Tại sao đạo đức là kẻ thù của hòa bình?

NghienCuuQT

Nguồn: Stephen M. Walt, “Morality Is the Enemy of Peace,” Foreign Policy, 13/06/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Xung đột ở Gaza và Ukraine chỉ có thể kết thúc bằng những thỏa thuận không làm ai hài lòng hoàn toàn.

Ngoại trưởng Pháp Charles-Maurice de Talleyrand (1754-1838) là một nhà chính trị lão luyện, từng phục vụ cho chính phủ cách mạng Pháp, sau đó là cho Napoléon Bonaparte, và trong cả thời kỳ Bourbon phục hoàng. Ông là một chính khách tinh tế và tài giỏi, được nhớ đến ngày nay chủ yếu nhờ lời khuyên sâu sắc dành cho các nhà ngoại giao đồng nghiệp của mình: “Trên hết, đừng quá nhiệt tình.” Quả thật đó là những lời lẽ khôn ngoan: việc quá nhiệt tình, cứng nhắc và đạo đức hóa quá mức thường là trở ngại cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả cho các vấn đề quốc tế khó khăn.

Thật không may, các nhà lãnh đạo chính trị thường xuyên gói gọn các tranh chấp với các quốc gia khác trong những thuật ngữ đạo đức cao cả, theo đó biến những xung đột lợi ích hữu hình, hạn chế thành các tranh chấp rộng hơn về các nguyên tắc cơ bản. Như Abigail S. Post của Đại học Anderson đã lập luận trong một bài báo quan trọng trên tạp chí International Security năm ngoái, các nhà lãnh đạo tham gia vào các tranh chấp quốc tế đã sử dụng ngôn ngữ đạo đức để tập hợp sự ủng hộ ở cả trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao vị thế thương lượng của họ trước đối thủ. Khi họ làm vậy, những bất đồng xoay quanh các vấn đề có thể chia nhỏ (chẳng hạn như lãnh thổ tranh chấp) sẽ biến thành xung đột có tổng bằng không giữa các tuyên bố đạo đức cạnh tranh với nhau. Thật không may, các nguyên tắc đạo đức khó có thể bị từ bỏ hoặc nới lỏng mà không bị buộc tội đạo đức giả và phản bội. Một khi chính phủ sử dụng các lập luận đạo đức để biện minh cho lập trường của mình, việc đạt được thỏa thuận sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều, ngay cả khi điều đó có lợi cho tất cả mọi người.

Bài đang hot

Thế giới hôm nay: 20/06/2024

Bài viết của Post đã minh họa những động lực này bằng một nghiên cứu điển hình về tranh chấp Quần đảo Falkland/Malvinas giữa Argentina và Anh. Để củng cố yêu sách của mình đối với các đảo, mỗi bên đều viện dẫn các chuẩn mực đạo đức quen thuộc. Argentina dựa vào nguyên tắc về chủ quyền lãnh thổ, và lập luận của họ rất đơn giản: Anh đã chiếm giữ các đảo một cách bất hợp pháp vào năm 1833 và do đó nên trả lại chúng, chấm hết. Người Anh đáp lại bằng cách viện dẫn một nguyên tắc đạo đức khác: quyền tự quyết. Theo quan điểm của họ, việc Anh giành được quyền kiểm soát quần đảo bằng cách nào không quan trọng; miễn là phần lớn cư dân vẫn muốn là một phần của Vương quốc Anh, thì nguyện vọng của họ nên được ưu tiên.

Một khi hai quan điểm này đã được thiết lập vững chắc thì việc thỏa hiệp gần như trở nên bất khả thi. Bất chấp giá trị kinh tế và chiến lược hạn chế của quần đảo, việc tái lập quyền kiểm soát đã trở thành một vấn đề chính trị quan trọng ở Argentina. Nhưng chính phủ Anh không thể nhượng lại quần đảo cho Argentina mà không có vẻ như đang bỏ rơi một nhóm công dân Anh muốn ở lại dưới sự cai trị của Anh. Với những lập trường cố hữu này, một cuộc đối đầu quân sự có lẽ là không thể tránh khỏi.

Tóm lại: Những tuyên bố đạo đức biến những tranh chấp có thể chia nhỏ và có khả năng giải quyết thành những cuộc xung đột không thể chia nhỏ và khó giải quyết hơn nhiều. Phát hiện này gợi ý một sửa đổi quan trọng đối với cái gọi là mô hình thương lượng trong chiến tranh. Khuôn khổ này xem hầu hết các cuộc xung đột là về các vấn đề có thể chia nhỏ, và lập luận rằng, một cách hợp lý, các quốc gia có thể đạt được các giải pháp mà cả hai bên đều chấp nhận nếu họ có thông tin hoàn hảo về khả năng và quyết tâm của nhau, và có thể vượt qua “vấn đề cam kết” (tức việc không có khả năng đảm bảo với bên còn lại rằng thỏa thuận sẽ được tuân thủ). Chiến tranh xảy ra vì thông tin cần thiết thường thiếu và các quốc gia có động lực để xuyên tạc thông tin đó, và chiến đấu là cách duy nhất để xác định ai nên nhận được phần nào trong vấn đề đang tranh chấp. Các học giả sử dụng khuôn khổ này thừa nhận rằng chiến tranh cũng có thể phát sinh do các vấn đề không thể chia nhỏ, nơi thỏa hiệp là không thể, nhưng những vấn đề như vậy được cho là tương đối hiếm. Nghiên cứu của Post cho thấy rằng việc đóng khung các tranh chấp theo những thuật ngữ mang tính đạo đức cao cả sẽ biến những vấn đề có thể chia nhỏ thành những vấn đề không thể chia nhỏ, khiến cho giải pháp khó đạt được hơn và chiến tranh dễ xảy ra hơn.

Các ví dụ để minh họa cho điều này đang nằm ngay trên trang nhất của nhiều tờ báo. Cuộc xung đột hiện tại về Đài Loan giống với tranh chấp về quần đảo Falkland ở một số khía cạnh nhất định: Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ chủ quyền của mình theo quyền lịch sử và khăng khăng rằng các sự kiện trong quá khứ khiến Đài Loan nằm ngoài tầm kiểm soát của họ giờ đây cần phải bị đảo ngược. Theo quan điểm này, bất cứ điều gì ngoại trừ việc Đài Loan hoàn toàn quay trở lại chủ quyền của Trung Quốc đều là không thể chấp nhận được. Ngược lại, những người ủng hộ quyền tự trị của Đài Loan cho rằng 24 triệu cư dân của hòn đảo này muốn tự trị và phản đối việc bị Đảng Cộng sản Trung Quốc cai trị. Theo quan điểm này, việc đưa Đài Loan trở lại dưới sự kiểm soát của Trung Quốc sẽ vi phạm các quyền chính trị của những người dân sống ở đó. Thỏa hiệp rất khó xảy ra, vì cả hai tuyên bố đạo đức đều có giá trị nhất định, và bất kỳ điều gì không phù hợp với quan điểm đã nêu của mỗi bên sẽ ngay lập tức bị coi là sự phản bội một nguyên tắc chính trị cơ bản.

Tiếp theo, hãy xem xét cách chiến tranh ở Ukraine được đóng khung bởi mỗi bên. Cuộc chiến nảy sinh từ một loạt những bất đồng cụ thể và hữu hình có thể giải quyết được bằng đàm phán và thỏa hiệp. Những vấn đề này bao gồm khả năng Ukraine gia nhập NATO; mức độ hội nhập kinh tế, chính trị và an ninh với Nga và EU; tình trạng của các nhóm thiểu số nói tiếng Nga ở Ukraine; quyền tiếp cận cho Hạm đội Biển Đen của Nga; vai trò của các nhóm được cho là theo chủ nghĩa tân phát xít ở Ukraine; và một số vấn đề khác. Chắc chắn là có những vấn đề khó khăn, nhưng về mặt lý thuyết, bất kỳ vấn đề nào trong số này hoặc tất cả chúng đều có thể được giải quyết theo những cách có thể làm hài lòng lợi ích cốt lõi của mỗi bên, và tránh cho Ukraine và Nga một cuộc chiến tàn khốc và tốn kém.

Tuy nhiên, cuộc xung đột hiện đang được cả hai bên đóng khung thành một cuộc đụng độ giữa các nguyên tắc đạo đức cạnh tranh nhau. Đối với Ukraine và phương Tây, điều đang bị đe dọa là chuẩn mực chống xâm lược hậu Thế chiến II, tính đáng tin cậy của “trật tự dựa trên luật lệ,” và mong muốn bảo vệ một nền dân chủ đang chật vật chống lại một chế độ độc tài tàn nhẫn. Đối với người Ukraine, đây là cuộc chiến bảo vệ quốc gia và lãnh thổ thiêng liêng của họ; đối với một số người ủng hộ Kyiv ở phương Tây, việc giúp Ukraine giành chiến thắng là cần thiết để duy trì các nguyên tắc đạo đức mà trật tự phương Tây được cho là dựa trên đó.

Về phần mình, sự biện minh của Nga cho cuộc chiến ngày càng dựa trên các tuyên bố đạo đức của riêng họ, chẳng hạn như cáo buộc NATO đã hủy bỏ lời hứa trước đó về việc không mở rộng ra ngoài nước Đức, tuyên bố rằng cần phải bảo tồn sự thống nhất văn hóa sâu sắc giữa người Nga và người Ukraine, hoặc khăng khăng rằng việc bảo tồn văn hóa Nga đòi hỏi phải bảo vệ quyền của người nói tiếng Nga ở Ukraine và đảm bảo “phi phát xít hóa” vĩnh viễn cho Ukraine. Người ta không cần phải chấp nhận bất kỳ tuyên bố nào trong số này để nhận ra rằng chúng vượt xa việc đơn thuần khẳng định các lợi ích chiến lược hạn hẹp: Tổng thống Nga Vladimir Putin và các cộng sự của ông hiện đang đóng khung cuộc xung đột là điều cần thiết để bảo tồn bản sắc dân tộc Nga (và an ninh quốc gia) trước sức ép thù địch từ bên ngoài. Chí ít là về mặt ngôn từ, nó vượt xa một cuộc tranh cãi về quyền của người thiểu số ở Donbas hay thậm chí là sự liên kết địa chính trị của Ukraine.

Thật không may, việc đóng khung cuộc xung đột này theo các thuật ngữ đạo đức khiến việc đạt được một giải pháp hòa bình trở nên khó khăn hơn, bởi vì bất cứ điều gì ngoài một chiến thắng hoàn toàn chắc chắn sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ những người chỉ trích, vì lo ngại rằng những giá trị quan trọng này đang bị hy sinh. Nếu Mỹ hoặc NATO thúc ép Ukraine đạt được một thỏa thuận mà không đạt được thắng lợi hoàn toàn, họ sẽ phải đối mặt với một loạt những lời lên án từ những người tin rằng chỉ có một thất bại nhục nhã của Nga và việc Ukraine gia nhập NATO mới đáp ứng được yêu cầu của công lý. Nếu hôm nay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cố gắng đàm phán một lệnh ngừng bắn, rất có thể ông sẽ bị lật đổ bởi những người cứng rắn ủng hộ chiến đấu. Putin phải đối mặt với ít hạn chế nội bộ hơn, nhưng ngay cả ông cũng phải thận trọng trước một sự thỏa hiệp mâu thuẫn với những tuyên bố đạo đức mà ông đã sử dụng để biện minh cho cuộc chiến và duy trì sự ủng hộ của công chúng.

Và kế đến là Gaza, diễn biến bất hạnh mới nhất trong cuộc xung đột dai dẳng giữa người Do Thái và người Ả Rập, bắt đầu kể từ khi những người định cư theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái đến Palestine vào cuối thế kỷ 19. Giống như Ukraine, có rất nhiều vấn đề cụ thể, hữu hình liên quan đến tranh chấp này, và đã có những nỗ lực lặp đi lặp lại (bắt đầu từ rất lâu trước khi Israel thành lập) để tìm ra một giải pháp nào đó. Thật không may, quan điểm của hai bên cuối cùng lại dựa trên những tuyên bố đạo đức cạnh tranh nhau về vùng lãnh thổ nằm giữa ‘sông và biển,’ những tuyên bố xuất phát từ các câu chuyện lịch sử phiến diện, tín điều tôn giáo và niềm tin kiên định rằng bên kia đã phạm nhiều tội ác trong quá khứ và vẫn tiếp tục làm vậy cho đến tận ngày nay. Những tuyên bố đạo đức trái ngược nhau này kích động những phản ứng cực đoan của Hamas và Israel, đồng thời khiến việc đưa ra một giải pháp có thể thỏa mãn được nguyện vọng quốc gia chính đáng của người Do Thái ở Israel và người Ả Rập Palestine trở nên khó khăn hơn nhiều.

Người Mỹ cũng dễ gặp phải vấn đề này như bất kỳ ai khác. Những nhà hiện thực như Hans Morgenthau và George Kennan đã than thở về xu hướng các nhà lãnh đạo Mỹ đóng khung mọi sự cạnh tranh theo các thuật ngữ đạo đức, điều mà họ coi là một trở ngại nghiêm trọng đối với một chính sách đối ngoại hiệu quả hơn. Ngôn ngữ đạo đức có thể hữu ích trong việc tập hợp người dân và giành được sự ủng hộ, nhưng nó biến nước Mỹ thành kẻ đạo đức giả bất cứ khi nào họ hành động khác đi, điều này hóa ra lại khá thường xuyên. Nó cũng gây khó khăn cho các quan chức Mỹ trong việc đàm phán hiệu quả với các đối thủ tiềm năng, hoặc vì chúng ta từ chối thiết lập quan hệ ngoại giao với họ, hoặc vì ngay cả một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi với một chế độ được cho là “xấu xa” cũng bị xem là thất bại hèn nhát trong việc duy trì những nguyên tắc đạo đức then chốt.

Nhưng chúng ta đừng lừa dối bản thân mình: Sau cùng, các cuộc xung đột thường kết thúc bằng những thỏa thuận lộn xộn và không hoàn hảo về mặt đạo đức. Ngay cả sau những chiến thắng áp đảo, bên chiến thắng vẫn thường chấp nhận ít hơn một chút so với những điều mà đạo đức chính đáng của họ đòi hỏi. Chẳng hạn, Mỹ đã yêu cầu và nhận được “sự đầu hàng vô điều kiện” trong Thế chiến II, nhưng rồi lại chấp nhận (và trong một số trường hợp là tích cực ủng hộ) việc tái hòa nhập đời sống chính trị của những cựu thành viên Đức Quốc Xã. Họ đã tổ chức các phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh ở Nhật Bản và xử tử một số cựu lãnh đạo Nhật Bản, nhưng vẫn để Hoàng đế Hirohito trên ngai vàng. Các nhà lãnh đạo Mỹ không vui khi chứng kiến Bức Màn Sắt buông xuống Đông Âu sau chiến tranh, nhưng họ hiểu rằng chấp nhận sự thống trị của Liên Xô ở đó là cái giá phải trả cho hòa bình sau chiến tranh.

Các cuộc xung đột ở Gaza và Ukraine sẽ chấm dứt bằng các thỏa thuận không làm ai hài lòng hoàn toàn. Không bên nào có được tất cả những gì họ mong muốn, và những tuyên bố đạo đức gay gắt mà các nhà lãnh đạo và học giả đưa ra trong lúc hai cuộc chiến này đang diễn ra sẽ trở nên trống rỗng. Càng bám víu lấy chúng, thì cuộc tàn sát sẽ càng khó kết thúc. Nếu Talleyrand còn sống đến hôm nay, tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ nói, “Tôi đã bảo rồi mà.”

Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.

Có Thể Bạn Quan Tâm:

  1. Chiến tranh Ukraine sẽ không thay đổi tất cả!
  2. Đánh bại Nga có giúp ngăn chặn chiến tranh trong tương lai?
  3. Thất bại của Nga sẽ là vấn đề của Mỹ
  4. Vụ tên lửa rơi ở Ba Lan là lời cảnh báo cho tất cả các bên
  5. Putin đã đúng về những điều gì trong Chiến tranh Ukraine?
  6. Tại sao NATO không nên chấp nhận Ukraine?
  7. Điều gì xảy ra sau khi Nga thắng ở Ukraine?
  8. Putin tình cờ mở đường cho một cuộc cách mạng ở Đức

Bình luận về bài viết này