VNTB – Kỹ sư Đỗ Như Điện: Những người đấu tranh ở trong nước không cô đơn

Quang Nguyên
20.06.2024 5:00
VNThoibao

(VNTB) – Giải thưởng Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền là một biểu tượng của tinh thần đoàn kết giữa những người đấu tranh ở trong nước và hải ngoại, cho thấy những người ở trong nước không cô đơn.

 Phong Trào Giáo Dân Hải Ngoại (PTGDVNHN) trao Giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền 2024 cho Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam (HĐLTVN) vào tháng 6.

Giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền được thiết lập để vinh danh những cá nhân hoặc tập thể ở quốc nội đã có những đóng góp quan trọng nhằm bảo vệ và thăng tiến quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam. 

Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam được thành lập vào năm 2001, quy tụ nhiều chức sắc thuộc 5 Tôn giáo lớn gồm Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài giáo, và Tin Lành, đã và đang tranh đấu cho tự do tôn giáo và các nhân quyền cơ bản khác cho người dân tại Việt Nam. 

HĐLTVN đã lên tiếng mạnh mẽ với chính quyền Việt Nam đòi cải cách chính sách và luật lệ về tôn giáo. HĐLTVN thường xuyên gặp gỡ các phái đoàn quốc tế, báo cáo các vi phạm về quyền tự do tôn giáo trong nước đến các tổ chức nhân quyền quốc tế và các chính quyền dân chủ. Vì các hoạt động đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo, các thành viên của HĐLTVN đã bị nhà nước Việt Nam liên tục sách nhiễu và đàn áp, kể cả hành hung và tù đày.

Trong dịp này phóng viên Việt Nam Thời Báo đã có cuộc phỏng vấn Kỹ sư Đỗ Như Điện, Điều Hợp Viên của Phong Trào

Hành trình và động lực cá nhân của ông trong vai trò Điều Hợp Viên của PTGDHN là gì? 

Tôi sinh năm 1943 ở Bùi chu, Miền Bắc Việt Nam. Sau Hiệp Định Genève chia đôi đất nước ngày 20/7/1954. Tôi cùng gia đình di cư vào Nam năm 1955. Sau 20 năm sống ở Miền Nam, tôi đã chứng kiến những diễn biến chính trị trên quê hương. Tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu về chủ nghĩa Cộng Sản, đã phân tích, đánh giá những hoạt động của họ, nên tôi không thể chấp nhận chủ nghĩa này và quyết tâm chống lại chủ trương và đường lối của họ; trong ấy có chủ trương tiêu diệt tôn giáo của Cộng Sản.

Tóm tắt, những nguyên nhân xa, gần dẫn đến việc phải tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo đã nhen nhúm ngay từ khi tôi chưa đầy 10 tuổi, vào những năm 1952-1955 khi Việt Minh hoạt động trong làng tôi, một làng hoàn toàn theo Công Giáo. Viết ra sẽ rất dài dòng, nhưng những gì Việt Minh thực hiện ở quê tôi ngoài Bắc, thì Cộng Sản đã lặp lại ở Miền Nam VN sau khi đánh chiếm được từ tháng 4 năm 1975. Có khác chăng là phương thức và kỹ thuật áp dụng, còn mục tiêu thì vẫn nguyên vẹn.

Động lực nào giúp ông tiếp tục kiên trì trong công cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo?

Về mặt tinh thần, tôi là một tín đồ Kitô Giáo, là một người theo Công Giáo La Mã, nên tôi phải thương yêu người khác như chính mình tôi. Về mặt luân lý, văn hóa và xã hội, từ nhỏ tôi đã được dạy thế nào là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; đã quen thực hành lời dạy của Khổng Tử: “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân – Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người”.

Công cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo đã thay đổi ông như thế nào, cả về bản thân lẫn sự nghiệp?

Tư tưởng điều khiển lời nói và hành động –Như ở trên tôi đã viết, ý hướng tranh đấu cho tự do tôn giáo đã được định hình   từ lúc còn nhỏ, do đó ý tưởng ấy gắn bó với tôi trong mọi sinh hoạt của đời người, lúc còn là học sinh, sinh viên, lúc đi dạy học; rồi khi Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử, tôi phải lìa bỏ xứ sở mình. Từ hải ngoại nhìn về cố hương, tôi lại càng bị thôi thúc, phải tìm mọi cách đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo của đồng bào tôi, khi phải chứng kiến những vụ đàn áp khốc liệt, những chính sách thâm độc của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Đây hoàn toàn là công việc tự nguyện, không phải là phương cách kiếm sống, nên nó không thay đổi bản chất hay nghề nghiệp tôi theo đuổi.

Ông và phong trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại đã gặp những thách thức nào trong quá trình đấu tranh cho tự do tôn giáo?

Tôi là thành viên Ban Thường Vụ của Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại từ ngày mới được thành lập năm 1992. PT hoạt động trong 4 lãnh vực là: tôn giáo, văn hóa, xã hội và chính trị. Tranh đấu cho tự do tôn giáo là một trong những mục tiêu mà PT theo đuổi, thuộc phạm vi tôn giáo và chính trị. Điều khó khăn đầu tiên là thuyết phục người tín hữu Công Giáo dấn thân vào con đường đấu tranh, vì ý tưởng “tôn giáo không làm chính trị” vốn là một trở lực từ xưa, nay vẫn còn là một cản trở lớn. Khó khăn thứ hai là làm sao cho người dân bớt sợ Cộng Sản. Thứ ba là làm sao cho người dân hiểu rõ bản chất dối trá và bạo lực của cộng sản. Khi người dân đã biết rõ CS, thì như nhà thơ Nguyễn Chí Thiện quả quyết, CS ắt sẽ tan.

Làm thế nào ông và phong trào vượt qua những thách thức đó?

Cộng Sản dùng tuyên truyền dối trá làm phương tiện mê hoặc con người. Phong Trào cổ võ chân lý và sự thật, quảng diễn Học Thuyết Xã Hội Công Giáo và những giáo huấn của Hội Thánh để đi vào lòng người. CS dùng bạo lực để khủng bố, đàn áp bức hại những ai không theo họ. Phong Trào đến với con người bằng đức bác ái từ bi. Mỗi cán bô PTGD cố trở thành một môn đệ của Đức Giêsu Kitô sống giữa xã hội, trở nên muối, men và ánh sáng cho thế gian, chính Đức Giêsu đã dậy như vậy.

Những thành tựu đáng kể nhất mà Phong Trào đã đạt được trong công cuộc này là gì?

Thành quả đáng kể nhất là PTGD đã hợp tác với tín đồ các tôn giáo bạn trong những cuộc đấu tranh chung cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, trong ấy có quyền tư do tôn giáo. PT thiết lập giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền năm 2010, nhằm vinh danh và khích lệ bất cứ cá nhân hay tổ chức nào có công đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Tuy nhiên Giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền chỉ là một trong những hoạt động của PTGD. Những thành quả khác như lãnh vực văn hóa, Phong Trào đã có Định Hướng Tùng Thư, xuất bản tập san Định Hướng kéo dài trong nhiều năm. Phong Trào xuất bản hơn 30 đầu sách vể triết học và văn hóa, kể cả quyển Thảm Sát Mậu Thân ở Huế năm 1968. Dịch ra Anh Ngữ và xuất Bản Quyển Công Lý và Hòa Bình trên Biển Đông của đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp.  Về tôn giáo, Phong Trào đã dịch và phát hành quyển Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng cửa Đức Thánh Giáo Hoàng John Paul II. Đã địch và xuất bản nhiều sách nổi tiếng của Đức Cố Giáo Hoàng Benedict XVI và quyển Học Thuyết Xã Hội Công Giáo của Joseph Kardinal Höffner. Về mặt xã hôi, Phong Trào đã tổ chức cứu trợ nạn nhân chiến tranh Ukraine, cung cấp học bổng cho một số bạn trẻ ở Việt Nam….

PTGD đã nhiều lần lên tiếng về những vụ CSVN xúc phạm tôn giáo như ở Đồng Chiêm, ở Đồng Đinh, ở đan viện Thiên An, Huế. Phong Trào lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh của giáo dân ở Hà Nội trong vụ biểu tình đòi lại Tòa Khâm Sứ và  cơ sở của tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, đã lên tiếng phản đối  việc cưỡng chiếm đất ở Cồn Đầu, ở Thủ Thiêm và những vụ chiếm đất của nông dân khác, gây ra bao nhiên đau thương tang tóc cho người dân như vụ Đồng Tâm chẳng hạn.

Phong Trào cũng luôn theo dõi những giai đoạn thương thảo giữa nhà nước CSVN và Tòa Thánh Vatican, về việc tái lập quan hệ ngoai giao, và đã có Bản Lên Tiếng về sự kiện này.

Ông có thể vui lòng kể về một vài chuyện cụ thể minh họa cho những thành tựu đó không?

PTGD chúng tôi rất vui và lấy làm vinh dự đã chọn để vinh danh và trao giải TDTG/NKD cho những nhà đấu tranh của những tôn giáo bạn, như ông Nguyễn Văn Lía, tín đồ Phật giáo Hoà Hảo (An Giang), tu sĩ Phật giáo Hoà Hảo Võ Văn Thanh Liêm (Long An), nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (Hà Nội), MS Phạm Ngọc Thạch (Đắc Lắk), Chánh trị sự Hứa Phi (Lâm Đồng), Hòa Thượng Thích Không Tánh (Sài Gòn), và MS Nguyễn Hồng Quang (Bình Dương). Và năm 2024 là Hội Đồng Liên Tôn VN. Đó là niềm vui lớn cho PT của chúng tôi.

Công việc của ông và Phong Trào đã tạo ra những thay đổi như thế nào cho cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam?

Cá nhân tôi chỉ như giọt nước trong biển cả, PTGD cũng chỉ là một phương tiện nhỏ bé âm thầm làm những việc có trong tầm tay, nên không dám nghĩ đến những thay đổi lớn lao và mau chóng. PTGD là một tổ chức nằm trong Hội Thánh  Công Giáo, nên chúng tôi đặt mình vào sự quan phòng của Ơn Trên. Nếu những công việc của chúng tôi đẹp lòng Thiên Chúa, thì sẽ được Ngài chúc phúc. Vì vậy trước khi làm việc gì chúng tôi luôn phải cầu nguyện để xin ơn soi sáng. Cho nên chúng tôi không lo lắng về sự thành công hay thất bại.

Cộng đồng đã có những phản hồi gì về tổ chức của ông ?

Nhìn chung thì những việc làm của PTGD trong hơn 30 năm qua nhận được nhiều thiện cảm của những ai biết rõ PT. Dĩ nhiên cũng không thiếu những đố kỵ, nghi ngờ, chụp mũ và cả vu khống nữa. Nhưng đó là lẽ thường ở thế gian này, chẳng có gì là lạ.

Giải thưởng này có ý nghĩa gì?

Giải thưởng là một biểu tượng của tinh thần đoàn kết giữa những người đấu tranh ở trong nước và hải ngoại, cho thấy những người ở trong nước không cô đơn. Còn PTGD xem việc trao giải là một bổn phận, một nghĩa vụ phải làm khi điều kiện và hoàn cảnh cho phép. Cá nhân tôi chỉ là một người được giao nhiệm vụ để thi hành quyết định chung của tổ chức, và tôi đã làm với lòng nhiệt thành khả năng của mình.

Giải thưởng này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Phong Trào và các đoàn viên trong tương lai?

PTGD là một tổ chức có Nội Qui và Điều Lệ sinh hoạt, mọi hoạt động đều có sự tham khảo và lấy quyết định chung, nên thành công thì cùng hưởng và thất bại thì cùng chịu. Đoàn viên Phong Trào rất ý thức về những nguyên tắc này. Việc Trao Giải TDTG đã có từ năm 2010, vẫn luôn được anh chị em đoàn viên hưởng ứng và đóng góp mọi mặt. Khi nào còn có nhu cầu thì chúng tôi còn tiếp tục.

Kế hoạch và mục tiêu của Phong Trào trong tương lai là gì?

PT duy trì những hoạt động đang có, phát triển những sáng kiến mới để đáp ứng những thay đổi ở VN cũng như ở hải ngoại. Ứng dụng những phương tiện kỹ thuật mới để nối kết nhiều và chặt chẽ hơn với những người hoạt động ở trong nước, đặc biệt nhắm vào giới trẻ.

Dự định hoặc sáng kiến mới để tiếp tục thúc đẩy tự do tôn giáo tại Việt Nam

Tự do tôn giáo chỉ là một trong những quyền căn bản của con người, do đó công cuộc tranh đấu chung là nhắm đến mục tiêu rộng lớn hơn, đó là quyền công dân được sống trong một thể chế tự do dân chủ. Việt Nam hiện nay là một nước độc tài toàn trị, cho nên việc cải thiện hay thay đổi chế độ từ độc tài toàn trị sang chế độ dân chủ pháp trị đa nguyên mới là mục tiêu sau cùng. Những sáng kiến nếu có cũng không phải là lúc để nêu ra ở đây, khi hoàn cảnh và điều kiện chưa thuận tiện để thực hiện.

Lời khuyên dành cho những người trẻ hoặc những cá nhân khác đang muốn tham gia vào công cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo

Chẳng những khuyến khích, mà chúng tôi đã thực hiện nhiều phương cách để tiếp cận với nhiều cá nhân, đặc biệt là những người trẻ, mời gọi dấn thân cùng chúng tôi như đã từng tổ chức Tuần Lễ Xã Hội ở Âu Châu, các Trại Hè ở Hoa Kỳ, tuy chưa đạt được thành quả như mong muốn, nhưng chúng tôi không nản chí mà thối lui.

Nếu có thể gửi một thông điệp đến cộng đồng quốc tế hoặc chính quyền Việt Nam, ông sẽ nói gì?

Đối với cộng đồng quốc tế, tôi thấy họ đã làm rất nhiều và rất tốt rồi, xin cứ tiếp tục, nhưng dưới cái nhìn của tôi, người cho thì cứ cho, người được cho thì không nhận, đó mới là vấn đề. Nhà cầm quyền ở VN hiện nay hoàn toàn xa rời quần chúng, họ không có khả năng làm cho dân giàu nước mạnh, mà họ chỉ lo bảo vệ quyền lực và quyền lợi của đảng mà thôi. Cứ nhìn vào sự tham nhũng thối nát, tranh giành bè phái từ thượng tầng xuống tận địa phương thì rõ. Chế độ này không còn khả năng tự cải tiến được nữa, cần phải loại bỏ thôi.  

Phong Trào có nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức hoặc cá nhân khác không? Nếu có, điều đó đã giúp ích như thế nào cho công việc của PT? Nếu không, PT tồn tại thế nào?

PTGD tuy là một Hiệp Hội Tư theo đúng Giáo Luật của Hội Thánh Công Giáo, nhưng hoạt động độc lập theo sáng kiến và khả năng của chính mình, tự đứng trên hai chân của mình trước, các sự hỗ trợ của cá nhân hoặc tổ chức đều được hoan nghênh, ví dụ cụ thể là khi Putin xua quân xâm lược Ukraine tháng 2/2022; PTGD đã phát động cuộc gây quĩ để cứu trợ Ukraine, PT đã nhận được gần 100,000 Mỹ Kim do đoàn viên PT và bá tánh đóng góp. Chúng tôi đã chuyển tòan bộ số tiến ấy cho Ukraine qua các cha Dòng Chúa Cừu Thế ở Ukraine. Giải Tư Do Tôn Giáo 2024 cũng do đoàn viên và một số thân hữu đóng góp vào.

Chính quyền Việt Nam phản ứng ra sao đối với các hoạt động của Phong Trào và cách thức xử lý các phản hồi đó

Chúng tôi không nhận được phản ứng chính thức nào từ phía nhà nước CSVN, ngoại trừ những thông tin tiêu cực từ các cơ quan truyền thông ở VN do nhà nước kiểm soát. PT không quan tâm lắm đến những phản ứng ấy, việc đáng làm thì cứ tiếp tục làm thôi.

Những phương pháp cụ thể nào để đánh giá tác động dài hạn của giải thưởng này đối với tự do tôn giáo tại Việt Nam?

Khi tuyển chọn được cá nhân hay tổ chức có thành tích xuất sắc để vinh danh và trao giải Tự Do Tôn Giáo, chúng tôi đều hỏi ý kiến người nhận giải trước. Dấu chỉ cụ thể làm chúng tôi rất phấn khởi, là những người nhận giải đều hoan hỷ cả. Điều ấy cho thấy hiệu quả đã có từ hơn 10 năm trước, đến nay vẫn còn nguyên vẹn.   

Có những trường hợp nào từ các giải thưởng trước đã chứng minh được tác động bền vững không?

Từ năm 2010 đến nay đã có 14 giải trao cho 3 tổ chức và 11 cá nhân của 5 tôn giáo chính ở VN. Tất cả những cá nhân và tổ chức nhận giải vẫn tồn tại, mỗi cá nhân hoặc tổ chức vẫn duy trì hoạt động, tùy vào điều kiện và hoàn cảnh thực tế của mỗi người, mỗi tổ chức.

Kế hoạch hỗ trợ cho người nhận giải sau khi họ nhận được giải thưởng ra sao?

Dĩ nhiên chúng tôi luôn quan tâm theo dõi, nhưng hầu hết cá nhân cũng như tổ chức nhận giải đã có thành tích đấu tranh, họ cũng có khả năng tự vệ để sinh tồn, nên chưa có ai cầu cứu giúp đỡ sau khi nhận giải cả.

Phong Trào có duy trì liên lạc và hỗ trợ lâu dài với các cá nhân/tổ chức nhận giải không?

Dĩ nhiên chúng tôi vẫn theo dõi và đáp ứng ngay nếu cần.

Làm thế nào để PTGDHN kết nối và hợp tác với các tổ chức quốc tế khác trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo?

PTGD đã hoạt động chặt chẽ với Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam và những tổ chức khác như Hội Đồng Liên Tôn ở Hoa Kỳ và Việt Nam, với People SOS và một vài tổ chức Xã Hội và Bác Ai ở Âu Châu trong công tác tranh đấu cho quyền Tự Do Tôn Giáo ở VN.

Ông có thể chia sẻ về bất kỳ thay đổi chính sách nào tại Việt Nam mà ông cho là kết quả từ nỗ lực của PT hoặc từ những người nhận giải không?

Do công sức đấu tranh của nhiều tổ chức góp lại, khiến nhà cầm quyền CSVN có một số thay đổi nhỏ trên mặt hình thức, nhưng mục tiêu và chính sách thì bất biến. PTGD chỉ là một tác nhân nhỏ bé, nên chúng tôi không dám nhận đó là công lao của mình.

Ông  thấy vai trò của mình và của PT như thế nào trong việc ảnh hưởng đến chính sách liên quan đến tự do tôn giáo trên thế giới nói chung và VN nói riêng?

Dĩ nhiên cá nhân tôi cũng như các đoàn viên trong PTGD tin tưởng vào việc làm của PT là cần thiết, và ao ước việc làm ấy đem đến những thành quả rực rỡ. Nhưng, như trên tôi đã trả lời, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục làm hết khả năng của mình, còn thành bại là do ơn trên. Vì vậy tôi không dám chủ quan đưa ra bất cứ sự đánh giá nào về tầm ảnh hưởng đến chính sách liên quan đến tự do tôn giáo trên thế giới nói chung và VN nói riêng là do PTGD tạo ra được. 

Cảm ơn Kỹ Sư Đỗ Như Điện.

Giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền mang tên Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền (1921-1988), nguyên là tổng giám mục của tổng giáo phận Huế và là một tấm gương nổi bật trong việc đấu tranh cho nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo.             

Tin Bài Liên Quan:

  1. VNTB – Bình Định: Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc quấy phá Thánh Thất Cao Đài
  2. VNTB – Còn độc đảng CS cai trị, VN không thể thu hút nhân tài
  3. VNTB – Việt Nam có thể làm gì để thoát khỏi Danh Sách bị Đặc Biệt Theo Dõi?
  4. VNTB – Vừa bị dụ, vừa bị doạ, tu sĩ Việt Nam sợ động tới chính trị 

Bình luận về bài viết này