Thăm Việt Nam, ông Putin mưu tìm ‘cấu trúc an ninh’ mới cho châu Á

VOA

21/06/2024

Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, phải, tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Phủ Chủ tịch ngày 20/6/2024.
Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, phải, tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Phủ Chủ tịch ngày 20/6/2024.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố muốn xây dựng một “cấu trúc an ninh đáng tin cậy” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam ngày 20/6, một phần của chuyến công du châu Á được coi là thể hiện sự thách thức đối với phương Tây.

Một ngày sau khi ký thỏa thuận phòng thủ chung với Triều Tiên, ông Putin được 21 phát súng chào mừng tại một buổi lễ quân sự ở Việt Nam, được hai nhà lãnh đạo Cộng sản ôm hôn và được một trong hai người này khen ngợi hết lời.

Chủ tịch nước Việt Nam ca tụng ông Putin đã góp phần vào “hòa bình, ổn định và phát triển” trên thế giới.

Chuyến thăm của ông Putin đã vấp phải sự chỉ trích từ Hoa Kỳ và các đồng minh, những người coi nhà lãnh đạo Nga như một kẻ hạ đẳng và phản đối việc dành cho ông Putin một sân khấu để bảo vệ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Nga và Việt Nam đã ký các thỏa thuận về các lĩnh vực bao gồm năng lượng, nhấn mạnh chính sách xoay trục sang châu Á của Moscow sau khi phương Tây áp đặt các chế tài đối với Moscow liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Truyền thông Nga dẫn lời ông Putin nói: “Chúng tôi cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, đây vẫn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga”.

Ông được hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời nói rằng hai nước có chung lợi ích trong việc “phát triển một cấu trúc an ninh đáng tin cậy” trong khu vực dựa trên việc không sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình mà không có chỗ cho “khối chính trị-quân sự khép kín”.

Tại cuộc họp báo kết thúc chuyến đi, ông Putin cáo buộc liên minh quân sự NATO đang tạo ra mối đe dọa an ninh cho Nga ở châu Á, TASS đưa tin.

11 hiệp ước được ký kết tại Hà Nội không cùng đẳng cấp với thỏa thuận phòng thủ chung mang tính bước ngoặt mà ông Putin vừa ký trước đó ở Triều Tiên.

Tuy nhiên, sự chào đón nồng nhiệt dành cho ông Putin là một thành tựu trong quan hệ công chúng đối với nhà lãnh đạo Nga, người đang bị trát bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế ICC với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine, những cáo buộc mà ông phủ nhận.

Cả Nga và Việt Nam đều không phải là thành viên của ICC.

Ông Carlyle Thayer, giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Úc, nhận định: “Cuộc tiếp đón đắc thắng của ông Putin tại Hà Nội sẽ đánh dấu một điểm đối trọng với những thất bại gần đây của Nga,” như hội nghị về Ukraine tại Thụy Sĩ mới đây và những chế tài mới của Liên hiệp châu Âu lên Nga.

Đây là những chế tài mới nhất của phương Tây áp đặt lên Nga kể từ khi nước này xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2 năm 2022, mà Moscow gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Ông Zachary Abuza, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, cho rằng sự lóe sáng trong quan hệ công chúng của ông Putin được hỗ trợ bởi thực tế là Việt Nam, không giống như Triều Tiên, có quan hệ thân thiện với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ.

Ông Abuza nói: “Mặc dù có ít sự phô trương và biểu diễn hơn ở Triều Tiên, nhưng chuyến thăm này vẫn quan trọng đối với ông Putin vì Việt Nam thực sự là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, chứ không phải một quốc gia độc ác bị ruồng bỏ nào đó”.

Lịch sử

Lễ nghi quân cách chào đón ông Putin, người được cả Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính ôm hôn, là nghi lễ dành riêng cho các nguyên thủ quốc gia cao nhất và đã được thực hiện khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam năm ngoái.

Hai bên đã chứng kiến việc trao đổi 11 hiệp định và biên bản ghi nhớ, trong đó có các thỏa thuận về dầu khí, khoa học hạt nhân và giáo dục.

Tại một sự kiện khác, ông Lâm ca tụng ông Putin tiếp tục lãnh đạo nước Nga “vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đồng thời đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới”.

Ông Abuza nhấn mạnh tới lịch sử Cộng sản chung giữa Việt Nam và Nga, với hàng chục nghìn cán bộ Việt Nam – bao gồm cả các thành viên hiện tại của Bộ Chính trị – đã được đào tạo ở Liên Xô cũ.

Mỹ, EU chỉ trích

Việc Việt Nam chào đón ông Putin bị EU và Mỹ chỉ trích. Mỹ hiện là đối tác quan trọng đã nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hà Nội vào năm ngoái và là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết một nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ sẽ đến thăm Việt Nam trong tuần này để nhấn mạnh cam kết của Washington trong việc hợp tác với Việt Nam nhằm đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Phụ tá Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink “cũng sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với một Việt Nam hùng mạnh, độc lập, kiên cường và thịnh vượng” trong chuyến thăm của ông, thông báo cho biết.

Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết mối quan hệ đối tác được nâng cấp của Hoa Kỳ với Việt Nam không yêu cầu Việt Nam cắt đứt quan hệ với Nga hay Trung Quốc.

Phát ngôn viên của phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết Hà Nội có quyền xây dựng chính sách đối ngoại của riêng mình, nhưng cho rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine chứng tỏ Moscow không tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ông Murray Hiebert thuộc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington, cho biết, bất chấp lo ngại từ Mỹ và các đồng minh, Hà Nội có thể đã tính toán chính xác rằng họ sẽ không phải gánh chịu hậu quả vật chất.

“Tôi không nghĩ nó sẽ có tác động lâu dài… Mỹ thường ít để ý đến việc này,” ông Hiebert nói, lưu ý rằng Washington phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam để chống lại sự cạnh tranh với Trung Quốc trong khu vực.

Bình luận về bài viết này