Tuyên bố chung Việt-Nga: Ủng hộ lẫn nhau; hợp tác quốc phòng-an ninh giữ vai trò đặc biệt

VOA

21/06/2024

Tổng thống Nga chụp ảnh trước khi rời sân bay Nội Bài, Hà Nội, Việt Nam, 21/6/2024 (do hãng thống tấn Nga Sputnik cung cấp; GAVRIIL GRIGOROV/POOL/AFP).
Tổng thống Nga chụp ảnh trước khi rời sân bay Nội Bài, Hà Nội, Việt Nam, 21/6/2024 (do hãng thống tấn Nga Sputnik cung cấp; GAVRIIL GRIGOROV/POOL/AFP).

Đêm khuya 20/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin rời Hà Nội, kết thúc chuyên thăm cấp nhà nước ở Việt Nam, trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam cho hay. Sau chuyến thăm, hai nước ra tuyên bố chung nhấn mạnh rằng họ “ủng hộ lẫn nhau” và quan hệ hợp tác quốc phòng-an ninh “giữ vai trò đặc biệt” trong quan hệ song phương.

Theo nội dung bản tuyên bố được đăng trên trang Thông tin Chính phủ ngay sau nửa đêm 20/6, điều hàng đầu được Việt Nam và Nga nêu bật là hai nước “không ngừng củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên tinh thần hữu nghị và ủng hộ lẫn nhau trong bối cảnh quốc tế phức tạp”.

Việt Nam và Nga xác nhận trong bản tuyên bố chung rằng “Hai bên duy trì quan điểm gần gũi hoặc tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực”, đồng thời ghi nhận rằng quan hệ hợp tác nhiều mặt của họ là “tài sản vô giá của nhân dân hai nước và là hình mẫu của quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác cùng có lợi”.

Một điểm được hai nước nhấn mạnh là “quan hệ hợp tác quốc phòng-an ninh giữ vai trò đặc biệt trong tổng thể quan hệ Việt Nam-Nga, không nhằm chống lại bất kỳ bên thứ ba”.

Trên bình diện rộng hơn, bản tuyên bố chung viết rằng Việt Nam và Nga “không liên minh hoặc thỏa thuận với bên thứ ba nhằm có các hành động phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như lợi ích cơ bản của nhau. Việc phát triển quan hệ Việt Nam-Nga không nhằm chống lại bất kỳ bên thứ ba khác”.

Trong bối cảnh Nga đang chịu vô số lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh phương Tây do Moscow tiến hành cuộc chiến đánh vào Ukraine từ tháng 2/2022, Việt Nam và Nga nói trong bản tuyên bố là họ “chú trọng phát triển hơn nữa hợp tác kinh tế” và “tạo thuận lợi cho mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính-tín dụng”.

Hai nước khẳng định “cần tăng cường đầu tư của Việt Nam vào Nga và đầu tư của Nga vào Việt Nam, bao gồm trên các lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp, nông nghiệp, chế tạo máy và năng lượng”.

Bên cạnh đó, họ “khẳng định tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ các dự án dầu khí hiện có và mới”, ngoài ra, hai bên “ủng hộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động của doanh nghiệp dầu khí Việt Nam tại Liên bang Nga và doanh nghiệp dầu khí Nga tại thềm lục địa Việt Nam”.

Qua bản tuyên bố, hai nước cho biết họ “tính đến tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” và “quyết tâm đẩy nhanh triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam”.

Nhân chuyến thăm của ông Putin, phía Nga công bố “sẽ chuyển giao tàu nghiên cứu khoa học ‘Giáo sư Ga-ga-rin-xki’ cho Việt Nam”, tuyên bố chung cho hay.

Hai nước cũng nói rằng một nội dung hợp tác nữa của họ là “tăng cường phối hợp ngăn chặn thông tin sai lệch và chiến dịch thông tin không thân thiện của các bên thứ ba”.

Đi xa hơn quan hệ song phương, Việt Nam và Nga nói trong bản tuyên bố chung rằng họ “thúc đẩy tiến trình khách quan hình thành trật tự thế giới đa cực công bằng và bền vững, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bao gồm tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền dân tộc tự quyết, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp”.

Khoảng 2 năm 4 tháng trước khi Nga và Việt Nam tuyên bố như trên, Nga đã đổ quân ào ạt vào đánh phá Ukraine và gọi đó là một chiến dịch quân sự đặc biệt để bảo vệ lợi ích của Nga, nhưng bị Mỹ và phương Tây xem là Nga xâm lược Ukraine.

Kể từ đó, Mỹ và đồng minh áp đặt hàng trăm biện pháp trừng phạt đối với Nga và những nước bị xem là giúp đỡ, tiếp tay cho Moscow.

Việt Nam và Nga nói rằng họ không ủng hộ “việc áp đặt các biện pháp cấm vận đơn phương, áp dụng trị ngoại pháp quyền, chia rẽ về ý thức hệ mà không có cơ sở pháp lý quốc tế và không thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Hai nước cũng “bày tỏ quan ngại về việc chính trị hóa quan hệ kinh tế quốc tế và phân mảnh thương mại toàn cầu, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và cạnh tranh không lành mạnh”.

Qua tuyên bố chung, Hà Nội và Moscow nói họ “tin tưởng rằng, theo nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về bình đẳng giữa các quốc gia, cần tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế liên quan đến quyền miễn trừ quốc gia và miễn trừ tài sản quốc gia”.

Cuộc chiến ở Ukraine được đề cập đích danh ở gần cuối bản tuyên bố chung Việt-Nga trong một đoạn viết rằng “Nga đánh giá cao lập trường cân bằng, khách quan của Việt Nam về vấn đề Ukraine, theo đó cần giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới”.

Bình luận về bài viết này