Bộ Công an: Thu hồi 300 tỉ đồng, 2 triệu USD, 500 lượng vàng, 1.000 sổ đỏ vụ án Phúc Sơn

BBC

Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo) - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn và Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, từ trái qua
Chụp lại hình ảnh, Ông Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo) – Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn; ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, từ trái qua

1 tháng 6 2024, 20:05 +07

Bộ Công an Việt Nam vừa cho biết đã thu hồi số lượng tài sản, tang vật lớn trong quá trình điều tra các vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và Tập đoàn Phúc Sơn, đưa hàng loạt cán bộ “vào lò”.

Đây là thông tin do Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh văn phòng Bộ Công an, công bố tại họp báo Chính phủ thường kì ngày 1/6, khi được hỏi về các đại án được dư luận quan tâm.

Theo đại diện Bộ Công an, trên 300 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, trên 500 lượng vàng và hơn 1.000 sổ đỏ đã được thu giữ, trong khi có 23 bị can đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, do ông Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu Pháo) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Còn với vụ án liên quan Tập đoàn Thuận An, ông Hoàng Anh Tuyên cho hay đã khởi tố 8 bị can, thu hồi hơn 40 tỷ đồng. Hiện cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang mở rộng điều tra làm rõ dấu hiệu sai phạm trong việc đấu thầu, triển khai các dự án của tập đoàn này; đồng thời thu hồi triệt để tài sản cho nhà nước.

Trước đó, hôm 30/5, Bộ Công an cho biết hai vụ án này đã được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thống nhất đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn

Phúc Sơn có xuất phát điểm là một công ty xây dựng nhỏ được thành lập vào năm 2004 tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Đến năm 2009, Tập đoàn Phúc Sơn ra đời, có trụ sở chính ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hậu, quê Vĩnh Phúc, là người đại diện của tập đoàn.

Doanh nghiệp này được phê duyệt và giao nhiều gói thầu lớn với quỹ đất lên đến hàng trăm héc ta nhưng chậm tiến độ, “đắp chiếu” trên nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam.

Ở Vĩnh Phúc, tập đoàn Phúc Sơn có một số dự án chậm tiến độ bao gồm:

  • Khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn (huyện Vĩnh Tường) với quy mô 127 ha
  • Khu chợ đầu mối nông sản (huyện Vĩnh Tường) với quy mô 186 ha
  • Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng tổng mức đầu tư là hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương là 70%, còn lại 30% là ngân sách tỉnh

Ở Quảng Ngãi, tập đoàn này có một số dự án vẫn chưa hoàn thành, dính sai phạm như:

  • Đường bờ Nam sông Trà Khúc (tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, thời điểm năm 2012); Khu đô thị công nghiệp Dung Quất (2.000 tỷ đồng)
  • Khu đô thị Bàu Giang (3.318 tỷ đồng)
  • Dự án Nhà máy nước Quảng Ngãi (540 tỷ đồng)

Ở Khánh Hoà, có hai dự án của tập đoàn được phê duyệt từ năm 2014, tới nay đã “treo” trong 10 năm, và ba dự án “chưa hoàn thành đúng cam kết” bao gồm:

  • Khu đô thị Phúc Khánh I (xã Vĩnh Trung, TP.Nha Trang)
  • Khu đô thị Phúc Khánh 2 (xã Diên An, huyện Diên Khánh)
  • Dự án các tuyến đường, nút giao thông kết nối Khu sân bay Nha Trang
  • Dự án Nút giao thông Ngọc Hội
  • Dự án Đường vành đai 2
Từ trái qua: ông Lê Duy Thành, bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo)
Chụp lại hình ảnh, Từ trái qua: ông Lê Duy Thành, bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo)

Cáo buộc sai phạm tại tập đoàn này được cho là đã diễn ra nhiều năm nhưng chỉ được biết đến rộng rãi khi UBND tỉnh Khánh Hòa chuyển hồ sơ vụ án về Trung ương vào cuối năm 2023.

Đến ngày 26/2/2024, vụ án chính thức được Bộ Công an Việt Nam khởi tố.

Trang Xây dựng chính sách, pháp luật của Chính phủ Việt Nam cho biết khi mở rộng điều tra vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, có ba tỉnh là Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi và Vĩnh Long được xác định là có liên quan.

Cho đến nay, 23 bị can đã bị khởi tố với các tội “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Nhiều quan chức cấp tỉnh đã rơi vào vòng lao lý, bao gồm:

  • Tỉnh Vĩnh Phúc: Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, Phó Bí thư thường trực Phạm Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước
  • Tỉnh Quảng Ngãi: Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, cựu Chủ tịch tỉnh Cao Khoa và cựu Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ, cùng nhiều cán bộ dưới quyền
  • Tỉnh Vĩnh Long: ông Đặng Trung Hoành, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít
Ông Võ Văn Thưởng xin thôi chức khi phải chịu "trách nhiệm người đứng đầu"
Chụp lại hình ảnh, Ông Võ Văn Thưởng xin thôi chức khi phải chịu “trách nhiệm người đứng đầu”

Ngoài mức độ nghiêm trọng, đại án Phúc Sơn còn được dư luận quan tâm vì có những nhận định cho rằng có mối dây liên kết giữa vụ việc và sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm hồi tháng 3/2024.

Theo cáo buộc, một số sai phạm của tập đoàn Phúc Sơn tại Quảng Ngãi diễn ra thời ông Võ Văn Thưởng làm bí thư tỉnh này từ năm 2011 tới năm 2014.

Trong khi đó, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long là quê hương của ông Thưởng.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt ngày 20/3, cũng nhắc tới việc những sai phạm khiến ông Thưởng bị miễn nhiệm được cho là xảy ra vào giai đoạn ông đang làm Bí thư tỉnh Quảng Ngãi.

Một số trang tin của chính quyền cấp địa phương hồi cuối tháng 3/2024 cũng có đăng bài viết “Đừng thấy ‘sóng cả’ mà ngã niềm tin”, trong đó nêu:

“Các báo cáo của Trung ương và đơn của đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, thời gian đồng chí Thưởng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã không kiểm soát chặt chẽ, đề cán bộ dưới quyền vi phạm pháp luật, để một doanh nghiệp mượn danh đảm nhận nhiều dự án, can thiệp công tác cán bộ, làm mất lòng tin trong nhân dân.”

Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt tối ngày 20/3, Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, cũng có đánh giá tương tự khi nói về những sai phạm khiến ông Thưởng phải từ chức.

Vụ án Tập đoàn Thuận An

Tập đoàn Thuận An, tiền thân là Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An, được thành lập vào tháng 8/2004, do ông Nguyễn Duy Hưng sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT.

Vốn điều lệ của Thuận An ở thời điểm tháng 8/2020 là 300 tỷ đồng và tăng lên 800 tỷ đồng vào năm 2021.

Tập đoàn này nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện và năng lượng tái tạo, cũng như đầu tư vào bất động sản.

Từ tháng 2/2014 đến tháng 12/2023, Tập đoàn Thuận An đã, trực tiếp hoặc liên danh, tham gia đấu thầu và trúng 32 gói thầu tại 16 tỉnh, thành phố với tổng giá trị hơn 23.000 tỷ đồng.

Đặc biệt trong 2 năm 2022-2023, tập đoàn này trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị 18.000 tỷ đồng, bao gồm những gói thầu có nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội sau Covid-19.

Thuận An liên tục trúng hàng chục gói thầu xây lắp, trong đó có những gói thầu quy mô lớn như: cầu Sông Rút, cầu Cửa Hội, cầu Đồng Việt, cầu Máy Chai, cầu Kỳ Lộ, cầu Rạch Miễu 2…

Ngoài ra, tập đoàn này đã tham gia dự án tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM, Ninh Thuận, Quảng Nam, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Tuyên Quang…

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, ông Nguyễn Duy Hưng, bị bắt kéo theo hàng loạt dự án của tập đoàn này bị rà soát
Chụp lại hình ảnh, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, ông Nguyễn Duy Hưng, bị bắt kéo theo hàng loạt dự án của tập đoàn này bị rà soát

Ngày 15/4/2024, ông Nguyễn Duy Hưng khởi tố, tạm giam về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ” khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) điều tra những sai phạm ở Tập đoàn Thuận An.

Một số quan chức trong Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang cũng bị cơ quan điều tra bắt khởi tố, tạm giam gồm: Nguyễn Văn Thạo – Giám đốc ban, Đàm Văn Cường – Phó Giám đốc ban và ông Hoàng Thế Du, Trưởng phòng ban.

Đặc biệt, một nhân vật trong một cơ quan trung ương cũng đã “vào lò” trong vụ này là ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi đó.

Sau đó, ông Vương Đình Huệ đã bị miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội, đồng thời cho thôi làm đại biểu Quốc hội vào hôm 2/5.

Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam không nêu cụ thể ông Vương Đình Huệ đã vi phạm những gì, nhưng vụ miễn nhiệm ông Huệ xảy ra sau vụ thuộc cấp thân tín của ông là Phạm Thái Hà bị bắt hôm 21/4.

Khi ông Phạm Thái Hà bị bắt, ông Vương Đình Huệ bị đặt câu hỏi về "chịu trách nhiệm người đứng đầu"
Chụp lại hình ảnh, Khi ông Phạm Thái Hà bị bắt, ông Vương Đình Huệ bị đặt câu hỏi về “trách nhiệm người đứng đầu”

Trung ương yêu cầu điều tra những vụ án lớn khác

Sáng 30/5/2024, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức cuộc họp tại Hà Nội để thảo luận, cho ý kiến đối với kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ đầu năm đến nay.

Theo thông cáo báo chí cuộc họp, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến tập đoàn FLC, Công ty AIC, tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn – Đại Ninh (Lâm Đồng)… đồng thời truy bắt, dẫn độ bằng được những bị can, bị cáo bỏ trốn ra nước ngoài về nước để thi hành án.

Liên quan tới sai phạm tại dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng, ngày 28/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký quyết định phê chuẩn kết quả bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Văn Hiệp, người đã bị bắt trước đó.

Còn liên quan đến vụ AIC, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Việt Nam hôm 24/5 đã truy tố 14 bị can trong vụ vi phạm đấu thầu xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM.

Đến nay, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 3 bị can khác là Trần Mạnh Hà, Trần Đăng Tấn, Đỗ Vân Trường (đều là nhân viên AIC) đang bỏ trốn.

Chủ đề liên quan

Tin liên quan

Bình luận về bài viết này