Nguyễn Thông
29-2-2020
Cách nay 45 năm, 1975, cũng vào tháng 3, cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, chiến tranh ý thức hệ đi tới chặng chót, và kết thúc vào cuối tháng 4.

Nhưng… Vâng, xứ ta vẫn khác biệt. Ngạo nghễ. Tất cả những nước kia, kể cả Tàu cộng “anh em như môi với răng”, nó làm gì ta cũng bắt chước, thế nhưng đánh nhau xong là… xong. Không ngạo nghễ “thế ta là thế đứng trên đầu thù” nữa, buông súng là cho qua mọi giận hờn, khác biệt, cùng gác lại quá khứ, cùng sống với hiện tại, cùng nhìn về tương lai.
Không còn hơn thua, tôi thế này anh thế kia, tao thắng cái này mày thua cái nọ. Không khoét vào nỗi đau của nhau nữa. Không rầm rĩ hét hò say chiến thắng, cái sự say cuồng chẳng khác gì khoét sâu vào vết thương của kẻ khác, chẳng khác gì miệng thì bảo hòa giải hòa hợp, tay thì nắm chặt lưỡi lê thách mày cứ vào đây ông đâm lòi ruột mày.
Người ta cứ thường nói với nhau câu của ông nhà văn người Trung Á “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác”, ý rằng phải biết nhớ tới, tôn trọng quá khứ. Tôi thì tôi không thích câu đó, bản thân nó đòi bắn này bắn nọ là tôi không thích rồi. Đánh nhau giết nhau mãi chửa chán hay sao. Quá khứ, hãy để cho lịch sử quản lý. Nó là một phần của lịch sử, đừng mỗi năm lại lôi nó ra để khơi dậy hận thù, để tự sướng, đánh bóng cho mình. Không quên quá khứ, nhưng đừng đồng nhất nó với việc ca hát lau chùi vết máu của nó mỗi năm.
Cuộc thắng thua ở trên đời, khó tránh khỏi. Chỉ có điều, thắng chưa hẳn đã là kẻ anh hùng quân tử, chưa hẳn đã thoát khỏi tâm địa tiểu nhân.
Bao giờ tháng 3 và tháng 4 thoát được nạn ca hát, đỏ cờ, rầm rĩ cả trong đời lẫn trên tivi thì khi ấy xứ này mới thực sự yên hàn, gắn bó, hòa hợp, yêu thương nhau, xóa đi những cách biệt. Điều đó, người cộng sản không làm được. Nó sẽ được chứng minh trong tháng 3 và tháng 4 này.
Filed under: Tiếng Dân |
Trả lời