Thế độc tôn của VinFast bị đe dọa khi ‘trùm’ xe điện Trung Quốc chào sân Việt Nam?

BBC

Thế độc tôn của VinFast có bị đe dọa khi BYD thâm nhập thị trường Việt Nam?
Chụp lại hình ảnh,Thế độc tôn của VinFast có bị đe dọa khi BYD thâm nhập thị trường Việt Nam?

7 giờ trước

Hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc – BYD – vừa có màn ra mắt tại thị trường Việt Nam với ba mẫu sản phẩm bao gồm Seal, Dolphin và Atto 3.

Buổi giới thiệu ba mẫu xe diễn ra vào ngày 15/6, nằm trong khuôn khổ sự kiện “Tuần lễ BYD – Công nghệ Tương lai Xanh” (BYD Week – Technology Green Future) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hãng dự kiến sẽ mở bán chính thức tại Việt Nam từ ngày 18/7, nhưng mức giá chính thức vẫn chưa được công bố.

Nhiều chuyên gia nhận định bộ ba này sẽ tham gia cạnh tranh ở các phân khúc khác nhau, trong đó Atto 3 có thể là quân bài chủ lực của BYD tại thị trường Việt Nam.

BYD Atto 3 đã gặt hái được những thành công nhất định không chỉ trong thị trường nội địa mà còn ở các sân chơi quốc tế như Thái Lan hay Úc.

Chia sẻ với truyền thông trong nước, ông Võ Minh Lực – Giám đốc điều hành (CEO) BYD Việt Nam – cho biết hãng xe Trung Quốc này đã nghiên cứu thị trường Việt Nam trong khoảng 10 năm qua.

Theo ông Lực, BYD đánh giá thị trường Việt Nam khá tiềm năng, tập trung nhiều khách hàng trẻ yêu thích công nghệ mới, quan tâm đến môi trường – phù hợp với nhóm đối tượng mà BYD nhắm đến.

Đồng thời, vị CEO cho biết hãng dự định xây nhà máy sản xuất xe điện tại Việt Nam.

Cũng trong khoảng thời gian giữa tháng 6/2024, hai hãng xe điện khác từ Trung Quốc là Chery và Lynk & Co cũng giới thiệu một số sản phẩm tại Việt Nam.

Thế độc tôn của VinFast bị đe dọa?

Dòng xe Dolphin của BYD tại London (Vương quốc Anh) vào tháng 5/2024
Chụp lại hình ảnh,Dòng xe Dolphin của BYD tại London (Vương quốc Anh) vào tháng 5/2024

Nhiều người đặt câu hỏi liệu việc xâm nhập thị trường Việt Nam của công ty xe điện hàng đầu thế giới hiện nay có đe dọa vị thế độc tôn của VinFast tại đây.

Trang Business Times của Singapore hôm 11/6 có bài viết nhận định VinFast hiện vẫn thống lĩnh thị trường Việt Nam.

Việc tung ra mẫu xe giá rẻ nhỏ gọn VF3 (khoảng 235 triệu đồng cho bản không đi kèm pin) của VinFast được Business Times nhận định là nhằm bảo vệ thị trường sân nhà trước sự “đe dọa” của các hãng Trung Quốc.

VinFast cho biết nhận được hơn 27.000 đơn đặt cọc VF3 chỉ sau 66 giờ mở bán tại Việt Nam.

Tuy vậy, triển vọng thực sự của mẫu xe này vẫn còn là ẩn số do bản thương mại chỉ đến tay khách hàng từ tháng Tám năm nay.

Nhiều nhà quan sát cho rằng việc chinh phục thị trường xe điện Việt Nam là rất thách thức, cho dù các hãng xe điện Trung Quốc đã tạo dấu ấn tại các quốc gia Đông Nam Á khác, đặc biệt là ở Thái Lan, và doanh số bán hàng thì ngày càng tăng ở Indonesia, Malaysia.

Báo chí Việt Nam cũng nhiều lần chỉ ra các rào cản khiến các hãng xe điện Trung Quốc gặp khó khăn tại sân chơi này.

Trước hết, tỉ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam tương đối nhỏ so với một số quốc gia khác trong khu vực chứ chưa nói riêng xe điện.

Theo một bài viết trên trang web của Bộ Công thương Việt Nam vào tháng 9/2023, “tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam mới chỉ ở mức 23 ô tô/1.000 người, con số này chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia”.

Để phát triển được như ngày hôm nay, thị trường xe điện Trung Quốc phần nào nhờ vào nhiều chính sách hỗ trợ từ chính phủ.

Trong khi đó, thị trường xe điện Việt Nam mới ở giai đoạn ban đầu và thiếu những chính sách tương tự.

Nhiều ý kiến đánh giá chính sách hỗ trợ ngành xe điện ở Việt Nam là kém hấp dẫn.

Tháng 9/2023, Bộ Tài chính đã bác bỏ đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ô tô điện.

Thêm vào đó, hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam còn hạn chế và chủ yếu do VinFast sở hữu, khiến các hãng xe Trung Quốc gặp bất lợi.

Việt Nam hiện chưa có nhiều mô hình trạm sạc công cộng do tư nhân xây dựng và vận hành như ở Trung Quốc.

Quan trọng không kém, tâm lý lo ngại về chất lượng, dịch vụ của “hàng Trung Quốc”, đặc biệt với xe điện – một loại phương tiện tương đối mới mẻ, có thể khiến người tiêu dùng Việt Nam dè chừng.

Bên cạnh đó, VinFast hay công ty mẹ – Tập đoàn Vingroup – có thể tận dụng được hệ sinh thái khổng lồ, đa ngành của họ tại Việt Nam để tối ưu dịch vụ cho khách hàng.

Đây là một điểm mạnh mà khó có hãng xe điện nào khác tại thị trường Việt Nam có được, theo một số chuyên gia.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận xét Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục chiến lược giảm giá để giành lấy ưu thế.

Công nghệ tiên tiến, chất lượng pin tốt và đặc biệt là giá cả khá cạnh tranh là những ưu điểm giúp BYD chiếm được chỗ đứng ở nhiều thị trường.

Mẫu xe Seagull kiểu hatchback của hãng xe Trung Quốc này thậm chí còn được bán với giá dưới 10.000 USD.

Nhà báo kinh tế Ben Chu trong một bài phân tích trên BBC InDepth dự báo rằng BYD cũng như các công ty xe điện Trung Quốc khác vẫn tiếp tục áp dụng chiến lược tung ra các dòng xe siêu rẻ trong thời gian tới.

Trong bối cảnh nhu cầu mua xe điện trên toàn cầu đang chững lạimà lý do phần nào đến từ việc khách hàng chưa sẵn sàng chi một khoản tiền tương đối lớn, chiến lược giảm giá đang được các hãng xe điện Trung Quốc tận dụng.

Mức giá phải chăng đã giúp BYD gây sốt tại Đức – quốc gia phải vật lộn với lạm phát và chi phí năng lượng cao – trong năm 2023.

Tesla của tỷ phú Elon Musk cũng lao vào cuộc đua giảm giá này trong những tháng đầu năm 2024.

Việc Trung Quốc nắm lợi thế trong cuộc chiến giảm giá hoàn toàn có cơ sở khi quốc gia này không chỉ mạnh về sản xuất, chính sách hỗ trợ ngành xe điện rộng rãi, mà họ còn có ưu điểm về pin – một trong những bộ phận đắt nhất của xe điện.

Hoạt động kinh doanh pin là lợi thế cạnh tranh giúp BYD tiết kiệm chi phí sản xuất, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của công ty.

Dương Minh, nhà nghiên cứu về pin và các công nghệ xe điện tại Đại học Washington (Mỹ), nói với BBC News Tiếng Việt vào ngày 2/6 rằng nhờ pin mà Trung Quốc có thể sẽ chiến thắng cuộc đua xe điện trên toàn cầu trong dài hạn.

“Hiện nay pin lithium vẫn là lựa chọn hàng đầu nhờ vào hiệu suất. Tuy nhiên, trữ lượng lithium đang có hạn và các nhà nghiên cứu đang tập trung phát triển các loại pin thay thế, trong đó có natri – một khoáng sản mà Trung Quốc có trữ lượng lớn và công nghệ tinh chế hàng đầu,” ông Minh nói.

Trong một diễn biến liên quan, Bloomberg trong bài phỏng vấn với tỷ phú Phạm Nhật Vượng hôm 12/6 đưa tin rằng VinFast đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất pin tại Ấn Độ và đã thành lập liên doanh pin tại Việt Nam với Công ty Công nghệ cao Gotion của Trung Quốc.

Chủ đề liên quan

Tin liên quan

Bình luận về bài viết này