VNTB – Xung đột chính trị?

Hà Nguyên
24.06.2024 4:46
VNThoibao

(VNTB) – Lợi ích chính trị trong vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng đang tùy thuộc vào vai trò của người đứng đầu Đảng

 Nếu không có xung đột chính trị thì khó thể giải thích việc tạo điều kiện cho đương sự “tự nguyện” làm đơn xin nghỉ việc, xin thôi chức, xin nghỉ theo nguyện vọng cá nhân như với những chính khách Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Đức Đam, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, và mới nhất là Đinh Tiến Dũng. Cứ như trò đùa, coi thiên hạ không ra gì.

Luật pháp được hành xử theo ‘buồn – vui’ chính trị?

Trong chính trị học và hành chính công, sự liêm chính gắn với bổn phận phụng sự cộng đồng. Bởi lẽ, các nhà lãnh đạo và quản lý khu vực công được tuyển dụng để phục vụ cộng đồng. Họ nắm trong tay quyền lực và các nguồn lực công với sứ mệnh được mong đợi là sẽ phục vụ lợi ích công.

Tuy nhiên ở Việt Nam còn phải chịu sự ràng buộc mang tính nguyên tắc, đó là lựa chọn các nhà lãnh đạo và quản lý đều phải có một điều kiện tiên quyết chung phải đang là đảng viên Đảng Cộng sản. Những đương sự này sẽ nhận được sự ủy quyền của Đảng trong nắm giữ quyền lực hành chính công. Và ở chiều ngược lại, khi họ đã vững trên ghế danh vọng thì các chính sách do họ đề xuất bắt đầu ít nhiều phục vụ cho nhu cầu của phe nhóm nào đó để sau hậu trường.

Xung đột lợi ích đã xảy ra ngay trong bản thân mỗi cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ của mình. Biểu hiệu của người có xung đột lợi là hành vi lạm dụng quyền lực để thu vén lợi ích cá nhân, gia đình hoặc làm lợi cho một nhóm lợi ích vì vụ lợi.

Một lưu ý là tình hình trên còn phụ thuộc vào cách nghĩ, thói quen hành xử của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chục năm ròng của cửa miệng “nuôi con gì, trồng cây gì”

Có thể kể một trường hợp dễ thấy nhất là cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Ông Mạnh từng là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ năm 1992 đến năm 2001 và Tổng bí thư Đảng từ năm 2001 đến năm 2011. Ông là Tổng bí thư và cũng là Chủ tịch Quốc hội đầu tiên là một người dân tộc thiểu số.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 11-2000 trong hội đàm với Tổng bí thư Trung Quốc Giang Trạch Dân đã đồng ý tiếp nối vị tiền nhiệm Tổng bí thư Lê Khả Phiêu (1931-2020) trong thực thi tư tưởng mà phía Bắc Kinh chỉ đạo cho khung tổng thể phát triển quan hệ hai nước Việt – Trung, là “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan”, nghĩa là sông núi gắn liền, cùng chung lý tưởng, hoà nhập văn hoá, có chung định mệnh, được dịch là “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.

Tuy cũng được in ấn, phát hành sách nhưng Tổng bí thư Nông Đức Mạnh không tạo nét khác biệt nào so với các đầu lãnh chính trị cùng thời. Tổng bí thư cũng không đưa ra các phát kiến nào ngoài câu quen thuộc mà giới báo chí thời đó đã cho rằng đây là di sản mà ông Mạnh để lại qua câu nói: “Trồng cây gì, nuôi con gì” mỗi khi ông đi công cán ở tỉnh thành nào đó. Tư duy của một người nông dân khiến ông cũng chỉ có thể nghĩ đến được từng đó, chỉ quanh quẩn “trồng cây gì, nuôi con gì” mà thôi.

Một nhà báo kể, một lần trên cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang), trò chuyện với một cán bộ phòng văn hóa, ông đã nhắc câu “trồng cây gì, nuôi con gì”, thì một ông già người Mông đi chợ ngồi nghỉ trước thềm nghe thấy bốp lại luôn: “Còn phải dạy, không biết trồng cây gì nuôi con gì mà ta sống đến hôm nay à, nói thế mà cũng nói!”.

“Tôi giật mình nghĩ về câu phản ứng của người dân và lúc đó mới nhận ra là có vấn đề trong tư duy lãnh đạo. Vấn đề là nói với dân có lẽ là lãnh đạo đã đặt vấn đề sai. Cái mấu chốt ở đây là đầu ra cho sản phẩm làm sao bảo đảm thì người dân sẽ thoát nghèo. Ai cũng biết làm việc cả, thời chưa có kế hoạch, không có nhà nước thì người dân tự sản tự tiêu khép kín và người ta trồng, người ta nuôi những thứ bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu.

Còn muốn giúp người dân bứt phá, thoát ra cái nghèo thì ở chính sách đầu ra cho sản phẩm nuôi, trồng gì thì chỉ phía nhà nước mới trả lời được. Có được cái đó thì người dân sẽ tìm mọi cách đáp ứng” – vị nhà báo nhớ lại.

Ở thời thống trị của “vương triều Nông Đức Mạnh” mọi việc cứ diễn ra nhàn nhạt, và người ta cũng chẳng mấy quan tâm đến chuyện xung đột lợi ích chính trị trong ban hành các quyết sách như thế nào.

Một chương mới của lịch sử Đảng?

Chỉ khi đến việc ông Nguyễn Phú Trọng ngồi vào ghế quyền lực tối cao bậc nhất này thì mọi việc về xung đột chính trị mới lộ dần ra, với cả chuyện tăng thêm danh sách những tù nhân lương tâm, cho đến các năm gần đây là phe nhóm thanh trừng nhau không chút giấu diếm.

Những cơn sóng ngầm giờ đây đã lộ rõ mặt khi “vương triều Nguyễn Phú Trọng” đang dần đi vào quá khứ; và xuất hiện một “tân vương” của dáng dấp hồng vệ binh cách mạng đang tạo nhiều nghi ngại cho quyền tự do dân chủ.


Tin Bài Liên Quan:

  1. VNTB – Cò kè bớt một thêm hai…
  2. VNTB – Tách, nhập vụ án hình sự: tùy nghi vào cách nhìn nhận của tư pháp
  3. VNTB – Việt Nam thiếu chính trị tinh anh như Singapore
  4. VNTB – Thế lực nào chống lưng cho bà Trương Mỹ Lan rửa tiền?

Bình luận về bài viết này