Ông Tô Lâm hô khẩu hiệu “xây dựng một nền tư pháp XHCN hiện đại, chuyên nghiệp”

RFA
2024.06.17

Ảnh minh họa: Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
AFP PHOTO

“Cần xây dựng một nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời tuyệt đối không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.”

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu như vừa nêu tại buổi họp với Toà án nhân dân tối cao ở Hà Nội hôm 14/6/2024.

­Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Hoa Kỳ hôm 17/6/2024 nhận định với RFA:

“Đọc thấy lời của ông tân Chủ tịch nước Tô Lâm về kêu gọi xây dựng một nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời kêu gọi tuyệt đối không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, mà tôi không khỏi cám cảnh và khẳng định ngay rằng lời kêu gọi chẳng khác nào lời hô khẩu hiệu cả. Chúng trống rỗng, không hề thực tế hoặc mang tính khả thi.

Lời kêu gọi chẳng khác nào lời hô khẩu hiệu cả. Chúng trống rỗng, không hề thực tế hoặc mang tính khả thi.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh

Trong đó, điều duy nhất mà tôi có thể tán thành với ông ấy khi đánh giá cho rằng hiện nay chưa có nền tư pháp hiện đại, tức là ông ấy đã thừa nhận nền tư pháp đang tồn tại từ nhiều thập kỷ qua là nền tư pháp hoang dã gây nên tình trạng làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm.”

Còn lại theo ­Luật sư Đặng Đình Mạnh, thì cũng luật pháp ấy, con người ấy và tư duy ấy, không có bất kỳ sự thay đổi, thì ông Mạnh cho biết không thấy có cơ sở nào để chế độ có thể xây dựng một nền tư pháp hiện đại, kể cả trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Luật sư Mạnh nói tiếp:

“Tôi giả thiết, nếu ngay bây giờ chế độ cho giải tán Ban Nội Chính hiện đang tồn tại tại trung ương và các địa phương, thì ít nhất, đã loại trừ được một thiết chế có khả năng can thiệp vào các quyết định tư pháp. Đồng thời, trả ngay tự do cho các tử tù oan như Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải. Xin lỗi và bồi thường cho gia đình tử tù oan Lê Văn Mạnh… Đó đều là những việc dễ dàng thực hiện nhất và là phép thử sự thành thực của chế độ. 

Nếu chế độ không thực hiện, thì chúng ta không có cơ sở nào để tin vào các lời kêu gọi cải cách tư pháp của ông Tô Lâm, tân chủ tịch nước.”

45ce66b0-eb23-48b8-b19d-3a7c1119b284.jpeg
Ảnh minh họa: Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội. AFP.

Nền tư pháp Xã hội Chủ nghĩa có thể không làm oan người vô tội? Liệu nền tư pháp Xã hội Chủ nghĩa “hiện đại” có tạo nên khác biệt?

Từ Đức quốc hôm 17/6/2024, Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho RFA biết ý kiến:

“Trong chế độ cộng sản Việt Nam, ngành công an là ngành gây ra rất nhiều những nỗi oan trái cho người dân Việt Nam trong suốt gần 80 năm dưới sự cai trị của họ. Ở các nước dân chủ văn minh, thì họ xây dựng một nhà nước pháp quyền, cộng với tam quyền phân lập, báo chí tự do, đa đảng đối lập… cho nên những hiện tượng bị oan sai rất là hiếm, có khi cả một thập kỷ không may mới có một trường hợp. Nhưng ở trong chế độ cộng sản thì hầu như những án oan, dân oan có trên khắp đất nước Việt Nam, ở đâu cũng có…”

Trong chế độ cộng sản Việt Nam, ngành công an là ngành gây ra rất nhiều những nỗi oan trái cho người dân Việt Nam trong suốt gần 80 năm dưới sự cai trị của họ.
-Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài

Cho nên theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, chính quyền Việt Nam càng nói xây dựng nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, thì lại càng tạo ra nhiều người bị oan trái trên đất nước Việt Nam. Luật sư Đài cho biết thêm về tình trạng án oan tại Việt Nam hiện nay:

“Theo thống kê của ngành kiểm sát, cũng như của ngành tòa án, thì họ nói tỷ lệ oan sai được duy trì ở dưới mức 5 %. Trong khi đó ở Việt Nam mỗi một năm có khoảng 150.000 vụ án được xét xử, với mức án oan dưới 5 % thì tương đương với độ khoảng độ 7.000 vụ án oan một năm, đó là một con số quá lớn. Trong khi các nước một thập kỷ chỉ có một vài án oan, mà Việt Nam tới 7.000 án oan thì ghê gớm đến mức độ nào?”

Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khi trả lời chất vấn của Quốc hội từng khẳng định luôn đảm bảo tính độc lập trong xét xử của thẩm phán, hội thẩm. Tuy nhiên, theo ý kiến của giới chuyên môn thì tình trạng ‘chỉ đạo án’ còn diễn ra rất nhiều trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện tư vấn, phản biện chính sách độc lập (IDS – đã tự giải thể), khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng, mong ước về tòa án độc lập còn phải đấu tranh dài mới được. Ông lập luận:

“Phải hoàn toàn không dưới sự kiểm soát của bất kể tổ chức chính trị nào, tòa án độc lập là phải như vậy. Vai trò của luật sư phải được đề cao, phải nguyên tắc. Ví dụ như suy đoán vô tội phải được thực hành, bất kể ai vi phạm những chuyện ấy nghĩa là họ tìm mọi cách quy tội cho người ta mà không có chứng cứ rõ ràng thì những người đó phải bị đuổi ra khỏi tòa án.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người dân phải lên tiếng mạnh mẽ hơn, các tổ chức xã hội phải lên tiếng mạnh hơn, thì lúc đó mới có biến chuyển, mới có sự thay đổi trong nền Tư pháp Việt Nam.

Bình luận về bài viết này