu chiến binh hơn bao giờ hết được coi như những tấm gương vào thời điểm của lựa chọn quyết định chiến tranh và hòa bình’’. Tuy nhiên, đằng sau tinh thần đoàn kết được thể hiện, mỗi nhà lãnh đạo, cụ thể là ba lãnh đạo Pháp, Mỹ, Ukraina, đang đứng trước ‘‘những thách thức riêng’’.

Với tổng thống Ukraina, ‘‘một biểu tượng mới của cuộc chiến chống lại các thế lực độc tài’’, điều cốt yếu là ‘‘đặt các nước phương Tây trước trách nhiệm của chính mình’’ trong việc mang lại các hỗ trợ quân sự kịp thời trong ‘‘cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược Nga’’. Trong khi đó, tổng thống Mỹ một mặt phải thuyết phục cử tri Hoa Kỳ hậu thuẫn Ukraina để những thảm kịch của Lịch sử không tái diễn, để ‘‘tránh những hậu quả đắt giá hơn bội phần cho nước Mỹ’’, mặt khác không để Mỹ ‘‘bị cuốn vào cuộc đối đầu trực diện với Nga’’.

Về phần mình, tổng thống Pháp muốn khẳng định như là ‘‘thủ lĩnh của cuộc kháng chiến châu Âu chống Putin’’, điều khiến nước Pháp ngày càng bị điện Kremlin đe dọa. Trong lúc dự án đưa các chuyên gia huấn luyện quân sự phương Tây đến Ukraina, do Paris đề xuất, chưa được đúc kết, tổng thống Macron cam kết cấp cho Kiev các chiến đấu cơ Mirage 2000-5, có thể mang tên lửa hành trình Scalp (hay Strom Shadow), có tầm bắn đến hơn 500 km. Theo Le Figaro, cam kết cấp Mirage 2000-5 là một quyết định ‘‘táo bạo’’ của tổng thống Pháp ‘‘ba ngày’’ trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu tại Pháp.

Đổ bộ Normandie và bầu cử Nghị Viện Châu Âu

Hồ sơ trang nhất của La Croix nói đến ‘‘Thời khắc lựa chọn của châu Âu’’ trên nền hình ảnh những cánh tay đa sắc màu thả lá phiếu bầu vào hòm phiếu mang biểu tượng lá cờ Liên Âu với 15 ngôi sao trên nền xanh da trời. Năm nay, dịp kỷ niệm cuộc đổ bộ của Đồng minh tại Normandie trùng với dịp bầu Nghị Viện Châu Âu.

Bài xã luận của La Croix nhấn mạnh: ‘‘Không cần phải trải qua đào tạo tại Trường Hành chính Quốc gia Pháp (ENA) mới có thể nhận ra mối liên hệ giữa hai sự kiện. Các lực lượng Đồng minh đã chiến đấu tại châu Âu để đánh gục một chế độ toàn trị phát xít, với tư tưởng dân tộc thượng đẳng’’, để giờ đây 80 năm sau, ‘‘Liên Âu đã trở thành một không gian hòa bình và tự do, một liên minh các quốc gia chia sẻ các nguyên tắc dân chủ, và được tổ chức để bảo đảm một xã hội thịnh vượng trong đoàn kết’’.

Cuộc tranh cử không xứng tầm

Đối với La Croix, Liên Âu đã chứng tỏ là ‘‘một thành trì’’ cho phép châu Âu phối hợp trong các nỗ lực tập thể chống lại ‘‘các thách thức lớn bên ngoài’’, từ đại dịch Covid, đến biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính, Nga xâm lược Ukraina, nhập cư, sự thống trị của các đại tập đoàn kỹ thuật số… Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cuộc tranh cử Nghị Viện Châu Âu vừa qua của các đảng phái chính trị đã không xứng tầm. Nhiều đảng phái đã biến cuộc tranh cử châu Âu, cứ 5 năm mới có một lần này, thành cuộc cạnh tranh về các vấn đề chính trị quốc gia, gây khó khăn cho ‘‘việc hình thành các ý tưởng mới có ý nghĩa đột phá’’.

Nhật báo Công giáo nhấn mạnh là, trong suốt những tuần lễ tranh cử vừa qua, nhật báo đã tập trung giới thiệu nỗ lực của nhiều nghị sĩ châu Âu thuộc tất cả các đảng phái. Điều quan trọng với La Croix là phải ủng hộ ‘‘một dự án thống nhất châu Âu’’, bởi đây là điều ‘‘mang chứa hy vọng trong một thế giới ngày càng chia rẽ’’. 

Phe đa số có khả năng phải liên kết với cực hữu

‘‘Cực hữu tấn công châu Âu’’ là tựa lớn trang nhất của Les Echos. Nhật báo kinh tế Pháp báo động ‘‘nguy cơ Nghị Viện Châu Âu có thể bị tê liệt, nếu các đảng phái về đầu không tạo lập được một liên minh rõ ràng’’. Viễn cảnh này là nhãn tiền bởi tỉ lệ cử tri ủng hộ các đảng phái cực hữu gia tăng khắp châu lục. Theo Les Echos, đảng cực hữu của bà Marine Le Pen chủ trương ‘‘coi cuộc bầu cử duy nhất trên quy mô toàn quốc trong nhiệm kỳ tổng thống này là một trưng cầu dân ý chống Macron’’. Trừ phi có các bất ngờ, đặc biệt về phía các đảng phái cánh tả, đảng cực hữu dự kiến sẽ vượt xa đảng về nhì, với chênh lệch lớn nhất trong lịch sử bầu cử châu Âu tại Pháp kể từ năm 1984. Tại Pháp, hiện tại hai đảng Tập hợp Dân tộc (RN) và Tái Chinh phục (Reconquête) được đến gần 40% cử tri hậu thuẫn.

Cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu lần này diễn ra trong ‘‘bối cảnh chưa từng có’’ : Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga đe dọa an ninh lãnh thổ của khối 27 nước. Cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc và với Hoa Kỳ… đang ngày càng trở nên quyết liệt. Trong một hồ sơ khác về chủ đề này, Les Echos cảnh báo: ‘‘Khả năng hành động của Nghị Viện Châu Âu có nguy cơ suy giảm do phe cực hữu’’, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và cạnh tranh kinh tế. Nhật báo kinh tế nhấn mạnh đến việc liên minh đa số tại Nghị Viện trong nhiệm kỳ vừa qua vốn đã khá mong manh.

Nếu các đảng phái cực hữu tiếp tục giành thêm nhiều ghế, liên minh do chủ tịch Ủy Ban Châu Âu mãn nhiệm Ursula von der Leyen đứng đầu (gồm đảng Bảo thủ cánh hữu PPE, đảng Xã hội Dân chủ S&D và đảng cánh trung Renew) có khả năng sẽ buộc phải thâu nạp một số nghị sĩ cực hữu để có đủ đa số.

Khí hậu: Liên kết với cực hữu khiến Liên Âu phải lùi bước

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu mãn nhiệm báo trước sẽ chỉ liên minh với các đảng phái nào ‘‘ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu, ủng hộ Ukraina và tôn trọng nhà nước pháp quyền’’. Tuy nhiên, việc bà Ursula von der Leyen để ngỏ cánh cửa với một số đảng phái cực hữu, như Fratelli d’Italia của thủ tướng Ý Giorgia Meloni, hiện đã vấp phải sự phản đối của phe Xã hội – Dân chủ. Về vấn đề này, La Croix chia sẻ cùng lo ngại.

Nếu liên minh đa số buộc phải kết nạp thêm nghị sĩ các đảng phái cực hữu, như của thủ tướng Ý, Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải ‘‘lùi bước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với việc loại bỏ nhiều điều khoản trong Thỏa ước về việc chuyển sang nền kinh tế Xanh, cũng như sẽ cứng rắn hơn trong các quy định về nhập cư’’.

‘‘Địa ngục khí hậu’’

Thế giới đang bước vào ‘‘Địa ngục khí hậu’’, do nền kinh tế tiếp tục dựa chủ yếu vào năng lượng hóa thạch, là cảnh báo của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, trong bài phát biểu hôm 05/06, nhân Ngày Môi trường Quốc Tế, được Le Monde dẫn lại. Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh : Nhân loại phải tự quyết định ‘‘tìm ra đường thoát khỏi xa lộ đang dẫn đến địa ngục khí hậu’’.

Ông Antonio Guterres dùng hình ảnh trò chơi may rủi chết người, có tên gọi ‘‘súng lục ổ quay kiểu Nga’’, để nhấn mạnh đến trách nhiệm của giới lãnh đạo thế giới trong quyết định về tương lai sống chết cho nhân loại: ‘‘chúng ta không chỉ đang gặp hiểm nguy, mà chính chúng ta là nguyên nhân của các hiểm họa’’.

”Tất cả phụ thuộc vào các quyết định 18 tháng tới”

Khí hậu là cuộc chiến nước sôi lửa bỏng. Thời gian hành động để cải thiện tình hình không phải tính bằng thập niên, hay bằng năm mà theo tháng, bởi xác suất đến 80%, nhiệt độ Trái đất sẽ vượt mức 1,5°C so với thời tiền công nghiệp trong những năm tới. Theo lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, ‘‘tất cả phụ thuộc vào các quyết định sẽ được đưa ra trong vòng 18 tháng nữa’’, tức tính đến hội nghị khí hậu COP30 tại Belem, Brazil, tháng 11/2025. COP30 sẽ là dịp các nước chốt lại cam kết cắt giảm khí thải quốc gia, được kỳ vọng sẽ đủ mức để biến các mục tiêu trong Hiệp định Khí hậu Paris 2015 thành hiện thực.

Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc hối thúc các quốc gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế chấm dứt sử dụng than đá, cắt giảm 60% nhu cầu dầu khí trước 2035, và đẩy mạnh các năng lượng tái tạo. Để tránh để nhân loại rơi xuống ‘‘Địa ngục khí hậu’’, ông Antonio Guterres khẩn thiết kêu gọi áp giá đối với khí thải gây hiệu ứng nhà kính, buộc các doanh nghiệp năng lượng hóa thạch, bị điểm mặt là ‘‘những thủ phạm của hỗn loạn khí hậu’’, phải trả thuế cho các khoản lợi nhuận khổng lồ mà họ đang được hưởng hiện nay.

Liban – Israel trong vòng xoáy chiến tranh

Vòng xoáy chiến tranh Cận Đông là hồ sơ trang nhất của Libération. Nhật báo thiên tả lo ngại ‘‘Liban – Israel trong vòng xoáy chiến tranh’’, với ghi nhận căng thẳng gia tăng mạnh trong những ngày gần đây tại vùng biên giới giữa quân đội Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban, được Iran hậu thuẫn. Theo Libération, thủ tướng Israel có thể mở rộng chiến tranh chống Hezbollah vào sâu trong lãnh thổ Liban để duy trì quyền lực trong trường hợp có một thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza với Hamas, vốn được coi là một kẻ thù không đợi trời chung.

Bầu cử châu Âu và nỗi lo Trump trở lại

‘‘Châu Âu lo ngại Trump trở lại nắm quyền’’ là tựa trang nhất của Le Monde. Nhưng vì sao nỗi lo của khối 27 nước về việc Donald Trum tái đắc cử lại là chủ đề chính của Le Monde hôm nay ? Nhật báo Pháp nhấn mạnh là cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu từ ngày 6 đến ngày 9/6 diễn ra trong một bối cảnh hết sức đặc biệt. Ngay sau cuộc bầu cử này, quan tâm số một đối với nhiều người châu Âu là kết quả bầu cử Mỹ, ‘‘sẽ quyết định tương lai của họ’’.

Nếu như về mặt kinh tế, khối 27 nước vốn không còn ảo tưởng gì về Washington, thì về mặt an ninh, việc Trump trở lại nắm quyền gây lo ngại là chính trị gia đảng Cộng Hòa có thể ‘‘lợi dụng thực trạng Liên Âu không đủ khả năng tự vệ một mình làm cơ hội để gây chia rẽ nội bộ khối 27 nước’’. Theo chuyên gia Camille Grand, Hội đồng Quan hệ Quốc tế châu Âu, ‘‘tất cả mọi người đều hiểu rằng châu Âu sẽ phải tự mình nỗ lực nhiều hơn’’. Cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu đang diễn ra chính là cơ hội để cử tri châu Âu góp phần cho mục tiêu này.

Dân chủ như ‘‘không khí’’ 

Trong ngày thứ hai của kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu, các báo Pháp cũng có hàng loạt bài viết đáng chú ý khác về ý nghĩa hệ trọng của việc xây dựng Liên Hiệp Châu Âu và cuộc bầu cử 5 năm một lần này. Nhà triết học Anna Bonalume (trong bài ‘‘Ngọn lửa phát xít tiếp tục bốc cháy trong đầu bà Meloni (thủ tướng Ý)’’, trên Le Monde, dẫn lại nhận định của cố chính trị gia Ý Piero Calamandrei (1889-1956), ví nền dân chủ đối với các công dân sống trong xã hội dân chủ giống như ‘‘không khí’’. Chỉ đến khi thiếu nó rồi người ta mới nhận ra tầm quan trọng sống còn của nó.

Ước mơ một nhà nước Liên bang châu Âu của Victor Hugo

Les Echos có bài của giáo sư lịch sử kinh tế Phillipe Chalmin nói về giấc mơ của đại văn hào Pháp Victor Hugo cách nay gần hai thế kỉ về một ”nhà nước liên bang châu Âu” (les Etats-Unis d’Europe). Tác giả dẫn lại phát biểu của chủ tịch hội nghị quốc tế vì Hòa bình ở Paris (ngày 21/08/1849), ‘‘sẽ đến một ngày mà các cuộc chiến tranh sẽ được thay thế bởi các cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu của toàn thể dân chúng các nước (châu Âu), với vai trò cầm cân nẩy mực đáng tôn trọng của một Thượng Viện đầy quyền uy của châu Âu, …. tương đương với Quốc Hội đối với nước Pháp’’. Phillipe Chalmin đặt câu hỏi:  ‘‘Ngày ấy đã đến, nhưng liệu chúng ta có xứng đáng ?’’.

Trong những năm tan hoang sau Đệ Nhị Thế Chiến, có mấy ai tin tưởng là sáng kiến của hai chính trị gia Pháp Robert Schuman và Jean Monnet về một cộng đồng Than Thép châu Âu, với sự hậu thuẫn của kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ, ‘‘sẽ mang lại những trái quả ?’’. Châu Âu đã trải qua hai cuộc đại chiến, sau bao nhiêu đảo lộn và thăng trầm, giờ đây triển vọng xây dựng một liên hiệp các quốc gia châu Âu gắn bó đang nằm trong tầm tay, liệu người dân châu Âu có hiểu ra giá trị của Liên Âu, và sử dụng lá phiếu của mình để thúc đẩy dự án có ý nghĩa sống còn với vận mệnh của châu lục vào thời điểm quyết định này ?

Bình luận về bài viết này