VNTB – Người lao động cần cơm gạo hơn

Hoài Nguyễn
13.04.2024 12:43
VNThoibao

(VNTB) – Hiện tại dường như người lao động lo chuyện cơm áo gạo tiền hơn là chuyện bao giờ thực thi quyền tự do gia nhập công đoàn…

 Ghi nhận trên các diễn đàn mạng xã hội, từ lúc dịch giã Covid đến nay, với bi đát của đời sống kinh tế, nạn thất nghiệp tràn lan…, thì việc bàn luận quanh chủ đề công đoàn độc lập, tự do công đoàn dường như bị thu hẹp trong cộng đồng.

Thu hẹp ở đây còn vì lý do nhà chức trách luôn tìm mọi cách để trấn áp cho các đòi hỏi thực hiện quyền này.

Về nguyên tắc thì tự do công đoàn có nghĩa quyền tự do hiệp hội được xác lập. Khi ấy quyền của người lao động và người sử dụng lao động được thành lập và tham gia vào các tổ chức theo lựa chọn của họ một cách tự do, và không sợ bị trả thù hoặc can thiệp. Điều này bao gồm quyền thành lập cũng như liên kết với các công đoàn và các tổ chức quốc tế.

Tự do hiệp hội liên quan đến quyền thương lượng tập thể, cho phép người lao động thương lượng điều kiện làm việc của họ một cách tự do với người sử dụng lao động của họ. Những quyền này là phổ quát và áp dụng không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, quốc tịch hay quan điểm chính trị. Quyền này được áp dụng cho tất cả người lao động và người sử dụng lao động, kể cả những lao động trong nền kinh tế phi chính thức, những người không thường xuyên có hợp đồng lao động chính thức.

Như vậy nếu được phổ biến rộng rãi mang tính phổ cập về quyền tự do hiệp hội theo công ước quốc tế thì điều này mang lại nhiều lợi ích hơn nữa trong tình cảnh đời sống thất nghiệp hiện nay, thay vì e dè nó với quy chụp là biểu hiện của “diễn biến hòa bình”.

Theo đó, về bản chất, trong quá trình lao động, người lao động không tồn tại như một cá thể riêng biệt độc lập, mà tồn tại trong một tập thể những người cùng tham gia lao động trong một điều kiện chung, với chế độ, tiêu chuẩn lao động chung. Và những người lao động trong tập thể đó, với tư cách là bên yếu thế trong quan hệ lao động, xung đột quyền và lợi ích với người sử dụng lao động thường có xu hướng liên kết, tập trung sức mạnh để cải thiện vị thế của mình trong doanh nghiệp bằng việc thành lập nên tổ chức đại diện, thay mặt mình, bảo vệ quyền lợi cho mình.

Điều khoản tự do hội đoàn và quyền thương lượng tập thể có yêu cầu như sau: Tất cả nhân viên phải có quyền thành lập, tham gia và (các) tổ chức công đoàn theo ý nguyện và nhân danh họ để thương lượng tập thể với tổ chức. Tổ chức phải tôn trọng quyền này và phải thông báo một cách hiệu quả cho nhân viên về việc họ được tự do tham gia các tổ chức của người lao động theo ý nguyện và không bị bất kỳ hậu quả hoặc sự trả đũa nào từ tổ chức bị từ chối. Tổ chức không được can thiệp bằng bất kỳ hình thức nào vào việc thành lập, hoạt động hoặc quản lý của (các) tổ chức người lao động hoặc việc thương lượng tập thể.

Trong trường hợp quyền tự do hội đoàn và thương lượng tập thể bị giới hạn bởi luật pháp, tổ chức phải (bắt buộc) cho phép người lao động tự do bầu chọn những đại diện của họ. Tổ chức phải bảo đảm các thành viên của công đoàn, các đại diện của người lao động và bất kỳ nhân viên nào có tham gia vào việc tổ chức người lao động sẽ không bị phân biệt đối xử, quấy rối, đe dọa hoặc trả đũa vì là thành viên tổ chức công đoàn, đại diện người lao động hoặc tham gia vào việc tổ chức khác của người lao động. Và tổ chức phải bảo đảm rằng những đại diện đó được tiếp cận các thành viên của họ tại nơi làm việc.

Thế nhưng pháp luật lao động Việt Nam không thừa nhận quyền tự do liên kết đối với người lao động nước ngoài. Điều này lý giải bởi: “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác” – trích Điều 1, Luật Công đoàn.

Theo cách hiểu trên, giả dụ tình huống nền kinh tế tiếp tục èo uột thì việc thực thi quyền tự do công đoàn sẽ tạo ra những liên kết với các tổ chức công đoàn cùng ngành nghề phạm vi ngoài biên giới địa lý, khi ấy sức mạnh tham vấn cộng đồng sẽ giúp ích việc cải thiện cho những khúc mắc của người lao động, giúp hoàn thiện các quyền về thương lượng tập thể trên cơ sở quyền và lợi ích của đôi bên người lao động và chủ sử dụng lao động.


Tin Bài Liên Quan:

  1. VNTB – Nếu gọi là “đình công chưa đúng trình tự”, vậy thiệt hại ai sẽ đền bù?
  2. VNTB – Kích động đình công vì ức chế?
  3. VNTB – Nội luật hóa điều ước quốc tế đối với Công ước về quyền tự do công đoàn?
  4. VNTB – Minh bạch quyền lực

Bình luận về bài viết này