Việt Nam không ngại bị chỉ trích khi đón tổng thống Putin bị CPI truy nã vì “tội ác chiến tranh”

RFI

Đăng ngày: 24/06/2024 – 12:19

Khi tiếp tổng thống Vladimir Putin, Hà Nội muốn “viết tiếp chương mới trong lịch sử quan hệ hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga” (1). Việt Nam không có lợi khi Nga suy yếu hoặc bị gạt ra ngoài lề trên trường quốc tế vì đối tác chiến lược toàn diện này giúp Hà Nội cân bằng trước những áp lực từ Trung Quốc và Mỹ (2). 

Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin (T) tại phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/06/2024.
Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin (T) tại phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/06/2024. AP – Kristina Kormilitsyna

Việt Nam đã lường mọi phản ứng khi mời và tiếp đón tổng thống bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã vì phạm “tội ác chiến tranh” ở Ukraina.

Chuyến công du của ông Putin được quảng bá rầm rộ hơn hẳn những chuyến thăm cấp Nhà nước trước đó dù Hà Nội phần nào lo ngại bị phương Tây cho là “liên kết ngầm” khi ông Putin kết hợp với chuyến thăm Bình Nhưỡng (3). Hiện giờ, chỉ có Mỹ lên tiếng chỉ trích nhưng đồng thời cử ngay trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ, phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đến Hà Nội. Đặc sứ Mỹ không bình luận về đối ngoại của Việt Nam nhưng lưu ý “chỉ có Việt Nam có thể quyết định cách tốt nhất để bảo vệ chủ quyền và thúc đẩy các lợi ích”.

Vậy Hà Nội tính toán gì và được lợi gì khi tiếp đón tổng thống Nga Putin ? Phản ứng của các đối tác phương Tây sẽ ra sao ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Normale Supérieure, Lyon, Pháp.


RFI : Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Việt Nam cấp Nhà nước sau chuyến công du Bắc Triều Tiên trong khi ông Putin đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã vì phạm tội ác chiến tranh ở Ukraina. Mục đích chuyến công du Việt Nam của nguyên thủ Nga là gì ? Việt Nam tính toán gì khi tiếp tổng thống Putin ?

Laurent Gédéon : Đúng vậy, ông Vladimir Putin công du Việt Nam ngày 20/06 theo lời mời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, được đưa ra khá gần đây, trong cuộc điện đàm ngày 26/03/2024 với tổng thống Nga. Cho nên chuyến công du phản ánh rõ mong muốn của cả Nga lẫn Việt Nam. Công du Việt Nam không phải là chuyện mới đối với tổng thống Nga vì ông đã tới Việt Nam 4 lần : hai chuyến thăm cấp Nhà nước năm 2001, 2013 và hai lần tham gia thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương – APEC tại Đà Nẵng năm 2006 và 2017. Chuyến thăm hôm 20/06 ở cấp Nhà nước, với nghi thức cao nhất, là lần thứ năm ông đến Việt Nam và phải nói là đáng kể, đồng thời cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Nga dành cho Việt Nam.

Đối với Hà Nội, chuyến công du của tổng thống Putin mang lại nhiều lợi ích : Tăng uy tín quốc tế của Việt Nam ; gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng Việt Nam không đơn độc và có thể dựa vào nhiều nhân tố lớn mạnh, kể cả liên quan đến vấn đề Biển Đông ; gửi thông điệp đến Hoa Kỳ ; tăng cường mối quan hệ với Nga. Nghi lễ đón tiếp trang trọng, nồng nhiệt, nhất là việc chính phủ Việt Nam nhấn mạnh đến tính chất đặc biệt của mối quan hệ với Nga cho thấy rằng đối với Hà Nội, cuộc gặp này là cơ hội để nâng cao mối quan hệ với một đất nước mà họ coi là “một trong những đối tác chính trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”, theo phát biểu của chủ tịch nước Tô Lâm. Về mặt ý nghĩa biểu tượng, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng muốn cho thấy rằng sự ủng hộ của Liên Xô trong chiến tranh Đông Dương và Cam Bốt vẫn chưa bị lãng quên.

Dĩ nhiên, phía Nga cũng được lợi vì chuyến công du giúp Matxcơva khẳng định rằng họ không bị cô lập, họ có bạn ở khắp nơi trên thế giới, giúp tăng cường tính chính đáng ngoại giao của Nga, giữ cân bằng với Trung Quốc, đồng thời gửi thông điệp đến Hoa Kỳ rằng nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập tổng thống Nga đã thất bại. Do đó, có thể thấy sự hội tụ lợi ích giữa Việt Nam và Nga trong khuôn khổ chuyến công du này.

Bối cảnh của chuyến công du cũng rất đặc biệt vì có rất nhiều hoạt động ngoại giao. Trước tiên là kỷ niệm 30 năm Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, được Việt Nam và Nga ký ngày 16/06/1994. Tiếp theo là sắp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (tháng 01/1950). Ngoài ra, Việt Nam nằm trong số 12 nước được mời tham dự đối thoại BRICS với các nước đang phát triển, được tổ chức tại Matxcơva ngày 11/06. Cuối cùng, vào đầu tháng 03, Việt Nam và Nga đã tổ chức đối thoại chiến lược lần thứ 13 về ngoại giao, an ninh-quốc phòng.

Về mặt địa chiến lược, cần lưu ý là chuyến công du diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc, đặc biệt là vụ va chạm ngày 17/06 giữa thủy thủ hai nước khi tàu của Philippines tiếp viện cho lực lượng đồn trú trên con tàu bị mắc kẹt ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).

RFI : Chuyến thăm của tổng thống Nga Vladimir Putin có những tác động như thế nào đối với Việt Nam ?

Laurent Gédéon : Chuyến công du này cho thấy rõ mong muốn hợp tác chính thức với những mục tiêu được thể hiện chi tiết rõ ràng. Hai nước tăng cường mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, công nghệ, nhân đạo, khoa học, năng lượng, giáo dục, du lịch và văn hóa. Chúng ta cũng thấy tổng thống Putin đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề điện hạt nhân dân sự và khả năng các công ty Nga tham gia vào lĩnh vực này ở Việt Nam.

Ngoài ra, vấn đề tăng cường đối tác chiến lược giữa hai nước cũng được đặt ra. Thứ nhất về lĩnh vực vũ khí, theo như tôi biết là không được nêu đích danh, nhưng phải nhắc lại rằng Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam. 90% vũ khí được Hà Nội nhập khẩu từ 1995 đến 2015 là của Nga. Cuộc chiến ở Ukraina giúp Nga quảng cáo một số loại vũ khí với các đối tác, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, ở đây chúng ta có thể đặt ra câu hỏi về sự phụ thuộc của Việt Nam, khá là đáng báo động, vào vũ khí Nga nếu nhìn vào bối cảnh tế nhị của cuộc chiến ở Ukraina và sự điều chỉnh thế cân bằng ở Á-Âu, nơi Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng đáng kể. Nga không có hiệp ước phòng thủ chung với Việt Nam, không giống như hiệp ước mà tổng thống Putin vừa tái kích hoạt với Bắc Triều Tiên. Do đó, có thể hỏi liệu Matxcơva có sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam bảo vệ lãnh thổ hay không trong khi Nga cũng phụ thuộc về ngoại giao và công nghệ vào Trung Quốc ? Đây là một câu hỏi rất quan trọng trong bối vũ khí Nga chiếm gần như toàn bộ trong quân đội Việt Nam.

Tiếp theo là tác động trong lĩnh vực dầu khí khi biết rằng Matxcơva là đối tác ngày càng quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực này. Rất nhiều tập đoàn lớn của Nga như Gazprom chiếm phần lớn hoạt động trong lĩnh vực dầu khí ở Việt Nam. Về mặt kinh tế nói chung, theo số liệu, hợp tác Nga-Việt gia tăng đáng kể, cụ thể trao đổi thương mại song phương đạt 3,63 tỷ đô la năm 2023, tăng 2,3% so với năm trước. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga đạt 1,96 tỷ đô la, tăng 51,4% trên một năm. Có rất nhiều nhà đầu tư Nga ở Việt Nam, tham gia vào 186 dự án với tổng số vốn là 984,98 triệu đô la, giúp Nga đứng hàng thứ 28 trong số 145 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Phía Việt Nam đã đầu tư vào 18 dự án ở Nga, với tổng trị giá khoảng 1,63 triệu đô la.

Cuối cùng về hệ quả chính trị hay ngoại giao, có thể chuyến công du của tổng thống Putin không gây tác động quá lớn về mặt ngoại giao cho Việt Nam.

RFI : Vậy hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi Hà Nội tiếp một tổng thống gây chiến ở Ukraina từ ba năm nay ?

Laurent Gédéon : Tôi nghĩ rằng hình ảnh của Việt Nam sẽ ít bị tác động bởi vì Hà Nội khá là kín tiếng về chủ đề Ukraina. Việt Nam vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu ngày 02/03/2022 về nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraina. Sau đó, Việt Nam đã bỏ phiếu chống việc loại Nga khỏi Hội Đồng Nhân Quyền tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 07/04/2022. Gần đây Việt Nam cũng không tham dự hội nghị về hòa bình cho Ukraina, diễn ra ở Thụy Sĩ ngày 15-16/06.

Tại Hà Nội, tổng thống Putin nhấn mạnh đến việc Nga và Việt Nam có cách nhìn “tương đồng” về tình hình châu Á-Thái Bình Dương. Ông cũng nhấn mạnh đến những nỗ lực của Hà Nội để bảo vệ một trật tự thế giới cân bằng, dựa trên những nguyên tắc bình đẳng của tất cả các nước và không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau”.

Dù trong bối cảnh tế nhị như vậy, việc tái khẳng định mối quan hệ Việt-Nga có lẽ không tác động đến hình ảnh của Hà Nội chừng nào nền “ngoại giao cây tre” – đa phương, linh hoạt và thận trọng – vẫn vận hành. Đây là chiến lược tập trung phát triển quan hệ đối tác với nhiều nước, đôi khi thuộc các khối đối lập, mà vẫn giữ được độc lập và lợi ích quốc gia. Chính điều này giúp Việt Nam duy trì thế cân bằng giữa các siêu cường đối thủ : Trung Quốc, Nga và Mỹ. Do đó, Nga là một đối trọng hữu ích để Việt Nam đối phó với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Về mặt truyền thông ngoại giao, chuyến thăm của Putin là cơ hội để Hà Nội chứng tỏ rằng chính sách đối ngoại của họ là cân bằng, không thiên vị bất kỳ cường quốc nào.

Vì vậy tôi cho rằng Việt Nam sẽ chỉ bị ít hệ quả tiêu cực nhưng thu được lợi ích về kinh tế và ngoại giao nhiều hơn.

RFI : Ngay sau khi ông Putin rời Hà Nội, ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương đã đến Việt Nam ngày 21/06. Hoa Kỳ và các nước phương Tây sẽ phản ứng ra như thế nào đối với Việt Nam ? Liệu sẽ có hình thức trừng phạt nào đó hay chỉ là những lời chỉ trích ?

Laurent Gédéon : Việt Nam, giống như Nga, Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ, không tham gia Tòa Án Hình Sự Quốc Tế nên không bận tâm đến lệnh bắt của Tòa nhắm vào tổng thống Nga vì bị cáo buộc gây tội ác chiến tranh ở Ukraina. Cần lưu ý là trước chuyến công du Việt Nam, tổng thống Nga đã đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất ngày 06/12/2023 và các nước phương Tây chỉ đưa ra những phát biểu phản đối.

Hoa Kỳ đã phản ứng, chủ yếu thông qua phát biểu của người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Ông tuyên bố : “Không một nước nào nên trao cho ông Putin một diễn đàn để cổ vũ cuộc chiến xâm lược của ông ta và cho phép ông tác bình thường hóa những tội ác”. Ông cũng nói thêm rằng “nếu ông Putin có thể tự do đi lại, điều đó có thể sẽ khiến những vụ vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Nga trở thành chuyện bình thường”. Cho nên Mỹ rất chú ý đến những gì đang diễn ra ở Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Joe Biden công du Việt Nam ngày 10-11/09/2023 và hai bên đã ký thỏa thuận “Đối tác chiến lược toàn diện”, mức cao nhất của Hà Nội. Sau đó, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đến thăm Việt Nam ngày 12-13/12/2023. Có thể thấy Việt Nam rất được “chú ý” vì có tầm quan trọng địa-chính trị ở trong vùng. Trong bối cảnh đó, ít có khả năng Hoa Kỳ, cũng như Liên Hiệp Châu Âu hay những nước phương Tây khác, vượt qua ngưỡng phát biểu bày tỏ bất bình đối với Hà Nội sau chuyến công du của nguyên thủ Nga.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Normale Supérieure, Lyon.


(1) “Viết tiếp chương mới trong lịch sử quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga”, Nhân Dân, 06/2024.

(2) (3) Thayer Consultancy, Background Brief : Russia’s Putin to Visit Vietnam: Scene Setter – 4, June 17, 2024.

Thu Hằng

Bình luận về bài viết này