Những kịch bản của cuộc bầu cử Quốc Hội tại Pháp

RFITrọng Thành

Đăng ngày: 12/06/2024 – 20:55

Chủ nhật 09/06/2024, ngay sau khi kết quả bầu cử Nghị Viện Châu Âu được công bố, với thất bại nặng nề đối với đảng cầm quyền tại Pháp, tổng thống Emmanuel Macron bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc Hội, cho tổ chức bầu cử trước thời hạn, vòng một vào ngày 30/06 và vòng hai ngày 07/07. Đối với đông đảo chính giới Pháp, và kể cả trong liên minh cầm quyền, quyết định của tổng thống gây sốc. Nhiều chính trị gia, nhà quan sát coi đây là một quyết định hết sức mạo hiểm, đẩy nước Pháp vào một tương lai bất định.

Activists and demonstrators take part in an 'antifascist rally' following the European election results, in Toulouse on June 10, 2024. President Emmanuel Macron said June 10, 2024 that he was confiden
Dân chúng đổ xuống đường ”chống phát xít” tại thành phố Toulouse, Pháp, sau khi tổng thống Macron bất ngờ thông báo quyết định giải tán Quốc Hội, tối ngày 10/06/2024. AFP – ED JONES

Nước Pháp đối mặt với những kịch bản nào sau cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn này ?

***

Nhiều chính trị gia, nhà quan sát ví quyết định của tổng thống Macron như một hành động ‘‘tự sát’’ đối với đảng cầm quyền, bởi cuộc bầu cử diễn ra đúng vào lúc đảng đối lập số một, Tập hợp Dân tộc – Rassemblement national – RN đang ở thế như diều gặp gió, với tỉ lệ cử tri ủng hộ lên đến từ 34 – 35%, theo một số thăm dò dư luận mới nhất, và vượt xa liên minh các đảng phái cánh tả và cực tả (25%).

Một số người dùng hình ảnh trò chơi đánh cược vô cùng may rủi được ăn cả ngã về không nổi tiếng với ‘‘khẩu súng lục ổ xoay trong có đạn’’ (có tên gọi ‘‘la roulette russe’’) để chỉ trích quyết định của tổng thống, không chỉ nguy hiểm cho đảng cầm quyền, mà cho cả nước Pháp. Kinh tế gia Alain Minc, một nhà tư vấn chính trị kỳ cựu cánh hữu, thậm chí khẳng định ổ xoay của khẩu súng lục may rủi mà ông Macron ngắm vào nước Pháp có đến 5 viên đạn và chỉ có một khoang rỗng, thay vì một viên đạn và 5 khoang còn lại là rỗng như ‘‘trò chơi’’ thông lệ.

PUBLICITÉ

Quyết định liều lĩnh, độc đoán hay điều không thể tránh khỏi ?

Trên thực tế, quyết định giải tán Quốc Hội để bầu lại tuy được tổng thống Macron đưa ra một cách hết sức bất ngờ, nhưng theo nhiều báo Pháp, từ tả sang hữu, quyết định này đã được ông Macron âm thầm chuẩn bị từ lâu. Viễn cảnh giải tán Quốc Hội, mà liên đảng cầm quyền ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc Hội mới (2022 – 2027) đã không có được đa số quá bán, chính là giải pháp mà nhiều đảng phái đối lập đòi hỏi, và đây là điều ám ảnh tổng thống trong suốt hai năm qua, kể từ khi ông tái đắc cử.

Đối với nhà báo chuyên về chính trị Pháp, Paul Quinio, của Libération thiên tả, và nhiều người khác, nếu như quyết định giải tán Quốc Hội có thể là cần thiết vào thời điểm này, theo thẩm định của tổng thống, nhưng việc ông Macron đột ngột đưa ra quyết định mà không hề tham vấn các đảng phái chính trị, trong vòng 24 giờ trước đó chẳng hạn, thực sự là điều đáng tiếc, cho dù tổng thống không bắt buộc phải làm như vậy.

Những kịch bản nào cho nước Pháp sau cuộc bầu cử Quốc Hội này là điều rất khó dự đoán. Có một điều chắc chắn đây là một trong những cuộc bỏ phiếu hệ trọng nhất của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp, thậm chí là ‘‘cuộc bầu cử quan trọng nhất’’, theo nhận định của bộ trưởng Kinh Tế của chính phủ mãn nhiệm Bruno Le Maire, ngay hôm sau quyết định của tổng thống. Chính trị gia Bruno Le Maire cảnh báo, nếu sau cuộc bầu cử này, mà không xuất hiện một ‘‘đa số rõ ràng’’ tại Quốc Hội, nước Pháp sẽ lâm vào tình trạng ‘‘khủng hoảng chế độ chính trị’’.

Ba kịch bản: Cực hữu thắng, phe Macron thắng hay tiếp tục ‘‘nguyên trạng’’ ?

Trong một bài phân tích về chủ đề này, báo L’Opinion theo xu thế trung hữu nhấn mạnh đến việc cuộc bầu cử này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng xã hội gia tăng, rất khó dự đoán về những gì sẽ diễn ra trong những ngày tới, bởi thời hạn tổ chức bầu cử sớm chỉ là 3 tuần lễ, điều chưa từng có dưới thời Đệ Ngũ Cộng Hòa, đang đặt tất cả các đảng phái trong tình trạng căng thẳng cao độ.

Dù sao báo L’Opinion cũng tạm vạch ra ba kịch bản chính. Kịch bản thứ nhất là đảng Tập hợp Dân tộc – RN giành được đa số quá bán. Nếu điều này xảy ra, đảng cực hữu sẽ có quyền lập chính phủ, và tổng thống Macron sẽ buộc phải chấp nhận bổ nhiệm một chính trị gia đối lập làm thủ tướng. Hoặc cũng có khả năng tổng thống sẽ từ chức.

Kịch bản thứ hai, đó là ‘‘giữ nguyên trạng’’. Cụ thể là cho dù đảng Tập Hợp Dân Tộc giành được thêm nhiều ghế, nhưng không đạt được đa số quá bán. Các đảng phái khác, từ đảng Phục Hưng của tổng thống, đến liên đảng cánh tả, đều không đạt được đa số quá bán. Theo kịch bản bản này, các đảng phái sẽ phải rất vất vả mới có thể thiết lập được liên minh. Và kịch bản thứ ba, kịch bản được cho là khó xảy ra nhất, là đảng Phục Hưng giành lại được đa số quá bán, và như vậy tổng thống Macron có thể tái khởi động lại phần còn lại 3 năm của nhiệm kỳ.

Cực hữu giành được Quốc Hội: Tổng thống chấp nhận ‘‘chung cư’’ với đối lập hay từ chức ?

Về kịch bản đảng Tập Hợp Dân tộc giành được đa số quá bán, nhật báo thiên hữu Le Figaro dẫn lại các nhận định của chuyên gia về Hiến pháp Dominique Changnollaud. Nếu như một số người đặt hy vọng vào viễn cảnh được coi là lạc quan với phe tổng thống, khi ông Macron sẽ tiếp tục duy trì được một phần quyền lực, trong trường hợp buộc phải ‘‘chung sống’’ (cohabitation) với đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc, chuyên gia Dominique Changnollaud nhấn mạnh là, nếu đảng RN giành được đa số tại Quốc Hội, lập được chính phủ, thì quyền hạn của tổng thống sẽ bị thu hẹp đáng kể, kể cả trong lĩnh vực ngoại giao, vốn được coi là đặc quyền của tổng thống. Vị chuyên gia luật này nhấn mạnh: ‘‘theo luật của nước Pháp, quyền lực trên thực tế về cơ bản nằm trong tay thủ tướng’’.

Nếu kịch bản đảng cực hữu giành được Quốc Hội trở thành hiện thực, đây sẽ là một thất bại đau đớn với tổng thống Macron, người thường tự khẳng định là ‘‘trường thành ngăn chặn cực hữu’’. Đây là một kịch bản được Le Figaro giải thích. Theo luật của nước Pháp, trong thời gian sau khi tổng thống từ nhiệm đến khi tổ chức bầu cử tổng thống mới, chủ tịch Thượng Viện Gérard Larcher (Những người Cộng Hòa – LR) sẽ đảm nhiệm cương vị quyền tổng thống. Quốc Hội vừa được bầu sẽ tiếp tục tồn tại. Tân tổng thống sẽ quyết định có giải tán Quốc Hội hay không sau một năm kể từ quyết định giải tán Quốc Hội đầu tháng 6/2024 của tổng thống Macron. Hiện tại, ông Macron bác bỏ hoàn toàn khả năng từ chức, kể cả khi đảng cực hữu giành chiến thắng.

Kịch bản nhiều xác suất nhất: Quốc Hội không có ‘‘đa số rõ ràng’’

Trong số tất cả các kịch bản nói trên, kịch bản trong Quốc Hội mới sẽ không có một ‘‘đa số rõ ràng’’, không quá bán là điều có nhiều khả năng xảy ra nhất. Đây là điều mà bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire khẳng định là có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng về chế độ chính trị tại Pháp. Trên tuần báo Le Point, chuyên gia Jean-Yves Dormagen, nhà sáng lập viện thăm dò dư luận Cluster 17, cũng coi đây là kịch bản có xác suất cao nhất, trong bối cảnh đảng cựu hữu đang lên mạnh nhưng không thể đạt được đa số quá bán, và các đảng truyền thống suy yếu, cả bên tả lẫn bên hữu, và ‘‘Mặt trận Cộng hòa’’, tức liên minh các đảng phái truyền thống chống lại phe cực hữu được coi là đã bị tê liệt.

Theo thăm dò dư luận của Elabe, cho BFMTV và La Tribune Dimanche, công bố ngày 12/06, đảng cực hữu có thể giành được từ 220 đến 270 ghế trong vòng hai bầu cử (trên tổng số 577). Liên minh các đảng cánh tả trong Mặt trận Bình dân (gồm đảng Xã Hội, đảng Nước Pháp Bất Khuất – LFI, đảng Xanh và đảng Cộng Sản), vừa quyết định cử ‘‘các ứng cử viên duy nhất’’ ra tranh cử, về thứ nhì với từ 150 đến 190 ghế. Liên đảng của tổng thống về thứ ba với 90 đến 130 ghế. Đảng cánh hữu LR được từ 30 đến 40 ghế.

Nguy cơ ‘‘khủng hoảng chế độ’’…

Theo chuyên gia viện thăm dò dư luận Cluster 17, rất nhiều khả năng Quốc Hội Pháp sẽ ở trong tình trạng rất phân tán, sẽ cần đến nhiều liên minh tạm thời mang tính tình huống, để có thể thông qua được một số đạo luật trong trường hợp cần thiết. Tuần báo Le Nouvel Obs có bài nhấn mạnh đến viễn cảnh ‘‘khủng hoảng chế độ’’, tức khủng hoảng của thể chế chính trị Pháp với nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. Đối với Le Nouvel Obs, cuộc bầu cử này là ‘‘giai đoạn chót’’ của một nước Pháp đang trên đường đi đến tình thế không còn có lực lượng chính trị nào hoặc liên minh nào có thể điều hành được đất nước một cách ổn định và lâu dài. 

Trong bối cảnh hiện nay, còn có một kịch bản thứ tư ít được nói đến hơn. Theo Le Figaro, ‘‘cánh cửa của phủ thủ tướng’’ Pháp cũng có thể mở ra với liên minh các đảng phái cánh tả dưới ngọn cờ ‘‘Mặt trận Bình dân’’. Tuy nhiên, theo giới quan sát, bốn đảng phái cánh tả và cực tả khó lòng đoàn kết một khi chính trị gia cực tả, thủ lĩnh đảng LFI Jean-Luc Mélenchon còn tiếp tục tìm cách duy trì phong cách ‘‘hành xử độc đoán’’, gieo rắc ‘‘xung đột’’ (France 24).

… và kịch bản thứ tư

Cho dù liên minh cánh tả không dành được đa số quá bán, theo nhiều nhà quan sát, đây là lực lượng chính trị có nhiều tiềm năng hơn cả trong việc ngăn chặn phe cực hữu lên nắm quyền. Theo nhà báo Jérôme Fenoglio, báo Le Monde (trong bài ‘‘Sau khi Quốc Hội giải tán : Ba tuần lễ để tránh điều tồi tệ nhất’’), chỉ có cánh tả mới có thể mang lại ‘‘các giải pháp thích hợp nhất’’ để đẩy lùi những nguyên nhân sâu xa dẫn đến ảnh hưởng cực hữu tăng mạnh (với chủ trương chuyển đổi sang nền kinh tế xanh một cách công bằng, giải quyết vấn đề các vùng ngoại ô nghèo khó, bị cô lập – các ‘‘ghettos urbains’’, bảo vệ các dịch vụ công, chống lại các xu thế quá đà của xã hội tiêu thụ).

Quyết định giải tán Quốc Hội bất ngờ gây sốc của tổng thống Macron phải chăng là một động lực quan trọng? Nhật báo Công Giáo La Croix nhấn mạnh, quyết định giải tán Quốc Hội của Macron như một lời kêu gọi khẩn thiết hướng đến mỗi người Pháp, trước hết là các cử tri vắng mặt, ‘‘hãy thoát khỏi cơn mê ngủ’’ để đối diện với thảm họa của chủ nghĩa dân tộc bài châu Âu, tức ý thức hệ cực hữu, ‘‘đang đe dọa đất nước’’.

Bình luận về bài viết này