Điện Kremlin ‘rất hiếu kỳ’ về việc Mỹ có vẻ sẵn sàng trừng phạt ICC

VOA

22/05/2024

Người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov.
Người phát ngôn Điện Kremlin – Dmitry Peskov.

Điện Kremlin hôm 21/5 nói họ rất hiếu kỳ về việc Hoa Kỳ dường như sẵn sàng sử dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nơi công tố viên của cơ quan này đã yêu cầu ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng người đứng đầu quốc phòng của ông, và ba nhà lãnh đạo Hamas về những cáo buộc tội ác chiến tranh.

Công tố viên Karim Khan của ICC nói trong một tuyên bố được đưa ra sau hơn 7 tháng chiến tranh ở Gaza rằng ông có cơ sở hợp lý để tin rằng 5 người đàn ông này “phải chịu trách nhiệm hình sự” về cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi bước đi pháp lý này là “thái quá”, trong khi Ngoại trưởng Antony Blinken nói rằng nó có thể gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán về thỏa thuận con tin và lệnh ngừng bắn.

Một số nhà lập pháp Mỹ kêu gọi Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tòa quốc tế. Năm 2020, Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt đối với một công tố viên của ICC.

“Nói chung là hơn cả sự hiếu kỳ về thái độ và việc sẵn sàng sử dụng các biện pháp trừng phạt của Mỹ ngay cả đối với ICC”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.

Vào tháng 3 năm ngoái, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin với cáo buộc tội ác chiến tranh.

Nga cho rằng lệnh bắt giữ ông Putin là một nỗ lực vô nghĩa của phương Tây nhằm làm tổn hại danh tiếng của Nga và phủ nhận tội ác chiến tranh ở Ukraine. Ukraine tố cáo Nga phạm tội ác chiến tranh trong khi Nga nói phương Tây đã phớt lờ tội ác của Ukraine, một cáo buộc mà Kiev phủ nhận.

Ông Biden năm ngoái nói quyết định của ICC ban hành lệnh bắt giữ ông Putin là chính đáng. Hoa Kỳ đã chia sẻ chi tiết về cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine với ICC.

Nga không phải là thành viên của Quy chế Rome, vốn thành lập ICC, nên Moscow không công nhận thẩm quyền của tòa án.

“Chúng tôi không phải là bên tham gia quy chế liên quan. Do đó, chúng tôi không công nhận quyền tài phán của tòa án”, ông Peskov nói.

Về phía Israel, nước này kêu gọi “các quốc gia thuộc thế giới văn minh” phản đối yêu cầu của công tố viên ICC về lệnh bắt giữ đối với các nhà lãnh đạo của họ và tuyên bố rằng họ sẽ không tôn trọng bất kỳ lệnh bắt giữ nào như vậy, một người phát ngôn của chính phủ cho biết hôm 21/5.

Khi được hỏi liệu Thủ tướng Netanyahu hay Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant có tránh đi đến các quốc gia ký kết ICC trong trường hợp lệnh bắt giữ được ban hành đối với họ hay không, người phát ngôn Tal Heinrich nói: “Chúng ta hãy chờ xem”.

Chính phủ Israel kêu gọi các nước hãy lên tiếng nói rằng họ sẽ không thực hiện bất kỳ lệnh bắt giữ nào của ICC đối với các nhà lãnh đạo Israel.

Bình luận về bài viết này