Mạnh Kim – Hiện tượng Minh Tuệ và sự khác biệt giữa hai xã hội

ThuyMyRFI

Hiện tượng thầy Minh Tuệ không phải là một hiện tượng tôn giáo. Đó là một hiện tượng xã hội, được mạng xã hội đẩy lên thành sự kiện “chưa từng có”.

Tại Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, trước 1975 cũng như bây giờ, hình ảnh tu sĩ khất thực quen thuộc đến mức chưa bao giờ trở thành “cơn gió mát”. Bước chân tu sĩ khất thực cũng chưa bao giờ được đánh giá là hành động có thể dẫn Phật tử đến với (con đường) Đạo. Người ta đảnh lễ cúi chào một tu sĩ khất thực để tỏ lòng tôn kính chứ không phải xem ông như Phật sống.

Những gương mặt quỳ lạy thầy Minh Tuệ, hoặc thậm chí một người mới đây dâng cho thầy Minh Tuệ cái bát “bằng vàng 24k”, đều trông “rất quen”. Có thể chúng ta đã “gặp” những gương mặt ấy.

Có thể mới hôm qua, chính những người ấy, đã quỳ mọp lạy “thầy” Thích Trúc Thái Minh hay Thích Chân Quang. Có thể cách đây không lâu, những người ấy, đã chen chúc nhau, “tranh cướp hỗn loạn, giật cả ‘bảo kiếm’ tại lễ khai ấn Đền Trần”. Họ thật sự trông “rất quen”. Họ đến từ những vùng đất quen thuộc với cách thức thể hiện “văn hóa tín ngưỡng” một cách rất đặc thù và cá biệt.

Nếu thầy Minh Tuệ xuất hiện ở Sài Gòn hoặc tỉnh thành nào đó thuộc miền Nam, liệu những gì xảy ra như những ngày qua có lặp lại? Như đã nói, người dân miền Nam nói chung chưa bao giờ xem hình ảnh một tu sĩ khất thực là một hiện tượng. Đây không phải là sự khác biệt vùng miền mà là sự khác biệt giữa hai xã hội – một xã hội từng sống với không khí tự do tôn giáo bị bóp nghẹt và một xã hội trong đó tôn giáo từng được nâng lên tầm học thuật triết học.

Nếu thầy Minh Tuệ không bị chính quyền cản trở thì chuyện gì xảy ra tiếp theo? Sau những nhát chổi quét đường cho thầy, tâm của nhiều Phật tử sẽ sáng hơn? Phật giáo sẽ hồi sinh sau những thăng trầm bỉ cực suốt nửa thế kỷ? Các công ty du lịch tâm linh phá sản? Chùa chiền không còn là nơi buôn thần bán thánh?

Con đường của thầy Minh Tuệ, đáng tiếc, không dẫn dắt được ai. Sau những cảnh quỳ lạy ông, người ta gần như chắc chắn tiếp tục chứng kiến sự bát nháo Phật giáo, như vốn dĩ. Sự biểu hiện “tôn kính” thầy Minh Tuệ được thấy những ngày qua dường như không khác mấy so với những gương mặt lộ vẻ “thỏa mãn” khi được “giác ngộ” bởi những ma tăng như Thích Chân Quang. Sự ồn ào mà họ gây ra đã phá hỏng ý nghĩa sự tu tập của thầy Minh Tuệ cũng như làm hoen ố hình ảnh kính trọng thầy Minh Tuệ của một số ít người.

Phật giáo Việt Nam đã bị phá nát, một cách có tổ chức và có hệ thống. Phật giáo chỉ có thể được cứu nếu tự thân các Phật tử học Phật và hiểu Phật. Điều đó không thể có được bằng việc rủ nhau đi xem một hiện tượng với lòng hiếu kỳ tò mò. Việc có quá nhiều người, ngày càng nhiều, vẫn tiếp tục ngồi lắng nghe những lời “giảng” bậy bạ của những ma tăng, mới chính là thứ cần được xem là một hiện tượng đáng lưu tâm.

Nó không còn là một tín hiệu dự báo một điềm không lành. Nó đã là một xác chứng cho thấy Phật giáo Việt Nam đang thật sự bị tiêu diệt, bởi một phần từ chính những người gọi họ là “Phật tử”.

MẠNH KIM 17.05.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Bình luận về bài viết này