Vì sao Việt Nam liên tục lên tiếng kêu gọi Mỹ gỡ bỏ cấm vận đối với Cuba?

VOA

13/06/2024

Tuyên bố ủng hộ Cuba của nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Cuba được Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam công bố ngày 10/6/2024.
Tuyên bố ủng hộ Cuba của nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Cuba được Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam công bố ngày 10/6/2024.

Tiếp nối Bộ Ngoại giao Việt Nam, các nhà lập pháp thuộc nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Cuba hôm 10/6 lên tiếng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bị cáo buộc tài trợ khủng bố và dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận đối với quốc đảo vùng Caribe.

Tuyên bố do Chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Cuba, ông Vũ Hải Hà, ký và được Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam đăng hôm 10/6 cũng kêu gọi cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba “trên cơ sở bình đẳng, có đi có lại, tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia và thể chế chính trị của mỗi bên”.

“Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Cuba chia sẻ và cảm thông sâu sắc với những khó khăn mà nhân dân Cuba phải gánh chịu do ảnh hưởng tiêu cực của chính sách bao vây, cấm vận kéo dài do Hoa Kỳ áp đặt hơn 60 năm qua”, tuyên bố của nhóm này nói và bày tỏ tin tưởng rằng “nhân dân Cuba sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức và luôn vững bước trên con đường đã chọn”.

Tuyên bố cũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp tích cực vào quá trình đối thoại, xây dựng lòng tin giữa Hoa Kỳ và Cuba nhằm cải thiện quan hệ hai nước.

Liên tục lên tiếng

Tuyên bố của nhóm nghị sĩ được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng kêu gọi Mỹ dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn với Cuba.

“Cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam kêu gọi Mỹ đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố và gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận chống Cuba”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói tại buổi họp báo ngày 6/6.

Trước đó, vào tháng 11/2023, trong cuộc họp tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, cũng lên tiếng phản đối lệnh cấm vận kinh tế, thương mại, tài chính đối với Cuba và cho rằng các biện pháp này vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại các tôn chỉ, nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, theo TTXVN.

Ông Giang nói Việt Nam chống lại mọi hình thức áp đặt đơn phương và cấm vận đối với quốc gia có chủ quyền và bày tỏ cảm thông với những khó khăn của Cuba.

Việc Việt Nam liên tục lên tiếng về vấn đề của Cuba, theo Tiến sĩ Andrew Wells-Dang, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Đông Nam Á thuộc Viện Hòa bình Mỹ (USIP), là không có gì đáng ngạc nhiên vì Việt Nam và Cuba vốn có quan hệ hữu nghị lâu năm và “Nó phù hợp với chính sách đối ngoại đa hướng của Việt Nam và sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến quan hệ Mỹ-Việt”.

Tuy nhiên, việc tập trung lên tiếng liên tục trong thời gian gần đây của Hà Nội, theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu khách mời của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, thì có một sự tính toán chiến lược về thời điểm.

“Khi đảng Dân chủ đang cầm quyền ở Mỹ thì có điều kiện tốt hơn để bình thường hóa quan hệ với Cuba và giải cấm vận”, TS. Hà Hoàng Hợp đưa ra nhận định với VOA.

Ông dẫn chứng từ thực tế trong quá khứ khi Tổng thống Obama trước khi rời nhiệm sở đã cho tái lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Cuba ở cấp đại sứ và có một số bước chuẩn bị để bỏ cấm vận. Tuy nhiên, khi Tổng thống Trump lên cầm quyền, mối quan hệ mới được tái lập này đã bị hủy bỏ và thậm chí Cuba còn bị Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ định Cuba là nhà nước tài trợ khủng bố ngay trước khi rời nhiệm sở, một động thái được cho là đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trên hòn đảo cũng như tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men.

Tuy nhiên, vào trung tuần tháng 5 vừa qua, Mỹ đã đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bị cáo buộc “không hợp tác đầy đủ” trong cuộc chiến chống khủng bố. Đây được xem là một động thái ôn hòa mang tính biểu tượng quan trọng của chính quyền Biden, vốn cho đến nay phần lớn vẫn duy trì các hạn chế từ thời của ông Trump đối với hòn đảo do Cộng sản lãnh đạo, theo Reuters.

“Việt Nam rất hy vọng rằng ông Joe Biden trước bầu cử sẽ thiết lập lại mối quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ giữa Mỹ và Cuba, còn chuyện để bỏ được cấm vận thì còn phải thong thả, nhưng tiền đề là tái lập lại mối quan hệ ngoại giao cấp đại sứ”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.

Đổi mới

Việt Nam và Cuba nằm trong số năm quốc gia do Cộng sản cai trị cuối cùng trên thế giới, cùng với Trung Quốc, Lào và Triều Tiên. Washington đã duy trì lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba kể từ đầu những năm 1960, lệnh cấm vận mà chính quyền ở Havana đổ lỗi là nguyên nhân của những vấn đề về kinh tế quốc gia.

Hoa Kỳ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam vào năm 1994, và mối quan hệ giữa hai cựu thù đã được nâng cấp lên mức cao nhất, đối tác chiến lược toàn diện, vào năm ngoái khi Tổng thống Biden đến thăm Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Thực tế khác biệt giữa hai quốc gia Cộng sản trong quan hệ với Mỹ đã được nhiều nhà nghiên cứu phân tích.

Nhà nghiên cứu Frederick Z. Brown, một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong một bài phân tích có tựa đề “Việt Nam, Cuba và ‘bình thường hoá’”, cho rằng “Cả hai nước đều được cai trị bởi hệ thống chính trị độc tài do đảng cộng sản kiểm soát. Trong hệ thống này, người ta hiểu rằng chủ nghĩa Mác đã bị phá sản và tương lai kinh tế của quốc gia nằm ở những thay đổi sâu sắc theo định hướng thị trường dẫn đến việc trở thành thành viên được hưởng lợi trong hệ thống thương mại toàn cầu. Nhưng làm thế nào để vừa thực hiện được điều đó mà vừa không mất đi sự kiểm soát về chính trị là một vấn đề nan giải”.

Một số nhà phân tích cho rằng Việt Nam cho tới nay đã khá thành công trong việc này, nhưng Cuba thì khác.

“Về chính trị, ở Cuba họ chấp nhận biểu tình, chấp nhận những tiếng nói phản biện. Họ chưa đến mức chấp nhận có nhiều hơn một đảng nhưng họ chấp nhận để cho những tổ chức xã hội mà là mầm mống rõ ràng của các tổ chức xã hội dân sự bắt đầu xuất hiện và hoạt động khá tích cực ở Cuba. Những điều vừa nói nó thể hiện chính quyền ở Cuba cởi mở hơn chính quyền ở Việt Nam bây giờ”, TS. Hà Hoàng Hợp nói với VOA.

Nhưng sở dĩ Cuba cho đến nay vẫn đang chống chọi với nền kinh tế lạc hậu, yếu kém và chưa hoà nhập với thương mại với toàn cầu là vì quá trình “đổi mới” về kinh tế của quốc gia này quá chậm chạp và không tương xứng so với những đổi mới về chính trị, vẫn theo TS. Hà Hoàng Hợp.

Nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng nếu Mỹ không bỏ lệnh cấm vận đã kéo dài hơn 60 năm thì sẽ không có cơ hội nào cho Cuba mở ra với thế giới bên ngoài hay để cải thiện quan hệ giữa Cuba với Mỹ và các nước khác, từ đó giúp Cuba tiến tới một xã hội cởi mở và dân chủ hơn.

Ông nói việc Việt Nam đề nghị Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba là dựa trên mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước và trên tinh thần Hiến chương LHQ, chứ không hoàn toàn do mối quan hệ giữa hai đảng Cộng sản.

“Quan hệ giữa Việt Nam – Cuba giờ không còn là quan hệ giữa hai đảng nữa, thực ra quan hệ giữa hai đảng bây giờ rất yếu vì đảng (Cộng sản) Cuba họ thay đổi nhiều lắm. Mặc dù bên đó họ vẫn giữ một đảng (cầm quyền) nhưng thay đổi rất nhiều, chỉ có chính quyền ở Cuba chưa có những đổi mới về kinh tế nên người dân Cuba vẫn rất nghèo”.

Hôm 7/6, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã gửi lời cảm ơn tới Bộ Ngoại giao Việt Nam vì những tuyên bố gần đây của Hà Nội kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba và phản đối việc đưa nước này vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố mà Cuba gọi là “danh sách bất hợp pháp”.

Ông Rodriguez cũng hoan nghênh quyết định của chính quyền Biden khi đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bị cáo buộc “không hợp tác đầy đủ” trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng cho rằng nó chưa đi đủ xa.

Bình luận về bài viết này