Sau drone, đến lượt robot xuất hiện trên chiến trường Ukraina

RFIThụy My

Đăng ngày: 13/06/2024 – 15:03

Le Figaro ngày 12/06/2024 cho biết trên chiến trường Ukraina, các robot sát thủ đã hiện diện. Sự xuất hiện của các cỗ máy trên không và trên đất liền, cùng với việc vận dụng trí thông minh nhân tạo nơi tiền tuyến, đang thay đổi sâu sắc cuộc chiến giữa Nga và Ukraina.

Một quân nhân Ukraina thuộc một đơn vị phòng không cơ động chống drone bên cạnh một đại bác phòng không ZU-23-2 đang canh chừng các drone tự sát của Nga tại Kherson, Ukraina, ngày 11/06/2024.
Một quân nhân Ukraina thuộc một đơn vị phòng không cơ động chống drone bên cạnh một đại bác phòng không ZU-23-2 đang canh chừng các drone tự sát của Nga tại Kherson, Ukraina, ngày 11/06/2024. REUTERS – Ivan Antypenko

Robot sát thủ : Vũ khí mới

Đặc phái viên Le Figaro nhận xét, có lẽ lịch sử sẽ ghi nhận một trong những trận đấu đầu tiên giữa các robot diễn ra tại Ukraina, gần Pokrovsk, vào một ngày tháng Ba năm nay. Vitaly, một chiến binh điều khiển drone của lữ đoàn 47 cơ giới kể lại, hôm đó drone thám thính nhận ra hai cỗ máy tự hành mang cờ Nga ở gần đơn vị, một vũ trang súng máy và một có súng phóng lựu Liên Xô. Đó là lần đầu tiên họ nhìn thấy robot tác chiến và chỉ vài phút sau, bốn drone tự sát đã biến hai robot địch thành đống sắt vụn bốc khói.

Dù chỉ mới là trường hợp cá biệt, sự kiện này báo trước một giai đoạn mới trong cuộc đua sáng tạo giữa quân đội Ukraina và Nga. Hai năm đầu chiến tranh được đánh dấu bằng sự xuất hiện các drone giá rẻ, thường do tình nguyện viên lắp ráp, dùng để giám sát cả ngày lẫn đêm và tấn công vào xe cộ, chiến lũy địch. Đôi bên không dừng lại ở đây.

Đầu tháng Ba, bộ trưởng Bộ chuyển đổi kỹ thuật số Ukraina loan báo muốn sản xuất số lượng lớn các cỗ máy trên bộ điều khiển từ xa. Ông Mykhailo Fedorov cho biết mục đích chính là giảm thiểu người trên tiền tuyến để bảo vệ mạng sống người lính. Lực lượng bộ binh Gonor từ hai tháng qua tập dượt sử dụng robot « Rys », trang bị camera, di chuyển với tốc độ 35 km/h, có thể điều khiển ở khoảng cách 1.500 mét. Rys được chế tạo để di tản thương binh về hậu cứ. 

Cuộc đua công nghệ để tiết kiệm mạng lính

Được gắn một « ShaBlya » (loại kiếm thời xưa của người cô-dắc) và một súng máy PKT loại 7,62 ly với 800 viên đạn, robot này cũng có thể yểm trợ tấn công hay phòng thủ. Cần có ba người lính : một để điều khiển robot, người thứ hai về súng máy và người thứ ba để hướng dân drone thám thính đi kèm. Sau nhiều tháng thử nghiệm, các robot này đang được triển khai tại nhiều đơn vị. Một số như Rys trang bị bánh xe, số khác dùng bánh xích. Oleksandr Yabchanka, chỉ huy đơn vị Gonor vốn là bác sĩ, đã bị thương ba lần, nói rằng cần biết sáng tạo để tiết kiệm sinh mạng.

Với hệ thống hồng ngoại và động cơ không gây tiếng ồn, các robot có thể lặng lẽ tiếp cận phòng tuyến địch. Một số ứng dụng khác cũng được hy vọng như tiếp tế cho tiền phương, gỡ mìn, tấn công tự sát…Cách đây hai năm, drone cũng bị coi như đồ chơi nhưng rồi đã thay đổi sâu sắc cách đánh. Cuộc cách mạng này chỉ mới bắt đầu. Hiện chỉ 10 % đến 20 % drone tự sát của Ukraina đánh trúng mục tiêu, do điều khiển sai, vật liệu không tốt, bị gây nhiễu hay khoảng cách với người sử dụng quá xa.

Yaroslav Azhnyuk khoảng 30 tuổi là người sáng lập start-up The Fourth Law, trước chiến tranh chuyên buôn bán thiết bị giám sát thú cưng. Anh cho biết đang phát triển một hệ thống giúp drone tự di chuyển đến mục tiêu trong 500 mét cuối cùng – giai đoạn nhạy cảm nhất vì tín hiệu bị yếu đi. Ở một khu rừng ngoại ô Kiev, một start-up khác trắc nghiệm thuật toán để phối hợp các nhóm từ 6 đến 8 drone nhằm xác định mục tiêu và oanh tạc.

Trong tương lai, Azhnyuk dự báo có thể có các súng máy tự hành hay drone chống drone để nhận ra các cỗ máy của địch trước khi bị tấn công. Vấn đề đạo đức cũng được đặt ra, tuy nhiên Yaroslav Azhnyuk chất vấn : « Hãy nhìn cách người Nga tiến hành chiến tranh từ hai năm qua, bạn có tin rằng họ sẽ tự đặt ra những giới hạn cho mình ? »

Bài học từ Ukraina để bảo vệ các cơ quan đầu não

Le Figaro cho biết các cuộc tập trận sắp tới của quân đội Pháp ở Rumani, sườn phía đông NATO, không chỉ liên quan đến các quân nhân trực tiếp tham gia mà cả những người chỉ huy ở phía sau. Chiến tranh ở Ukraina và Gaza đã làm đậm vai trò chiến lược của các sở chỉ huy, đã trở thành mục tiêu ưu tiên của hỏa tiễn tầm xa và các vũ khí mới như drone và tin tặc. Lữ đoàn thiết giáp số 7 sẽ trắc nghiệm các phương pháp mới, thích ứng với sự hỗn loạn của chiến tranh : liên lạc bị cắt đứt, chuyển tiếp sang một sở chỉ huy khác, cơ động…

Bộ Tổng tham mưu Pháp và đồng minh theo dõi sát cuộc chiến ở Ukraina. Để tránh bị Nga oanh kích, người Ukraina chứng tỏ rất sáng tạo. Họ sử dụng internet, ưu tiên cho linh hoạt và đơn giản hóa, hệ thống Starlink đóng vai trò quan trọng. Các ăng-ten Starlink dễ dàng di chuyển, có thể gắn vào xe cộ hạng nhẹ để phát wifi, khuếch tán bằng nhiều thiết bị. Để bảo đảm liên lạc sát tiền tuyến, Kiev sử dụng mạng truyền thống thậm chí cả thư trao tay. Người Ukraina chế ra các ứng dụng cần thiết cho máy tính cố định và máy tính bảng nhất để đánh giá tình hình chiến thuật, tính toán quỹ đạo hay xem trực tiếp các hình ảnh do drone thu thập.

Volodymyr Zelensky, nạn nhân đầu tiên của cực hữu và dân túy

Về chính trị tại Berlin, tổng thống Volodymyr Zelensky là người phải chịu đựng những hệ quả đầu tiên của việc cực hữu lên ngôi trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vừa qua. Hôm qua, trước Quốc hội Đức, tổng thống Ukraina nhấn mạnh : « Một châu Âu chia rẽ chưa bao giờ hòa bình, và một nước Đức chia rẽ chưa bao giờ hạnh phúc. Các bạn đã có kinh nghiệm về điều này. Thế nên chúng tôi kiên quyết làm mọi cách để ngăn trở sự hiện diện của một bức tường tại nhiều nơi trên đất nước chúng tôi ». 

Một bài diễn văn hết sức xúc động. Kẻ thù số một của Vladimir Putin phát biểu bên cạnh một vòng hoa mang màu cờ Ukraina, nhưng trước những dãy ghế vắng bóng các đại biểu cực hữu AfD và cực tả BSW, tương đương một phần tư Quốc hội. Hai đảng vừa được gia tăng ảnh hưởng trong cuộc bầu cử ngày 09/06 đã yêu cầu các thành viên không đến nghe bài diễn văn của ông Volodymyr Zelensky. 

Những thoi vàng và tuyên truyền thân Nga

Le Figaro cho biết, một trong những nhân vật của AfD tại Nghị Viện Châu Âu là Petr Bystron bị tư pháp Đức nghi ngờ làm việc cho Nga, cảnh sát tịch thu được những thoi vàng tại nhà riêng ông ta. Còn Sahra Wagenknecht, chủ tịch đảng BSW, thân Nga và chống nhập cư, chỉ trích việc chính phủ Đức chi viện vũ khí cho Ukraina. Việc tẩy chay này tất nhiên được Matxcơva rất hoan nghênh.

Trước đó, hai dân biểu Niels Schmidt của đảng SPD và Roderich Kiesewetter, đảng CDU đã cùng lên truyền hình để tố cáo hai đảng cực đoan trên « chỉ lặp lại tuyên truyền của Kremlin ». Dân biểu Michael Roth nhấn mạnh « từ chối tôn trọng một tổng thống dân cử chiến đấu cho tự do của đất nước mình » là « rất thảm hại ». Về phía ông Zelensky chỉ nhẹ nhàng nói trong cuộc họp báo : « Những khẩu hiệu cực đoan thân Nga là nguy hiểm cho đất nước các bạn. Còn với chúng tôi thì ít hơn, vì chúng tôi đang trong chiến tranh rồi ».

Tổng thống Volodymyr Zelensky đến Berlin dự hội nghị tái thiết Ukraina, và sẽ rời thủ đô nước Đức với lời hứa tài trợ nhiều tỉ euro. Một sự vắng mặt được Le Figaro và Les Echos cho là đáng tiếc : Mustafa Nayyem, giám đốc cơ quan quốc gia Ukraina về tái thiết và phát triển cơ sở hạ tầng, khuôn mặt của cách mạng Maidan đã từ chức hôm thứ Hai vì bất đồng.

Chính trường Pháp rối ren sau khi giải tán Quốc Hội

Việc giải tán Quốc hội và chiến dịch tranh cử chớp nhoáng đẩy nhanh sự kết hợp lại giữa các thế lực chính trị. Đảng cánh hữu Những người Cộng Hòa (LR) tự xâu xé, cực hữu tranh cãi, cánh tả liên kết nhưng không có chương trình. Thủ tướng Gabriel Attal sau bất ngờ ban đầu đã lao vào vận động, tổng thống Emmanuel Macron họp báo giải thích hôm nay…Đó là bức tranh toàn cảnh chính trường nước Pháp được các báo phân tích trên nhiều khía cạnh.

Sự kiện chủ tịch đảng Những người Cộng Hòa Éric Ciotti quyết định liên minh với cực hữu (RN) bị tất cả các báo chỉ trích, riêng nhật báo thiên tả Libération chạy tít trang nhất « Nhục nhã ». Hầu hết các khuôn mặt tên tuổi của đảng cánh hữu đòi hỏi ông Ciotti phải từ chức. Cho đến nay, nhiều nhân vật cánh hữu đã tham gia đảng cầm quyền của tổng thống Macron, nhưng không có ai bắt tay với cực hữu.

Le Monde cho rằng nguyên thủ Pháp bị yếu đi trên trường quốc tế. Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, ba vấn đề lớn cần được quan tâm : hỗ trợ Ukraina, nợ công của Pháp, thương lượng về phân bố các chức vụ quan trọng trong Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng tổng thống Emmanuel Macron lại quyết định « xóa bài » làm lại từ đầu.

La Croix mô tả sự hoang mang của cử tri cánh trung, Le Figaro đề cập đến những khó khăn sắp tới khi gấp rút tổ chức tranh cử vào lúc phải chuẩn bị cho Thế vận hội. Tờ báo đặt câu hỏi, liệu Macron sẽ là một David Cameron của Pháp, đánh cược về vị trí của đất nước ở châu Âu ? (Ông Cameron khi là thủ tướng Anh là người đã đề ra cuộc trưng cầu dân ý với kết quả là Anh quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu). Les Echos nói về những băn khoăn của giới kinh doanh trước tình hình đồng thời nhắc nhở « Nợ công, vòng bầu cử thứ ba đang rình rập nước Pháp ».

Hồng Kông : Hàng loạt thẩm phán từ chức

La Croix nhìn sang châu Á, cho biết hàng loạt thẩm phán người nước ngoài ở Hồng Kông đã từ chức. Người mới nhất, Lord Sumption của Tòa thượng thẩm Hồng Kông khẳng định sẽ không thực tế khi làm việc tại một lãnh thổ đang dần trở thành một « Nhà nước toàn trị ». Ông từ chức cùng ngày với Lord Collins vì không muốn làm con rối cho một chế độ không tôn trọng các quyền tự do. Sự kiện một tuần mất đi ba thẩm phán cho thấy viễn cảnh không mấy tốt đẹp, khi cách đây hai tuần 14 nhà đấu tranh dân chủ hàng đầu đã bị kết án nặng nề.

Theo thỏa thuận khi trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, tư pháp phải tiếp tục được độc lập. Do đó nhiều thẩm phán Anh, Úc, Canada làm việc tại các tòa án Hồng Kông nhằm hợp pháp hóa và bảo đảm cho sự độc lập này. Nhưng Hồng Kông trước đây là một cộng đồng năng động, đa nguyên, nay chịu áp lực của Bắc Kinh, và theo thẩm phán vừa từ chức Jonathan Sumption « Nhà nước pháp quyền đang gặp nguy hiểm ».

Hiện chỉ còn 7 thẩm phán thường trực người nước ngoài tại Tòa thượng thẩm Hồng Kông gồm 3 người Anh và 4 người Úc, những tháng tới họ sẽ phải xét xử những vụ rất nhạy cảm liên quan đến luật an ninh mới. Về phía chính quyền Hồng Kông hôm qua ra thông cáo tố cáo « sự phản bội » của ông Jonathan Sumption, và khẳng định luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh là cần thiết để « bảo đảm ổn định ».

Bình luận về bài viết này