Người ủng hộ dân chủ ở Trung Quốc đang tập hợp ở Tokyo

NghienCuuQT

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “A new generation of Chinese democracy seekers gathers in Tokyo,” Nikkei Asia, 02/06/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

‘Nữ thần Dân chủ’ đã đến Nhật Bản dự kỷ niệm 35 năm sự kiện Thiên An Môn.

Năm 1905, Tokyo đã trở thành cái nôi của Cách mạng Tân Hợi, cuộc cách mạng lật đổ nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng ở Trung Quốc, và lập nên nước Trung Hoa Dân Quốc.

Gần 120 năm trôi qua, thủ đô của Nhật Bản một lần nữa nổi lên như căn cứ của một phong trào kêu gọi dân chủ tương tự cho Trung Quốc đại lục và Hong Kong, khi nhiều “chiến binh cách mạng” tương lai của Trung Quốc tập trung tại thành phố này.

Diễn biến đáng ngạc nhiên này đã xảy ra 35 năm sau vụ đàn áp đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn của chính phủ Trung Quốc đối với những sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ vào ngày 04/06/1989. Khi đó, vụ việc đã khiến quốc tế lên án và dẫn đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Theo thống kê của Nhật Bản, tính đến cuối năm 2023, có hơn 820.000 cư dân Trung Quốc đang sinh sống tại Nhật Bản, tăng 8% so với một năm trước đó. Con số này không bao gồm nhóm người Trung Quốc sống ở Nhật Bản nhưng thường xuyên đi nước ngoài.

Bài đang hot

Chiến lược quốc phòng ba mặt trận của Mỹ

Xu hướng này có thể phản ánh mức độ khó khăn của cuộc sống tại Trung Quốc, nơi có một xã hội bị giám sát đến mức cực đoan và nền kinh tế đang trì trệ. Xét đến hai khía cạnh này, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều công dân Trung Quốc ở Nhật Bản đang cố gắng xin thị thực quản lý kinh doanh và thị thực lao động tay nghề cao để có thể ở lại.

Nhiều người trong số những cư dân Trung Quốc ở Nhật Bản này đang mang theo một số tiền đáng kể và mua bất động sản, góp phần làm tăng giá trị bất động sản tại Nhật. Khác với ở Trung Quốc, nơi có thị trường bất động sản đang giảm phát, giá trị bất động sản mới của nhóm người di cư này có thể được bảo vệ tốt hơn ở Nhật Bản.

Trong số những người Trung Quốc di cư sang Nhật Bản có nhiều trí thức, nhà báo, và nhà quản lý doanh nghiệp nổi tiếng. Điều này rất đáng chú ý vì nó phản ánh hình mẫu từ gần 120 năm trước, khi Tokyo trở thành cái nôi của Cách mạng Tân Hợi năm 1911 của Trung Quốc.

Trung Quốc Cách mạng Đồng minh Hội, một hiệp hội chính trị thường được biết đến trong tiếng Anh là Chinese Alliance hoặc Chinese United League, đã được thành lập tại Tokyo vào ngày 20/08/1905.

Vào thời điểm đó, những nhân vật hàng đầu của Trung Quốc đang nuôi mộng cách mạng đã đến tập trung tại thủ đô Nhật Bản và bắt tay chuẩn bị cho một cuộc cách mạng thực sự, vì biết rằng họ nằm ngoài tầm đàn áp của nhà Thanh.

Chân dung Tôn Trung Sơn được chụp vào tháng 10/1915 tại Tokyo, nơi ông và những nhà cách mạng khác nằm ngoài tầm với của lực lượng nhà Thanh. © AFP/Jiji

Tại Nhật Bản, nhiều tổ chức cách mạng khác nhau – bao gồm Hưng Trung Hội (Revive China Society), được Tôn Trung Sơn, cha đẻ của Cách mạng Trung Quốc, thành lập ở Hawaii và Hoa Hưng Hội (China Revival Society), do Hoàng Hưng lãnh đạo – đã có thể hợp lực và thành lập Đồng minh Hội.

Người ta kể rằng trời đã mưa rất lớn khi sự kiện thành lập Đồng minh Hội được tổ chức tại một ngôi nhà theo phong cách phương Tây và thu hút hơn 100 người tham dự, bao gồm cả những người từ Trung Quốc. Ba giờ sau, Tôn Trung Sơn được bầu làm lãnh đạo của hội và một cương lĩnh sau này được biết đến với tên gọi Chủ nghĩa Tam Dân đã được thông qua.

Địa điểm tổ chức lễ thành lập nằm trong khu biệt thự của Kihachiro Okura, nhà sáng lập Okura Zaibatsu, một tập đoàn gia đình, và cũng là người đã hỗ trợ tài chính cho Tôn. Giờ đây, khu nhà này đã trở thành The Okura Tokyo, một khách sạn sang trọng, và trong khuôn viên khách sạn có một tượng đá được khánh thành vào năm 2019 để tưởng nhớ sự kiện năm 1905, trên tượng khắc dòng chữ “Cái nôi của Đồng minh Hội.”

Bức tượng đá được khánh thành vào năm 2019 trong khuôn viên của một khách sạn sang trọng ở Tokyo, trên có khắc dòng chữ “Cái nôi của Đồng minh Hội.” (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại không muốn nhắc đến việc Tokyo đã từng là căn cứ của cách mạng Trung Quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, người đồng thời là Tổng Bí thư đảng, ĐCSTQ nắm trong tay một chiếc rìu chính trị sẵn sàng nghiền nát cả lịch sử Cách mạng Cộng sản Trung Quốc năm 1949 và Đài Loan, hòn đảo tự trị tự xưng là Trung Hoa Dân Quốc.

Nhưng, hàng năm, một bức chân dung của Tôn, cha đẻ của Cách mạng Tân Hợi, vẫn được treo cùng với bức chân dung của Mao Trạch Đông, người sáng lập ra “một Trung Quốc mới,” Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 01/10, Ngày Quốc Khánh của Trung Quốc.

Cách tượng đài Tokyo khoảng 10 phút đi bộ, tại hội trường bên trong Văn phòng Nghị viên Thứ nhất của Hạ viện Nhật Bản, một sự kiện đã được tổ chức vào thứ Hai ngày 03/06/2024, trước lễ kỷ niệm 35 năm vụ đàn áp Thiên An Môn, để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ thảm sát năm 1989.

Lễ tưởng niệm Thiên An Môn diễn ra tại hội trường bên trong Văn phòng Nghị viên Thứ nhất của Hạ viện Nhật Bản ở Tokyo vào ngày 03/06. © Kyodo

Khoảng 160 người đã tham dự, trong đó có một nhóm cư dân Trung Quốc đang sống tại Nhật Bản – những người kêu gọi dân chủ hóa Trung Quốc, cũng như các thành viên của Tổ chức Ân xá Quốc tế Nhật Bản và các nghị sĩ Nhật Bản. Những ngọn nến sáng được xếp thành dãy số “8964,” có nghĩa là ngày 04/06/1989, ngày diễn ra cuộc đàn áp.

Buổi lễ đã được tổ chức cùng bức tượng Nữ thần Dân chủ “thứ ba,” dù chỉ là một bức tượng thu nhỏ.

Bức tượng Nữ thần Dân chủ đầu tiên đã được dựng lên bởi chính những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Bức tượng này sẽ không bao giờ được trưng bày lần nữa ở Trung Quốc vì nó đang bị giám sát nghiêm ngặt.

Bức tượng Nữ thần Dân chủ thứ hai được đặt trong khuôn viên Đại học Trung văn Hồng Kông để tưởng nhớ sự kiện diễn ra tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Bức tượng Nữ thần Dân chủ tại Hong Kong vào năm 2019, thời điểm xảy ra làn sóng biểu tình phản đối đạo luật cho phép dẫn độ về đại lục. © AFP/Jiji

Năm 2019, khi người dân tổ chức biểu tình rầm rộ ở Hong Kong, thuộc địa cũ của Anh và hiện là đặc khu hành chính của Trung Quốc, bức tượng Nữ thần Dân chủ đã được cho đội mũ bảo hiểm màu vàng, màu tượng trưng cho phong trào biểu tình.

Tuy nhiên, bức tượng ở Hong Kong bị dỡ bỏ đột ngột vào cuối năm 2021. Nó sẽ không bao giờ được phép xuất hiện trở lại ở Hong Kong, nơi luật an ninh quốc gia đã có hiệu lực vào tháng 6/2020 và một sắc lệnh an ninh quốc gia khác vừa có hiệu lực khoảng ba tháng trước.

Điều này giải thích tại sao bức tượng Nữ thần Dân chủ thứ ba lại xuất hiện ở Tokyo, nơi người dân Trung Quốc vẫn có thể tự do bày tỏ quan điểm của mình. Diễn biến này đã mở ra một trang mới trong lịch sử các phong trào dân chủ ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong.

Sự xuất hiện của tượng Nữ thần Dân chủ ở ba nơi đã gợi nhớ đến hành trình của chính Tôn Trung Sơn. Sau khi Khởi nghĩa Quảng Châu lần thứ nhất thất bại vào năm 1895, Tôn buộc phải sống lưu vong. Ông bị chính quyền nhà Thanh truy đuổi và bắt giữ ở London. Sau khi được trả tự do nhờ sự giúp đỡ của một trong những giáo viên cũ của mình, Tôn đã kiên trì tiếp tục các hoạt động cách mạng trong lúc tìm đường đến Nhật Bản, Singapore, Hà Nội, và khu vực ngày nay là Penang của Malaysia, cùng nhiều nơi khác.

Cuộc hành trình đầy gian khổ của ông đã báo trước hoàn cảnh hiện tại mà những người Trung Quốc ủng hộ dân chủ phải đối mặt. Ngày nay, ngay cả sinh viên Trung Quốc sống ở nước ngoài cũng chịu áp lực rất lớn từ chính phủ nước này. Nếu họ chỉ trích hoặc phủ nhận đảng – ngay cả trong khuôn khổ nghiên cứu học thuật – hoặc tham gia vào các cuộc tụ tập ủng hộ dân chủ ở nước chủ nhà, họ sẽ bị giám sát bằng cách này hay cách khác.

Cha mẹ của họ và những người khác vẫn còn ở Trung Quốc cũng sẽ bị chính phủ đàn áp dữ dội.

Nếu bạn so sánh con đường đến Tokyo của các bức tượng Nữ thần Dân chủ ngày nay với hành động của Tôn Trung Sơn vào cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, dẫn đến sự ra đời của Đồng minh Hội ở Tokyo, bạn có thể rút ra kết luận gì?

Dù “quả cầu pha lê” đặc biệt này không cung cấp một bức tranh rõ ràng về tương lai, nhưng có lẽ nó cho thấy rằng người Trung Quốc ở nước ngoài, các nhà đầu tư, và những người sở hữu thị thực hiện tập trung tại Nhật Bản đang thực hiện một số bước đi quan trọng.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Có thể bạn quan tâm:

  1. Đằng sau việc Trung Quốc tạm ngừng cấp thị thực cho người Nhật
  2. Vật thể bay ở Nhật năm 2020 là khí cầu gián điệp của Trung Quốc?
  3. Những đồn đoán xung quanh khả năng Zelenskyy gặp Tập Cận Bình
  4. Tại sao Trung Quốc đổi giọng điệu về quan hệ với Nhật Bản?
  5. Tập Cận Bình gây sóng gió khi nhắc đến Lưu Cầu Quốc
  6. Bào ngư Nhật Bản trở thành mục tiêu của chính trị Trung Quốc
  7. Tuyên truyền về Fukushima tác động tới người dân Trung Quốc như thế nào?
  8. Căng thẳng quan hệ Trung – Nhật nhìn từ ngành hải sản Hokkaido

Bình luận về bài viết này