Thăm Bình Nhưỡng và Hà Nội, tổng thống Nga không muốn chỉ đối thoại với Trung Quốc

RFIMinh Anh

Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước Bắc Triều Tiên trong hai ngày 18-19/06/2024, rồi sau đó công du Việt Nam, ngày 20-21/06. Qua chuyến công du này, Nga hy vọng đạt được nhiều lợi ích chiến lược và kinh tế trong cuộc đối đầu với phương Tây. Nhưng đây cũng là cách để Matxcơva cho thấy Trung Quốc không hoàn toàn là bên đối thoại duy nhất của Nga.

Russian President Vladimir Putin goes down the stairs upon his arrival at the airport of Yakutsk, republic of Sakha also known as Yakutia, Russia Far East, Russia, Tuesd
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại sân bay Yakutsk, vùng Viễn Đông Nga, Nga, ngày 18/6/2024. AP – Sergei Karpukhin

Mối quan hệ hữu nghị Nga – Bắc Triều Tiên chưa lúc nào nồng ấm như hiện nay kể từ năm 1948, thời điểm Bắc Triều Tiên lần đầu tìm cách xích lại gần Liên Xô sau khi kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến. Và gần ¼ thế kỷ sau chuyến thăm Bình Nhưỡng đầu tiên năm 2000 gặp Kim Jong Il, tổng thống Nga Vladimir Putin mới trở lại Bắc Triều Tiên, lần này gặp Kim Jong Un, con trai Kim Jong Il.

Chín tháng sau chuyến thăm Nga của lãnh đạo Kim Jong Un hồi tháng 9/2023, ông Putin sang Bắc Triều Tiên trong bối cảnh cả hai nước đều bị phương Tây trừng phạt nặng nề : Một bên vì chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa đạn đạo và bên kia là vì cuộc chiến xâm lược Ukraina.

Đối với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, việc tổng thống Nga tới Bình Nhưỡng là một thắng lợi chính trị. Trong một thời gian dài cho đến trước khi có chiến tranh Ukraina, Bắc Triều Tiên luôn trong thế « cầu cạnh » Nga hỗ trợ quân sự và kinh tế. Giờ đây chủ nhân điện Kremlin sang Bắc Triều Tiên để tìm kiếm đồng minh và nguồn cung ứng vũ khí phục vụ chiến trường Ukraina. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, hai nước hợp tác trong tư thế « ngang vai ngang vế », nếu không muốn nói là đang trong « tuần trăng mật ».

Vì sao tổng thống Nga lại chọn đến thăm Bắc Triều Tiên và Việt Nam vào lúc này ?

Theo giải thích của Jenny Town thuộc trung tâm nghiên cứu Stimson với tuần báo kinh tế Anh The Economist, tình hữu nghị Nga – Triều không đơn giản chỉ gói gọn trong việc trao đổi thương mại vũ khí. Bắc Triều Tiên có một vai trò quyết định trong cuộc đối đầu với phương Tây, góp phần gây khó khăn chiến lược của Mỹ tại châu Á.

Khi chọn hợp tác với Bình Nhưỡng, tổng thống Nga còn tìm cách răn đe Hàn Quốc, cánh tay vũ trang và đồng minh của Mỹ, bên cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraina. Bất chấp sức ép từ Nga, Seoul đã gởi một phần đạn pháo của phương Tây cho Kiev được trích từ nguồn dự trữ của nước này.

Liên quan đến Việt Nam, cũng giống Bắc Triều Tiên, vốn có những mối quan hệ lâu đời, ban đầu là với Liên Xô, rồi sau này là Nga. Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà địa chính trị Igor Delanoe, trợ lý giám đốc Đài Quan Sát Pháp – Nga nhận định, Việt Nam cũng là một đối tác kinh tế hấp dẫn cho Nga tại vùng châu Á. Đến thăm Việt Nam, chủ nhân điện Kremlin muốn đưa ra tín hiệu : Nga không muốn bị giới hạn, chỉ đối thoại với Trung Quốc.

« Kể từ cuộc chiến ở Ukraina, với việc Nhật Bản hoàn toàn nằm trong liên minh của Mỹ, mối quan hệ với nước này đã bị gián đoạn. Tương tự như với Hàn Quốc, Nga cũng từng có những mối quan hệ tốt trong lĩnh vực công nghiệp – kinh tế. Kể từ khi chiến tranh Ukraina bùng phát, tất cả các mối quan hệ trên đã bị đình chỉ, thậm chí trở nên xấu đi.

Để rồi cuối cùng, Nga dần dần rơi vào thế một mình đối thoại với Trung Quốc. Họ cần Trung Quốc nhưng họ cũng không muốn chỉ nói chuyện với Trung Quốc.  Do vậy, Nga cũng tìm cách duy trì các mối quan hệ với những nước châu Á nào chưa đoạn tuyệt bang giao với Nga. Và Việt Nam nằm trong số các nước này, dù rằng Hà Nội đã tỏ ra rất rất cẩn trọng, nhất là đối với các biện pháp trừng phạt ban đầu ».

Cũng theo nhà quan sát này, phía Việt Nam dường như cũng muốn nối lại quan hệ với Nga, thậm chí là nâng tầm quan hệ. Theo ông, vấn đề đặt ra ở đây là liệu Việt Nam có sẽ nối lại các chuyến bay thẳng với Nga, nhất là đến vùng đông Siberia hay không. Trong bối cảnh này, Hoa Kỳ ngày 17/06/2024, đã chỉ trích Việt Nam. Phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tuyên bố: “Không quốc gia nào nên tạo cơ hội cho Putin quảng bá cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và giúp ông ta bình thường hóa hành vi tàn bạo của mình”.

Bình luận về bài viết này