Bong bóng BĐS: ‘Ở Sài Gòn, có 3 tỷ vẫn khó mua căn hộ’

BBC

  • Tác giả,Bùi Thư
  • Vai trò,BBC News Tiếng Việt
  • 20 tháng 2 2023, 16:30 +07
Getty
Chụp lại hình ảnh,Theo chuyên gia, bất động sản đa phần nằm trong tay người có tiền, còn người nghèo khó sở hữu được nhà đất tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội

Đó là lời nhận định của chuyên gia Nguyễn Duy Chuyền, chủ kênh TikTok Doctor Housing nhận định với BBC News Tiếng Việt, giá bất động sản ở Việt Nam trong những năm vừa rồi tăng kinh khủng, căn hộ giá rẻ gần như tuyệt chủng nên thế hệ 8x, 9x rất khó tiếp cận.

“Bây giờ, nếu ở TP HCM cầm 3 tỷ đồng đi mua một căn hộ cũng đã cực kỳ khó. Một căn hộ hai phòng ngủ 70 mét vuông, tầm trung giao động 80-100 triệu/mét vuông. Nếu không có sự can thiệp của nhà nước mà giá căn hộ cứ nhảy lên như thế này thì ngày càng khó cho người trẻ.”

Ngày 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính phải chủ trì hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản ở Việt Nam, để giảm bớt tình trạng bong bóng bất động sản.

Người đứng đầu chính phủ cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần chủ động giải quyết vấn đề do chính mình gây ra, phải tính đường tự cứu mình trước đã, chứ không thể lời thì đút túi, lỗ thì kêu cứu.

Còn đối với thế hệ 8x, 9x, những người từng ấp ủ giấc mơ mua nhà chia sẻ với BBC rằng, điều này ngày càng xa vời khi giá bất động sản ở Việt Nam ngày càng tăng “chóng mặt”.

“Giá nhà hiện tại quá cao so với mức thu nhập của tôi. Thực sự không thể nào mua nổi nếu chỉ làm công ăn lương dù tôi đã chấp nhận rằng mình phải mua chung cư ở xa trung tâm Sài Gòn.

“Hơn nữa, thông tin về giá nhà, về giấy tờ, sổ hồng ở Việt Nam không rõ ràng nên tôi cũng e dè, người chuyên kinh doanh bất động sản còn bị lừa nói gì tới tay ngang như mình,” Minh Uyên, sinh năm 1989 nói với BBC News Tiếng Việt.

Thu nhập không ‘đuổi kịp’ giá nhà

Ngọc Linh, sinh 1995 chia sẻ với BBC News Tiếng Việt cô đang vay ngân hàng một tỷ đồng với lãi suất 10%/năm. Nhưng tiền để mua nhà phần lớn cũng nhờ ba mẹ cho chứ không phải từ tích luỹ của bản thân.

“Người ta nói phi thương bất phú, với những bạn bè cùng tuổi tôi mà làm kinh doanh thì khả năng họ mua nhà cao hơn tôi. Và khi họp lớp, tụ tập, chuyện mua nhà, mua xe luôn được nhắc đến trên bàn nhậu và mọi người dù muốn dù không cũng sẽ có sự so sánh, so bì với nhau.

“Tôi ngày xưa đứng top trong lớp cấp ba bây giờ so với nhiều bạn khác thì chỉ có thu nhập bình thường và những đứa khác học kém hơn nhưng so về tài chính thì hành công hơn. Và sự thành công của người này lại là áp lực đối với người khác,” Linh cho biết.

Cũng theo Linh, gia đình cô ở gần cầu Rạch Chiếc, quận 2, hồi năm 2018, cha mẹ Linh mua căn nhà giá 50 triệu/m2 nhưng bây giờ giá đã tăng lên 200 triệu/m2. Còn trong bốn năm đó, lương của Linh không hề tăng mà còn bị giảm bớt vì đại dịch Covid.

Theo chuyên gia Nguyễn Duy Chuyền, người có kinh nghiệm tư vấn cho nhiều người trẻ mua bất động sản thì hiện tại, có khoảng 10% giới trẻ vượt qua thu nhập bình thường và họ biết cách tận dụng công nghệ 4.0 mới để kinh doanh, còn 90% còn lại nếu chỉ làm công ăn lương nên rất khó để có được tài sản.

“Việc này khó hơn rất nhiều cha mẹ họ vì BĐS tăng lên gần 20 lần, còn thu nhập thì tăng đâu bao nhiêu,” ông Chuyền so sánh.

Thủ tướng Chính: Thị trường bất động sản Việt Nam ‘gần đây nóng, nhiều rủi ro’

Vì sao đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm gây kinh ngạc, khó hiểu?

Bloomberg: Bong bóng bất động sản ‘đang rình rập Việt Nam’

Minh Uyên thì cho rằng, sau đại dịch, tâm lý mọi người càng có xu hướng tích trữ:

“Cách đây khoảng trước Covid, tôi thấy mình sở hữu một căn nhà không quan trọng, tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện đó vì có thể trả tiền nhà theo tháng và tôi thích điều đó vì thích ở chung cư. Sau Covid, tôi thay đổi suy nghĩ, mọi thứ đều bấp bênh, nếu mình có ngôi nhà đi ra đi vào khi có chuyện gì thì không ở trong tình trạng vô gia cư. Nhưng cũng không đặt nặng việc mua nhà,” theo Minh Uyên.

Theo báo cáo dữ liệu thị trường bất động sản tháng 8/2022 do Batdongsan.com.vn công bố ngày 21/9, trong 8 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tìm kiếm căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP HCM đều tăng so với cùng kỳ năm trước, lượt tìm mua chung cư Hà Nội và TP HCM tăng lần lượt 9% và 4%.

Nhiều chung cư cao cấp mọc lên nhanh chóng với giá cao
Chụp lại hình ảnh,Nhiều chung cư cao cấp mọc lên nhanh chóng ở Việt Nam với giá ngày càng cao

Nam Anh, sinh năm 1990, làm công việc tự do trong mảng công nghệ thì nói với BBC rằng, giá nhà cửa cho thuê lẫn bán ở thành phố và khu lân cận càng ngày càng tăng vì nhu cầu mua tài sản tăng.

“Như vậy, đối với một người trẻ như tôi thì rất khó chen chân vì mua chung cư nếu muốn rẻ thì phải đặt từ khi nhà đầu tư gọi vốn. Nhưng như vậy thì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro: chủ đầu tư không đủ kinh phí xây dựng, dự án phá sản hoặc chậm giao nhà so với tiến độ đã hứa. Việc này gây lo sợ cho nhiều người vì dồn hết tiền của vào một dự án trên giấy và qua những lời quảng cáo,”

“Khi đặt cọc xong thì lại nằm trong quy hoạch, tôi cảm thấy việc mua bán khó khăn. Chưa kể có nhiều dự án ma, nằm trên giấy và trong tưởng tượng thôi. Hoặc xây được cái chung cư rồi thì không ra được sổ, rất nhiều mối lo mà tài chính của tôi thì có hạn,” Nam Anh bộc bạch.

Trang Vietnamnet trích tính toán Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa khi dùng bộ tiêu chí đánh giá bong bóng bất động sản của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF để soi chiếu vào thị trường Việt Nam hiện tại.

“Tiêu chí thứ nhất, nếu một người dân bình thường cần trên 30 năm làm việc mới mua được một căn hộ ở thì tức bắt đầu có bong bóng. Tại Trung Quốc, người dân cần 34 năm. Tại Việt Nam, tính đúng theo công thức chuẩn của IMF vào thời điểm 4 năm trước, người dân cần 35 năm để mua được một căn hộ. Nhưng hiện tại, con số này đã ở mức… 57 năm,” theo ông Nghĩa.

‘Bất động sản nằm trong tay người có tiền’

Theo chuyên gia Nguyễn Duy Chuyền, căn hộ giá rẻ gần như tuyệt chủng nên người trẻ tiếp cận rất khó, bởi nhiều lý do:

“Một là do quy hoạch tổng thể của TP HCM và Hà Nội không được làm ngay từ đầu, nó rất manh mún cho nên giờ quỹ đất cho chung cư cạn kiệt. Nhà đất thì liền kề lộn xộn nên muốn xây chung cư phải ở ngoại thành: Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè. Nhưng những khu này lại xa, bất tiện cho những người đi làm ở trung tâm. Phần lớn của lỗi quy hoạch là vì thời kỳ hậu chiến tranh, cho tới khi đất nước mở cửa, điều quan trọng là có cơm ăn áo mặc nên không có khái niệm đó ngay từ ban đầu để làm như các thành phố lớn trên thế giới.

“Vì vậy, có nhiều nơi người ta cứ đổ đất xây nhà, cho tới khi bùng nổ kinh tế, bất động sản tăng lên nhiều, những người phân lô bán nền bắt đầu lời nhiều nên nát hết tất cả. Đây cũng là một tác hại của việc phát triển quá nhanh trong khi thiếu vắng tầm nhìn xa và trình độ quản lý của chính quyền. Cho tới bây giờ một mét vuông trị giá 300-400 triệu thì làm sao quy hoạch được nữa,” chuyên gia phân tích.

Cũng theo chủ kênh TikTok Doctor Housing, lý do thứ hai khiến giá căn hộ, nhà đất tăng cao là do quy trình xin giấy phép để xây dựng chung cư hiện thời rất khó khăn và ngày càng bị siết chặt.

Nhân vật cung cấp
Chụp lại hình ảnh,Chuyên gia về bất động sản Nguyễn Duy Chuyền, chủ kênh TikTok Doctor Housing

“Thứ ba là giá đất cao, thuế cao nên khi tạo ra một chung cư mới, các chủ đầu tư mở bán giá rất cao. Chủ đầu tư bây giờ không làm nhà tầm trung mà đổ tiền vào những dự án siêu cao cấp, với giá 10.000-20.000 USD/mét vuông. Người ta chỉ thích làm việc với người giàu, quên mất tầng lớp nghèo nên chung cư vừa túi tiền người dân không thấy đâu nữa. Vì vậy, cần lắm sự can thiệp của chính phủ mới hạ được giá bất động sản,” chuyên gia nhìn nhận.

Ông Huỳnh Thế Du, chuyên gia kinh tế viết trên trang Facebook cá nhân rằng: “Phân khúc nhà ở hợp túi tiền (afforable housing) thiếu vắng trên thị trường chính thức vì các doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh với khu vực phi chính thức có giá thành thấp hơn hẳn do né được nhiều loại chi phí. Nhà ở xã hội cũng khó cạnh tranh.”

Ông Nguyễn Duy Chuyền đưa kiến nghị nhà nước nên có chính sách để kiềm hãm giá bất động sản:

“Một là phải xây dựng nhà ở xã hội nhiều vào để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho những người thu nhập thấp. Thứ hai là đánh thuế cao lên để hạn chế đầu cơ bất động sản. Chính sách nhà nước phải đánh thuế, ví dụ như căn đầu là bao nhiêu đây thuế, căn thứ hai đánh cao hơn, cứ như vậy… Chứ còn không thì giá căn hộ sẽ còn tăng nữa và người trẻ khó mà sở hữu được căn hộ, rất chua, rất khủng khiếp. Bây giờ cầm 3 tỷ đồng còn khó chứ đừng nói 2 tỷ.

“Vì nhà cửa tuy giá rất cao nhưng người giàu sở hữu rất nhiều, họ có trong tay 5-7 căn hoặc thậm chí 20 căn hộ là điều bình thường vì họ có tiền, có tài chính, có quan hệ và biết cách kinh doanh bất động sản. Còn những người nghèo tìm mãi không có một căn. Thành thử, một khu chung cư xây lên đáng ra bán cho 1000 người thì đằng này chỉ bán cho 200 người, rồi họ bán lại hoặc cho thuê, đẩy giá cao lên. Vì vậy, toàn bộ bất động sản dường như nằm trong quyền kiểm soát của những người có tiền,” chuyên gia kết luận.

Nhiều khu nhà lụp xụp ở Sài Gòn bên cạnh những toà nhà chung cư sang trọng, đầy đủ tiện nghi
Chụp lại hình ảnh,Nhiều khu nhà lụp xụp ở Sài Gòn bên cạnh những toà nhà chung cư sang trọng, đầy đủ tiện nghi

Muốn mua BĐS cần cân nhắc gì?

Trong cơn say bất động sản, khi người người, nhà nhà đua nhau mua bán căn hộ, đất đai thì cũng mọc lên nhiều đối tượng lừa đảo với nhiều hình thức tinh vi.

Theo chuyên gia tư vấn Nguyễn Duy Chuyền, có nhiều dự án được chào bán, huy động vốn nhưng rồi không được duyệt nên người dân trắng tay,

“Đó là một trong những kẽ hở ở BĐS tại Việt Nam vì những kẻ lừa đảo dễ dàng tạo ra một dự án, thu tiền của khách hàng trong khi trình độ, kiến thức để mua một dự án của người dân thì chưa đầy đủ nên dễ bị lừa. Còn có nhiều chung cư xây chui nên không ra sổ cho cư dân được vì họ làm liều nên chủ sở hữu căn hộ cũng chịu thiệt. Vì vậy, các bạn nên chuẩn bị trình độ, kiến thức ví dụ như: phân tích hồ sơ pháp lý, chủ đầu tư, … Trường hợp không đủ thời gian để tìm hiểu thì phải tham vấn chuyên gia, luật sư… tốn một chút chi phí thì họ kiểm tra, tư vấn cho mình những rủi ro, lợi ích,” chuyên gia gợi ý.

Còn khi bắt tay vào mua một căn hộ, người trẻ cũng cần cân nhắc những đòn bẩy tài chính như vay ngân hàng, người thân:

“Thứ nhất: Ước lượng được số tiền phải trả hàng tháng và chuẩn bị những rủi ro nếu có sau đó. Nếu công việc chúng ta không thuận lợi, nếu chúng ta mất việc hay nghỉ việc thì nguồn thu ở đâu để tiếp tục trả nợ. Rất nhiều bạn vướng vào bẫy nợ và phải bán đổ bán tháo vì không lường trước được khả năng trả nợ của mình trong tương lai.

“Thứ hai: Dùng đòn bẩy ở một tỉ lệ hợp lý, dùng 50-70% giá trị căn hộ, còn lại chúng ta phải có sẵn. Nhưng số tiền vay cũng phải phù hợp với thu nhập. Nếu phải trả 30 triệu/tháng tiền nợ thì thu nhập phải gấp đôi. Đồng thời, nên tham khảo lãi suất ngân hàng, vì vay vài chục triệu không sao nhưng nếu vay vài tỉ thì phải chuẩn bị tâm lý.

“Nếu gia đình có tài chính thì đó là nguồn trợ giúp rất lớn, lãi suất có thể thấp hơn, thời hạn trả nợ có thể linh hoạt hơn. Nếu được vậy thì chúng ta phải trân trọng, biết ơn, chứ tôi thấy có nhiều người vay người thân rồi giật luôn,” chuyên gia đúc kết.

Chủ đề liên quan

Tin liên quan

Bình luận về bài viết này